"Tại sao không nghĩ đến chuyện kéo người giỏi của nước ngoài về VN làm việc và ở mặt ngược lại, những người Việt giỏi, nếu họ có cơ hội đi, hãy để họ đi" - TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Đại học FPT.
LTS: Tiếp chuyên đề tổng kết năm, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi với TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Đại học FPT, xung quanh một vài câu chuyện giáo dục năm 2014.
Ông Đàm Quang Minh nhận bằng tiến sĩ về Khoa học Trái đất của ĐH Tổng hợp Greifswald (CHLB Đức) năm 2007. Với hơn 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đại học, cao đẳng và hợp tác quốc tế, ở tuổi 35, hiện là hiệu trưởng ĐH trẻ nhất VN.
TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Đại học FPT. Ảnh: Mỹ Hòa |
Đặt cơ chế hơn là đưa giải pháp
Trước hết, xin ông cho biết nhìn nhận tổng thể một năm qua, có những đổi mới nào trong giáo dục VN mà ông đánh giá là quan trọng, nổi bật?
Trong năm vừa qua có 2 bước tiến là những thay đổi mà cá nhân tôi cho rằng mang tính đột phá.
Thứ nhất, là phương án kỳ thi Quốc gia, mà theo đó các trường ĐH sẽ được quyết định sử dụng kết quả của kỳ thi này đến đâu trong khâu tuyển sinh đầu vào. Cách tiếp cận về thi ĐH như vậy dù chưa được như kỳ vọng của nhiều người, nhưng có thể coi là bước tiến hợp lý, là sự chuyển đổi cần thiết. Nó bước đầu thể hiện quan niệm rằng tuyển sinh là trách nhiệm của nhà trường, cũng như Bộ GD&ĐT không nên ôm đồm khâu đầu vào cho các trường.
Tiếp đến là một cải cách mà hiện mới đang ở ý tưởng, còn thực thi ra sao chắc phải trông chờ vào 2 năm tới. Đó là chủ trương không tiếp tục việc chỉ có duy nhất một bộ SGK cho toàn bộ nền GD quốc gia. Nhưng vì chương trình học gắn với SGK, nên nếu đổi mới SGK nhưng vẫn giữ 1 chương trình thì sẽ là bất hợp lý. Vì vậy theo tôi, cần đổi mới hơn nữa để mở cửa từng bước cho nhiều người, nhiều thành phần tham gia vào việc quyết định chương trình học.
Có thể nói, năm 2014, Bộ GD&ĐT đã tiến hành một số đổi mới khá lớn, như hai ví dụ ông vừa đề cập, rồi chuyện bỏ chấm điểm tiểu học, ra dự thảo xếp hạng các cơ sở GD đại học... Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến hoan hỉ, cho đó là những cải tiến rất tốt, cần thiết. Nhưng ngược lại cũng có luồng ý kiến hoài nghi, như thời điểm quá gấp gáp hoặc thay đổi mới lẻ tẻ trên bề mặt, chưa khởi nguồn từ quy trình, đi vào bản chất. Cá nhân ông nghĩ sao?
Những thay đổi là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, theo tôi, bản chất của nền GD là phải đa dạng, phải có tính phản biện, và được cập nhật, đánh giá liên tục. Dựa trên một nền tảng như vậy, người ta sẽ chủ động đưa ra được những cách thức. Có thể bây giờ không chấm điểm là tốt, nhưng 5-7 năm nữa lại có cách thức tốt hơn thì sao.
Vì vậy chúng ta không nên đưa ra giải pháp mà chúng ta nghĩ là đúng mãi mãi, mà nên đặt ra một cơ chế để làm sao những người vận hành có thể liên tục cải tiến thì quá trình tiến bộ đó tự nhiên hơn. Ví dụ, khi trao quyền tự chủ cho các trường, thì có nghĩa là các trường có quyền liên tục cải tiến, còn cơ quan quản lý chỉ xử lý những trường hợp “chậm tiến”, chứ không phải cần đưa ra các quy định cụ thể là các trường phải tiến thế nào.
Một việc nữa cũng cần giải quyết là sự “lệch pha” giữa các cấp quản lý: có những thay đổi của Bộ GD&ĐT là tiến bộ, nhưng các Sở thay đổi không kịp. Ví dụ, Bộ có động thái về việc giảm nhẹ quy định sổ sách, giấy tờ, nhưng đôi khi các Sở lại không nắm được, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra vẫn đặt nặng yêu cầu này. Nghĩa là luật địa phương lại xiết chặt lại, thì chủ trương từ trên cũng sẽ thành vô giá trị.
Như vậy, bên cạnh việc cởi mở hơn nữa, chúng ta phải làm sao cho cả bộ máy quản lý từ cấp cao cho đến các cấp thấp hơn cũng nắm được đầy đủ tinh thần để tạo ra thay đổi chung cho giáo dục trong nước.
Chất xám cũng là vấn đề thị trường
Năm vừa qua, khi thống kê 14 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia đang làm gì, ở đâu, thì kết quả cho thấy chỉ có 1 người trở về nước làm việc sau khi đi du học theo học bổng. Rồi nhân lễ kỷ niệm 40 năm VN tham dự Olympic Toán học quốc tế (IMO) trong tháng 9, nhìn lại chuyện đi ở của các tài năng, thì dường như những người chọn dựng sự nghiệp ở nước ngoài đạt được những thành tựu nổi bật và phát huy năng lực tốt hơn.
Một lần nữa, những câu chuyện này cho thấy vấn đề không mới nhưng chưa hề bớt nóng của giáo dục VN là tình trạng “tị nạn giáo dục” và “chảy máu chất xám”?
Đừng nhìn vấn đề ở khía cạnh chảy máu chất xám hay không. Bản chất nguồn nhân lực là vấn đề thị trường, tại sao không nghĩ đến chuyện kéo người giỏi của nước ngoài về VN làm việc và ở mặt ngược lại, những người Việt giỏi, nếu họ có cơ hội đi, hãy để họ đi.
Ngay ở VN hiện cũng có tới cả trăm ngàn người nước ngoài đang làm việc. Nếu đó là những người giỏi thì hoàn toàn không có vấn đề gì, vì nó chứng tỏ VN thu hút được những người tài đến làm việc.
Nhiều quốc gia phát triển nhờ thu hút được nguồn nhân lực nước ngoài. Các nước như Mỹ, Singapore… chủ yếu đi tận dụng chất xám của người nước khác. Như KTS Võ Trọng Nghĩa của VN, người được nhiều giải thưởng lớn, Singapore mời anh ấy sang làm GS ngay dù trước đó anh ấy không tham gia giảng dạy.
Singapore là 1 đất nước có chiến lược về con người. Ngay trên tiền của Singapore, cũng là hình ảnh các học sinh, hình ảnh con người.
Ngay cả Đức, chính sách của họ hạn chế nhập cư như thế, nhưng một năm dân số Đức vẫn tăng, khoảng 1 triệu người nhập cư mà đa phần là người giỏi.
Như vậy thay nghĩ phải giữ người tài, thì sao không “ăn cắp” chất xám ngược lại, cách này thậm chí còn tốt hơn, bởi nó càng tăng tính đa dạng. Đây là câu chuyện của tư duy, là chuyện làm sao tăng cao tính cạnh tranh của thị trường lao động VN. Còn người tài đó là người VN hay người nước nào, Đức, Pháp, Mỹ… đều tốt cả, miễn đó là người tài.
Tôi được biết ông nhấn mạnh đến “tham vọng” là làm sao để VN có thể xuất khẩu GD, nhưng dường như trước đó sẽ còn phải giải quyết tình trạng “tị nạn giáo dục” phải không, thưa ông?
Nói chung tôi thấy người VN đi ra nước ngoài học cũng tốt. Nhưng nếu chỉ là “van một chiều” thì lại không tốt. Hiện người VN ra nước ngoài học tính ra phải lên để cả trăm nghìn, nhưng số người nước ngoài vào VN học thì rất ít, trừ một số những người theo học về văn hóa, hay một số đối tượng được cấp học bổng từ các trong khu vực… thì gần như là con số 0. Trong khi một năm ta mất 1,7 tỷ USD vào du học.
Nhìn vào sự chênh lệch đó có thể thấy để “xuất khẩu giáo dục” được sẽ là con đường rất dài. Nhưng chúng ta vẫn cần tư duy là thay vì ngăn hay hạn chế người ra nước ngoài học, thì phải nâng mình lên để hút người ta đến với mình.
Vì vậy, quan điểm của tôi vẫn là chúng ta đừng nghĩ đến chuyện “khóa”, mà hãy nghĩ đến chuyện mở cửa hơn nữa, nhưng đồng thời phải tăng sức cạnh tranh.
Nhưng trên nền tảng GD như hiện nay của VN, mà ông bàn đến chuyện xuất khẩu GD thì có ai cho rằng ông quá lạc quan không?
Nói thẳng là điều đó rất khó. Bởi tư duy của một người đi du học thường quan tâm trước tiên sẽ tôi học ở nước nào, rồi sau đó mới đến học trường nào. Bây giờ nói sang học ở VN, thì bản thân người VN có lẽ cũng còn thấy ngượng ngùng. Trong khi trên thế giới, bạn bè quốc tế còn biết về VN rất ít.
Như thế đặt ra một tham vọng “xuất khẩu” rõ ràng là rất khó, nhưng việc khó làm nó mới thú vị.
"Những người Việt giỏi, nếu họ có cơ hội đi, hãy để họ đi". Ảnh minh họa |
Cần thêm rất nhiều người làm thực tế
Bên cạnh tình trạng “tị nạn giáo dục”, chảy máu chất xám, thì hiện lại có những trí thức trẻ như ông hay TS Giáp Văn Dương… trở về VN chọn con đường phát triển GD. Trong trường hợp của ông, khi đang làm tiến sĩ ở Đức câu chuyện về hay ở có đặt ra không?
Đương nhiên là có chứ. Thực ra lúc vừa học xong, tôi không nghĩ quá nhiều, phải về “lấy được”, vì ở Đức… buồn quá. Xã hội họ đã tương đối hoàn chỉnh rồi, không có nhiều vấn đề phải xử lý, giải quyết. Trong khi về VN, nhìn đâu cũng thấy vấn đề, cái gì cũng có thể tham gia, tại sao lại không về? Quan trọng nhất là mình làm được cái gì.
Nói vui vậy. Còn về sâu xa, thực ra tôi đã thích lĩnh vực giáo dục từ lâu. Ngay khi làm nghiên cứu sinh, tôi cũng đã viết báo, nghiên cứu về GD. Dù thời đại học tôi chưa nghĩ tỏ tường hết, nhưng có lẽ đến 1 thời điểm phù hợp thì mình thấy rõ lựa chọn đó của bản thân.
Lứa tuổi những người như ông tham gia phát triển GD tại VN có thể nói vẫn được coi là trẻ. Vậy là một người trẻ, ông cảm thấy khó khăn nào lớn nhất?
Khó khăn có lẽ là ít người làm quá. Cần phải có thêm nhiều người nữa, những người làm thực tế. Vì chỉ có làm thực tế mới có thể tạo ra sự phát triển. Thay vì nói, bây giờ chúng ta cần một thế hệ làm. Càng nhiều người làm càng tốt, làm một cách bài bản, chuẩn mực, có triết lý, có phương pháp luận đàng hoàng chứ không phải lổn nhổn, chộp giật.
Ông có thấy nhiều triển vọng trong mong muốn đó của mình?
Thực ra tôi là người lạc quan. Tôi không buồn hay thất vọng nhiều vào chuyện người khác làm cái gì lắm, quan trọng nhất là mình làm cái gì. Tôi nghĩ xã hội tốt lên nhờ vào động cơ ai cũng muốn làm tốt hơn, chứ chẳng phải vì động cơ hi sinh cho xã hội hay vì cái gì cả. Xã hội phát triển theo nguyên lý thị trường thôi, mỗi người làm tốt hơn trong phạm vi của mình, thì cả xã hội tốt lên. Đơn giản là vậy.
Mỹ Hòa
>> Xem tiếp Kỳ 2: ‘Sinh viên thất nghiệp nhiều, hiệu trưởng nên… nghỉ’
Xem thêm các bài trong loạt Nhìn lại 2014 - Hướng tới 2015:
Dự đoán của các học giả cuối năm 2013 đều chệch hướng. 2014 là năm bất ổn, bất an và khó đoán định nhất từ trước đến nay. Vũ khí dầu lửa của Putin bị vô hiệu hóa Tác động rõ nét nhất là nước Nga của Putin đã bị tước đi vũ khí mạnh của mình đó là dầu lửa và con bài dầu lửa không còn hiệu quả. Để thực hiện mục tiêu thành cường quốc biển thì ý đồ độc chiếm Biển Đông của TQ tiếp tục đặt ra thách thức nhiều mặt. Vì lợi ích quốc gia, đừng để thua thiệt Đặc trưng quan hệ quốc tế hiện nay là vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Lợi ích quốc gia đan xen phức tạp. Tôi cho rằng vì lợi ích quốc gia, ta cần thực tế, nếu không sẽ dễ thua thiệt. |