Nước Mỹ sẽ đối phó với Trung Quốc thế nào vẫn là một câu hỏi lớn. Liệu Washington có tái thực hiện chính sách ngăn chặn như đã làm với Liên Xô?

>> Biển Đông 2014: Mỹ sẽ can dự nhiều hơn các tranh chấp?

>> Biển Đông 2014: Myanmar - Trung Quốc, ai phụ thuộc ai?

Tranh chấp biển Đông không phải chỉ đơn giản là sự tương tác giữa Trung Quốc, Việt Nam và các bên tranh chấp khác. Cũng không đơn giản là câu chuyện của ASEAN hay của Myanmar năm 2014. Tranh chấp biển Đông chính là một phần trong mối quan hệ lợi ích phức tạp giữa Mỹ - cường quốc truyền thống tại Châu Á - Thái Bình Dương, và Trung Quốc - một cường quốc đang nổi.

Mỹ - Trung và trật tự khu vực mới

Suốt từ Chiến tranh Lạnh cho tới nay, tại châu Á - Thái Bình Dương, nước Mỹ đã thiết lập tại khu vực một hệ thống đồng minh dàn trải từ Bắc chí Nam và hàng loạt quốc gia có quan hệ thân thiện. Mục đích là bao vây, cô lập Liên Xô và các nước XHCN khác trong một hệ thống liên hoàn các liên minh quân sự thân Mỹ.

Lịch sử của nước Mỹ từ khi tiến ra khỏi Tân Lục địa và "làm chủ" thế giới gắn liền với quá trình tìm cho mình một đối thủ, thông qua "cạnh tranh chiến lược" mà tiến lên. Trong suốt 10 năm, sau khi Liên Xô sụp đổ, còn Trung Quốc khôn khéo "ẩn mình chờ thời", Washington đã bối rối không phát hiện được bất cứ đối thủ xứng tầm nào.

Sự kiện 11/9 đã khiến nước Mỹ hồ hởi chuyển sự tập trung chiến lược của mình tới một đối thủ "không hình hài, thoắt ẩn thoắt hiện" là chủ nghĩa khủng bố. Các cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq đã khiến cường quốc hàng đầu thế giới này hao người tốn của, nội lực suy yếu.

Các đồng minh chiến lược của Washington tại Châu Á dần dần nhận thấy Mỹ không còn coi trọng Châu Á - Thái Bình Dương như trước đây. Khoảng trống quyền lực lớn đã dọn đường cho sự trỗi dậy mạnh mẽ, không giấu giếm của Trung Quốc.

Theo nhiều chuyên gia, một khi Washington nhận ra sự phát triển quá nhanh của Bắc Kinh - cả về kinh tế và quân sự - là mối đe dọa thật sự đến vị thế cường quốc số 1 của mình tại Châu Á - Thái Bình Dương, xung đột nóng là điều không thể tránh khỏi.

{keywords}

Tranh chấp biển Đông chính là một phần trong mối quan hệ lợi ích phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh minh họa

Thế cờ nhỏ trong một bàn cờ lớn

Một xu hướng rõ rệt là từ khủng hoảng tài chính năm 2008 tới nay, Bắc Kinh đang dần dần khỏa lấp ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Washington đã đổ không biết bao nhiêu nguồn lực tài chính, và cả con người vào các cuộc chiến hao người tốn của tại Trung Đông mà không mang lại nhiều kết quả khả quan.

Khủng hoảng tài chính vẫn còn phủ bóng đen lên nền kinh tế Mỹ. Cùng với đó, những bất đồng nghiêm trọng giữa hai đảng chính trị lớn nhất nước Mỹ về ngân sách và trần nợ khiến uy tín và vị thế của nước Mỹ giảm sút nghiêm trọng tại châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nước Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Barrack Obama đã tìm được mục tiêu mới, và cả đối thủ mới. Chính sách tái cân bằng, hay còn được gọi là xoay trục, hướng về châu Á - Thái Bình Dương cho thấy rõ hai điểm trong nhận thức của giới lãnh đạo Mỹ. Thứ nhất, Washington cần một khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động để phục hồi và phát triển nền kinh tế sau khủng hoảng. Và thứ hai là đối đầu với một Trung Quốc đang lên, đối thủ thực sự mà Mỹ vẫn tìm kiếm bấy lâu nay.

Nước Mỹ sẽ đối phó với Trung Quốc thế nào vẫn là một câu hỏi lớn. Liệu Washington có tái thực hiện chính sách ngăn chặn như đã làm với Liên Xô? Nhiều nhà quan sát gần đây cho rằng cốt lõi của chiến lược xoay trục chính là xây dựng một trục liên minh nhằm bao vây Trung Quốc, với việc một loạt các nước ASEAN trong tranh chấp biển Đông dần dần tìm kiếm sự cân bằng chiến lược trong mối quan hệ với nước Mỹ.

Hiện tại, giới quan sát đã nhận biết được một số mặt trận chính trong đối đấu Trung - Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Thứ nhất là các tranh chấp lãnh hải tại khu vực, mà nổi bật là tranh chấp tại Hoa Đông và tại biển Đông. Thứ hai là mặt trận kinh tế, khi cả Mỹ - thông qua TPP và Trung Quốc, thông qua các hiệp định thương mại và nguồn lực kinh tế khổng lồ, đều muốn thiết lập ảnh hưởng lớn nhất có thể.

Thế nhưng, mối quan hệ Trung - Mỹ không chỉ đơn giản như quan hệ Xô - Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Toàn cầu hóa đã khiến lợi ích của cả hai cường quốc đan xen vào nhau rất chặt chẽ. Xung đột nổ ra sẽ gây tổn hại không chỉ cho Trung Quốc với tư cách là cường quốc đang lên, mà còn cho cả Mỹ.

Mơ hồ chiến lược?

Đặt tranh chấp biển Đông vào bàn cờ lớn hơn để hiểu được rằng, lợi ích của Mỹ không chỉ gói gọn trong một khu vực biển Đông nhỏ hẹp. Tình hình tranh chấp năm 2014 sẽ vẫn tiếp tục căng thẳng như trong 5 năm trở lại đây, với việc có thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Đông.

Cho dù là "đòn gió" hay là gì chăng nữa, đây cũng là một bước đi đầy tính toán của Bắc Kinh trong bối cảnh TPP đang gặp một số khó khăn tại cửa ải Thượng viện Mỹ. Sự chần chừ và có phần "phòng thủ" hay còn gọi là sự "mơ hồ chiến lược" của Washington trong suốt những năm vừa qua đã giúp cho Bắc Kinh tự tin hơn trong các hành động tại biển Đông.

Nói một cách thẳng thắn, Mỹ sẽ không bao giờ can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp tại biển Đông, trừ phi lợi ích của bản thân cường quốc này bị đe dọa. Các chiến lược mà Trung Quốc thực hiện trong suốt thời gian vừa qua như "cải bắp", phô trương lực lượng hay tấn công tàu cá của các nước khác vẫn sẽ được tận dụng nhằm liên tục khẳng định chủ quyền của nước này tại các khu vực tranh chấp. Lý do để Trung Quốc không dám mạo hiểm quá nhiều tại biển Đông, như đã đề cập, là do nước này cần phải tính toán ở những nước cờ nhỏ khác trên khắp bàn cờ Châu Á - Thái Bình Dương.

ADIZ tại biển Đông chắc chắn sẽ là một trong những "nước cờ" quyết định tới tranh chấp nhưng là bước đi rất mạo hiểm của Trung Quốc, khi mà căng thẳng ADIZ tại Hoa Đông chưa được giải quyết thấu đáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh ASEAN vẫn chưa thống nhất, và Mỹ vẫn còn ngập ngừng lưỡng lự, không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra.

Lúc này thì ưu tiên quốc nội của các cường quốc nhiều khả năng sẽ đóng vai trò then chốt.

Nguyễn Thế Phương

(Còn nữa)