Hà Nội đặc biệt ở chỗ nó là một thành phố kiểu Á - Âu điển hình và đây là nét độc đáo hiếm thấy trong các thành phố cổ châu Á.

LTS: Trong Phần 3 loạt bài Đi tìm bản sắc văn hóa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Chính đưa ra góc nhìn về dấu ấn của sự đa sắc tộc, chủng tộc trên đất Hà thành.

Bài 1: Có thật Hà Nội khác hẳn các vùng miền

Bài 2: Hào hoa Hà thành phai nhạt vì người nhập cư

Cũng giống như mọi thành phố khác trên thế giới, Hà Nội là một đô thị đa sắc tộc. Điều đáng ngạc nhiên là trong khi hầu hết các tài liệu nghiên cứu về Hà Nội đều nhắc đến sự hiện diện của các nhóm cư dân như Hoa, Ấn, Chăm, Pháp và những sắc tộc thiểu số khác trong từng thời kỳ lịch sử của thành phố, song tính chất đa sắc tộc ấy trong bản sắc văn hóa Hà Nội lại hay bị lờ đi, ít được đi sâu phân tích.

Tuy nhiên, đó lại là một sự thực hiển nhiên cần được phân tích để làm rõ những gam màu đa sắc của văn hóa và cội nguồn của nó trong mỗi kiểu dáng kiến trúc, đền đài, trong những thói quen của đời sống thường nhật và trong cả cõi tâm linh sâu thẳm của con người thủ đô. Chính những yếu tố này, bằng những biểu hiện riêng của nó, cấu thành nên diện mạo văn hóa một đô thị.

Hà Nội đặc biệt ở chỗ nó là một thành phố kiểu Á - Âu điển hình và đây là nét độc đáo hiếm thấy trong các thành phố cổ châu Á. Tham góp vào việc tạo lập ra thành phố này, không thể không nói đến dấu ấn kiến trúc Hoa và Pháp.

{keywords}
Trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay, trước đây là Sở Tài chính Đông Dương do người Pháp xây dựng. Ảnh: Hoàng Dương/ Báo tin tức

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa

Người Hoa - Hán và các sắc tộc Trung Hoa khác đến Việt Nam từ rất sớm, bằng nhiều con đường khác nhau, và phần lớn những người trong làn sóng di cư đầu tiên từ phương Bắc tới với mục đích định cư đều đã địa phương hóa để trở thành người Việt.

Sau này, mặc dù thời kỳ đô hộ trực tiếp của nhà Hán ở Việt Nam đã từ lâu chấm dứt, nhưng dòng người di cư từ các địa phương thuộc vùng Quảng Đông như Triều Châu, Phúc Kiến vẫn tiếp tục đổ về phía Nam. Các nhà nghiên cứu cho rằng phần lớn người Hoa đã Việt hóa; cũng giống như người Hoa nhập cư ở các nước khác trong vùng, họ đã địa phương hóa để thích nghi với hoàn cảnh.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người Hoa nhập cư không để lại dấu ấn văn hóa của mình trong đời sống của địa phương sở tại. Chẳng hạn tiếng Hà Nội với tư cách là một phương ngữ của tiếng Việt đã chịu nhiều ảnh hưởng của các thành tố Hán ngữ.

Về phương diện tôn giáo, sự hiện diện của đạo Lão, đạo Nho và đạo Phật đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Hà Nội. Về phương diện ẩm thực, các món ăn dân dã như lạc rang húng lìu, vịt quay hay món xì-dầu cũng thấy hiện diện phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Hà Nội.

Về phương diện kiến trúc, có thể nhận thấy các đền miếu và hội quán của người Hoa đã để lại một sắc thái rất riêng cho Hà Nội. Nhưng ngay cả cấu trúc các phố thị chật chội với kiểu nhà dài hình ống san sát có chức năng vừa làm nhà ở, vừa tận dụng mặt tiền chật hẹp làm cửa hàng buôn bán được cho là đặc trưng riêng "thể hiện sự khéo léo, tinh tế của người Hà Nội xưa" thực ra cũng thấy phổ biến ở tất cả các phố Tầu (China Town) trong khu vực, từ Hội An, Chợ Lớn (Việt Nam) đến các phố Tầu ở Bangkok (Thái Lan), Yojakarta (Indonesia), Singapore, v.v.

Về phương diện văn hóa thượng tầng, các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy trong lối giáo dục khoa cử, các hình thức tổ chức nhà nước, hệ thống đạo đức và pháp luật của Việt Nam những yếu tố vay mượn hoặc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa mà họ nhìn nhận như là "mô hình Trung Hoa" (Chinese Model) trong văn hóa chính trị ở nước Việt Nam trước thời thực dân. Đó cũng là lý do tại sao các nhà nghiên cứu phải đi tìm bản sắc Việt ở trong mạch nguồn văn hóa dân gian nơi làng quê và gọi đó là "linh hồn" của văn hóa dân tộc.

V.v,...

"Paris của Việt Nam"

Nhưng Hà Nội không chỉ có dấu ấn văn hóa của người Hoa. Một phần không thể thiếu của văn hóa Hà Nội là dấu ấn Âu Tây mà người Pháp đã mang đến. Chính những dấu ấn này đã làm nên một thành phố phương Đông mang đậm sắc thái kiểu châu Âu khiến nhiều du khách ngỡ ngàng như đang khám phá một "Hà Nội - Paris của Việt Nam"[1].

Người Pháp đã mang đến Hà Nội một bộ mặt khác trong khi không làm mất đi cái dáng vẻ xưa cũ tấp nập của 36 phố phường. Đó là các con phố có đường trải nhựa rộng cả chục mét, với nhà hàng, quán bar và café, dinh thực, công sở, khách sạn, các công trình công cộng như nhà thờ, công viên, nhà hát, và cả những cơ sở công nghiệp như cơ khí và in ấn, v.v.

Hàng loạt các phố Tây lần lượt ra đời sau phố Tràng Tiền và hàng Khay là các phố Rue Jules Ferry (Hàng Trống),  Rue Gia Long (Bà Triệu),  Rue Francis Garnier (Đinh Tiên Hoàng)... Những phố này hợp với các đại lộ Boulevard Rollandes (Hai Bà Trưng), Boulevard Careau (Lý Thường Kiệt) và Boulevard Gambetta (Trần Hưng Đạo) tạo ra cấu trúc thành phố theo kiểu ô bàn cờ nối các con phố và đại lộ với nhau, tạo nên bộ phận cốt lõi của khu trung tâm hành chính thời Pháp thuộc. Sau khi cầu Long Biên và nhà ga Hàng Cỏ đi vào hoạt động hồi đầu thế kỷ 20, Hà Nội đã trở nên lung linh như một hòn ngọc ở Viễn Đông.

Không chỉ vậy, bằng việc tạo ra một hệ thống giáo dục kiểu mới nhằm đào tạo những công chức và trí thức kiểu châu Âu phục vụ nhà nước thực dân, dù nằm ngoài chủ định của người Pháp, cũng đã thổi vào đời sống của người Hà Nội một luồng gió mới, xua đi cái ngột ngạt của hệ thống giáo dục kiểu Tầu dựa trên các tôn ty trật tự chuyên chế phương Đông vốn đã ngự trị nhiều thế kỷ ở chốn kinh kỳ.

{keywords}

Ảnh chụp khung cảnh phía trước Ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội)

Hệ thống trường học từ trung học đến cao đẳng và đại học chủ yếu tập trung ở Hà Nội đã đào tạo ra một lớp trí thức tinh hoa cho dân tộc. Cùng với đó là những tư tưởng mới về bình quyền, quyền con người, quan niệm về tự do bác ái, về trách nhiệm công dân, v.v... và nhen nhóm xu hướng cách mạng nhằm thay đổi xã hội.

Quan niệm đề cao lối sống hào hoa thanh lịch của người Hà Nội mà ngày nay được nhìn nhận như bản sắc văn hóa của thành phố có lẽ cũng đã được sản sinh ra trong giai đoạn đau thương nhưng hào hùng này.

Bên cạnh những yếu tố văn hóa Đông - Tây vẫn còn hiển hiện cả trong đời sống vật chất và tinh thần của Hà Nội, chúng ta cũng thấy sự tham góp của nhiều nhóm sắc tộc thiểu số bản xứ khác.

Khảo sát của các nhà ngôn ngữ học cho thấy có những thành tố ngôn ngữ cổ gốc Mã Lai, một bộ phận còn sót lại trong tiếng nói của nhóm cư dân cổ đại, tổ tiên trực tiếp của người Việt hiện đại vẫn đang còn sống trong kho từ vựng của người vùng Hà Nội, đặc biệt là những địa danh cổ như sông Cà Lồ, Cán Khê, Càn Hải, v.v.

Khảo sát các làng nông nghiệp tồn tại trong khu vực hoàng thành Thăng Long bị hoang phế sau thế kỷ 18 cũng cho thấy gốc tích của nhiều dòng họ ở đây vốn là người Mường và người Thái ở vùng Thanh - Nghệ  được tuyển dụng làm việc phục vụ trong hoàng thành rồi sau đó định cư ở lại các trại như Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Vạn Phúc, Liễu Giai và Giảng Võ.

Ngày nay, với việc sát nhập Hà Tây vào địa giới Hà Nội, các sắc tộc thiểu số như Mường, Dao đã chính thức trở thành một bộ phận cư dân gốc bản địa của thủ đô với khoảng 1% tổng số dân toàn thành phố.

Tóm lại, nhìn nhận dấu ấn văn hóa Hoa, Pháp và các tộc người khác như những bộ phận hợp thành trong cấu trúc văn hóa của Hà Nội không làm giảm đi giá trị văn hóa dân tộc mà ngược lại, góp phần hiểu sâu hơn các giá trị nhân bản, khả năng dung hợp, tính chất hài hòa và đa dạng của một truyền thống văn hóa lâu đời mà thành phố thủ đô là một đại diện.

(Còn tiếp)

PGS.TS Nguyễn Văn Chính

*Tác giả là Tiến sĩ chuyên ngành Nhân học Văn hoá - Xã hội tại Đại học Amsterdam, Hà Lan. Hiện ông là Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương và Các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

------

[1] Susan Spano "Vietnam: Remnants of Hanoi's French colonial past", Los Angeles Times, May 23, 2008.

Xem thêm các bài chủ đề Hà Nội:

Đài quốc gia: "Sống chết" phải giọng HN mới thuận tai?

Nếu giọng ấy thực sự không hay, thì khán giả sẽ "điều" quảng cáo sang kênh khác. Nếu phẩm chất của một anh "ngoại tỉnh" nào đó không tốt, thì cuộc đời sẽ quật cho đến khi anh thay đổi.

Dưới Cột cờ Hà Nội nói với con về Tổ quốc

Cột cờ đã đứng đó từ thời Hoàng Diệu bảo vệ thành Hà Nội, và nay nó đang và sẽ cùng chúng ta tiếp tục bảo vệ từng tấc đất nơi đầu sóng.

Nghĩ về cái sự 'chán' Hà Nội

Hôm nay đi lên cầu Long Biên bắt gặp vài cái "khóa tình yêu", chỉ lạ ở chỗ, những người yêu nhau đó họ chọn chỗ để khóa đúng cái chỗ thẳng đuột vô duyên của cầu.