Chuyến thăm châu Á của ngoại trưởng Mỹ John Kerry làm vòng đàm phán Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) nóng trở lại.

Mỹ chỉ ra tay khi 'răn đe' TQ không thành?

Biển Đông 2014: TQ gây hấn, Mỹ dè chừng?

Mỹ sẽ đối phó TQ như với Liên Xô?

Người đứng đầu Bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố tại Jarkarta rằng sự ổn định của châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào thành công trong việc đạt được Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) hay không. Thêm lần nữa, một quan chức cấp cao của Mỹ lại nói về COC như một cách thức để vượt qua những hạn chế của chính sách tái cân bằng.

Hai hạn chế lớn

Đông Nam Á hiện nay trở thành trọng tâm chính trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Việc đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ với ASEAN chứng tỏ việc Mỹ đang tiến hành một cơ cấu an ninh khu vực sâu rộng hơn của châu Á.

Sự quay trở lại này, khiến ai cũng đều hiểu rằng chiến lược tái cân bằng của Mỹ chủ yếu là một phản ứng lại sự tự tin, sức mạnh và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, tại khu vực mà Mỹ đánh giá là có tầm quan trọng chiến lược. Tuy nhiên chính sách "tái cân bằng" đang gặp phải hai hạn chế lớn nhất, đều bắt nguồn từ sự lo lắng về kinh tế và "niềm tin" chiến lược của các nước ASEAN:

Đầu tiên, xét về mặt kinh tế, hiện "sức khỏe nền kinh tế" của các nước ASEAN phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách của ASEAN phải xem xét một cách thận trọng trong bối cảnh Mỹ "trở lại".

Ngoài ra, xét về mặt niềm tin, tính ổn định, lâu dài về vai trò của Mỹ tại châu Á cũng khiến các nước ASEAN đặt lên bàn cân. Họ nhận ra rằng khi Mỹ giảm bớt các lực lượng của mình ở châu Âu và rút khỏi Afghanistan, lẽ tự nhiên châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành điểm bảo vệ quốc phòng chủ yếu của Mỹ.

Nhưng họ cũng hiểu, cam kết lâu dài trong khu vực của chính quyền Obama có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình tài chính và những thay đổi của chính quyền. Sự lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở, khi việc chính phủ Mỹ đóng cửa 16 ngày vào cuối năm 2013, khiến Mỹ hoàn toàn im hơi lặng tiếng trong các vấn đề an ninh của khu vực trong thời gian đó.

{keywords}
Chuyến thăm châu Á của ông John Kerry làm vấn đề COC nóng trở lại. Ảnh: AP

COC và chiến lược "tái cân bằng"

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung ngày 17/2/2014 với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, ông Kerry yêu cầu Jakarta tập trung đẩy mạnh tiến độ hướng đến việc đạt được một thỏa thuận về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC): "Không phải là quá cường điệu, khi nói rằng tình hình ổn định trong tương lai của khu vực sẽ phụ thuộc một phần vào sự hoàn tất kịp thời một bộ quy tắc ứng xử (trên biển Đông)... Tiến trình hoàn tất càng kéo dài, tình trạng căng thẳng càng thêm sôi sục và nguy cơ một ai đó tính toán sai lầm gây nên xung đột càng lớn".

Sau gần 5 năm chuyển hướng chiến lược (từ năm 2009), dường như chính quyền Mỹ đã dần hiểu ra tầm quan trọng của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với kế hoạch của họ. Nếu COC thành công, chắc chắn đây sẽ là bước tiến vượt bậc của Mỹ trong việc cam kết trở lại khu vực.

Thứ nhất, COC sẽ gián tiếp giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc qua ASEAN. Mục đích quay trở lại châu Á của Mỹ không nằm ngoài việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Việc hình thành COC, một bước đi mang tính pháp lý nhằm "trói buộc" các bên liên quan phải hành xử theo đúng luật pháp quốc tế và những gì được thỏa thuận, đây chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khó lòng có thể đẩy mạnh những hoạt động quyết đoán trên biển của họ. Đặc biệt, tầm quan trọng của COC lại càng được nâng cao trong bối cảnh liệu Trung Quốc thành lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông hay không.

Việc ổn định tình hình Biển Đông của ASEAN thông qua COC, với chiến lược kiềm chế Trung Quốc trong chính sách "tái cân bằng" của  Mỹ đang được "gặp gỡ" tại một giao điểm chung và có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Thứ hai, COC sẽ giúp Mỹ tạo được niềm tin chiến lược với ASEAN. Chính sách của các nước ASEAN đối với Mỹ hiện nay gần như chỉ mang tính chất bề mặt, thiếu chiều sâu. Vì họ thừa hiểu các nước lớn sẽ sẵn sàng trao đổi, hi sinh các nước nhỏ để đạt được mục đích chiến lược mà họ đề ra. Đây chính là bức tường thép ngăn cản việc thực chiến lược của Mỹ ở Châu Á.

Vì vậy, đã đến lúc Mỹ cần phải thể hiện cam kết của họ một cách mạnh mẽ hơn nữa. Một mặt, Mỹ cần thể hiện vai trò siêu cường của mình, gia tăng áp lực với Trung Quốc giải quyết tranh chấp trên biển với các quốc gia Đông Nam Á dựa trên nguyên tắc pháp lý quốc tế, thay vì thông qua đàm phán song phương như Bắc Kinh vẫn chủ trương.

Mặt khác, sau sự cố đóng cửa chính phủ, Mỹ cần phải tăng cường sự hiện diện một cách tích cực, thiện chí và chân thành hơn nữa tại Đông Nam Á, cả về quân sự, chính trị, tới kinh tế.

Thứ ba, COC sẽ giúp Mỹ trấn an những đồng minh trong khu vực. Sau sự kiện Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không ADIZ, người ta đang dần nghi ngờ sức mạnh của Mỹ, khi không thể gây áp lực nhằm giúp đồng minh thân cận của họ ở Đông Bắc Á là Nhật Bản. Tương tự như vậy đối với việc Trung Quốc cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough của đồng minh Philippines ở Đông Nam Á.

Tất cả những điều đó khiến các tuyên bố hay việc làm hiếm hoi của Mỹ chỉ là xáo rỗng, thiếu tính thực tế. Chỉ khi COC ở Biển Đông được thiết lập, Mỹ mới thực sự trở thành người đồng hành vững chắc, đáng tin cậy với các nước đồng minh của họ.

Không những vậy, thiết lập COC ở Biển Đông, trong đó Mỹ đóng vai trò thúc đẩy, cân bằng, khuyến khích các bên, chắc chắn sẽ góp phần giúp Mỹ hồi phục uy tín, vị thế quốc tế đang phải chịu một số tổn thất.

Hà Long