Sau nhiều lần chứng kiến một cách bất nhẫn cái cách mà những người có trách nhiệm đang làm trong forum của một nhóm SV, tôi cất lời phản đối. Có lẽ như một tiếng sét giữa trời quang.

10 năm trước, tôi là một cô bé "đơn giản". Khi biết tin tôi đi du học, vài người bạn nói: Em sẽ thay đổi. Chắc chắn rồi. Em sẽ rất khác sau khi trở về.

Giờ đây, khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ trở về VN làm việc, nhìn lại chặng đường mình đã đi qua và thứ đang song hành với mình, tôi phải thừa nhận rằng bạn tôi đúng.

Lần đầu tiên, sau nhiều lần chứng kiến một cách bất nhẫn cái cách mà những người có trách nhiệm đang làm trong forum của một nhóm SV, tôi cất lời phản đối. Có lẽ như một tiếng sét giữa trời quang.

Lời phải đối của tôi về cách hành xử  trong đó đã gây náo loạn môi trường tương tác đối thoại giữa một nhóm sinh viên nhỏ đối với thầy cô. Nhưng có lẽ đó cũng không phải là chuyện hiếm trong các tương tác đối thoại ở trường học xứ ta hiện nay.

Tôi nhìn thấy hình ảnh của tôi 10 năm trước: nín nhịn, chịu đựng, sợ sệt, và yếu thế. Tôi nhìn thấy hình ảnh của các bạn tôi 10 năm trước: bị oan ức mà không dám kêu than, không dám phản đối lại ý kiến của các thầy cô vì tin rằng thầy cô luôn đúng, mình luôn sai.

Không dám phản biện lại bất cứ quyết định gì của đám đông dù biết chắc chắn các quyết định đó gây tổn thương mình và bạn bè mình, vì sợ bị trù dập, sợ bị bêu riếu, sợ đủ thứ...

{keywords}
Lần đầu tiên trong đời, tôi đứng lên phản ứng thái độ của thầy cô

Thậm chí đó là những nỗi sợ rất mơ hồ của những người trẻ được nuôi lớn với niềm tin sắt đá rằng: phản biện là hành động không ngoan, là cãi, vô giáo dục, không kính trọng người lớn...

Một SV của nhóm nói với tôi rằng, thế hệ của cô đang thiếu sự mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, và những lập luận với lý lẽ sắc bén. Nhưng tôi thì cho rằng, họ đang thiếu một nền tảng tư duy, như tôi và các bạn tôi 10 năm trước.

Chúng tôi đã im lặng để bầu lên một lớp trưởng mà chúng tôi không phục, bầu lên một bí thư  mà chúng tôi không tín nhiệm chỉ bởi vì chúng tôi không dám cất tiếng nói phản biện với  quyết định từ trên (cấp Đoàn trường...).

Chúng tôi đã thờ ơ nhìn sự vận động xã hội trôi qua và tự hỏi mình: đâu mới là sự thật, thế nào là đúng - sai?

Tất cả là bởi chúng tôi là một thế hệ "học thuộc lòng", "học gạo", không được trang bị để có được "tư duy phản biện"  nhằm tự phân tích và đánh giá sự vật dựa trên những bằng chứng khách quan, và tạo ra những mối liên hệ giữa các thông tin được tiếp nhận để chỉ ra những khía cạnh của một vấn đề.

Ở hai ngôi trường ĐH mà tôi đi du học, tư duy phản biện (critical thinking) là đòi hỏi bắt buộc. Chúng tôi được dạy phải nhìn mọi sự việc dưới nhiều góc độ và phân tích đánh giá chúng bằng tất cả những kiến thức mà chúng tôi có.

Chúng tôi được yêu cầu thường xuyên đặt câu hỏi để đảo ngược lại một mệnh đề, từ đó tìm ra cái thiếu sót, cần nghiên cứu và bù đắp. Bằng cách đó, chúng tôi bắt bộ não phải hoạt động thay vì chỉ nhập dữ liệu cho đến mức tràn đầy mà không cần đánh giá dữ liệu đó hợp lý hay không?

Bằng cách đó, chúng tôi tìm ra cách để thúc đẩy cuộc sống của mình theo chiều tịnh tiến. Những đam mê, lý tưởng, cảm thông xã hội và cả niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống cũng từ đó hình thành.

Nếu chúng tôi đủ khả năng để đánh giá sự vật sự việc dựa theo kiến thức của bản thân và quy luận vận động của tự nhiên và xã hội, chúng tôi sẽ không còn hoài nghi trước thực trạng của xã hội, biết cách phản biện để đấu tranh cho những điều tốt đẹp, những chân giá trị chung của cả xã hội...

Xã hội thực sự đã phát triển đi lên, các phát minh và phát kiến khoa học đã được hình thành từ những phản biện như thế. Những phản biện trong môi trường học thuật được hình thành dựa trên cơ sở của phương pháp tư duy duy phản biện không bao giờ tạo nên sự suy đồi đạo đức người học (như các hành động vô lễ, thiếu tôn trọng giáo viên), bởi nó không dựa trên những ý kiến chủ quan, xoi mói cá nhân.

Nhờ đó, thầy cô phải liên tục nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để đáp ứng sự phản biện có khoa học của SV. Họ cũng luôn phải tự soi mình với các chuẩn mực mềm về đạo đức để tránh hành động và lời nói thiếu tôn trọng.

Trở lại với câu chuyện ở diễn đàn SV nói trên, tôi đã nhận không ít "gạch đá" từ những giảng viên - không hề già. Một số GV cũ của tôi đã đứng ra ủng hộ tôi trong cuộc tranh luận đó. Họ khiến tôi có niềm tin rằng: sự chủ quan, duy ý chí tồn tại chủ yếu ở những người trẻ - những người không hình thành được cho mình "tư duy phản biện", lại cũng chưa có nhiều trải nghiệm xã hội.

Họ coi hành động của tôi là sự chỉ trích cá nhân.

Điều khiến tôi buồn hơn cả là thái độ tranh luận của các cán bộ đoàn, cán bộ lớp . Đó là những SV nhảy vào "bênh" thầy cô của họ với những suy nghĩ kiểu: Ở Việt Nam phải thế, hay, bạn thì biết gì về việc này mà nói...

Tôi đã tự hỏi: có thật họ tin các hành động của thầy cô họ là đúng? Hay họ cũng như các bạn cán bộ lớp của tôi ngày xưa, biết rõ đúng sai những vẫn cố gắng lên tiếng để mong giữ được  quyền lợi cá nhân? Hoặc có thể họ không đủ sức mạnh và lý lẽ để bảo vệ bạn bè?

Sau nhiều cuộc trò chuyện, tôi nhận ra rằng: nếu lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân đang là thứ ràng buộc các cán bộ lớp, cán bộ đoàn với các GV phụ trách công tác đoàn thể của sinh viên, thì sự thiếu hụt về tư duy phản biện chính là điều dẫn đến cách hành xử nói trên.

...

Vừa rồi bạn bè tôi chia sẻ bảng xếp hạng các trường Đại học trên thế giới. Tôi cố gắng để tìm một cái tên Việt Nam, nhưng tuyệt nhiên không. Trong một nỗ lực cuối cùng, tôi vào xem một bảng xếp hạng các trường Đại học ở Việt Nam, ngôi trường mà tôi đã từng học (ĐH của vùng) nằm gần cuối danh sách, thậm chí sau cả những trường Đại học tư mới được thành lập.

Ước mơ xây dựng một môi trường học thuật dân chủ, lành mạnh, nhân văn chắc chắn sẽ còn rất xa. Tôi cũng không biết đến bao giờ trong cái bảng xếp hạng kia có tên một trường Đại học của Việt Nam. Nhưng tôi biết chắc chắn, mọi sự đổi thay phải bắt đầu từ chính những người trong cuộc.

Nếu các bạn sinh viên và các bạn trẻ không thực sự muốn thay đổi, họ sẽ mãi mãi nằm trong những mối ràng buộc mà tôi đã nói ở trên. Nếu như họ mãi mãi chỉ được dạy để học thuộc lòng những bài giảng và tin rằng phản biện là xấu thì sẽ mãi tụt hậu.

Một môi trường học thuật dân chủ , nhân văn sẽ chỉ được xây dựng khi người học được trang bị kỹ năng tư duy phản biện..

Tôi vẫn tin "tôn sư trọng đạo" là một trong những giá trị chuẩn mực của đạo đức mà mỗi người chúng ta cần phải có. Tôi cũng tin "nghề giáo là nghề cao quý" bởi không có giáo dục thì sẽ chẳng có văn hóa, kinh tế, chính trị.

Nhưng xin hãy để các thầy cô trở lại đúng là những con người như chúng ta. Để tư duy phản biện dẫn dắt người học trên con đường tri thức. Còn người thầy, xin hãy là những "mentors" - những cố vấn dày dạn kinh nghiệm, là người bạn đồng hành đáng tin cậy và đáng trọng của họ trên con đường đó.

Thanh Dung

Tin bài liên quan: