"Nguy cơ thực sự" của sự xích lại gần nhau hơn giữa Nga và TQ không phải là sự đổ vỡ quan hệ Trung - Mỹ, mà là tác động của nó đối với đồng USD - một chuyên gia chỉ ra.

>> Tại sao Obama lại rơi vào ‘tình cảnh’ này?

>> Biển Đông: Cần thế 'chân vạc' Mỹ-Ấn-Nhật?

>> Những 'lá bài' trong tay Putin

>> Giành đảo với Nhật, Trung Quốc nhắm vào đâu?

Lịch sử cho thấy quan hệ Nga - Trung đã chứng kiến xung đột không nhỏ. Nhưng ngày nay, họ đang tạo thành một cặp đôi địa chính trị "hạnh phúc", - một liên minh xuất phát từ việc có đối thủ chung nhiều hơn là có cùng lợi ích.

Tại Thượng Hải, mới gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình khui vodka và chúc mừng một thỏa thuận khí đốt thời hạn 30 năm nhằm chuyển khí tự nhiên của Nga tới nước láng giềng phía Đông. Tại Bắc Kinh, cuốn tiểu sử về Tổng thống Nga mang tên "Putin: Sinh ra cho nước Nga" đã lọt vào danh sách những cuốn bán chạy nhất.

"Môn đăng hộ đối"

Một liên minh Nga - Trung sẽ là sự hợp nhất của hai nền quân sự lớn thứ hai và thứ ba thế giới, là sự kết hợp giữa nền kinh tế khổng lồ và năng động (1,3 tỷ dân) của TQ với các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của Nga. Nhìn trên bản đồ thế giới, cặp đôi này trông thật hoàn hảo.

Bao trùm hầu hết mảnh đất rộng lớn từ châu Á sang châu Âu, một liên minh Nga - Trung sẽ nổi lên như một tác nhân khu vực đáng kể tại châu Âu, Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á và cả Trung Đông. Với sức hút mạnh mẽ của mình, liên minh khổng lồ này chắc chắn sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng ra ngoài biên giới, thu hút nhiều đồng minh, mà kết cục có thể sẽ là một khối mới trên thế giới, khác biệt về tư tưởng so với phương Tây và xung đột lợi ích với Mỹ.

Quan hệ Nga - Trung hiện nay chưa phải là một liên minh chính thức, mà giống như cặp cạ trong một ván bài chuồn. Mỗi bên có lý do riêng để tin rằng đã đến lúc đập lại chủ nghĩa bá quyền địa chính trị của Mỹ.

Lập luận tương tự cũng đúng trong vấn đề vũ khí hạt nhân. Dư luận phương Tây thời hậu Chiến tranh Lạnh cho rằng khái niệm răn đe hạt nhân đã lỗi thời, nhưng TQ không cho là như vậy. Nước này đã tiến hành thử nghiệm một tên lửa tầm xa mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn lên tới 10.000 km, đủ để tấn công mọi mục tiêu ở châu Âu và vươn tới tận bờ biển phía Đông nước Mỹ. Trong khi đó, Nga mơ về một năng lực hạt nhân của riêng mình: chính ông Putin đã nhắc nhở mọi người rằng nước Nga vẫn là một cường quốc hạt nhân, và "tốt nhất đừng đùa với lửa".

Các cuộc xung đột ủy nhiệm của các cường quốc Á - Âu cũng khá ăn khớp: sự ủng hộ của Nga dành cho chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al Assad, cũng như việc Moscow thận trọng điều chỉnh các hoạt động hạt nhân và vũ khí với Iran, đang hủy hoại các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Tương tự, TQ thì dành ủng hộ cho Triều Tiên.

Các động thái này trên bàn cờ quốc tế buộc Washington và các đồng minh phải tập trung vào các điểm nóng tiềm ẩn, khiến họ không còn khả năng tự do hành động.

{keywords}

Ba nguyên thủ của Mỹ - Nga - Trung tại APEC 2014. Ảnh: Reuters

Cùng hội cùng thuyền

Một phần tạo ra lực hấp dẫn giữa hai nước láng giềng này là chính sách chính trị thực dụng. TQ không có vấn đề gì với việc Nga sáp nhập Crimea. Bắc Kinh dường như còn hy vọng Moscow sẽ đáp lại bằng việc ủng hộ khi TQ mở rộng các yêu sách lãnh thổ ra phía Đông và xuống phía Nam, tới tận các tỉnh miền Đông Ấn Độ mà họ gọi là Tây Tạng Nam. Mục tiêu làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ đã trở thành động lực để Moscow và Bắc Kinh phối hợp hành động.

Xét ở khía cạnh chiến lược, sự nổi lên của một quan hệ Nga - Trung là hoàn toàn logic trong bối cảnh các quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow với Washington đều đang ngày càng căng thẳng và không có đối tác lớn nào khác để họ hướng tới.

Xét ở khía cạnh chiến thuật, những tháng vừa qua đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự xích lại gần nhau giữa hai "gã khổng lồ" này. Trước tiên, phải kể tới thỏa thuận khí đốt lịch sử trị giá hơn 400 tỷ USD ký hồi tháng 5 vừa qua. Bên cạnh đó là hơn 40 thỏa thuận khác, bao gồm các dòng vốn TQ dành cho các ngân hàng của Nga, các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và một hiệp định hoán đổi tiền tệ nhằm thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Hồi chuông cảnh báo Mỹ

Các thỏa thuận thương mại mới đây và sự hợp tác cấp cao giữa Nga và TQ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại phương Tây, khi các nhà hoạch định chính sách và các lãnh đạo ngành dầu khí chứng kiến cán cân quyền lực trên thị trường năng lượng toàn cầu dịch chuyển về hướng Đông.

Hậu quả của việc thắt chặt quan hệ kinh tế giữa Nga và TQ cũng có thể đồng nghĩa với sự khởi đầu của quá trình chấm dứt vai trò chế ngự của đồng USD, và điều này có thể tác động sâu sắc tới các thị trường năng lượng toàn cầu.

Nga và TQ đã ký kết các thỏa thuận năng lượng nhấn mạnh đến lợi ích năng lượng của hai bên. Lớn nhất là thỏa thuận khí đốt trị giá 456 tỷ USD mà tập đoàn Gazprom của Nga ký với TQ hồi tháng 5 vừa qua.

Điều đáng nói là 5 năm trở lại đây, hai nước cũng đã ký một loạt các thỏa thuận lớn về năng lượng. Năm 2009, tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft của Nga đã đảm bảo một thỏa thuận hoán đổi dầu lửa trị giá 25 tỷ USD với Bắc Kinh. Năm 2013, Rosneft nhất trí tăng gấp đôi lượng dầu cung cấp cho TQ trong một thỏa thuận mới trị giá 270 tỷ USD.

Kể từ khi phương Tây đưa ra các lệnh trừng phạt của chống lại Nga, Moscow đã ngày càng hướng về đối thủ cũ của mình dưới thời Chiến tranh Lạnh, coi đây như một khách hàng chìa khóa mua dầu thô - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga.

Chuyên gia bình luận của tờ The Telegraph (Anh), Liam Halligan cho biết "nguy cơ thực sự" của sự xích lại gần nhau hơn giữa Nga và TQ không phải là sự đổ vỡ quan hệ Trung - Mỹ, mà là tác động của nó đối với đồng USD.

Halligan nhận định nếu chính sách "chuyển trọng tâm sang châu Á" của Nga dẫn tới việc Moscow và Bắc Kinh buôn bán dầu lửa bằng một đồng tiền khác, không phải USD, thì điều này cho thấy một thay đổi lớn trong cách vận hành của nền kinh tế toàn cầu và sự suy giảm đáng kể quyền lực của Mỹ và các nước đồng minh. Với việc TQ giờ đây trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và Mỹ ngày càng thúc đẩy sản xuất trong nước, thì kỷ nguyên "đôla dầu mỏ", nói cách khác là sự chế ngự của đồng USD, chỉ còn tính bằng ngày.

Nhận định trên càng có cơ sở nếu nhìn vào một thực tế khác đang diễn ra song song. Hồi tháng 6 vừa qua, TQ đã nhất trí với Brazil về một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 29 tỷ USD trong một nỗ lực thúc đẩy đồng nhân dân tệ thành một ngoại tệ dự trữ. Đầu tháng 10, các ngân hàng trung ương Nga và TQ đã ký một thỏa thuận trị giá 150 tỷ USD hoán đổi đồng nhân dân tệ - ruble nhằm tăng gấp đôi trao đổi thương mại giữa hai nước.

Chỉ các hành động trên chưa chắc đã dẫn tới sự kết thúc vai trò ngoại tệ dự trữ toàn cầu hàng đầu của đồng đôla, nhưng đặt chúng trong bối cảnh nhiều hành động khác đang diễn ra trên khắp thế giới, trong đó có việc Saudi Arabia bất đồng với chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Iran, hay việc TQ đang "hám" vàng, thì đây rõ ràng là những bước đi đầy ý nghĩa trên con đường thoát  khỏi USD.

Anh Thư (tổng hợp)

Sự xích lại gần nhau hơn giữa Nga và TQ đã là quá rõ. Tuy nhiên, phải chăng hai cường quốc này đang tiến tới thành lập một liên minh? Câu trả lời sẽ có trong Kỳ 2: Quan hệ Nga - Trung: 'Đồng sàng' nhưng... 'dị mộng'.