Năng lực yếu kém khiến cho cán bộ không thể tiếp cận các kiến thức công nghệ thông tin.

Ai cần kiểu công chức 'con cháu các cụ'

"Sếp" nghiêm, cấp dưới đố dám làm sai

Không ít công chức "chuyên môn hạn chế, mưu kế vô biên"

Sa thải "công chức cắp ô" đi đâu?

Trước tiên, cần nói rằng, nếu tinh giản biên chế chỉ là nhằm giảm bớt số người một cách cơ học thì tác động mang lại sẽ chưa thực sự sâu sắc. Muốn tinh giản hiệu quả, theo tôi, cần tập trung xử lý một số vướng mắc mấu chốt sau đây:

Thứ nhất: Quá nhiều đơn vị hành chính, sự nghiệp

Làm một phép so sánh. Trung Quốc, nước láng giềng cạnh chúng ta, có khoảng 1,4 tỷ người, diện tích khoảng 10 triệu km2. Nước ta có 90 triệu dân, diện tích khoảng 320 nghìn km2. Trung Quốc gấp chúng ta khoảng 30 lần về diện tích và 15 lần về dân số nhưng Trung Quốc chỉ có 33 tỉnh và thành phố, riêng tỉnh Quảng Đông đã có tới 104 triệu người. Việt Nam chúng ta có 63 tỉnh và thành phố, gần gấp đôi Trung Quốc.

Lấy ví dụ, VN có ba tỉnh ở đồng bằng là Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên diện tích chưa đến 1.000 km2, chỉ cần một giờ xe chạy có thể đi từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh. Ngay tại Hà Nội, từ hai huyện Gia Lâm và Từ Liêm nay đã thành bốn đơn vị hành chính. Kéo theo đó, đương nhiên không chỉ số lượng viên chức, công chức tăng gấp đôi mà còn các yêu cầu về trụ sở, trang thiết bị...

Như vậy, việc chia tách, thành lập thêm các đơn vị hành chính có phải nhằm mục đích tăng hiệu quả của công tác quản lý hay còn nhằm tuyển dụng thêm cán bộ?

Về tổ chức bộ máy nhà nước, báo cáo của Ban Nội chính TƯ ngày 23/9/2013 chỉ rõ: "việc sáp nhập một số bộ nhưng lại thành lập nhiều tổng cục và cục thuộc bộ đã dẫn đến tình trạng tăng biên chế trong cả hệ thống chính trị" [1].

{keywords}
Tinh giản không chỉ là giảm người. Ảnh minh họa

Thứ hai: Nhiều đầu mối "ăn theo"

Dự thảo mới chỉ xác định đối tượng giảm là con người, như thế là chưa đủ. Năm 2010 Bộ Thông tin và truyền thông công bố: "Số liệu thống kê máy tính và sử dụng Internet ở các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện" [2].

Thống kê cho thấy số lượng cán bộ, nhân viên tại các văn phòng Huyện ủy và khối đoàn thể (như huyện đoàn, Hội phụ nữ, Hội nông dân...) là 43.751 người gấp 2,66 lần số người làm việc trong văn phòng HĐND và UBNN (16.420 người). Cần chú ý rằng đây chỉ là số liệu cấp huyện, còn cấp xã và tỉnh chưa được công bố.

Ở các nước phương Tây, các tổ chức đoàn thể đều hoạt động bằng kinh phí tự túc hoặc tự quyên góp, không được dùng thuế của dân cho các tổ chức này. Nếu chúng ta chưa làm được như nước ngoài thì bước đầu là hãy giảm bớt đầu mối, hãy tổ chức một đơn vị chuyên trách mảng các tổ chức đoàn thể. Nếu lực lượng "ăn theo" này nhiều bằng đội ngũ chuyên viên và giả thiết lương bình quân mỗi người là 5 triệu một tháng, thì riêng với cấp huyện mỗi năm đã tiết kiệm được khoảng 1.640 tỷ.

Thứ ba: Năng lực cán bộ

Báo cáo của Ban Nội Chính TƯ cũng cho thấy tính đến hết tháng 12/2012, cả nước có hơn 63.000 cán bộ, công chức chưa qua đào tạo. Tỷ lệ có trình độ cao chủ yếu tập trung ở Trung ương và các tỉnh, thành phố lớn. Số người có trình độ đại học trở lên ở cấp phường, xã là 53.974 người chỉ chiếm 24,8%.

Năng lực yếu kém khiến cho cán bộ không thể tiếp cận các kiến thức công nghệ thông tin. Trong đa số các trường hợp, máy tính chỉ thay thế chức năng máy chữ, hệ quả là cần quá nhiều người để giải quyết một công việc.

Đơn cử việc phát tiền trợ cấp thâm niên theo quyết định 52/2013/QĐ-TTg của Chính phủ, sau khi nộp hồ sơ, giáo viên phải chờ một tháng rưỡi mới có quyết định phê duyệt của thành phố (Hà Nội), Bảo hiểm huyện duyệt lần thứ hai, phụ trách tài vụ duyệt lần thứ ba, cuối cùng mới đến thủ quỹ phát tiền. Vì sao phải qua mấy lần duyệt như vậy? Do sợ trách nhiệm hay do các quy định mang tên "hành chính?".

Thứ tư: Giảm ai, ai giảm?

Ngày nay không còn chuyện "hy sinh đời bố, củng cố đời con" mà là "bố còn ngồi trên, con lên càng dễ". Một khi sự chuyển giao thế hệ đã được tính toán bài bản, kỹ lường như vậy thì ai sẽ bị tinh giản đầu tiên? Dựa vào việc bình bầu đánh giá một, hai năm không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản có chắc là công bằng và trung thực? Chẳng ai dại gì bỏ phiếu cho con, em, cháu của "sếp" là không hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng "Rất khó trù dập, bè phái" trong đợt tinh giản này. Nếu làm được như thế thì thật quá đáng mừng!

Cách tốt nhất là tổ chức thi sát hạch trình độ chuyên môn, cũng giống như Bộ Nội Vụ đã tổ chức nhiều kỳ thi nâng bậc lên chuyên viên chính, ai không đạt thì nằm trong diện tinh giản bất kể độ tuổi nào.

Cần tổ chức ngay việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của Luật công chức, viên chức. Chỉ có làm như thế thì những công chức trẻ mới chịu khó đầu tư vào chuyên môn và không còn chuyện sống lâu lên lão làng. Tất nhiên là với điều kiện các kỳ thi đó phải được tổ chức công bằng, minh bạch, cách xa địa bàn và "tầm che phủ" của các "ô dù".

Làm được như thế thì không cần tinh giản, không cần tốn 8.000 tỷ mà ngân sách còn lợi được nhiều nghìn tỷ nữa. Điều quan trọng hơn là người dân sẽ không còn "mặc cảm" khi nhắc đến hai chữ "hành chính".

TS. Dương Xuân Thành

----

Các trang tham khảo chính:

- [1] Noichinh.vn: Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, 23/09/2013.

- [2] Thongke2010.mic.gov.vn