Nga đang hành động để khôi phục vai trò trên Đường Biển Bắc, do quan ngại Con đường tơ lụa mới của phương Tây ảnh hưởng đến vị thế địa - chính trị của nước này.
>> 'Đọ' dàn tàu ngầm của Trung, Nga, Nhật
>> Báo Nga: Nước Mỹ thất bại nhiều mặt
>> Bán Kilo cho Trung Quốc, Nga bán luôn... giấy phép
Khi Liên Xô tan rã, nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ trao đổi về việc xây dựng một phiên bản "Con đường tơ lụa mới", kết nối Trung Quốc với Châu Âu qua một vài quốc gia Trung Á và vùng Caucasus, nhằm chuyển hướng tập trung của các quốc gia này từ Moscow sang phương Tây. Một loạt những dự án được thực hiện cho thoả thuận này, bao gồm các đường cao tốc, đường ray và đường ống dẫn.
Cùng thời gian đó, một con đường khác nối châu Âu và châu Á cũng được khai thác, mang tên Đường Biển Bắc (Northern Sea Route). Các chuyên gia Nga cho rằng tuyến đường này hơn hẳn việc phát triển Con đường tơ lụa. Nó không chỉ đóng vai trò chủ đạo trong thương mại Đông - Tây, mà còn mang lại cho Liên Bang Nga vị thế ảnh hưởng lớn trong các cuộc giao thương.
Nga đã có lịch sử lâu dài khai thác vùng biển Bắc Cực phía Bắc lãnh thổ. Nhưng mãi về sau, họ mới độc quyền sử dụng tuyến đường này để tiếp tế cho các điểm dân cư dọc bờ biển và khai thác tài nguyên khoáng sản. Sự độc quyền này trong vài thập kỷ gần đây đã thay đổi, do sự ấm lên toàn cầu khiến lớp băng bao phủ Bắc Cực tan bớt, và cuộc cách mạng trong vận chuyển với việc sử dụng các container vận tải liên hợp, giúp chi phí vận chuyển đường biển thấp hơn nhiều so với các phương tiện khác.
Hai xu hướng này trở nên rõ rệt trong suốt những năm 1990 khi nước Nga và hạm đội phía Bắc rơi vào tình trạng lộn xộn do sự sụp đổ của Liên Xô. Tình trạng này mở đường cho các quốc gia khác tham gia vào vùng biển Bắc Cực, và nhiều người cho rằng Con đường tơ lụa vẫn là con đường hiệu quả nhất giữa Trung Quốc và Châu Âu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Maritime-executive.com |
Tuy nhiên mới đây, trong một bài phân tích trên Stoletie.ru, tác giả Aleksandr Pronin tuyên bố Nga đang hành động để khôi phục vị thế ở khu vực biển Bắc Cực, và đặc biệt là Đường Biển Bắc. Một nguyên nhân là do Nga muốn phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vực biển này, bao gồm gas và dầu. Nguyên nhân khác là mối quan ngại của Nga về những ảnh hưởng đến vị thế địa - chính trị do dự án Con đường tơ lụa gây ra.
Pronin lập luận, sau sự sụp đổ của Liên Xô, các tuyến đường biển phía Bắc đã trở nên quan trọng hơn với Nga, vì "phần lớn các cảng biển lớn ở phần châu Âu của Liên Xô cũ bây giờ là tài sản của Ukraine, Georgia và các quốc gia Baltic". Hơn nữa, giao thông đường sắt từ Nga sang châu Âu phải đi qua các quốc gia mới độc lập. Chỉ bằng đường biển Nga mới có thể không bị cản trở thương mại với các nước phương Tây.
Thật không may, thay vì bảo vệ lợi ích của Nga trong vấn đề này, năm 1987, tổng thống Mikhail Gorbachev lại tuyên bố "từ bây giờ, con đường biển phía Bắc [nên] hoàn toàn mở cửa cho vận chuyển quốc tế".
Tổng thống Nga Boris Yeltsin tiếp tục thực hiện chính sách mà Pronin mô tả là "thảm họa" - càng khiến vị thế của Nga giảm sút cùng với sự sụp đổ ảo của các hạm đội phía Bắc.
Vào cuối những năm 1990, số lượng tàu Nga đi dọc bờ biển Bắc Cực ít hơn số tàu Liên Xô đầu những năm 1930. Khảo sát tình trạng này tại thời điểm đó, người đứng đầu Uỷ ban Nhà nước Nga khu vực phía Bắc nói rằng "sự phục hồi của Đường Biển Bắc có ý nghĩa đáng kể đối với Nga, nhưng Liên bang Nga không có lợi thế để hỗ trợ con đường này".
Trong khi cư dân dọc đường biển phía Bắc của Nga phải đối mặt với khó khăn, việc xuất khẩu nguyên liệu thô đường biển từ phía Bắc của Nga cũng bị ngưng trệ, tạo điều kiện cho các quốc gia khác tận dụng lợi thế. Việc từ chối vận tải biển của Nga gây ra một hậu quả nghiêm trọng khác, theo Pronin: không có vận tải biển, Nga sẽ không có nhiên liệu cho các máy bay, dẫn đến dịch vụ bay nội địa của Nga lên miền Viễn Bắc sẽ phá sản.
Những cản trở này để lại rất nhiều hậu quả tiêu cực cho vị trí địa - chính trị của Nga. Song, Pronin dự đoán, gần đây đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu đã khôi phục lại căn cứ không quân ở miền Bắc, bao gồm tăng trọng tải của hạm đội, thiết lập các lữ đoàn Bắc Cực và tăng cường lực lượng cũng như trang thiết bị trên các đảo và tàu chiến tại khu vực này. Những động thái này có thể mang lại những hy vọng mới cho Liên Bang Nga.
Song, bước quan trọng nhất theo Pronin là việc soạn thảo một tài liệu bí mật về lợi ích quốc gia của Nga trên vùng Bắc Cực. Tài liệu này sẽ làm sáng tỏ rằng, việc bảo vệ quyền lợi của Nga tại đại dương phía Bắc không chỉ là vấn đề an ninh và lợi ích từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn là đối kháng lại tầm quan trọng của Con đường tơ lụa mà phương Tây đang đặt rất nhiều hy vọng.
Như Nguyệt (theo Eurasia Daily Monitor)