Việc Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp công nhận phần các công trình xây dựng vi phạm pháp luật trên nguyên tắc "phạt cho tồn tại" cũng có gì đó giông giống như trường hợp của Nghị định số 84.

>> Nhan nhản 'dưới nhỏ trên to, dưới thụt trên thò'

>> Không 'chém' hàm cá mập, Hồ Gươm đã thành 'ao làng'?

>> Dân không đồng ý, khó mà xử phạt!

>> Vì sao biệt thự quan chức dễ gây "ồn ào"?

LTS: Vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02 và thông tư này sắp được triển khai trong đời sống. Trong đó, đặc biệt là giải pháp xử lý phần vi phạm pháp luật của các công trình bằng cách "phạt cho tồn tại", đã gây ra nhiều ý kiến không đồng tình trên công luận, khi chúng ta phải cùng nhau xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ đã viết bài dưới đây về các giải pháp cần thiết, tránh rơi vào các trạng thái cực đoan.  

Khắc phục các “tồn tại lịch sử” như thế nào?

Pháp luật nước ta đã nhiều lần phải giải quyết các vấn đề vi phạm pháp luật của cả chính quyền và người dân. Một ví dụ điển hình là vào thời điểm 2004 - 2007, sự tồn tại của hình thức "UBND cấp xã 'bán đất' cho các hộ gia đình" trái pháp luật. Giải quyết như thế nào khi chính quyền cấp xã giao đất có thu tiền trái thẩm quyền, còn người dân có nhu cầu thì bỏ tiền ra mua để có đất sử dụng làm nhà ở.

Trong số những người mua, có người dân địa phương thiếu đất ở thực sự, nhưng cũng có những người có tiền ở nơi khác đến mua để dự trữ hoặc thậm chí để đầu cơ, đối tượng rất đa dạng. Giải quyết vấn đề này như thế nào đã là câu chuyện thảo luận với nhiều luồng ý kiến khác nhau trên công luận cũng như ngay trong Chính phủ. Công nhận quyền sử dụng đất đó nếu người nhận đất đã nộp tiền vì cái sai thuộc chính quyền hay không công nhận vì người dân cũng phải hiểu pháp luật trong một xã hội pháp quyền.

{keywords}

Nhà siêu mỏng, siêu méo ở Thủ đô. Ảnh: dothi.net

Cuối cùng, số lượng ý kiến đồng ý công nhận đối với những trường hợp xẩy ra trước ngày Luật Đất đất 2003 có hiệu lực thi hành chiếm tỷ lệ cao hơn. Chính phủ đã chấp nhận và ban hành quy định giải quyết tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP.

Cách giải quyết là công nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất trái thẩm quyền mà người được giao đất có chứng từ đã nộp tiền sử dụng đất, không có quy định phạt hay kỷ luật các cán bộ nhà nước đã giao đất trái thẩm quyền.

Sau khi Nghị định này được ban hành, vẫn còn tiếp tục có nhiều ý kiến tán thành và phản đối. Người tán thành cho rằng công nhận là đúng vì lỗi ở chính quyền thì phải thừa nhận cho người dân, đừng bắt nhân dân phải biết rõ về pháp luật khi Nhà nước chưa thể chuyển tải ngay được nội dung pháp luật tới mọi người dân.

Người phản đối cho rằng cứ công nhận tình trạng trái pháp luật mãi thì thành ra chính quyền không muốn chữa bệnh "nhờn luật" đang phổ biến ở khắp nơi, cả chính quyền và người dân đều mắc. Hơn nữa, hiện tượng này còn gắn với tham nhũng ở cấp xã, thậm chí có sự tham gia ở phía sau của cả cấp huyện.

Việc Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp công nhận phần các công trình xây dựng vi phạm pháp luật trên nguyên tắc "phạt cho tồn tại" cũng có gì đó giông giống như trường hợp của Nghị định số 84 nói trên.

Điều khác nhau là đối tượng chịu tác động không phải là hộ gia đình, cá nhân (gồm cả người nghèo thiếu đất và người giầu muốn đầu cơ) mà là các nhà đầu tư BĐS.

Góc nhìn quốc tế    

Việc giải quyết các “tồn lại lịch sử” trong lĩnh vực đất đai, xây dựng không phải chỉ tồn tại ở nước ta mà là một hiện tượng phổ biến mang tính quy luật ở tất cả các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Khái niệm chung được đề cập là giải pháp gì đối với phần thị trường phi chính thức đang tồn tại bên cạnh phần thị trường chính thức. Trong phần thị trường phi chính thức có rất nhiều dạng khác nhau với nhiều nguồn gốc khác nhau.

Dạng thứ nhất là việc chuyển từ xã hội nông nghiệp lạc hậu lên xã hội công nghiệp dựa trên pháp luật tại những nước đang phát triển, cũng như chuyển từ nền kinh tế bao cấp chỉ huy tập trung sang kinh tế thị trường dựa trên pháp luật đã và đang diễn ra rất phức tạp.

Việc thực thi pháp luật luôn gắn với dân trí về hiểu biết pháp luật và những người thuộc nhóm yếu thế (nông dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ) không có đủ điều kiện về nhận thức. Việc yêu cầu mọi người phải thực thi đúng pháp luật thường là bất khả thi. Giải pháp chủ yếu cho dạng này là phải công nhận các tồn tại gắn với nâng cao nhận thức để giúp những người thuộc nhóm yếu thế hiểu pháp luật và không vi phạm pháp luật trong tương lai.

Dạng thứ hai là bảo vệ lợi ích nhóm trong quá trình phát triển bằng cách làm chậm quá trình hoàn chỉnh pháp luật, tìm cách lợi dụng kẽ hở pháp luật và tạo điều kiện không thực thi đúng pháp luật. Đối tượng thuộc nhóm này chắc chắn là các chủ thể hiểu rất rõ pháp luật. Giải pháp chủ yếu cho dạng này là phải kiên quyết xây dựng pháp luật thật tiến bộ, thực thi pháp luật thật nghiêm.

Trong quá trình giải quyết, một vấn đề cần rất quan tâm là hành vi phi phạm pháp luật đã xẩy ra có gây tổn hại cho xã hội hay không? Và giải pháp giải quyết có gây tổn hại cho xã hội hay không? Sự tổn hại ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, gồm cả tổn hại vật chất, văn hoá, đạo đức, nhân văn, v.v.

Từ hai góc nhìn nói trên đối với hai trường hợp gắn với đối tượng là những người thuộc nhóm yếu thế thì nên công nhận và cho tồn tại để quản lý được phần thị trường phi chính thức. Với đối tượng là các nhóm lợi ích mạnh thì phải cương quyết thực thi đúng pháp luật. Đấy chính là hai giải pháp mang tính cực đoan, hoàn toàn ngược nhau.

Trong thực tế cuộc sống, cũng không nhiều trường hợp thật tách bạch, đối tượng vi phạm chỉ là những người thuộc nhóm yếu thế hay chỉ là những người thuộc nhóm lợi ích mạnh. Một trường hợp cụ thể có thể xuất hiện cả hai nhóm đối tượng.

Ví dụ như đối với các trường hợp UBND cấp xã "bán" đất trái thẩm quyền nói trên thì có người dân là người nghèo cần đất để ở, có người dân là người giầu đang đầu cơ đất đai và có các cán bộ chính quyền cấp xã, cấp huyện đang có hành vi tham nhũng. Như vậy, thực tế đang cần những giải pháp phù hợp cho đúng đối tượng. Hơn nữa, cần xem xét tới các yếu tố gây tổn hại cho xã hội của hành vi vi phạm pháp luật và của giải pháp xử lý. Đừng bao giờ rơi vào một giải pháp cực đoan.

Đối với các trường hợp công trình xây dựng có phần vi phạm pháp luật thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 02 nói trên cũng tương tự như vậy.

Một nhà chung cư có phần vi phạm pháp luật nhưng phần đó đã bán cho người dân, nhất là người lao động thiếu chỗ ở thì cần phải được xử lý khác với trường hợp phần công trình vi phạm pháp luật được sử dụng vì mục đích sinh lợi cho người giầu. Giải pháp cũng cần được cân nhắc về yếu tố gây lợi và gây hại cho xã hội.

(Còn tiếp)

GS. TSKH Đặng Hùng Võ

Xem các bài cùng chủ đề;

Nhan nhản dưới nhỏ trên to, dưới thụt trên thò

Không 'chém' hàm cá mập, Hồ Gươm đã thành 'ao làng'?

Dân không đồng ý, khó mà xử phạt!

Chuyện gì cũng "chạy" được?