Tất cả các chính trị gia ở hai cánh - ủng hộ phương Tây và ủng hộ Nga - đều là những triệu phú, tỉ phú thay nhau thống trị nền kinh tế Ucraina trong hơn hai thập kỷ qua.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu phần tiếp theo bài phân tích về được, mất của các bên liên quan trong khủng hoảng Ukraina.

Kỳ 1: Ai được, ai mất trong 'ván bài' Ukraina

Các tập đoàn đa quốc gia phương Tây muốn gì ở Ucraina?

Thế giới thường nghĩ rằng nền kinh tế Ucraina phần lớn là kém cạnh tranh và bị thống trị bởi những ngành công nghiệp cơ bản đã lỗi thời như khai thác than, thép, kim loại và các ngành công nghiệp xã hội "trước thời đại thông tin".

Nhưng điều này hoàn toàn nhầm lẫn. Ucraina cung cấp một nền công nghiệp đang chín muồi, thực sự hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia phương Tây. Có thể dẫn ra đây một vài bằng chứng:

Nền kinh tế Ucraina đang đầu tư mạnh vào sản xuất điện hạt nhân và thuỷ điện. Điều này mang lại cơ hội đầu tư mới hấp dẫn cho các công ty xây dựng nhà máy điện hạt nhân của phương Tây.

Ucraina là nước xuất khẩu đứng thứ 6 về sản phẩm không quân, đặc biệt là các trang thiết bị vận chuyển, và một ngành công nghiệp hệ thống tên lửa tiên tiến.

Quốc gia này cũng đứng thứ 4 thế giới về trình độ của các chuyên gia công nghệ thông tin, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ và Nga, cùng một nguồn nhân lực kỹ thuật được đào tạo nghiêm túc và hệ thống giáo dục định hướng công nghệ cao đang tăng trưởng 20% mỗi năm. Thị trường công nghệ cao của nước này là hơn 5 tỷ USD mỗi năm.

Ngành công nghiệp đóng tàu của Ucraina là một trong những ngành tiên tiến nhất trên thế giới, bao gồm cả tàu chở khí đốt tự nhiên. Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô, xe tải và phương tiện vận chuyển công cộng cũng đang phát triển mạnh.

Ucraina có đến 30% diện tích đất màu mỡ của thế giới để sản xuất ngũ cốc, đường và dầu thực vật với mức chi phí thấp hơn Châu Âu rất nhiều

Điều mà phương Tây mong muốn là nhúng tay vào những ngành công nghiệp này, và tích hợp chúng vào kế hoạch sản xuất và bành trướng toàn cầu của những tập đoàn đa quốc gia của họ. Khi các tập đoàn đa quốc gia "đầu tư" vào Ucraina, các ngân hàng phương Tây sẽ được thanh toán khoản phí đáng kể.

Việc tinh giản đội ngũ và  "tái cơ cấu" những ngành công nghiệp của Ucraina sẽ theo tiến trình sáp nhập vào các kế hoạch toàn cầu của các tập đoàn phương Tây. Người dân Ucraina sẽ mất việc làm trong những lĩnh vực đầy hứa hẹn, tiền lương trì trệ và lợi ích cũng bị cắt giảm - tương tự như trường hợp của lao động trong tất cả ngành công nghiệp trên toàn cầu, bao gồm cả EU và Mỹ.

{keywords}

Người dân Ukraine vào tham quan dinh cơ của ông Yanukovych. Ảnh: AP

Mối liên kết của các nhà tư bản thân hữu Ucraina với tư bản Mỹ

Tư bản Ucraina chia làm hai cánh: ủng hộ phương Tây và ủng hộ Nga. Cả hai bao gồm các quan chức theo chủ nghĩa cơ hội từ thời kỳ Xô Viết chuyển sang tư bản khi Liên Xô tan rã hơn 20 năm trước. Hai cánh đối kháng công khai kể từ cuộc Cách mạng Cam năm 2004, thay nhau nắm quyền.

Cánh thân phương Tây liên kết lỏng lẻo với Đảng Tổ quốc, từng được dẫn dắt bởi bà Timoshenko và những người tiền nhiệm; cánh còn lại được điều hành bởi ông Yanukovich và những người tiền nhiệm, liên kết với Đảng Các khu vực.

Tất cả các chính trị gia ở hai cánh đều là những triệu phú, tỉ phú thay nhau thống trị nền kinh tế Ucraina trong hơn hai thập kỷ qua. Vào những năm 1990, nền kinh tế và mức sống của Ucraina cao hơn nhiều so với các nước cộng hoà khác thuộc Liên Xô cũ. Ngày nay, GDP và thu nhập bình quân của nước này thấp hơn Belarus và thua xa Nga.

Thân hữu của ông Yanukovich đã bị lật đổ hoặc thiệt hại kinh tế trong cuộc đảo chính ngày 22/2 vừa qua đang cố gắng củng cố lại lực lượng kinh tế. Trong đó, phải kể đến Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ucraina với khối tài sản lên tới 15 tỷ USD và lượng cổ phần lớn trong ngành năng lượng và kim loại; Vadim Novinsky - người giàu thứ 3 của Ucraina, Dymtro Firtash - tỷ phú hoá chất, ngân hàng và bất động sản, vừa bị bắt giữ ở Tây Âu và Sehiy Tihipko - cựu giám đốc ngân hàng trung ương Ucraina.

Các tỷ phú Đảng Tổ quốc hiện nay đang nắm quyền kiểm soát và điều hành Chính phủ, với thủ tướng tạm quyền - nhà tài phiệt giàu có Arseniy Yatsenyuk. Nhưng đằng sau hậu trường mới là những nhà thân hữu môi giới quyền lực thực sự.

Đứng đầu danh sách này là ông Victor Pinchuk - người giàu thứ hai của Ucraina với một đế chế truyền thông và nguồn lợi từ các ngành kinh doanh khác. Pinchuk rất thân cận với Phố Wall, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ và các tổ chức hoạch định chiến lược chính sách đối ngoại hàng đầu của các nhà tư bản Mỹ.

Tiếp theo Pinchuk là các thành phần thân hữu tỷ phú khác như Igor Turchynov, Chủ tịch và người phát ngôn lâm thời của Quốc hội Ucraina; Stephan Kuban - người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Ucraina; Sergey Tartuta - tỷ phú than và thép với quyền lực trải khắp miền đông Ucraina. Ngoài ra còn phải kể đến Ihor Kolomysky, cũng được bổ nhiệm trong vài tuần gần đây giữ chức Thống đốc mới của khu vực Dnepopetrovsk thuộc miền đông Ucraina.

Những tỷ phú nằm trong Quốc hội Ucraina, hoặc những người đã và đang tiếp tục kiểm soát 30-50 phiếu mỗi khối, chắc chắn đã đứng phía sau "chiến lược nội bộ" của cuộc đảo chính ngày 22/2. "Chiến lược bên ngoài" được thúc đẩy bởi phần tử tân phát xít trên đường phố và tại quảng trường Maidan. Bước tiếp theo là tấn công bên ngoài Quốc hội, và bên trong diễn ra cuộc bỏ phiếu phế truất Yanukovich khi một số thân hữu đã quay lưng gia nhập thân hữu Đảng Tổ quốc - hoàn toàn trùng hợp khi khối tài sản của họ đang bị phương Tây đe doạ sẽ đóng băng trong các ngân hàng tại Thuỵ Sỹ và Luxembourg.

Đối với các phần tử tân phát xít - thuộc Đảng Tự do Svoboda, nhóm Cực hữu, UPA và các nhóm khác đã được "trả thưởng" bằng 6 vị trí quan trọng trong Chính phủ sau đảo chính của Yatsenyuk. Các vị trí này nắm quyền trong an ninh và quân sự. Rõ ràng là nhóm tân phát xít đã chọn lựa những vị trí trong Chính phủ có thể cho phép họ xây dựng, vũ trang và tổ chức các  băng đảng đường phố thuận lợi hơn trong tương lai, với sự che chở chính thức từ phía Chính phủ.

{keywords}

Rinat Akhmetov - nhà tài phiệt được cho là giàu nhất Ukraina

Thiệt hại thuộc về nền kinh tế Ucraina

Như phân tích trước đây, vẫn là những người dân Ucraina sẽ chịu thiệt hại lớn nhất về kinh tế từ cuộc khủng hoảng, như họ đã phải chịu đựng từ hơn hai thập kỷ qua. Yêu cầu chặt chẽ thắt lưng buộc bụng của IMF có nghĩa là trợ cấp khí đốt giảm, cắt lương hưu, mất việc làm, hạn chế các dịch vụ và lạm phát gia tăng. Mức sống của họ sẽ thấp hơn nữa, khi GDP trong năm 2014 - 2015 được dự đoán sẽ giảm từ 5% - 15%.

Như ước tính của Thủ tướng Ucraina tháng cuối năm 2013, Ucraina sẽ cần tối thiểu là 17 tỷ USD để thanh toán các khoản nợ phát sinh của Chính phủ cho các ngân hàng. Nợ công của Ucraina năm 2012 chiếm 39% GDP. Theo công thức PPP thì các khoản nợ vẫn còn hơn 13 tỉ USD kèm theo lãi suất. Dự trữ ngoại hối gần như cạn kiệt và cần 20 tỷ USD mỗi năm để bù đắp thâm hụt thương mại.

Tuy nhiên, nếu tiền tệ nước này tiếp tục suy giảm, xuất khẩu giảm và chi phí nhập khẩu tăng lên - tất cả đều có khả năng lớn - và khoản trợ cấp 15 tỷ USD chắc chắn không đủ. Ucraina sẽ cần đến 50 tỷ USD, và liệu EU - IMF và/hoặc Mỹ có sẵn sàng cung cấp một khoản tiền lớn như vậy. Câu trả lời cho vấn đề đó là rất khó.

Chính phủ Ucraina sẽ đồng ý với bất kỳ điều khoản nào mà IMF/EU đưa ra để đổi lấy 15 tỷ USD, và các khoản vay bổ sung cần thiết sau đó. Điều đó có nghĩa là Chính phủ sẽ cắt giảm các dịch vụ và tư nhân hoá tài sản công, bán chúng cho các tỷ phú và các nhóm lợi ích phương Tây ở mức giá bán tống bán tháo một cách tuyệt vọng.

Với xu hướng kinh tế toàn cầu đang hướng tới suy thoái, và sự suy giảm của các đồng tiền trong các thị trường mới nổi, có vẻ như đồng tiền Ucraina sẽ tiếp tục mất giá, làm trầm trọng các vấn đề kinh tế nói trên.

Sau khi Crưm ly khai khỏi cuộc khủng hoảng Ucraina, tình hình kinh tế và chính trị nước này lại chuyển sang một cấp độ mới. Khi cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, nhu cầu ly khai cũng sẽ tăng mạnh ở các vùng phía đông Ucraina. Chính phủ Ucraina và Mỹ/EU sẽ lựa chọn thế nào để giải quyết khả năng này sẽ là vấn đề rất quan trọng. Tình trạng bất ổn chính trị tiếp tục diễn ra chắc chắn sẽ làm kinh tế khủng hoảng hơn, khi đầu tư và sản xuất chững lại và lạm phát gia tăng.

Việc Chính phủ mới sau đảo chính tại Kiev phản ứng thế nào với các vấn đề kinh tế đang gia tăng cũng là vấn đề nóng hổi. Với tình hình lực lượng an ninh hiện đang được dẫn dắt bởi phần tử tân phát xít - vốn hi vọng một cuộc xung đột quân sự giữa EU/Hoa Kỳ và Nga, mối nguy hiểm đặt ra là lực lượng tân phát xít này có thể kích động một cuộc xung đột quân sự trong nỗ lực lôi kéo NATO vào cuộc. Nếu điều này xảy ra, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ucraina sẽ chỉ còn là vấn đề thứ yếu.

Như Nguyệt (theo Counterpunch.org)

Nga bị trừng phạt, Trung Quốc sẽ 'ngư ông đắc lợi'

Các lệnh trừng phạt kinh tế của Phương Tây đối với Nga có thể có lợi cho Trung Quốc.

Thực sự người Mỹ nghĩ gì về Crưm?

Thật khó để ra một kết luận rõ ràng về quan điểm chung của nước Mỹ đối với Nga và vấn đề Ukraina hiện nay.

Trừng phạt Nga, Mỹ cũng 'tơi tả'?

Một số chuyên gia cho rằng nếu tiến hành trừng phạt kinh tế với Nga, Mỹ và EU cũng chịu thiệt hại không nhỏ.