Vấn đề Biển Đông nóng lên từng giờ, thế giới không chỉ theo dõi mọi động thái từ Bắc Kinh, mà còn theo dõi các diễn biến từ Manila, nơi đồng minh Philippines của Mỹ đang nắm giữ nhiều chìa khoá vấn đề.
LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết tiếp theo trong loạt bài của nhà báo Hoàng Hường, thành viên trong đoàn nhà báo 14 nước vùng Châu Á – Thái Bình Dương đến làm việc tại 4 nước Mỹ, Trung Quốc, Philippines và Singapore về vấn đề Biển Đông.
Diễn biến của TQ thách thức các học thuyết quân sự
Trong các cuộc làm việc với đoàn nhà báo Thái Bình Dương tại thủ đô Manila và TP Masinloc, các đại diện Philippines, bao gồm các nghị sĩ, nhà lãnh đạo, tướng lĩnh quân đội và các học giả nước này thường nhận được các câu hỏi về quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines; tương quan quân sự và ảnh hưởng của Trung Quốc; cũng như Philippines với vai trò ‘bàn đạp Châu Á’ của Mỹ trong chiến lược tái cân bằng quyền lực ở vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Các câu trả lời khá thú vị và đôi khi bất ngờ.
Tàu Hoa Kỳ tại Cảng Subic, căn cứ quân sự của Mỹ tại TP Masinloc, Philippines. Ảnh: Hoàng Hường |
>> Xem lại các góc nhìn từ các học giả và quan chức Mỹ và Trung Quốc được thực hiện tại Hawaii (Mỹ) và Bắc Kinh (Trung Quốc). Trực tiếp nghe phát ngôn ‘gây choáng’ của BNG Trung Quốc Chứng kiến màn ‘hỏi xoáy đáp xoay’ với Bộ Ngoại giao TQ ‘TQ tăng cường quân sự không nguy hại ai’? |
Với cương vị là đại diện cấp cao của Bộ Quốc phòng Philippines, tướng Guillermo A. Molina, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh phía Tây, Philippines cho biết:
“Ảnh hưởng và thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông tới Philippines và khu vực phức tạp hơn nhiều lần mọi người có thể nghĩ.
Những diễn biến bất thường, bất đối xứng và phi quân sự ở mặt hình thức của TQ đang trực tiếp thách thức các học thuyết quân sự và các chiến lược hoạt động”
Theo vị tướng này, trong khuôn khổ phương pháp tiếp cận DIME, khi chuyển dịch sang một hình thức chiến tranh, cách tiếp cận tổng thể của Trung Quốc được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực mà không có khung thời gian, không thuần túy quân sự với tổng lực quốc gia.
Các tác động và thách thức này từ chiến lược này của TQ rất lớn, đa hướng, tác động sâu rộng và nhiều thế hệ vượt lên giới hạn "phòng thủ quân sự cần thiết”
Tướng Guillermo A. Molina nhấn mạnh viễn cảnh đáng quan ngại: “Nếu không có bất kỳ nỗ lực rõ ràng để đối phó với diễn biến đó (của Trung Quốc), có thể nói là các biểu hiển sớm của việc mở rộng lãnh thổ, sẽ dẫn đến kết quả cuối cùng là TQ vẽ lại ranh giới, kiểm soát nguồn tài nguyên biển, hạn chế tự do hàng hải, thách thức quyền lợi của cư dân khu vực, đe dọa tất cả các nước có yêu sách khác và sự thay đổi trật tự quốc tế ở Biển Đông”.
Thống đốc bang Zambales, Hermogenes E. Ebdane. Ảnh: Hoàng Hường |
Nguyên tướng quân đội, Thống đốc bang Zambales, nơi có đảo Scarborough đã bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát, ông Hermogenes E. Ebdane dùng bảng chữ HOPES (Historical Context, Opposing Views, Political Dimension, Economic Dimension, Standpoints and salient points of the issue/Bối cảnh lịch sử, Góc nhìn đối ngược, Tương quan chính trị, Tương quan kinh tế, Quan điểm nổi bật) để giải thích về bối cảnh và trạng thái mà Philippines đang đối mặt với các thách thức của Trung Quốc.
“Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trong vấn đề chủ quyền của đảo Scarborough đã và đang ở trong giai đoạn rất căng thẳng, đòi hỏi hai nước phải giải quyết rốt ráo. Trong khi cả hai phía kiên quyết giữ lý lẽ và sự cứng rắn, cùng nỗ lực đưa ra những bằng chứng và lập luận bảo vệ mình, thì vấn đề Scarborough đã vượt ra ngoài biên giới hai nước tranh chấp, trở thành mối quan tâm và lo ngại về tác động của nó tới quan hệ quốc tế, thoả thuận song phương và đa phương”, thống đốc Hermogenes E. Ebdane nói.
Ông chia sẻ với tư cách người đứng đầu bang, nhiều lần ông phải nghe chuyện ngư dân Philippines bị TQ ngăn cản đánh bắt cá, và hiện nay người dân Philippines không còn có thể tiếp cận vùng biển gần Scarborough do vấp phải sự ngăn cản dữ dội từ Trung Quốc.
“Hiện giải pháp cho vấn đề tranh chấp vẫn rất mờ mịt, nên sự hồi phục kinh tế cho Philippines không có dấu hiệu nào. Sự can thiệp của cộng đồng quốc tế có thể không thực sự giải quyết được vấn đề, nhưng những hoạt động ngoại giao giữa các nước ASEAN có thể tác động tích cực”, thống đốc Hermogenes E. Ebdane nhận định.
Tướng Guillermo A. Molina, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh phía Tây, Philippines. Ảnh: Hoàng Hường
|
Mỹ đứng ở đâu trong vấn đề của đồng minh?
Tuy nhiên, chia sẻ quan điểm về vai trò đồng minh quân sự với Mỹ, các đại diện của Philippines có chia sẻ khá khác nhau.
Trả lời câu hỏi: “Từ quan điểm của Philippines, ông có xem xét Mỹ như là tác nhân chính trong việc tăng cường sức mạnh với vấn đề Biển Đông không?” Ông Hon Roilo Golez, nguyên cố vấn an ninh quốc gia, nghị sĩ Hạ viện Philippines trả lời: “Có! Chúng tôi coi Mỹ đóng vai trò chính trong vấn đề Biển Đông”
Ông Hon Roilo Golez giải thích: “khi chúng ta nhìn vào vấn đề Biển Đông, ta thấy TQ muốn kiểm soát gần hết vùng biển chung. Hay nói cách khác, thuộc quyền sở hữu của tất cả mọi người, trừ các vùng đặc quyền kinh tế của từng nước. Trung Quốc hay các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Australia.. đều có quyền tự do trong vùng biển chung.
Tuy nhiên hiện nay Trung Quốc đã và đang trở thành mối thách thức. Thách thức này mặt nào đó có thể chấp nhận nếu TQ không tìm cách kiểm soát vùng biển, không sử dụng tài nguyên chung, không ngăn cản các nước khác tiếp cận quyền lợi của họ. Giống như một cộng đồng cùng chia sẻ một cái công viên, bỗng nhiên một thành viên mạnh nhất đòi: “Công viên này là của tôi, những người khác không được sử dụng”.
Đó là một cách chiếm đoạt tài sản chung, và đó là cách chúng tôi nhìn vào vấn đề Biển Đông hiện nay. Do đó chúng tôi trông cậy Hoa Kỳ sẽ nắm vai trò chính trong việc bảo vệ quyền lợi chung”.
Tuy nhiên, từ góc độ khác, học giả Walden Bello, nguyên là nghị sĩ Philippines, sáng lập viên Viện nghiên cứu Focus on the Global South, lại có cái nhìn bi quan về quan hệ đồng minh Philippines – Hoa Kỳ.
TS. Walden Bello. Ảnh: Hoàng Hường |
Tiến sĩ Walden Bello dùng từ “dao động/volatile” khi nói về vấn đề Biển Đông.
Ông cho rằng vào thời điểm này, Biển Đông là khu vực căng thẳng nhất thế giới “với sự đối đầu của hai thế lực mạnh nhất” là Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Philippines trở thành yếu tố quan trọng trong cuộc đối đầu này, với tư cách là đồng minh quân sự của Mỹ ở Châu Á. Tuy nhiên “Philippines không được lợi gì từ quan hệ này”, ông Bello nói.
Theo ông thoả thuận EDCA (Enhanced Defense Cooperation Agreement/Thoả thuận nâng cao Hợp tác quốc phòng) mà Washington và Manila ký năm 2014, trong đó vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc của Philippines là một trong những nội dung chính.
“Với sự hỗ trợ của Washington, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III muốn làm cho Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Philippines”, ông Walden Bello nói. “Nhưng thực tế thoả thuận đó chẳng giúp được gì. Đó là lý do tôi đã phản đối bản thoả thuận dù cho lúc đó tôi vẫn là đồng minh của Tổng thống Aquino”.
Ông Bello giải thích: vì bản thoả thuận đó bất lợi cho Philippines khi cho phép Hoa Kỳ sử dụng căn cứ quân sự ở Philippines – không mất tiền thuê – cũng không có cam kết bảo vệ Philippines trong vấn đề tranh chấp chủ quyền.
Ông Bello dẫn lời Đô đốc Hải quân Mỹ Michael Mcdevitt “tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough dường như giống tình huống đảo Senkaku giữa Trung Quốc – Nhật Bản vì Nhật và Philippines đều là đồng minh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế hai tình huống này khác nhau. Trong trường hợp Scarborough, Philippines không tuyên bố chủ quyền rõ ràng trước khi xảy ra vụ đụng độ năm 2012. Thứ hai, Mỹ không can thiệp trực tiếp vào vấn đề Scarborough vì cam kết quốc phòng với Philippines không bắt buộc Mỹ phải lựa chọn bên trong vấn đề chủ quyền”
“Nếu thoả thuận đồng minh không làm cho Mỹ bênh vực Philippines, thì Philippines được gì trong quan hệ này?”, ông Bello nói.
Hoàng Hường
* Loạt bài được thực hiện trong chương trình Jefferson Fellowships do Trung tâm Đông - Tây (East - West Center) của Mỹ tổ chức tại Hawaii (Mỹ), Bắc Kinh, Hải Nam (Trung Quốc), Masinloc, Manila (Philippines) và Singapore. Tuần Việt Nam giữ Bản quyền đặc biệt, đề nghị các báo không sao chép.