Bộ máy công quyền cần người có thực tài, có đạo đức, chứ không phải những công chức năng lực kém, nhưng lại dựa được cái bóng "con cháu các cụ".
Hầu hết quan chức đã thề không tham nhũng
Không ít công chức "chuyên môn hạn chế, mưu kế vô biên"
Xung quanh dự thảo Nghị định tinh giản biên chế đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến còn nhiều vấn đề cần bàn về tính hiệu quả. Bên cạnh đó, làm rõ khái niệm "tinh giản" cũng là việc cần thiết.
Có "tinh", có "giản" thật không?
Suốt trong 5 năm qua, tính từ 2007-2012, theo con số của Bộ Nội vụ, cả nước có 67.389 công chức trong diện tinh giản biên chế, nhưng có tới 90,5% (khoảng 61.018 người) nghỉ hưu trước tuổi.
Trong một số liệu thống kê khác, trong 3 năm (2010-2012), số cán bộ công chức nghỉ theo chế độ chính sách là 28.132. Tuy nhiên số người được tuyển mới là 69.851, nghĩa là không giảm mà tăng 20%.
Tính đến năm 2013 chúng ta có tới 2,8 triệu công chức. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2001 - 2012, chi tiêu cho hệ thống công quyền, trả lương cho công chức Việt Nam đã ngốn 55,37% tổng chi tiêu của cả quốc gia!
Vậy mà theo đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đội ngũ công chức cồng kềnh đó, có tới khoảng 30%, tương đương với 840.000 người, thuộc diện "sáng cắp ô đi, tối cắp về", nghĩa là cho nghỉ làm cũng không ảnh hưởng gì.
Con số tinh giản mà Bộ Nội vụ đưa ra trong dự thảo lần này là 100.000 biên chế, nghĩa là khoảng 12% số công chức "vô tích sự" cần tinh giản kia. Chúng ta có thể lạc quan rằng như vậy bộ máy sẽ đỡ "nặng", song thực tế không hẳn vậy.
Cụ thể, theo dự thảo việc tinh giản 100.000 công chức, viên chức sẽ được thực hiện trong vòng 6 năm (2014 - 2020), nghĩa là trung bình mỗi năm giảm hơn 16.000 người. Trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Làm phép toán chia nhỏ nữa cho 64 tỉnh thành và các cơ quan công quyền cấp Trung ương, thì số tinh giản chẳng là bao.
Đối tượng của dự thảo đa số là sắp đến tuổi nghỉ hưu, nên tinh giản biên chế thực chất là không có tác dụng. Chưa kể, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện dự thảo là khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó, mỗi người bị nghỉ hưu trước tuổi sẽ được nhận được khoảng 75 triệu, mỗi người bị thôi việc là khoảng 90 triệu.
Ảnh minh họa |
Hiểu đúng tinh giản
Lâu nay, khi nói đến "tinh giản" chúng ta thường nghĩ đơn giản là chuyện thải hồi, cho nghỉ việc hay chuyển vị trí công tác một số người. Cũng vì vậy, tinh giản thế nào cũng chưa giải quyết được chuyện "thừa" và "thiếu" nhân sự ở các cơ quan công quyền, không thực hiện được "đổi mới bộ máy hành chính" như mục tiêu của nhiều kỳ họp Quốc hội đề ra.
"Tinh giản" nên được hiểu toàn diện là bộ máy công quyền phải thật hợp lý, khoa học, vận hành không lãng phí từ thời gian, tiền bạc, sức người và đạt hiệu quả cao nhất.
"Tinh giản" còn là sắp xếp các vị trí nhân sự - công chức đúng khả năng, phát huy tối đa năng lực, sức lao động, sáng tạo trong công việc của họ.
"Tinh giản" còn là áp dụng những công nghệ khoa học tiên tiến, hiện đại để giảm thiểu triệt để những việc thừa, người thừa, để việc quản lý điều hành khoa học và tối giản. Nhờ đó, bộ máy công quyền chỉ cần ít người, nhưng khối công việc quản lý lớn, vận hành luôn đồng bộ, và gần như không bao giờ có sự chồng chéo.
Trong "tinh giản" còn phải đặt tinh thần "Dĩ công vi thượng" làm đầu, chứ không phải tính toán vì lợi ích, đặc quyền, đặc lợi riêng. Chẳng hạn, việc lấy lý do số lượng công việc cần quản lý tăng để tăng thêm nhiều cơ quan, công chức mà có cũng như không khiến bộ máy thêm cồng kềnh.
"Tinh giản", suy cho cùng là để hướng tới một bộ máy công quyền gọn nhẹ, chất lượng cao, nhân sự chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, có tâm có tầm, kết hợp khoa học công nghệ cao để vận hành và điều hành hiệu quả nhất, tiết kiệm công quỹ nhất.
Bộ máy công quyền cần có sự minh bạch trong nhân sự, cần người có thực tài, có đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng làm "công bộc" cho dân, vì cái chung của nhân dân, của quốc gia. Chứ không phải những người có gốc "4C, 5C" mà năng lực kém hay những người dùng tiền để mua lấy "tấm áo" công quyền để phủ lên bản thân.
Nếu được như thế, việc cương quyết sa thải những công chức "không hoàn thành nhiệm vụ" mới thật sự có ý nghĩa, và tinh giản mới thực chất.
Minh Châu