Việc Myanmar quyết định ngừng xây dựng đập thủy điện 3,6 tỉ USD do Trung Quốc là chủ đầu tư đã là câu trả lời rõ ràng cho nghi vấn làm "sân sau".

Sự kiện 8888 và 'vết nhọ' quốc gia

Mảnh đất màu mỡ cuối cùng của Châu Á

Chọn láng giềng hay phương Tây?

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu phần tiếp theo trong loạt bài của ông Chu Công Phùng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar.

Bài 1: Ba lãnh đạo khiến người dân ‘thù ghét’ ‘kính nể’ ‘ngỡ ngàng’

Bài 2: Để tránh vết xe đổ của những lãnh đạo trước

'Nelson Mandela thứ hai'

Trong năm 2013, thế giới vừa tiễn biệt Nelson Mandela, một trong những lãnh đạo vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Tinh thần của Mandela là: vượt qua thù hận, nỗi đau và quyền lực cá nhân; thật sự hòa giải dân tộc và xây dựng hòa bình.

Tinh thần và phẩm chất của Nelson Mandela đã và đang được thể hiện ở một nhân vật đặc biệt tại Myanmar, đó là bà Aung San Suu Kyi.

Suốt 20 năm kể từ năm 1990 đến 2010, bao gồm thời kỳ cầm quyền của tướng Saw Maung và tướng Than Shwe, vì là đối thủ chính trị lớn nhất của chính phủ quân sự, nên bà Aung San Suu Kyi chỉ được sống tự do trong thời gian rất ngắn sau mỗi lần được phóng thích. Thời gian còn lại lúc thì bà ngồi tù, lúc thì bị giam lỏng. Đảng NLD của bà nhiều lần bị chia rẽ, phân hóa, nhưng bà vẫn kiên trì đấu tranh với lý tưởng chính trị của mình là xây dựng một Liên bang Myanmar dân chủ và thịnh vượng.

Phương thức đấu tranh của bà Aung San Suu Kyi khác hẳn các đảng phái chính trị và các nhóm vũ trang ly khai khác trong lãnh thổ Myanmar. Bà không chủ trương đấu tranh vũ trang gây đổ máu cho dân chúng mà kiên trì đấu tranh chính trị, vận dụng các triết lý hòa bình, nhân đạo của đạo Phật để cảm hóa dân chúng và đối phương.

Sau khi được trả lại tự do và tham gia ứng cử trở thành Chủ tịch Ủy ban pháp chế của quốc hội mới, bà vẫn kiên trì lý tưởng và phương thức đấu tranh của mình, gạt bỏ thù hận cá nhân, vui vẻ nhận lời đối thoại xây dựng với Tổng thống Thein Sein và chính phủ mới.

Khi tiếp khách nước ngoài và trong các chuyến đi thăm nước ngoài gần đây, phát biểu của bà Aung San Suu Kyi luôn tràn đầy tinh thần yêu nước thương dân, thúc giục chính phủ Myanmar tiếp tục cải cách kinh tế, mở rộng dân chủ, sửa đổi Hiến pháp, đáp ứng yêu các cầu chính đáng của nhân dân; kêu gọi dân chúng đoàn kết, hành xử ôn hòa tuân thủ luật pháp, kêu gọi các nhóm vũ trang ly khai đàm phán ngừng bắn với chính phủ; kêu gọi Mỹ và Phương Tây căn cứ theo tiến độ dân chủ ở Myanmar để nới lỏng tiến tới chấm dứt bao vây cấm vận đối với Myanmar...

{keywords}

Aung San Suu Kyi trên bìa Tạp chí Time

Năm 2012, khi nhận trọng trách làm Chủ tịch Ủy ban điều tra và hòa giải cuộc xung đột kéo dài giữa dân chúng với cảnh sát tại một mỏ đồng do Trung Quốc đầu tư tại bang Sagaing, bà Aung San Suu Kyi nhanh chóng tìm ra nguồn gốc vấn đề, đưa ra giải pháp hợp tình hợp lý, hóa giải mâu thuẫn tiềm ẩn, đem lại đời sống hòa bình cho khu vực này.

Vai trò của bà Aung San Suu Kyi sẽ phát huy đến đâu? Liệu Myanmar có tái hiện "một Nelson Mandela thứ hai" không? Theo cá nhân tôi, câu hỏi này sẽ được giải đáp vào năm 2015 với 2 điều kiện: quốc hội Myanmar có chấp nhận sửa đối Hiến pháp để những công dân có thân nhân là người nước ngoài được quyền tham gia bầu cử và ứng cử quốc hội hay không?  Bà Aung San Suu Kyi đã đến tuổi 70 liệu có đủ sức khỏe và quyết tâm tranh cử chức vụ Tổng thống trong cuộc Tổng tuyển năm 2015 hay không? Đây vẫn đang là một ẩn số.

Myanmar sẽ 'làm gì' với Trung Quốc?

Myanmar trở thành Chủ tịch ASEAN trong năm 2014. Chúng ta đều biết, nhiệm vụ khó khăn nhất của nước Chủ tịch luân phiên ASEAN trong mấy năm gần đây là xử lý mâu thuẫn giữa ASEAN với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đưa ra các biện pháp hữu hiệu để thực hiện Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về ứng xử ở Biển Đông đã ký kết năm 2002 (DOC) mà Trung Quốc thường xuyên vi phạm; đồng thời thúc đẩy hai bên đàm phán tiến tới ký kết bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Những năm gần đây, các nước ASEAN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN là những nước có vùng biển và thềm lục địa bị Trung Quốc đơn phương đưa vào vùng biên giới "lưỡi bò" như Việt Nam, Philippine, Indonesia, Brunei...

Tuy nhiên, cá biệt có thành viên ASEAN vì lợi ích dân tộc của mình, bị Trung Quốc mua chuộc bằng các khoản viện trợ lớn không hoàn lại, đã đi ngược lại lập trường chung của ASEAN, lảng tránh để không đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung của ASEAN, để làm "quà" cám ơn viện trợ của Trung Quốc. Nhiều nước ASEAN đã phê phán gay gắt quốc gia thực dụng này, thậm chí có nước còn không hoan nghênh Đại sứ thường trú của quốc gia này tại thủ đô họ.

Vậy với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014, Myanmar sẽ hành xử như thế nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc vừa đơn phương ngang ngược và phi lý yêu cầu tầu cá các nước ASEAN phải xin phép Trung Quốc mới được đánh cá ở Biển Đông?

Trước năm 2010, có học giả quốc tế từng cho rằng, Myanmar là "cái bóng", là "sân sau" của Trung Quốc. Vị học giả quốc tế đó quên rằng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Myanmar, ngay từ  thế kỷ 13 nhân dân Miến Điện 3 lần kháng chiến đánh thắng 3 cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Nguyên Mông (năm 1277, 1297, 1301).

Sự kiện nổi bật trong 3 cuộc chiến tranh chống xâm lược đó là trước cuộc kháng chiến lần thứ hai, năm 1282 vua Naratgugapate của Miến Điện đã ra lệnh chém đầu toàn bộ đoàn sứ thần triều Nguyên do Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) cử đến kinh đô Bagan ngang ngược đòi triều đình Miến Điện phải cống nạp vua Nguyên. Trong thế kỷ 18, nhân dân Miến Điện còn 4 lần đánh tan 4 cuộc xâm lược của triều đại Nhà Thanh dưới đời vua Càn Long (năm 1765, 1766, 1767 và 1769).

Trong cuộc kháng chiến lần thứ tư, quân Thanh không chỉ bị quân đội Miến Điện đánh tan tác phải đầu hàng, mà còn tự nguyện chất đống đại bác, gươm giáo... đốt cho nóng chảy trước mặt quân Miến rồi lủi thủi về nước. Trên đường về nước, do không được quân đội Miến Điện bố thí dù một hạt gạo, quá nửa binh lính Thanh đã chết do đói khát, kiệt sức và bệnh tật.

Từ đó Nhà Thanh phải từ bỏ ý đồ xâm lược Miến Điện. Về phía Miến Điện, tuy đại tướng Maha Thihathura lập công lớn nhưng vì tội "tha bổng quân Thanh" nên đã bị vua Hsinbyushi ra lệnh đày lên vùng cao nguyên Shan, các chỉ huy khác thì bị phạt đứng phơi nắng ở cổng Tây cung điện suốt 3 ngày.

Trong 3 năm đổi mới vừa qua, Tổng thống Thein Sein và chính phủ Myanamr đã điều chỉnh rất linh hoạt và thành công mối quan hệ với các nước lớn và với các nước láng giềng, được nhân dân Myanmar và dư luận quốc tế đánh giá cao. Thiết nghĩ, việc chính phủ Myanmar quyết định ngừng xây dựng đập thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy bang Kachin trị giá 3,6 USD tỉ do Trung Quốc là chủ đầu tư hồi tháng 9/2011 đã là câu trả lời rõ ràng cho nghi vấn Myanmar có phải là cái "bóng" của Trung Quốc hay không.

Mấy năm gần đây trong các diễn đàn khu vực và liên khu vực, phát biểu của các quan chức Myanmar về vấn đề hợp tác khai thác sông Mê Kông, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và các vấn đề an ninh khu vực... đều thể hiện lập trường nhất quán của chính phủ Myanmar là tôn trọng lợi ích của các bên liên quan, tôn trọng lập trường chung của cộng đồng ASEAN, chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình...

Chu Công Phùng

Cùng chủ đề:

Aung San Suu Kyi có thể 'thay đổi toàn diện' Myanmar?

Theo Hiến pháp hiện hành của Myanmar, Aung San Suu Kyi "không thể" trở thành Tổng thống. "Tuy nhiên mọi việc đều có thể thay đổi".

Ai đánh thức 'người đẹp đang ngủ'?

Myanmar, quốc gia Đông Nam Á đang trong giai đoạn chuyển biến mạnh mẽ, như cách nói của một nhà báo bản xứ: chúng tôi đang ở trong một thời điểm lịch sử.

Cuộc chiến 'giá thành và nhân quyền' ở Châu Á

Một mặt các 'ông lớn' mang đến công việc cho người lao động Châu Á, mặt khác lại góp phần làm những vấn đề về quyền con người ở đây trở nên tồi tệ.

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam