Nhiều khả năng khủng hoảng Ukraina và bán đảo Crưm sẽ là một trong những trường hợp tranh cãi nhất giữa các học giả quốc tế từ sau chiến tranh Iraq đến nay.

>> Khủng hoảng Ukraina: 'Bóng ma' trở lại

>> Ukraina: Kế 'giữ thể diện' cho Nga và phương Tây

>> Nga có căn cứ để đưa quân vào Ukraina?

>> 'Những vấn đề Ukraina che giấu bị phơi bày'

>> Ukraina: Tên đất nước là 'điềm báo' bi kịch?

>> Chính biến Ukraina: Chưa thể nói ai thắng

LTS: Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu một góc nhìn khác về khía cạnh tính hợp pháp của Nga khi can thiệp vào Crưm để độc giả cùng thảo luận.

Trong cuộc điện đàm hôm 6/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng, sự hiện diện của quân Nga ở bán đảo Crưm là một sự vi phạm chủ quyền của Ukraina.

Đáp lại, một thông báo từ Kremlin hôm 7/3 dẫn lời Tổng thống Putin nhấn mạnh: ''Nga không thể làm ngơ trước những kêu gọi giúp đỡ" của người gốc Nga tại Crưm, và "cách hành xử của Moscow là hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế".

Có thể thấy vấn đề tính hợp pháp của Nga khi can thiệp vào Crưm vẫn tiếp tục nóng. Nga không ngừng khẳng định mình có lý lẽ để thực hiện hành động này. Trong khi đó, đến nay các chính phủ và rất nhiều học giả phương Tây từ EU đến Mỹ đều lên tiếng phản đối.

Dù chỉ mới bắt đầu, nhưng nhiều khả năng khủng hoảng Ukraina và bán đảo Crưm sẽ là một trong những trường hợp tranh cãi nhất giữa các học giả quốc tế từ sau chiến tranh Iraq đến nay.

Một căn cứ Nga đưa ra cho hành động can thiệp là nhăm bảo vệ quyền con người, và đặc biệt là các quyền tự do cơ bản của người gốc Nga đang sinh sống ở Crưm. Căn cứ thứ 2 là việc Tổng thống lưu vong Yanukovich gửi thư đến Tổng thống Putin để yêu cầu sự giúp đỡ của Nga cho việc thiết lập lại luật lệ và trật tự tại Crưm.

Vấn đề sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia luôn là một chủ đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế nói chung và nhất là trong Luật quốc tế nói riêng. Điều 2.4 Hiến chương Liên hiệp quốc gần như được xem là một lệnh cấm đối với các quốc gia trong việc đe dọa và sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập chính trị của các quốc gia khác.

{keywords}
Hai nguyên thủ quốc gia đã có cuộc điện đàm hôm 6/3. Ảnh: Reuters

Ở đây, cần phân tích đối với các lý lẽ do Nga đưa ra:

Về lý lẽ thứ nhất: Việc các quốc gia giải thích cho hành động quân sự của mình ở các quốc gia khác dưới danh nghĩa là bảo vệ các quyền cơ bản của con người, hay can thiệp nhân đạo đã có các tiền lệ trong quan hệ quốc tế. Hai ví dụ điển hình nhất là việc Anh tham gia cùng với Hoa Kỳ và Pháp để bảo vệ người Kurds và Shiites trong cuộc xung đột giữa Iraq và Kuwait năm 1991, và NATO can thiệp vũ trang vào Kosovo vào năm 1999.

Tuy nhiên, luật quốc tế có đưa ra những điều kiện tiên quyết mà nếu thỏa mãn đầy đủ hành động sử dụng vũ trang đó mới được xem là hợp pháp.

Trước hết, phải có những bằng chứng đầy đủ và rõ ràng rằng những người cần được bảo vệ đang thật sự chịu 1 sự đe dọa nghiêm trọng về tính mạng và quyền lợi cơ bản của mình. Cho tới giờ vẫn chưa có một dấu hiệu thực tế nào cho thấy người dân tại Crưm nói chung, và người gốc Nga nói riêng tại đây đang bị đe dọa nghiêm trọng về quyền sống và những quyền con người cơ bản khác.

Bên cạnh đó, phải chứng minh được rằng, sử dụng vũ trang là biện pháp cuối cùng và duy nhất còn lại để có thể thực hiện được hành động bảo vệ, tất cả các biện pháp khác đều không thể phát huy tác dụng. Tính đến nay, ngoài hành động đưa quân, vũ khí sang Crưm, vẫn chưa thấy Nga thực hiện các biện pháp về kinh tế hay ngoài quân sự nào với chính quyền Crưm hay chính quyền Ukraina của Thủ tướng đương nhiệm Arseniy Yatsenyuk.

Như vậy, nếu nói rằng việc sử dụng vũ trang của Nga tại Crưm với lý do bảo vệ con người và quyền con người tại đây thỏa mãn tất cả các yêu cầu do Luật quốc tế đưa ra là có phần khiên cưỡng.

Thứ hai, về lá thư yêu cầu giúp đỡ từ Tổng thống đang lưu vong Yanukovich. Xét về thẩm quyền yêu cầu sự giúp đỡ về mặt quân sự từ nước ngoài, ông Yanukovich có chỗ đứng khá yếu trong luật quốc tế. Yanukovich hiện giờ không còn là tổng thống đương nhiệm của Ukraina.

Quan điểm của Nga và một số ít nước khác cho rằng việc lật đổ Yanukovich và đưa ông Arseniy Yatsenyuk lên thay thế nắm chính quyền là 1 hành động vi hiến. Tuy nhiên, điều kiện về chính phủ kiểm soát thực tế (de facto) theo Luật quốc tế đặt trong trường hợp Ukraina khiến cho quyền yêu cầu giúp đỡ từ bên ngoài của Yanukovich là rất yếu.

Trong quan hệ quốc tế đã có những tiền lệ về việc can thiệp vũ trang của nước ngoài theo yêu cầu giúp đỡ từ bên trong của các nước. Nhưng đó là những trường hợp những nước này đang xảy ra nội chiến hay xung đột vũ trang, có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh khu vực hay quốc tế.

Hành động một nước đưa quân lính và vũ khí vào các nước khác thường được xem là rất nguy hiểm. Vì nó gần như đi ngược lại với nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, một trong những nguyên tắc mang tính căn bản của Luật quốc tế hiện đại.

Trang Phạm