Myanmar không bị phụ thuộc quá nhiều về mặt kinh tế với Trung Quốc, thậm chí Trung Quốc còn đang phải phụ thuộc vào Myanmar trong chính sách "những hòn ngọc trai trên biển", và đang nắm trong tay đường ống dẫn dầu từ Ấn Độ Dương vào Trung Quốc.

Trung Quốc điều chỉnh chiến lược tại Myanmar

Người Myanmar cư xử thế nào với TQ?

Mỹ sẽ can dự nhiều hơn các tranh chấp?

Vài năm trở lại đây, các phương tiên thông tin đại chúng của thế giới và Việt Nam liên tiếp loan báo nhiều thông tin về những thay đổi chóng mặt tại đất nước có chùa Vàng (Shwe Dagon) nổi tiếng này từ việc cải cách chính trị, tổ chức Seagame 27 và giờ là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014.

Hãy xem đây có phải là một nhiệm kỳ yên ả?

4 vấn đề nóng của 2014

Năm nay, tình hình biển Đông sẽ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó đoán, nổi bật là những vấn đề sau:

Thứ nhất, việc Trung Quốc đi đến lập thêm một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông như đã làm ở biển Hoa Đông là có thể xảy ra,  như  Trung Quốc ám chỉ là sẽ làm vào một thời điểm thích hợp.

Tình hình khu vực biển Hoa Đông và biển Đông có nhiều nét tương đồng: Trung Quốc đều có các tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước trong khu vực, đều tự nhận có lợi ích đối với khu vực cần được bảo vệ, trong khu vực đều có sự hiện diện của một đồng minh thân cận với Mỹ...

Tháng 5/2013, một bản dự thảo về thành lập vùng nhận diện phòng không trên biển Đông với quần đảo Hoàng Sa làm trung tâm đã được trình lên giới quân sự cấp cao Trung Quốc xem xét. Dù sẽ còn nhiều vấn đề, song nếu một vùng phòng không tương tự được lập ra trên biển Đông thì nó sẽ cùng với đường 9 đoạn của Trung Quốc trở thành phương tiện cho yêu sách chủ quyền sai trái.

Thứ hai, quá trình xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn còn nhiều trở ngại. Một trong số đó là việc Trung Quốc vẫn tỏ ra thiếu tính xây dựng đối với COC khi liên tục cho rằng xây dựng COC là vấn đề lâu dài, chỉ chấp nhận đàm phán song phương thay vì đa phương trong việc giải quyết tranh chấp. Một số chuyên gia cho rằng COC được soạn thảo hoàn chỉnh đồng nghĩa với việc "đường 9 đoạn" của Trung Quốc sẽ được chứng minh là hoàn toàn vô giá trị, điều Trung Quốc chắc chắn không hề muốn.

{keywords}
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hội đàm với người đồng cấp Myanmar Thein Sein 

Bên cạnh đó, dù khẳng định tuân thủ DOC và hướng tới COC thì những hành động của Trung Quốc thường không đúng như lời họ tuyên bố và vẫn là khó đoán trước. Ngoài ra, việc ASEAN cam kết thống nhất vẫn sẽ còn gặp phải một số khó khăn nhất định khiến cho việc hoàn chỉnh COC không được trôi chảy như dự kiến.

Thứ ba, tình hình khu vực sẽ còn tiếp tục căng thẳng do một số bên vẫn có những hành động khiêu khích gây hấn. Ví dụ như chỉ mới vào ngày 1/1/2014, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã áp đặt cái gọi là "vùng cấm tàu cá" lên vùng biển không thuộc chủ quyền của họ, yêu cầu tất cả các hoạt động của tàu nước khác trong khu vực phải khai báo và được sự cho phép từ Bắc Kinh.

Kinh nghiệm lịch sử nói gì?

Vào năm 2010 khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí chủ tịch ASEAN đã rất quyết đoán khi quốc tế hóa vấn đề Biển Đông bằng cách đưa vào các cuộc nghị sự giữa lãnh đạo ASEAN và các nước lớn, đặc biệt là trong Diễn đàn an ninh khu vực (ARF). Khi đó cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Cinton cũng đã tuyên bố "Mỹ có lợi ích về tự do hàng hải" tại Biển Đông, một tuyên bố chính thức đầu tiên của chính quyền Mỹ, mở đầu cho chính sách xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương.

Đến năm 2012, Campuchia trở thành Chủ tịch của ASEAN đã khiến cho bàn nghị sự "sôi động" một lần nữa, nhưng lần này là sôi động một cách tiêu cực: ASEAN không ra được tuyên bố chung về Biển Đông. Đây là một đòn phản công của Trung Quốc.

Chính đều này đã dấy lên một quan ngại khi Myanmar tiếp nhận ghế Chủ tịch ASEAN và Trung Quốc đã từng có thời gian có quan hệ thân thiết với nước này. Trong chuyến công du Trung Quốc năm 2011, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã công khai ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Khi đó các nhà phân tích đã lo ngại việc này có thể đe dọa sự thống nhất của cả khối ASEAN.

Tuy nhiên quan hệ của Myanmar với phương Tây gần đây đã chuyển biến tích cực hơn, kéo theo quan hệ với Trung Quốc có bước lùi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ít công du đến Myanmar hơn, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Myanmar giảm mạnh... Không chỉ vậy, quan hệ của Myanmar với Nhật Bản - một nước có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc - cũng được nâng cao.

Gần đây, vào tháng 5 năm 2013, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ gần 1 tỷ USD viện trợ phát triển và một kế hoạch thiết lập mạng lưới điện trên toàn Myanmar, động thái được cho là không chỉ để tìm vị trí trong hàng ngũ các quốc gia đầu tư vào Myanmar mới mở cửa mà còn nhằm tách Myanmar khỏi Trung Quốc.

Hơn thế, ASEAN được cho là đã trở lại với truyền thống đồng thuận từ khi Brunei thay thế Campuchia cho đến nay, nghĩa là chuyện chia rẽ nội bộ trong khối ASEAN khó có thể tái diễn.

Tại cuộc họp ASEAN ở Brunei về việc tiến tới Cộng đồng ASEAN 2015 (24-25/4), các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN đều bày tỏ lo ngại về "sự cố"  ở Campuchia một năm trước là một bước đi lùi, ảnh hưởng đến sự thống nhất của cả khối. Sau đó các bên đều nhất trí hàn gắn những chia rẽ, đặc biệt là trong vấn đề các tranh chấp biển Đông và đàm phán với Trung Quốc để xây dựng COC.

Xét cho cùng hiện nay Myanmar không bị phụ thuộc quá nhiều về mặt kinh tế với Trung Quốc, thậm chí Trung Quốc còn đang phải phụ thuộc vào Myanmar trong chính sách "những hòn ngọc trai trên biển", và đang nắm trong tay đường ống dẫn dầu từ Ấn Độ Dương vào Trung Quốc.

Tuy nhiên sẽ khó có thêm đột phá khi Myanmar hiểu rằng, mặc dù quan hệ với Trung Quốc đang dần lạnh nhạt, nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar vẫn còn rất lớn và việc chọc giận "gã hàng xóm ồn ào" không phải là một hành động thông minh.

Vì vậy, khả năng có thể xảy ra nhất trong nhiệm kỳ chủ tịch của Myanmar sẽ là một kịch bản "nguyên trạng" như nhiệm kỳ của Bruney khi không có những bước đi quyết đoán như Việt Nam năm 2010, hay có những hành động như từ năm 2012.

Myanmar sẽ vận dụng chính sách đối ngoại trung lập, tự chủ để giải quyết vấn đề biển Đông theo hướng không để nước lớn mất mặt, nhưng cũng sẽ không khiến ASEAN bị chia rẽ, căng thẳng.

Trong thời điểm nhạy cảm bởi các tranh chấp lãnh thổ trong năm 2013, một biển Đông "không cảm xúc" liệu là tốt cho tất cả? Trả lời cho câu hỏi này cần đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn, giữa cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và các vấn đề chính trị đối nội khác trong lòng các cường quốc.

Hà Long - Giang