Nhiều người Việt Nam ở xa Tổ quốc như bà mẹ Việt kiều Anh đã dạy bé 03 tuổi học hát Quốc ca. Đó chính là một cách dạy thế hệ sau về lòng yêu nước.

Tưởng như chuyện hát Quốc ca đã trở thành máu thịt của người dân từ khi thành lập nước nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn. Thôi thì chuyện hát sai giai điệu cũng có thể hiểu, bởi có phải ai cũng có trình độ nhạc lý để hát khỏi “chênh”, “phô” đâu. Nhưng vấn đề người viết muốn bàn ở đây là không thuộc lời, nên thành thử lâu nay, nhiều nơi, nhiều người chào cờ mà chỉ đứng im, nghe nhạc và không hát.

Đem theo hồn nước vào trận đấu

Tiếc thay, cái hiện tượng không hát, chỉ mở nhạc phổ biến trong cái thời đại số hóa khá phổ biến. Phổ biến đến mức báo chí phải… cất lời.

Ở ta, môn bóng đá lớp trẻ mê lắm. Bằng chứng không chỉ thành thị mà ở nông thôn cũng vậy. Thôi thì các giải bóng đá quốc tế 04 năm/ một lần ai cũng mê thì không nói làm gì. Nhưng những giải ngoại hạng, những trận giao hữu quốc tế ở đâu đẩu đầu đâu lớp trẻ cũng mê luôn. Nhất là khi điện đến vùng cao vùng xa, tivi được phủ sóng khắp nơi, điều kiện xem các sự kiện đều cập nhật.

Và chắc các bạn cũng như tôi thấy những cầu thủ trẻ tuổi của các quốc gia, nhất là các nước văn minh Âu- Mỹ, trước khi vào trận đấu, họ chào cờ và hát quốc ca như thế nào. Nhìn họ hát theo nhạc (quốc thiều) thành kính say mê.

Đó là lòng tự hào dân tộc, họ như đem theo hồn nước vào trận đấu.

Điều nói trên, diễn ra hàng ngày và các bạn đọc có thể kiểm chứng ngay. Tôi nhiều lần xem cảnh họ trân trọng, say mê, thành kính hát quốc ca của mình. Và tôi cũng rưng rưng khi xem các em, những vận động viên trẻ tuổi của ta đi thi và được giải quốc tế. Quốc thiều cử lên, và các em hát theo, mới thấy Quốc ca thiêng liêng và thân thiết như thế nào.

Có rất nhiều chuyện vô cùng cảm động liên quan đến việc hát quốc ca. Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Đình Chính- người chỉ huy mưu trí can trường của Ban công tác Một – tiền thân lực lượng biệt động Sài Gòn ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Một người tử tù với 02 bản án tử hình trong hầm tối đã viết huyết thư gửi lên Bác Hồ, và trên pháp trường đã ra 03 điều kiện: Không cần trói, không cần bịt mắt và được hát Quốc ca. 15 năm sau cũng tại trường bắn này đã xuất hiện liệt sỹ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với tư thế hiên ngang bất tử như thế.

Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, chúng tôi- những cán bộ huấn luyện chiến sỹ bổ sung cho chiến trường miền Nam. Mặc dù biết vào chiến trường là gian khổ hy sinh, cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Thế nhưng nhiều chiến sỹ vẫn viết đơn bằng máu xin vào chiến trường. Nhiều người lính trẻ chiến đấu đặc biệt xuất sắc được kết nạp vào Đảng. Và hát Quốc ca như là sự thúc giục sâu thẳm tự đáy lòng. Lá cờ Tổ quốc và Quốc ca như quyện vào nhau thiêng liêng và gần gũi.

Tổ quốc là lá cờ, là bài Quốc ca, là hồn dân tộc. Máu bao thế hệ đã đổ xuống để cho những thế hệ mai sau cầm tay sát cánh bên nhau để hát vang bản hùng ca về Tổ quốc. Đó không chỉ là sự tự hào mà còn là trách nhiệm thiêng liêng của lớp lớp những thế hệ giữ nước hôm nay.

{keywords}

Các em học sinh khiếm thính trường PTCS Xã Đàn hát Quốc ca bằng tay. Ảnh: Phạm Thịnh/ VTC 

Xin đừng quên hồn nước

Và ngay cả chương trình Hòa nhạc nhạc Điều còn mãi của báo VietNamNet diễn ra vào chiều 2/9 hàng năm tại Nhà hát lớn Hà Nội, cũng đúng vào giờ Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì bao giờ bài Tiến quân ca cũng được cất lên đầu tiên. Đó là thời khắc thiêng liêng. Lần nào cũng vậy, cả nhà hát như chìm  trong tiếng nhạc tiếng hát hùng tráng, và cả trăm người đều hát theo dàn nhạc giao hưởng biểu diễn.

Tuy nhiên chính trong thời đại kỹ thuật số nhiều người trong chúng ta đã quên hoặc đã ỷ lại vào máy móc. Những buổi lễ trọng đại, những buổi chào cờ hay một đại hội giờ đây hầu như không ít người đã quên không hát Quốc ca. Không biết rồi đây thế hệ trẻ có bao nhiêu phần trăm các em thuộc lời bài Tiến quân ca. Và cũng vì vậy mà càng trân trọng nhiều người Việt Nam ở xa Tổ quốc như bà mẹ Việt kiều Anh đã dạy bé 03 tuổi học hát Quốc ca. Đó chính là một cách dạy thế hệ sau về lòng yêu nước.

Chính vì thế, Nghị định số 145 của Thủ tướng CP, trong đó có quy định về việc đại biểu, người tham dự lễ chào cờ phải hát Quốc ca, là một quy định cần thiết.

Đó không chỉ là sự thống nhất của một nghi lễ mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Lòng yêu nước cũng phải được giáo dục, phải được rèn luyện. Yêu nước không phải là những hành động to tát ghê gớm mà bắt đầu từ những việc bình thường hàng ngày. Yêu một con đường, một dòng sông, một cánh đồng. Yêu lũy tre làng rì rào gió hát, yêu những gì gần gũi thân thuộc xung quanh như cây đa bến nước con đò… Có một nhà văn nói đại ý: Con suối đổ vào sông, con sông đổ vào biển lớn. Lòng yêu làng, yêu quê hương chính là bắt đầu của tình yêu đất nước.  

Bài Tiến Quân ca ra đời trong khói lửa chiến tranh, không chỉ là một bài bài ca đi cùng năm tháng mà đó là hồn nước. Các thế hệ người Việt đã mang hồn nước vào trận đánh năm xưa. Còn hôm nay?

Xin hãy đừng quên hồn nước- gian lao, mà bất khuất!

Nguyễn Đăng Tấn