"Có rất nhiều vấn đề và chính sách của Singapore đáng để học hỏi. Điều đó không có gì bàn cãi, nhưng làm được ở Việt Nam hay không còn có quá nhiều vấn đề" - Đại sứ Việt Nam tại Singapore Trần Hải Hậu chia sẻ.

LTS: Trong khuôn khổ chương trình 'Action for Earth' do Hemispheres Foundation tổ chức tại Singapore vừa qua, rất nhiều sáng kiến về môi trường đã được đưa ra.

Bà Ann Phua, Chủ tịch Hemispheres Foundation, cho rằng, kinh nghiệm của Singapore trong cải thiện môi trường sống là thay đổi nhận thức của người dân, cộng đồng, bởi một chính sách không thể đi vào thực tiễn nếu thiếu cộng tác của người dân."Nhiều thành phố Việt Nam có mức độ ô nhiễm không khí và nước thải nặng nề, nguyên nhân nhiều là từ phương tiện cá nhân, do đó chúng ta cần giáo dục giới trẻ hiểu biết tốt hơn về vấn đề này, bên cạnh những biện pháp của Chính phủ"

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Trần Hải Hậu cho biết Singapore và Việt Nam có rất nhiều chia sẻ - hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt vấn đề giáo dục và môi trường.

{keywords}
 

Đoàn sinh viên Việt Nam tại chương trình 'Action for Earth' tổ chức tại Singapore từ 15 - 19/1. Ảnh Hoàng Hường

Phóng viên Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với Đại sứ Trần Hải Hậu:

Shangrila và lòng tin chiến lược

Việt Nam - Singapore vừa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.  Đại sứ có thể khái quát một chút quan hệ hợp tác giữa hai nước?

Trong suốt 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore, năm 2013 được coi là đỉnh cao của quan hệ hợp tác - ngoại giao của hai nước. Về mặt chính trị, thủ tướng hai nước đều có chuyến thăm lẫn nhau. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang tham dự Diễn đàn Shangrila đã đưa ra thông điệp gây được sự thu hút đặc biệt của dư luận: xây dựng lòng tin chiến lược.

Đây là một thông điệp thể hiện sự trông đợi của Việt Nam với các nước thành viên trong khu vực, các nước lớn có liên quan đến khu vực; hướng đến xây dựng một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác.

Phát biểu của Thủ tướng đã tạo ra một sự chấn động. Thông điệp đã tạo ra chủ đề để các phái đoàn tham dự diễn đàn trao đổi, tranh luận.

Tháng 9/2013, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến thăm Việt Nam, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao.

{keywords}
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Trần Hải Hậu. Ảnh Hoàng Hường

Sẽ có một bệnh viện Singapore tại Hà Nội?

Nổi tiếng là một trong những đô thị kiểu mẫu về phát triển xanh, sạch, đẹp; thân thiện với môi trường, quốc đảo Singapore phát triển thế mạnh kinh tế biển. Việt Nam cũng có diện tích biển rộng, đường bờ biển dài. Chúng ta đã có những chương trình hợp tác, học hỏi nào để phát triển đô thị cũng như khu vực kinh tế biển không, thưa ông?

Singapore là quốc đảo có thế mạnh cảng biển. Dịch vụ cảng biển của Singapore năm ngoái được xếp là tốt nhất thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất chú trọng việc hợp tác phát triển dịch vụ cảng biển.

Quy hoạch đô thị và môi trường của Singapore không chỉ là hình mẫu cho Việt Nam học hỏi mà cho cả thế giới. Khẩu hiệu thường thấy ở Singapore là 'Hãy xây dựng đô thị của chúng ta thành thành phố trong vườn'.

Điều đầu tiên cần nói đó là tầm nhìn của các lãnh đạo Singapore từ rất sớm.

Tôi cũng nghĩ các lãnh đạo Việt Nam đều hiểu được nhu cầu và sự quan trọng của phát triển xanh, nhưng những thành phố lớn của ta hiện nay đã được xây dựng từ lâu, nhà cửa san sát, mặt bằng khó xử lý, là bài toán rất lớn.

Hiện vẫn chưa có chương trình hợp tác lớn nào giữa hai nước. Sứ quán Việt Nam ở Singapore cũng rất quan tâm đến công nghệ này, nhưng cái chính vẫn ở chỗ phía Việt Nam có sẵn sàng hay không. Hiện sứ quán đang hỗ trợ thành phố Hà Nội và Singapore hợp tác để đưa một dự án xây dựng bệnh viện tiêu chuẩn cao tại Hà Nôi.

Tôi được biết phía Thành uỷ Hà Nội rất sẵn lòng. Tôi cũng đã gặp lãnh đạo các bệnh viện mà người Việt Nam hay sang chữa bệnh để trao đổi, nhưng hiện nay có thể do xu hướng kinh tế chung của khu vực nên tiến độ hợp tác chưa tiển triển nhiều.

{keywords}

Bà Anna Phua (ngoài cùng, bên trái) cùng các sinh viên Việt Nam tại chương trình chương trình 'Action for Earth'. Ảnh: Hoàng Hường

Không có cơ hội cho lao động phổ thông Việt Nam

Cùng với Mỹ, Anh, Úc, Canada... Singapore đang là điểm du học hấp dẫn của sinh viên quốc tế. Theo ông đâu là điểm hấp dẫn, hoặc là sản phẩm giáo dục đặc biệt của quốc gia này?

Giáo dục Singapore đang là điểm thu hút quốc tế, vì nhiều lý do: bản thân Singapore không đủ giảng viên là người bản địa giảng dạy. Họ lựa chọn và mời những giảng viên quốc tế đến. Singapore đặc biệt trọng dụng nhân tài, biết đánh giá đúng giá trị và tạo ra giá trị.

Các giáo sư quốc tế mang lại đẳng cấp quốc tế cho giáo dục của Singapore. Đó là một trong những điểm thu hút của giáo dục ở quốc đảo này. Hiện Singapore đã có trường đại học lọt vào Top 25 và Top 50 trường tốt nhất thế giới. Một quốc đảo bé nhỏ có được danh tiếng như vậy là một thành tích thực sự đáng nể.

Hiện Singapore là điểm đến lý tưởng của sinh viên Châu Á, trong đó tất nhiên có sinh viên Việt Nam. Vì nhiều điều kiện cộng lại: khí hậu, cơ sở giáo dục, môi trường, điều kiện an ninh... Chất lượng giáo dục tốt. Ngoài ra, Singapore còn có những chương trình liên kết với các nước như Mỹ, Anh, Úc.. nên tính quốc tế cao, chất lượng giáo dục như ở phương Tây.

Việt Nam - Singapore đã ký kết chương trình hợp tác lao động nào chưa? Có cơ hội nào cho người Việt sang đây làm việc không, thưa ông?

Hiện nay giữa Việt Nam và Singapore vẫn chưa ký kết chương trình hợp tác lao động nào. Những người lao động ở lại làm việc là các sinh viên học ở Singapore đã tốt nghiệp đều phải đạt chuẩn lao động của Sing. Hiện Singapore đang cố gắng tối đa để giảm sự lệ thuộc lao động thấp vào người nước ngoài.

Trước đây, mức lương tối thiểu là 3.000 đô Sing được cho phép sử dụng lao động, thì hiện nay chủ lao động phải trả lương tối thiểu cao hơn; đồng nghĩa với việc đòi hỏi chất lượng lao động cao hơn, cơ hội cho người nước ngoài và lao động phổ thông thấp hơn. Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc Singapore: đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cơ cấu lao động.

Hiện nay những người nước ngoài, bao gồm người định cư lâu dài khá đông. Thêm nữa, quốc gia láng giềng Malaysia đã cung cấp quá nhiều nhân lực, mỗi ngày trung bình có 200.000 người Malaysia sang Singapore làm việc. Cơ hội cho lao động phổ thông Việt Nam không có.

Có rất nhiều vấn đề và chính sách của Singapore đáng để không chỉ Việt Nam mà thế giới học hỏi. Singapore đã thành công, điều đó không có gì bàn cãi, nhưng làm được ở Việt Nam hay không còn có quá nhiều vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hường 

Bà Ann Phua, Chủ tịch Hemispheres Foundation:

Tất cả mọi người đều có chung một thế giới. Điều kiện môi trường có thể khác nhau, chúng ta có thể có những mức sống khác nhau, điều kiện làm việc khác nhau hay phương tiện khác nhau. Nhưng chúng ta đều mong muốn có một môi trường tốt hơn; không gian trong lành hơn, môi trường tự nhiên gần gũi hơn.

Chúng ta đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng với môi trường tự nhiên cần được nhấn mạnh. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và nước thải không phải là việc của riêng lãnh đạo các chính phủ, các nhà nghiên cứu hay các nhà khoa học công nghệ; mà còn của cộng đồng, bắt đầu bằng những con người cụ thể, như các bạn trẻ ở đây.

Singapore là một trong những thành phố đông dân, được bao quanh bằng nước biển, chúng tôi ở trong tình trạng dễ tổn thương vì điều kiện môi trường khắc nghiệt, nhưng Singapore là một hình mẫu về thành phố xanh. Niềm tự hào của chúng tôi - Marina Barrage và hệ thống giao thông công cộng có sức bền cao. Đã có rất nhiều thành tựu được làm, nhưng đó không chỉ là kết quả của chính phủ, mà còn là nỗ lực của từng cá nhân.