Trong tương lai, VN cần nghiên cứu, cân nhắc, tính toán để có chọn một giải pháp pháp lý hiệu quả để giải quyết tranh chấp. Giải pháp khởi kiện ra tòa trọng tài quốc tế được thành lập theo Công ước 1982 là một giải pháp theo tôi là hiệu quả.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu phần tiếp theo cuộc trò chuyện với TS. Ngô Hữu Phước, trưởng bộ môn Luật quốc tế, trường ĐH Luật TP.HCM.

Bài 1: Trung Quốc 'quên' các cam kết đã ký?

Cần cân nhắc nếu đặt vấn đề kiện TQ

Thưa ông, những hành động ngang ngược của TQ đã thúc đẩy dư luận trong và ngoài  nước cho rằng,  đây là lúc chúng ta nên  khởi kiện TQ ra tòa án công lý quốc tế. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi không phản đối phương án này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong bối cảnh, tình hình hiện nay cũng như thực tiễn giải quyết tranh chấp của Tòa án Công lý quốc tế (Internation Court of Justice - ICJ) - Cơ quan tư pháp chính của LHQ, chúng ta cần nghiên cứu rất thận trọng. Bởi vì, cơ chế giải quyết tranh chấp của các quốc gia giải quyết tại tòa án công lý quốc tế là không đơn giản.

Tôi nói không đơn giản hay nói cách khác là đặc biệt phức tạp vì yếu tố chính trị, liên quan đến các kết luận và phán quyết của Tòa án công lý quốc tế. Ví dụ, ngay sau khi Kosovo tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia năm 2008, thông qua Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Serbia đã yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế kết luận tư vấn với câu hỏi, Kosovo tuyên bố độc lập có phù hợp với luật quốc tế hay không?

Sau hai năm, Tòa án đã kết luận Kosovo tuyên bố độc lập là phù hợp với luật quốc tế. Theo tôi, đây là một kết luận mang màu sắc chính trị, không phù hợp với pháp luật quốc tế, tạo ra tiền lệ nguy hiểm, cổ vũ cho các hành động ly khai, đòi độc lập của các vùng lãnh thổ "nhạy cảm" ở một số quốc gia trên thế giới. Nếu công bằng, đúng luật pháp quốc tế, Tòa án nên kết luận rằng, việc Kosovo tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia là vi phạm pháp luật quốc tế. Thế nhưng, Tòa án lại ra kết luận tư vấn gần như đi ngược lại.

Từ thực tiễn đó, tôi cho rằng, chúng ta cần phải cân nhắc hết sức thận trọng khi lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án Công lý quốc tế. Bởi lẽ, với ảnh hưởng của một cường quốc như TQ, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ thì yếu tố chính trị làm ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa án cũng là điều có thể xẩy ra.

Điều tôi đặc biệt lưu ý ở đây là, khi chúng ta đặt vận mệnh của quốc gia về lãnh thổ, về chủ quyền, về quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc vào 15 Thẩm phán của Tòa án công lý quốc tế có nghĩa là chúng ta đã trao toàn quyền phán quyết cho Tòa án, theo tôi như vậy là nguy hiểm.

Bởi kiện hay không là quyền của chúng ta (tất nhiên là phải tuân thủ các điều kiện, quy trình, thủ tục rất phức tạp theo Quy chế của Tòa án) nhưng phán quyết như thế nào, có lợi cho chúng ta hay không lại thuộc thẩm quyền của Tòa. Có nghĩa là mình đã yêu cầu Tòa giải quyết thì khi Tòa ra phán quyết mình phải tuân thủ, thực thi phán quyết đó.

Theo Quy chế của Tòa án Công lý quốc tế, phán quyết có giá trị chung thẩm, không có kháng cáo kháng nghị hay phúc thẩm và có hiệu lực thi hành ngay lập tức! Và nếu một bên ở trong vụ tranh chấp đã đồng thuận giải quyết tại Tòa án mà không thực thi phán quyết của Tòa thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp để buộc thi hành.

{keywords}

Cuộc rượt đuổi hết tốc độ kéo dài hàng hải lý trên biển của tàu Hải cảnh Trung Quốc đối với tàu Kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: VOV

Thế bây giờ, tôi đặt vấn đề trong bối cảnh hiện nay, nếu TQ bị Tòa tuyên là sai và phải thực thi những quyết định của Tòa, TQ không tuân thủ, không thực thi, Hội đồng Bảo an thực hiện cưỡng chế đối với TQ, được không?  Rất khó!

Nhưng ngược lại, Tòa phán VN thua kiện, tất nhiên điều này không ai mong muốn cả và nội tâm của tôi, với những bằng chứng pháp lý và lịch sử vững chắc, thuyết phục của Việt Nam, tôi khẳng định là VN sẽ thắng, nhưng một trường hợp nhỏ nhất, khả năng xấu nhất (do cách nhìn và quan điểm của các Thẩm phán của Tòa án Công lý quốc tế) VN thua kiện thì VN phải tuân thủ phán quyết của Tòa. Bởi vì, VN chúng ta không thể không tuân thủ, thực thi, chống lại phán quyết của Tòa án khi chúng ta đã tự nguyện trao cho Tòa này thẩm quyền giải quyết, chúng ta không mạnh, không có ảnh hưởng lớn như những cường quốc khác.

Quan điểm của tôi là phải làm thận trọng. Đến thời điểm hiện nay VN chỉ nên dùng các cơ chế đa phương của ASEAN, của ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN, "ASEAN Regional Forum", được thành lập năm 1994 nhằm thúc đẩy cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực, xây dựng lòng tin và phát triển ngoại giao phòng ngừa. Khẩu hiệu của ARF là "Xúc tiến hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở Châu Á Thái Binh Dương"), diễn đàn LHQ để chúng ta công bố tình hình đó cho thế giới biết về phương diện ngoại giao là ổn và để chúng ta tìm những bước đi pháp lý tiếp theo.

Công ước 1982 là giải pháp là hiệu quả

Vậy VN có thể vận dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước 1982 để giải quyết vụ việc này được không?

Tôi khẳng định, về phương diện pháp lý, cơ sở pháp lý, VN hoàn toàn có khả năng để tìm tới lựa chọn các giải pháp để giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước quốc tế về luật biển 1982.

{keywords}
TS Ngô Hữu Phước. Ảnh: Duy Chiến

Nghiên cứu các quy định của Công ước 1982 về giải quyết tranh chấp, tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp tục nghiên chứ không nên nóng vội khởi kiện tại Tòa án công lý quốc tế.

Tòa trọng tài đặc biệt về luật biển chỉ có chức năng điều tra và xác lập các sự kiện từ nguồn gốc vụ tranh chấp liên quan đến đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và hàng hải, kể cả nạn ô nhiễm do các tàu thuyền hay do nhận chìm chứ không thực sự là cơ quan có chức năng "giải quyết tranh chấp" như Tòa trọng tài quốc tế về luật biển.

Tòa này chỉ có thể thảo ra các khuyến nghị không có tính ràng buộc các bên tranh chấp phải thực hiện mà chỉ là cơ sở để các bên tranh chấp xem xét lại những vấn đề làm phát sinh tranh chấp mà thôi. Còn Tòa án quốc tế về luật là một cơ quan thường trực có trụ sở tại Hamburg (Đức) nhưng từ trước tới nay tòa này giải quyết tranh chấp không nhiều các tranh chấp về giải thích và thực hiện Công ước và thực tế rất ít quốc gia khi phê chuẩn, gia nhập Công ước 1982 lựa chọn Tòa án quốc tế về luật biển để giải quyết tranh chấp.

Qua nghiên cứu, tôi thấy các quốc gia trên thế giới có xu hướng chọn tòa trọng tài quốc tế về luật biển để giải quyết các tranh chấp. Theo tìm hiểu của tôi, từ khi Công ước 1982 có hiệu lực đến nay, Tòa trọng tài quốc tế về luật biển đã và đang giải quyết một số vụ tranh chấp giữa Banladesh kiện Ấn Độ về việc phân định biên giới biển giữa hai nước theo Điều 287, Phụ lục VII của Công ước 1982 vào tháng 10 năm 2009. Hiện nay vụ việc đang được tiến hành; Vụ Irlande kiện Vương quốc Anh liên quan đến nhà máy MOX tháng 11 năm 2011.

Hiện nay vụ việc đang được tiến hành; Vụ Malaysia kiện Singapore liên quan đến khai thác và sử dụng biển vào tháng 7 năm 2003. Vụ việc đã được giải quyết bằng phán quyết của Tòa trọng tài ngày 01/9/2005; Vụ Barbados kiện Trinidad và Tobago về việc phân định ranh giới Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa tháng 02/2004. Vụ việc đã được giải quyết bằng phán quyết của Tòa trọng tài ngày 11/4/2006; Vụ Guyana kiện Suriname liên quan đến việc phân định biên giới trên biển giữa hai nước ngày 24/02/2004.

Vụ việc đã được giải quyết phán quyết định của Tòa trọng tài ngày 17/9/2007; Vụ Mauritius kiện Vương quốc Anh về khu bảo tồn biển xung quanh quần đảo Chagos vào ngày 20/9/2010. Vụ việc này đang được giải quyết; Vụ Philippines kiện Trung quốc về các yêu sách về chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 22/01/2013. Hiện vụ việc đang được giải quyết.

Tôi đặc biệt lưu ý rằng, Tòa trọng tài quốc tế về luật biển không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ về biên giới, mà chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giải thích thực hiện Công ước 1982 mà thôi.

Ví dụ, TQ đã tuyên bố đường chữ U 9 đoạn trên Biển Đông mà VN gọi là đường lưỡi bò, vì TQ cho rằng, theo Công ước TQ có các vùng biển đó. Như vậy, họ đã giải thích Công ước không đúng. Mà khi họ giải thích Công ước không đúng thì dẫn đến hệ quả nguy hiểm là họ đã thực hiện Công ước không đúng và điều đó đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và các nước trong khu vực. Đó là căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn rất quan trọng để VN dựa vào đó để nói rằng, VN khởi kiện TQ ra tòa trọng tài quốc tế về luật biển là vì TQ đã giải thích thực hiện Công ước 1982 không đúng.

Còn nếu chúng ta đi kiện theo kiểu, Hoàng Sa, Trường Sa là của VN hay của TQ để yêu cầu Tòa trọng tài quốc tế về luật biển giải quyết thì tôi xin thưa là Tòa này không giải quyết được. Bởi vì, theo Công ước 1982, Tòa trọng tài quốc tế chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giải thíchthực hiện Công ước.

Cũng cần nói thêm rằng, các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước 1982 theo thủ tục bắt buộc để ra các phán quyết bắt buộc thì gần như "dồn trách nhiệm" cho Tòa trọng tài quốc tế về luật biển. Bởi vì, theo quy định tại Điều 287 của Công ước, nếu một quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp mà không được một tuyên bố còn có hiệu lực bảo vệ, thì được xem là đã chấp nhận thủ tục trọng tài đã trù định ở Phụ lục VII (Thủ tục của Tòa trọng tài quốc tế về luật biển); Nếu các bên tranh chấp không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, thì vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục trọng tài đã được trù định ở Phụ lục VII, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Chính vì vậy, trong tương lai VN cần nghiên cứu, cân nhắc, tính toán để có chọn một giải pháp pháp lý hiệu quả để giải quyết tranh chấp. Giải pháp khởi kiện ra tòa trọng tài quốc tế được thành lập theo Công ước 1982 là một giải pháp theo tôi là hiệu quả.

(Còn nữa)

Duy Chiến - Tá Lâm (Thực hiện)

Xem thêm các bài: