Có thể phân chia không gian sinh tồn của các nhóm cư dân trong khu vực đô thị Hà Nội thành 5 nhóm.

LTS: Trong Phần 4 loạt bài Đi tìm bản sắc văn hóa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Chính đưa ra góc nhìn về không gian đô thị và lối sống của cư dân đô thị Hà Nội.

Bài 1: Có thật Hà Nội khác hẳn các vùng miền

Bài 2: Hào hoa Hà thành phai nhạt vì người nhập cư

Từ khảo sát không gian cư trú của cư dân khu vực đô thị Hà Nội hiện nay, ta có thể nhận ra tính chất khác biệt tương đối trong phân bố dân cư theo lãnh thổ. Những không gian cư trú này được hình thành một cách tự nhiên và dù chỉ có tính tương đối, nó có thể giúp hiểu được lịch sử cư trú, vị thế xã hội, mức sống và lối sống của các nhóm dân cư khác nhau. Hơn thế, nó là một chỉ báo cho thấy bản chất của văn hóa Hà Nội là đa nguyên, đa dạng và không đồng nhất về lối sống như vẫn thường được khái quát trong các nghiên cứu đã có về văn hóa Hà Nội.

Có thể phân chia không gian sinh tồn của các nhóm cư dân trong khu vực đô thị Hà Nội thành 5 nhóm sau đây: 1) Khu phố cổ; 2) Khu phố Tây; 3) Các khu đô thị mới; 4) Các làng nông nghiệp ven đô đang đô thị hóa; 5) Các khu ổ chuột và xóm liều.

Khu phố cổ, hay còn gọi là khu 36 phố phường, được xem là trung tâm lịch sử của đô thị Hà Nội. Hầu hết cư dân sinh sống trong khu vực này đều đã có mặt ở đây từ trước hoặc trong thời kỳ thuộc Pháp. Đặc điểm kiến trúc điển hình của khu phố cổ là các ngôi nhà hình ống hẹp về chiều ngang và có chiều sâu.

Tuy là bộ phận thị dân có lịch sử cư trú lâu đời của Hà Nội nhưng các ngôi nhà của họ phần lớn đều đã xuống cấp, được cơi nới và cải tạo lại một cách tùy tiện không theo quy hoạch. Nhiều hộ gia đình có từ ba đến bốn người chỉ sống trong một không gian nhỏ hẹp chừng 10m2 và không có nhà vệ sinh riêng.

Từ thuở khai sinh cho đến ngày nay, trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi và tu sửa, khu phố này vẫn chật hẹp và đông đúc. Các phố cũng đồng thời có chức năng như những cái chợ với các gian hàng, chen lẫn đền miếu và chùa chiền của các cộng đồng cư dân người Việt và người Hoa.

{keywords}

Khu vệ sinh tắm giặt, cơm nước này là của chung của nhiều hộ nhà 27 phố Hàng Bạc. Ảnh: Hoàng Hà/ VnExpress

Khu phố cũ hay còn gọi là phố Tây chủ yếu được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, nằm ở khoảng giữa hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm. Nó được thiết kế thành hai khu vực, bao gồm khu hành chính đầu não nằm trên nền hoàng thành cũ của kinh đô Thăng Long xưa mà trung tâm là khu vực Ba Đình, và các khu phố kiểu ô bàn cờ với các tòa biệt thự, công sở, nhà hàng, bệnh viện, công trình công cộng, và cả doanh trại quân đội.

Đáng lưu ý là hiện nay nhiều biệt thự đẹp đã bị biến thành chung cư và bị sửa chữa, cơi nới làm biến dạng phong cách nguyên sơ của chúng trong khi nhiều nhà cao tầng được phép xây dựng ở khu vực này, khiến cho khu phố Tây vốn được thiết kế và hoàn thiện đến từng chi tiết, nay trở nên xô bồ hỗn loạn. Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội (năm 2010) cho biết khoảng 80% trong số hơn 900 ngôi biệt thự còn lại đến nay đã bị lấn chiếm hoặc phá vỡ nguyên trạng[1].

Các khu đô thị mới,  còn được biết đến dưới tên gọi khu tập thể (hình thành từ sau những năm 1960) và gần đây là khu đô thị (xuất hiện sau thời kỳ đổi mới) đã ghi lại dấu ấn phát triển của thành phố qua từng chặng đường lịch sử.

Các khu chung cư tập thể là sản phẩm của nền kinh tế bao cấp ở Hà Nội những năm 1960-80 và hình hài của nó phảng phất nét kiến trúc thô cứng của các khu chung cư kiểu Nga Xô-viết du nhập vào Việt Nam. Do thiết kế của khu tập thể không thích hợp với lối sống gia đình, nhiều hộ đã tự ý cơi nới, làm xuất hiện các "chuồng cọp" treo không chỉ mất mỹ quan đô thị mà còn làm cho các khu chung cư xuống cấp nhanh chóng.

Từ khi thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, khu vực đô thị của Hà Nội đã được mở mang rất nhanh chóng. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng, công sở và các tòa nhà chung cư vươn lên sừng sững có kiểu dáng kiến trúc na ná nhau, vô hồn.

Trong khi đó, nông dân ở các làng cổ truyền vùng ven đô phải di chuyển nhường chỗ cho khu chung cư bỗng chốc không còn ruộng đất làm kế sinh nhai và trở thành những thị dân bất đắc dĩ. Điều đáng nói là các dự án xây dựng khu đô thị mới thường không tạo được mạch sống tiếp nối hay gắn bó với những người nông dân đã sống trên những mảnh đất của họ từ đời này qua đời khác.

Một đặc điểm dễ nhận ra trong kiến trúc các khu đô thị mới là mật độ xây dựng quá dầy trong khi thiếu vắng các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, công viên, vườn trẻ và nơi đỗ xe.

{keywords}
Khu tập thể với những 'chuồng cọp' dầy đặc. Ảnh: VOV online 

Các làng ven đô bị cưỡng bức chuyển sang đô thị là một mô hình khá phổ biến trong cơn lốc đô thị hóa ở Hà Nội những năm giao thời giữa hai thế kỷ. Bản chất của quá trình đô thị hóa này là việc bao gồm các làng vào trong khu vực đô thị do đất đai của các hộ nông dân đã bị nhà nước thu hồi cho công cuộc đô thị hóa và công nghiệp hóa.

Hậu quả của tình trạng mất đất nông nghiệp đã biến người nông dân thành những lao động phi nông nghiệp hoặc thất nghiệp. Một số hộ cảm thấy đời sống khá hơn sau khi nhận được một khoản tiền đền bù đất nhưng nhanh chóng rơi vào trạng thái thất vọng sau đó do chưa được chuẩn bị để trở thành thị dân hay công nhân lao động có kỹ thuật.

Tại những khu vực làng-phố này, dân nhập cư xâm nhập mạnh hơn vào trong cộng đồng,  mang đến những thói quen, tập tục và thế ứng xử của riêng họ, bất chấp các giá trị truyền thống của cộng đồng gốc, tạo nên những đứt gẫy và hẫng hụt trong lối sống của cả hai nhóm cũ và mới.

Khu ổ chuột và các xóm liều, xóm nhảy dù, xóm ma là một phần của đời sống đô thị ở nhiều nơi trên thế giới. Hà Nội cũng không là một ngoại lệ, và loại hình cư trú của nhóm cư dân này cũng không phải mới xuất hiện gần đây, mà từ thời thực dân.

Cùng với quá trình đô thị hoá nhanh ở Hà Nội những năm gần đây, người ta cũng thấy xuất hiện ngày càng nhiều các xóm liều đô thị như một hiện tượng song hành của sự bùng nổ dòng chảy lao động tự do từ nông thôn về thành phố kiếm việc làm. Các xóm này có thể được tìm thấy ở nhiều nơi trong thành phố, nổi bật là ở các xóm ven sông, gầm cầu, "bãi rác" bị bỏ hoang, và nhiều xóm ngoại ô khác thuộc các quận đang trong quá trình đô thị hóa nhanh.

Có thể xem xóm liều như là một biểu hiện sinh động của tình trạng đói nghèo và độ tương phản trong mức sống ở đô thị đang tăng lên. Khảo sát của chúng tôi ở một số xóm liều trong thành phố cho thấy tuyệt đại bộ phận cư dân sống trong xóm liều là những người lao động tự do hiền lành di cư đến từ các vùng nông thôn nghèo khó. Họ là những người có vị thế dễ bị tổn thương nhất trong đời sống đô thị.

Xóm liều đô thị là hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hoá, phân tầng xã hội và tình trạng gia tăng dòng di dân tự do đến đô thị. Dòng chảy của người lao động tự do về thủ đô tìm việc làm vẫn đang tiếp tục tăng lên, và các xóm liều mới sẽ lại mọc lên nếu thiếu một chính sách toàn diện ở tầm vĩ mô đối với vấn đề di chuyển lao động nông thôn - đô thị.

(Còn tiếp)

PGS.TS Nguyễn Văn Chính

*Tác giả là Tiến sĩ chuyên ngành Nhân học Văn hoá - Xã hội tại Đại học Amsterdam, Hà Lan. Hiện ông là Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương và Các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

----

[1] Đề nghị dừng phá dỡ biệt thự cũ tại Hà Nội, Thongtindoingoai.vn, ngày 7/5/2010.