Với tầm nhìn vĩ đại, Bác đã sớm lường trước, tiên đoán trước tình hình, những thay đổi, nguy cơ của đất nước, dân tộc, con người... sẽ đến trong thời bình.

>> Từ rất sớm, Bác tiên liệu sự vận động của Đảng

>> Niềm đau đáu trong Di chúc của Bác

>> Di chúc Bác Hồ qua hồi ký của Thư ký riêng

>> Quá trình công bố Tài liệu 'tuyệt đối bí mật'

LTS: Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương xoay quanh vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhìn từ công tác cán bộ.

Cảnh báo những nguy cơ trong thời bình

Di chúc được Bác Hồ viết vào những năm 1965 - 1969. Đó là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Nhưng với tầm nhìn vĩ đại, Bác đã sớm lường trước, tiên đoán trước tình hình, những thay đổi, nguy cơ của đất nước, dân tộc, con người... sẽ đến trong thời bình.

Cốt lõi vấn đề Di chúc chính là công tác xây dựng Đảng, như Bác đã viết: "Trước hết nói về Đảng". Và đi đến cuối cùng, những vấn đề này đều xoay quanh, liên quan đến công tác cán bộ của Đảng.

Đầu tiên là về đoàn kết, vấn đề thiêng liêng nhất của đất nước, dân tộc. Bác dạy phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như "giữ gìn con ngươi của mắt mình", đặc biệt nhấn mạnh đoàn kết trong Bộ chính trị. Bởi Bộ chính trị là hạt nhân của toàn Đảng. Bộ chính trị có đoàn kết thì mới kêu gọi toàn Đảng đoàn kết, và toàn Đảng đoàn kết mới đoàn kết toàn dân.

Điểm thứ 2, Bác dạy "Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư". Lời của Bác giản dị, ngắn gọn, nhưng cũng chính là lời nhắc nhở cảnh giác tình trạng suy thoái đạo đức, phẩm chất, tranh chức, tranh quyền, tham nhũng, lợi dụng chức quyền, thu vén quyền lợi cá nhân.

Điều này có lẽ không cần nói nhiều, chỉ kể ra đây 1 câu chuyện. Khi đất nước còn chiến tranh, Đảng tập kết cán bộ để điều vào phục vụ 3 chiến trường miền Nam (B), Lào (C), Campuchia (K) vô cùng ác liệt. Những người bạn của tôi lên đường chuẩn bị cho một chuyến ra đi không hẹn ngày về. Và sự thực nhiều người đã không thể trở về vì bị bắt, tù đày, có nhiều cán bộ đã hi sinh.

Gian khổ là vậy nhưng số cán bộ đảo ngũ sợ chết rất ít, còn lại đều coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Sang thời bình, các yếu tố có thể tác động đến phẩm chất, đạo đức cán bộ rất khác so với thời chiến tranh. Tại một số hội thảo gần đây tôi đã chỉ ra, nhóm lợi ích tiêu cực đang trở thành một nguy cơ. Nó lũng đoạn và làm hư hỏng cán bộ, kể cả một số cán bộ lãnh đạo.

Điểm thứ 3, Bác nhấn mạnh: Một Đảng cầm quyền phải phát huy dân chủ rộng rãi. Nghĩa là, đất nước muốn phát triển thì phải để mọi người được nói, không thể ngăn cản hay bắt người ta nói theo mình. Bác cũng nhắc, khi là một đảng cầm quyền, cán bộ vừa là lãnh đạo, nhưng đồng thời cũng vừa là đầy tớ của dân.

Bác đã lường trước nguy cơ cán bộ trở nên quan liêu, độc đoán. Như hiện tượng được truyền thông cảnh báo, là cán bộ địa phương trở thành "cường hào" mới ở nông thôn.

Còn nhớ thời điểm khi tôi về công tác tại Ban tổ chức TW cũng là lúc xảy ra sai lầm Cải cách ruộng đất. Có lần Bác gọi ông Lê Đức Thọ, lúc đó là trưởng Ban tổ chức TW lên dặn: "Các chú về xin lỗi dân đi. Dân là nước, Chính phủ là thuyền, nước yên thì thuyền yên, nước không yên thì thuyền không yên". Và tất cả cán bộ chúng tôi lúc đó đã về xin lỗi dân.

Có lẽ, xuất phát từ những câu chuyện thực tế, nên điều Bác nhấn mạnh trong Di chúc đó là, sau khi đất nước giải phóng, cần tiến hành chỉnh đốn Đảng với hai trọng tâm: đoàn kết và chống thoái hóa đạo đức, chống quan liêu, phải sát dân, gần dân, thương dân, coi dân như cha mẹ, coi mình như đầy tớ của dân.

{keywords}
Di chúc Bác Hồ đã lường trước những vấn đề thời bình. Ảnh tư liệu

Chỉnh đốn trước tiên trong công tác cán bộ

Chỉnh đốn Đảng theo nghĩa thực của nó là chỉnh đốn trước hết và ngay trong công tác cán bộ, đặc biệt là phải chống tham nhũng.

Thời gian qua, chúng ta đã có các đợt vận động, các nghị quyết và đã đạt được thành tựu nhất định. Song để công cuộc này thực sự triệt để, quyết liệt thì còn cần những biện pháp hữu hiệu hơn nữa.

Theo tôi, nên hiểu chỉnh đốn Đảng không có nghĩa là mở cuộc chỉnh đốn, sàng lọc cán bộ, mà vấn đề ở chỗ phải sửa cơ chế. Chúng ta vẫn nặng ảnh hưởng về cơ chế cũ, đó là mở nhiều đợt vận động chống tham nhũng. Nhưng vận động là mang nghĩa phong trào, trong khi chỉnh đốn Đảng không phải chỉ có việc hô hào, ra nghị quyết, mà phải bắt đầu từ cơ chế.

Trước hết là bỏ cơ chế xin cho, vì nó tạo dư địa cho bôi trơn, tham nhũng. Còn cơ chế cho dự án, cho đất, cho công trình... là còn bôi trơn.

Để sửa đổi được bất cập thì yếu tố "con người" vẫn là khâu quan trọng mang tính quyết định. Muốn đột phá, học tập, làm theo di chúc của Bác thì đội ngũ lãnh đạo cấp cao nhất phải là những người có được các phẩm chất: chính trị phải tốt; gương mẫu; hiệu quả.

Với người lãnh đạo, hiệu quả chính là làm cho đất nước no ấm, dân giàu, nước mạnh, được nhân dân thừa nhận.

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói 1 câu khiến tôi nhớ mãi: "đức tài của cán bộ xuyên suốt qua sợi chỉ đỏ là hiệu quả công việc".

Chẳng hạn, đối với một người làm bí thư tỉnh ủy, thì tiêu chí đầu tiên là trong nhiệm kỳ của mình, anh mang lại cho đời sống, phúc lợi thực chất của người dân những gì.

Phẩm chất thứ 4 là phải biết lắng nghe tiếng nói đa chiều như Di chúc của Bác đã dạy "phải phát huy dân chủ rộng rãi".

Về nhân sự là vậy, còn tổ chức bộ máy hiện nay cũng vẫn cồng kềnh, còn theo mô hình Xô-viết cũ. Chúng ta phải cải cách đồng bộ, dẹp bỏ những tổ chức không cần thiết, và tạo ra cơ chế hoạt động phù hợp. Singapore làm gì có nhiều hội như ta mà họ vẫn rất phát triển. Chẳng hạn có một số tổ chức phải chuyển sang hoạt động theo một cơ chế khác, không theo kiểu hành chính, tự đi vận động quần chúng để lấy kinh phí hoạt động.

Cần có những cán bộ đứng đầu dám đột phá về tổ chức và bố trí cán bộ. Cần phải tạo ra một cơ chế giám sát thật nghiêm, có thực quyền. Ai có dấu hiệu giàu lên bất chính, cho kiểm tra ngay, giải thích nguồn gốc tiền từ đâu mà anh mua ô tô tiền tỷ, làm bao nhiêu nhà như vậy...

Chỉnh đốn Đảng phải chỉnh đốn, sắp xếp con người trước. Nói cho cùng mọi vấn đề đều quy về cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Tất cả những nguy cơ và yêu cầu chỉnh đốn Đảng mà Bác Hồ nêu lên cần được nhìn nhận, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.

Di chúc của Bác là tầm nhìn, di nguyện của nhà lãnh tụ vĩ đại, người suốt cuộc đời chỉ có một sự ham muốn "ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Đăng Tấn - Mỹ Hòa (ghi)