Một nhà phân tích cho rằng: "Đây là thời điểm tất cả những vấn đề Ukraina che giấu bị phơi bày".

Ukraina: Tên đất nước là 'điềm báo' bi kịch?

Chính biến Ukraina: Chưa thể nói ai thắng

Chính phủ mới của Ukraina có thể sẽ phải nếm trái đắng nếu không giải quyết thỏa đáng những thách thức kinh tế, chính trị và xã hội trong thời gian tới.

Khi sự đối đầu giữa chính quyền Yanukovich và phe đối lập qua đi, Ukraina dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới chắp vá đang phải đối mặt với những khó khăn nội tại nghiêm trọng.

Ngày 27/2 đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử hơn 20 năm của Ukraina khi một Chính phủ mới do ông Arseniy Yatsenyu làm Thủ tướng được thành lập.

Trước đó, vào ngày 23/2, Tổng thống Yanukovic bị lật đổ, thay thế bởi ông Alexander Turchinov, người từng là cánh tay phải của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko được bầu làm Tổng thống tạm thời.

Chính quyền mới tại Ukraina trong thời gian sắp tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, mà nếu không xử lý được, thì kết quả sẽ giống như phong trào Mùa xuân Ả-Rập. Nghĩa là, sau khi lật đổ chính quyền Tổng thống Yanukovich, thay vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, đất nước chỉ chìm sâu thêm vào bất ổn và khủng hoảng.

{keywords}

Thủ đô Kiev chìm trong hỗn loạn. Ảnh: Thetimes.co.uk

Thách thức đầu tiên là vấn đề xây dựng bộ máy lãnh đạo đất nước. Trong cuộc bầu cử diễn ra vào 25/5 sắp tới, dư luận đề cập nhiều tới khả năng bà Tymoshenko sẽ trở thành tân Tổng thống. Tuy nhiên, cho đến nay "nữ hoàng tóc tết" vẫn chưa tuyên bố tham gia tranh cử.

Trái ngược với Tymoshenko, cựu vô địch quyền anh thế giới Vitali Kitschko không giấu giếm ý định ra tranh cử. Mặc dù có lợi thế vì không giống các nhân vật chính trị khác tại Ukraina thường bị nghi ngờ làm giàu từ ngân sách nhà nước, Kitschko lại gặp hạn chế là ít kinh nghiệm hoạt động chính trị.

Một nhân vật khác được cho rằng cũng sẽ ra tranh cử là ông Oleh Tyanybok - lãnh đạo đảng Svoboda. Ông này đã giành được 11% số phiếu trong cuộc bầu cử gần đây nhất, tuy nhiên sự ủng hộ dành cho ông đã sụt giảm, dù đảng Svoboda đóng vai trò tuyến đầu trong các cuộc đụng độ với cảnh sát thời gian qua.

Những ứng cử viên tiềm năng cho chức Tổng thống Ukraina hiện nay đều đang có những hạn chế nhất định. Bà Tymoshenko bị đánh giá là thành tích cầm quyền nghèo nàn. Kitschko bị giới cấp tiến, nắm vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng, đánh giá là thiếu kinh nghiệm chính trường. Còn đảng Svoboda của ông Tyanybok bị coi là đảng Phát xít tại các vùng phía Đông của Ukraina. Với thực tế như vậy, bất kỳ ứng cử viên nào giành chiến thắng cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc thống nhất các lực lượng trong xã hội và ổn định tình hình.

Thách thức nặng nề thứ hai đối với Ukraina là kinh tế. Hiện nay, Ukraina đang cần những khoản hỗ trợ trong một vài tuần tới để thanh toán tiền lương, tiền hưu trí và những khoản nợ quốc tế đáo hạn. Theo giới phân tích, Ukraina cần khoảng 20-25 tỷ USD trong năm 2014 và 2015. Lilit Gevorgyan - nhà phân tích thuộc tổ chức HIS Global Insight tại London cho rằng "đây là thời điểm tất cả những vấn đề Ukraina che giấu bị phơi bày".

Để cứu vãn tình hình, Ukraina có thể nhận được các khoản hỗ trợ của IMF, tuy nhiên, sẽ phải chấp nhận những điều kiện cải cách mà Tổng thống Yanukovich từng từ chối là xóa bỏ chương trình hỗ  trợ giá khí đốt và tăng thuế mua hàng. Do đó, trong trước mắt, Chính phủ mới thành lập của ông Arseniy Yatsenyu sẽ phải hướng tới những khoản viện trợ của EU hoặc Mỹ.

Cao ủy phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton cho biết, EU và các nước thành viên sẵn sàng hỗ trợ Ukraina cho đến khi chính phủ mới của nước này có thể đàm phán các gói hỗ trợ chính thức với IMF. Bên cạnh đó, gói cứu trợ 15 tỷ mà Nga cam kết cho chính quyền Yanukovich cũng cần tính tới. Cho tới nay Nga đã giải ngân 3 tỷ USD và 2 tỷ USD đã sẵn sàng cho đợt tiếp theo, song Kremlin muốn biết đối tác Ukraina mà nước này sẽ hợp tác là ai.

Có thể nói, kinh tế Ukraina đang đứng bên bờ vực sụp đổ với ngân khố trống rỗng, hệ thống ngân hàng lung lay và giá trị đồng nội tệ đã trượt mạnh tới 18% - mức kỷ lục so với đồng USD. Chỉ có những khoản hỗ trợ từ bên ngoài mới có thể cứu vãn tình hình, song chúng luôn có điều kiện đi kèm. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là chính phủ mới sẽ làm thế nào để đáp ứng được điều kiện của tất cả các bên cho vay?

Thách thức thứ ba là khả năng bị chia cắt. Trên thực tế, một đường biên vô hình đang tồn tại ở Ukraina giữa phía Tây hướng tới các nước Tây Âu với phía Đông có ngành khai khoáng, luyện kim phát triển hướng về phía Nga.

Ngoài hai phần chính này còn có thêm bán đảo Crimea với đa số người dân Nga mang hai quốc tịch Nga và Ukraina. Bán đảo này cũng là nơi đặt căn cứ hải quân Sebastopol của Nga theo hợp đồng thuê tới năm 2042.

Tuy nhiên, GS Tetiana Maliarenko của Đại học quản lý Donetsk đánh giá khó có khả năng Ukrain tan rã thành các nước cộng hòa nhỏ hơn, do "có dư luận ủng hộ sự tan rã ở Dosnets và ở Crimea, nhưng cùng lúc lại không có bất kỳ kế hoạch nào để thực hiện điều này. Và thực tế là cũng không có những nhà lãnh đạo đủ khả năng để làm như vậy". Còn các nước lớn thể hiện quan điểm là không muốn Ukraina tan rã.

Một yếu tố nữa tân chính quyền của ông Arseniy Yatsenyu cần lưu ý là chính sách của Kremlin. Cho tới nay, Tổng thống Putin đang cân nhắc tình hình khá cẩn trọng. Bằng chứng là ngoài một số phát biểu của Ngoại trưởng, Nga chưa có chính sách phản ứng cụ thể nào.

Giáo sư Andrei Zagorski, nhà phân tích tại Viện chính trị quốc tế và kinh tế thế giới Moscow cho rằng trong giới hạn nội chiến không bùng phát, khả năng Nga sử dụng các biện pháp quân sự để bảo vệ lợi ích người Nga như đã làm tại Gruzia năm 2008 là khó xảy ra. Sau những biến cố lớn vừa qua, khôi phục lại chế độ của Yanukovich cũng là không thể.

Để giữ Ukraina dưới tầm ảnh hưởng, Nga có thể tính tới những trừng phạt về kinh tế- chính trị song điều này chỉ làm khó khăn thêm quá trình hình thành chính phủ mới ở Ukraina và làm gia tăng tâm lý chống Nga.

Cuộc biểu tình chống Chính phủ của phe đối lập ở Ukraina đã hái trái chín khi chính quyền Yanikovich bị lật đổ và lực lượng này đã hình thành chính quyền mới của riêng mình. Tuy nhiên, Chính phủ mới có thể sẽ phải nếm trái đắng nếu không giải quyết thỏa đáng những thách thức kinh tế, chính trị và xã hội trong thời gian sắp tới.

Khánh Bùi