Chiều muộn ngày 1/4, sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, một vị đại biểu Quốc hội nói rằng ông đang cảm thấy rất đau, nỗi đau "vaccine".
Mặc dù không ai hỏi trực tiếp chuyện vaccine, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn dành 92 chữ để nói về vụ các em bé sơ sinh ở Quảng Trị tử vong sau khi được tiêm một thứ mà ai cũng nghĩ là vaccine. Nhưng hóa ra đó lại là một thứ thuốc khác có yếu tố độc và chất gây mê. Bởi thế, người viết đành khoác thêm dấu ngoặc kép cho vaccine.
Sự việc ba em bé sơ sinh tử vong được Bộ trưởng đề cập khi đang trong mạch trả lời về chất vấn của đại biểu Trương Minh Hoàng về những sai phạm liên tiếp xảy ra trong ngành Y, mà theo Bộ trưởng thì có 2 loại. Một loại là những tai biến y khoa, một loại là vấn đề tiêu cực trong ngành y tế.
Nỗi đau của gia đình mất con |
Sau khi trình bày về tai biến y khoa, Bộ trưởng nói: "loại thứ hai là tiêu cực, điển hình là vụ ở Hoài Đức, đó là vấn đề rút ruột bảo hiểm y tế. Ví dụ tai biến y khoa như lúc đầu chúng tôi nói là do những lý do không tránh khỏi, ví dụ như Quảng Trị cho đến hôm nay công an Quảng Trị đã kết luận đó là tiêm nhầm thuốc và điều dưỡng đã khai nhận 3 trẻ tử vong tiêm vaccine viêm gan B là do tiêm nhầm thuốc và người y tá đó đã nhìn 3 lọ thuốc đó giống lọ vaccine và do không làm đúng quy trình chuyên môn theo Quyết định 23 của Bộ Y tế".
Về ngữ nghĩa thì đoạn trả lời trên khá "tối". Nhưng thông điệp rất rõ là 3 trẻ sơ sinh tử vong do tiêm nhầm thuốc.
"Trường hợp viêm gan B thì công an Quảng Trị, Bộ Công an sẽ kết luận và chúng tôi đã mời công an vào xử lý", Bộ trưởng Kim Tiến đã nói thế sau khi công bố kết luận trẻ tử vong là do tiêm nhầm thuốc.
Bộ trưởng không nói người tiêm đã nhầm sang thuốc gì, cũng chả có đại biểu nào "truy" tiếp. Nhưng rồi, các thông tin trên báo chí ngay sau đó đã làm rõ vấn đề này.
Báo Dân trí ngày 2/4 dẫn lời y tá Nguyễn Thị Thuận (người trực tiếp tiêm cho cả ba trẻ - PV) tại Cơ quan điều tra, rằng thuốc được tiêm nhầm là Esmeron. Theo nhiều người có chuyên môn trong lĩnh vực y tế thì thuốc gây mê có tác dụng làm giãn cơ. Quá trình gây mê cho bệnh nhân phải có máy móc hỗ trợ giúp cho hô hấp và nếu dùng thuốc này cho trẻ sơ sinh thì sẽ gây tử vong.
Truyền thông trong nước cũng đưa tin, cuối tháng 3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Trị đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Thuận để điều tra, làm rõ hành vi "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính".
Phải chăng, như thế là "lỗi của vaccine thì xử vaccine, lỗi do người tiêm, xử người tiêm, lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật" như phát ngôn của Bộ trưởng đã được thực hiện nghiêm? Nên trước cử tri cả nước ở phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp, Bộ trưởng chỉ thông báo ngắn gọn như vậy, một vị đại biểu nhận xét.
Nhưng, lần lại diễn tiến sự việc, có thể thấy rằng sự "nhầm lẫn động trời" đó đã được cảnh báo từ trước khi xảy ra vụ việc (theo lời một cán bộ y tế đã nghỉ hưu từ chính bệnh viện Hướng Hóa trả lời Báo Lao động điện tử ngày 2/4).
Đại ý, thuốc gây mê Esmeron đã được "gửi chung" vào tủ đông đựng vaccine. Ngày 18/7/2013, tức hai ngày trước buổi sáng định mệnh của ba em bé được tiêm vaccine Viêm gan B, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Quảng Trị đã cảnh báo phải khắc phục ngay tình trạng tại khoa Sản không có tủ đựng vaccine mà để ngay tại tủ đựng của khoa Khám bệnh. Và hơn thế, vaccine để lẫn lộn với các sinh phẩm khác là trái với các quy định bảo quản vaccine. Còn nguồn tin của Báo thì nói rằng tại thời điểm kiểm tra tại tủ đông đựng vaccine này, có một hộp thuốc bên ngoài ghi các chữ "thuốc độc", và đó chính là hộp đựng thuốc gây mê Esmeron.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa thừa nhận có cuộc kiểm tra đó, có những khuyến cáo đó. Thế nhưng, tận hai ngày sau, y tá Thuận vẫn lấy "thuốc độc" đựng chung với vaccine để tiêm cho trẻ và hậu quả không chỉ ba gia đình có các em bé xấu số đó phải gánh chịu...
Chuyện buồn đã xảy ra như vậy đó.
Quay trở lại với phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế, tại đó, có ĐBQH đã nói rằng, y đức xuống cấp không phải là lỗi của ngành Y.
Điều đó không sai. Nhưng tuyển chọn các cán bộ y tế có đủ đức và đủ trình độ vào bệnh viện là việc được ngành Y tự quyết định. Rồi, quy trình tiếp nhận, bảo quản và tiến hành tiêm vaccine cho trẻ không thể có ai khác làm thay ngành Y, nên cũng không thể có ai chịu trách nhiệm thay được.
Vậy tại sao thuốc độc lại được để chung với vaccine? Tại sao khi phát hiện ra mà đoàn kiểm tra không lập tức hành động? Tại sao y tá Thuận lại nhầm tới 3 lần liền khi em bé đầu tiên tử vong ngay sau khi tiêm?
Những câu hỏi này có thuộc trách nhiệm trả lời của ngành Y không, thưa Bộ trưởng? Và việc "đòi" các câu trả lời đó có phải là trách nhiệm của các vị đại diện cho dân không?
Vĩnh An
Bài cùng tác giả:
Sự 'bí hiểm' của nền kinh tế Việt
Doanh nghiệp chết, người mất việc tăng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo lại giảm đi rất nhiều, vậy "bí ẩn" nằm ở chỗ nào? Không 'tròn vai' cũng không bị kiểm điểm?
Ban hành bộ tiêu chí để đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội không phải là yêu cầu của cử tri, mà là yêu cầu của chính người trong cuộc. Hầu hết quan chức đã thề không tham nhũng
Sự thực thì tuyệt đại đa số, nếu không muốn nói là 100% quan chức đều đã thề không tham nhũng trong lời tuyên thệ tại lễ kết nạp Đảng. |