-"Bản thân chính trị là đẹp, là chân chính; giống như chữ Dân chủ, Tự do, Lãng mạn... vô cùng tuyệt vời", đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ.

LTS: Vào những năm máy bay Mỹ rải bom khắp miền Bắc, đạo diễn Trần Văn Thủy - khi đó được phân công vào tuyến lửa Khu 5 làm phim tài liệu, ghi lại cảnh chiến trường. Sống sót từ bom đạn, đói và sốt rét, ông được cử đi học tại Nga. Trở về nước, ông "báo cáo kết quả học tập" bằng "Phản Bội", bộ phim về chiến tranh biên giới 1979 được giải Vàng sau đó.

Nhưng đó vẫn chưa phải là phần đời thăng trầm nhất của Trần Văn Thủy. Phải đến lúc ông làm hai bộ phim "Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" - như ông nói - thì lúc đó những vấn đề ông nêu ra mới chạm vào dây thần kinh của xã hội. Khi đó, ông bắt đầu sống trong những tháng ngày vừa căng thẳng và vinh quang...  Một mặt, ông giành nhiều giải thưởng danh giá. Mặt khác, cũng bị dập vùi. Tất cả đều do quan điểm, góc nhìn, thái độ của xã hội - như ông chia sẻ.

Những trải nghiệm đó mới được ông chia sẻ gần đây trong cuốn "Chuyện nghề của Thủy", cuốn sách trở thành hiện tượng trong năm 2013, hiện đã được tái bản và dịch sang nhiều thứ tiếng.

Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Văn Thủy.

{keywords}

Đạo diễn Trần Văn Thủy. Ảnh Hoàng Hường

Chữ chính trị bị oan nhiều quá

Xem "Hà Nội trong mắt ai" giữa lúc bộ phim đang nổi sóng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thốt lên: "chỉ có thế thôi à?". Sau gần 30 năm nhìn lại, ông có thể đưa ra một lý giải thuyết phục nhất về sự "nổi tiếng" của bộ phim?

Như tôi từng đôi lần tâm sự với các bạn báo chí, cũng như từng đề cập đến trong cuốn Chuyện nghề của Thủy. Bộ phim gây tiếng vang không phải vì nó hay, cũng không phải vì đạo diễn Trần Văn Thủy, mà bởi vì những người cầm cân nảy mực lúc ấy làm to chuyện.

Một lần tôi nói chuyện với các đạo diễn Mỹ trong một hội thảo ở New York: "Ở nước Mỹ, các ông phải bỏ ra cả đống tiền quảng cáo để phim được chú ý, còn ở chỗ tôi, chỉ mong bộ phim được xem xét kỹ lưỡng.. hoặc bộ phim được khoác thêm những câu chuyện to lớn. Ví dụ: ông đạo diễn Trần Văn Thủy bị lên án, ông Thủy bị theo dõi, đằng sau ông Thủy là những thế lực... là lập tức phim lẫn tác giả được nổi tiếng.

{keywords}

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ tư từ trái sang) trò chuyện với đạo diễn Trần Văn Thủy (thứ ba từ trái sang) và các văn nghệ sĩ vào ngày 7-10-1987 - Ảnh tư liệu

So với thời điểm ông thực hiện bộ phim đó, Hà Nội trong mắt ông bây giờ như thế nào?

Từ thời điểm Hà Nội trong mắt ai đến nay là 30 năm.

Phải ghi nhận rằng trong 30 năm qua có rất nhiều sự thay đổi: cảnh quan, đời sống, dân trí, báo chí,... đó là hiển nhiên. Nhưng một  số vấn đề khác, như thái độ, góc nhìn, cách trị nước yên dân, thì cần phải suy nghĩ nhiều.

Tôi xin đơn cử một vấn đề được lật lên lật xuống quá nhiều: cải cách giáo dục. Trên các diễn đàn, những người có chức quyền thường nói cần sự thay đổi 'toàn diện và triệt để', nhưng sự thay đổi căn bản, tận gốc thì dường như chưa xảy ra.

Trong nhiều bộ phim và những phát biểu của tôi cũng đã đề cập nhiều: tôi cho rằng với cách làm này, chúng ta chưa thực sự thay đổi.

Nhân đây tôi muốn bàn rộng thêm: trước nay hai từ chính trị bị cảm nhận sai quá. Bản thân chính trị là đẹp, là chân chính; giống như chữ Dân chủ, Tự do, Lãng mạn.. vô cùng tuyệt vời.

Thế hệ trẻ bây giờ không biết, nhưng những người cùng thế hệ tôi đều có những trải nghiệm về sự lãng mạn: mơ mộng, yêu thơ, yêu nhạc chút là bị nhận xét "cậu/cô đó lãng mạn lắm"; ưu tư một tý cũng "thằng đó lãng mạn lắm"..

Thử hình dung không có những giây phút lãng mạn, tâm hồn và khát vọng của con người bị chìm đắm thế nào? Thế mà có một thời, lãng mạn bị coi là điều gì đó đáng lên án, đáng phê phán. May thay điều đó đã thay đổi.

{keywords}

Bìa cuốn Chuyện nghề của Thủy


Chữ "Chính trị" cũng thế,  do những quan điểm và góc nhìn khác nhau nên một thời đã bị hiểu theo cách người ta muốn. Người không thích thì bảo chính trị là con bạch tuộc, bởi nó đi vào từng ngõ ngách cuộc sống. Nhưng người yêu, trân trọng lại cho rằng chính trị là vẻ đẹp, là giá trị đáng kính trọng. Bây giờ vẫn có những cách nói: cuốn sách, bộ phim, vở diễn... đó chính trị lắm, gã đó chính trị lắm, chuyện đó chính trị lắm...

Hãy nhìn những bậc tiên liệt, như vua Trần Thánh Tông chẳng hạn, không biết có bao giờ ông nói đến chữ chính trị. Nhưng sau khi ba lần chiến thắng Nguyên - Mông, có người dâng lên một danh sách những người làm nội ứng cho ngoại bang, cần nghiêm trị.

Vua nói: vì hòa bình của muôn dân, vì hạnh phúc của muôn nhà, cái danh sách đó phải bị đốt đi. Đó chính là chính trị. Cùng với chính danh, chính nghĩa, chính đáng... Ngược lại với "tà".

(Còn nữa)

Hoàng Hường (Thực hiện)

Phần 2: 'Các ông đổ lỗi cho chính quyền nhiều quá!'

Sau này tôi cũng đã điều chỉnh suy nghĩ. Tôi cho rằng những lầm lẫn trong xã hội, nếu có, có lẽ trách nhiệm ở chính người dân chúng ta, chiếm 51%.

Cùng tác giả:


>> Vì sao VN tránh được bi kịch thánh chiến?

>> Một mặt trái trong tính cách người Việt

>> 'Đúng quy trình' là cách rũ bỏ trách nhiệm

>>Đừng để truyền thông 'lề trái' giễu 'lề phải'

>> Sẽ không còn nhục hình như 'vụ Nguyễn Thanh Chấn'?

>> Có sự cố, chỉ ngay kẻ phải "giơ đầu" chịu