Tại kỳ 2 cuộc tọa đàm 30 năm đổi mới: Nhìn từ cải cách doanh nghiệp, ông Phạm Viết Muôn cho rằng cái gì sai, hỏng chúng ta cứ đổ cho là tại cơ chế. Nhưng cơ chế chính là do con người, do chính chúng ta đẻ ra, viết ra để chúng ta áp dụng.

Xem lại Kì 1: Vì sao bán DNNN người ta không mặn mà?


Nhà báo Thu Hà: Về vấn đề con người làm quản lý cho phù hợp điều kiện thực tiễn, chúng ta từng chủ trương đi tìm thuê giám đốc, phải không ạ?

Ông Phạm Viết Muôn: Tôi rất tâm đắc với chủ trương này. Hội nghị Trung ương III từng đặt vấn đề, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì chỉ đạo, chúng tôi cũng đã tham mưu, lựa chọn Tổng công ty công nghiệp ô tô, Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện và một vài nơi nữa. Nhưng chúng ta chưa có kết quả bởi vì cơ chế khó để thuê giám đốc, nhất là người nước ngoài điều hành doanh nghiệp nhà nước.

Cái khó nằm ở chỗ, người được thuê có được quyết định bổ nhiệm hay miễn nhiệm các cấp phó, kế toán trưởng hay một số vị trí nhân sự chủ chốt không? Hay là họ phải thông qua hội đồng quản trị, hay tổ chức này tổ chức khác. Và nếu không được thì họ khó có điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ.

Ở các nước có luật rất rõ ràng, minh bạch cho việc thuê giám đốc. Luật cho phép người được thuê toàn quyền quyết định và anh ta phải chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị về các quyết định của mình. Tiếc rằng ở Việt Nam thì chưa làm thế được.

Tôi nhớ, Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam đã có thuê tổng giám đốc rồi. Nhưng sau mấy tháng thì “anh đi đường anh, tôi đường tôi”.

Một khi không trao quyền thực sự cho họ thì thù lao có nhiều mấy cũng chẳng tìm ra ai làm cho mình đâu.

Nhà báo Thu Hà: Điều khiến ông phải suy nghĩ, phải băn khoăn hiện nay là gì?

Ông Phạm Viết Muôn: Trong bối cảnh này mà quả quyết chúng ta sớm cổ phần hóa được 432 doanh nghiệp là không thực tế. Bởi những cản trở như tôi đã nói ở trên.

Những rào cản này mà không được sớm sửa đổi thì tốc độ cổ phần hoá vẫn sẽ ì ạch như thế này, hoặc nếu có hơn thì cũng chỉ hơn được chút ít chứ chưa thể tạo nên đột phá.

Chúng ta có quyết tâm, chúng ta làm thật nhưng cái chúng ta thiếu là sự tin cậy, cái chúng ta chưa có là niềm tin.

Khi mà không có niềm tin làm sao thuyết phục được người ta chung tay chúng sức với mình, làm sao thuyết phục được người ta đầu tư cho mình.

Thêm nữa, người Việt Nam một là không có tiền, hai là có tiền thì lại thích gửi vào ngân hàng. Lịch sử của ta là một nước nông nghiệp, rồi lại trải qua một quãng thời gian dài áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Quãng thời gian đổi mới nền kinh tế chưa đủ lâu để tạo ra tập quán thị trường cho cả mấy thế hệ thay đổi.

Cuộc sống hôm nay buộc chúng ta phải thích nghi, phải chuyển đổi. Nhưng không thể đốt cháy giai đoạn. Nếu muốn đốt cũng không được.

{keywords}

Cuộc sống hôm nay buộc chúng ta phải thích nghi, phải chuyển đổi. Nhưng không thể đốt cháy giai đoạn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Thu Hà: Nhưng nếu nhìn lại 30 năm qua, cũng trong thời gian ấy, các nước xung quanh đi nhanh hơn ta. Ta đang ở sau họ một quãng rất xa. Phải làm sao để khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp nhiều thành tựu hơn cho sự thịnh vượng của đất nước mình?

Ông Phạm Viết Muôn: Không thể so sánh một cách khiên cưỡng giữa nước ta và nước khác. Vì điều kiện lịch sử, vì phong tục tập quán mỗi nơi mỗi khác.

Ví dụ: Thái Lan muốn có một xã hội bình yên cũng khó có được. Hay như Việt Nam muốn được như Singapore cũng còn lâu.

Điều có thể làm là phải hài hoà những yếu tố những khả năng chúng ta có, những bài học được - thua – thắng – bại mà các nước đã trải nghiệm để tìm ra con đường phát triển phù hợp với chính mình. Khó có nơi nào việc này có thể làm ngay được chỉ “sau một đêm”.

Nhà báo Thu Hà: Tại các diễn đàn công khai và mạng xã hội, nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều kiến nghị, hiến kế, tiếp sức cho các nhà hoạch định chính sách trong việc cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp, nhưng dường như những sáng kiến, góp ý đó hầu như không được tiếp thu?

Ông Phạm Viết Muôn: Chia sẻ thông tin, phản biện chính sách ở các diễn đàn là rất tốt và rất nên. Tuy nhiên để biến lời nói trở thành hành động là một quãng đường dài vì bị nhiều thứ chi phối.

Hồi còn là Viện trưởng tôi viết nhiều, nói cũng lắm. Một vị bộ trưởng từng hỏi hỏi, “sao viết nhiều thế?” Tôi nói vui, “các anh trả tiền cho tôi theo chữ, theo trang thì tôi phải viết dài để tôi lấy tiền của anh chứ”. Ý tôi ở đây là không phải cứ nhiều chữ là nhiều nghĩa. Nhiều khi viết lắm, nói nhiều nhưng nghĩa chẳng có bao nhiêu. Thực tế cuộc sống cho thấy, chữ không phải lúc nào cũng tương xứng với nghĩa.

Nhưng đến khi lên văn phòng chính phủ nhận công tác mới, tôi đã làm ngược lại. Tức là viết ít thôi, nói ít thôi, nhưng nghĩa phải dồi dào lên. Bởi vì lúc này, tôi cần nghĩa chứ không cần chữ như trước nữa.

Thông thường khi một chính sách, một cơ chế mới được ban hành, luôn có nhiều chiều thông tin phản đối và ủng hộ. Hay chuyện các bộ ngành mỗi khi làm chính sách cũng luôn tìm cách vun vào mình, giữ thế cho mình, họ luôn nghĩ đến lợi ích của mình trước rồi mới nghĩ rộng ra.

Bởi thế cho dù có nhiều ý kiến góp ý được khen hay, khen tốt, nhưng nếu những chính sách đó làm cản trở lợi ích của bộ này, bộ kia thì người ta cũng tìm cách lờ đi.

Nhà báo Thu Hà: Tại sao ở một số nước người ta khắc chế được tâm lý này, còn ở Việt Nam thì chưa làm được?

Ông Phạm Viết Muôn: Tôi đảm bảo ngay cả các Tổng Thống Mỹ khi chọn ekip làm việc, các ông ấy trước hết cũng chọn những người mà ông ấy hiểu và có thể giúp ông ấy trong nhiệm kỳ được giao. Các ông ấy chẳng đời nào đi chọn những người luôn luôn đối đầu và không phục vụ lợi ích của các ông ấy đâu.

Nhà báo Thu Hà: Xin được quay trở lại vấn đề hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Như ông vừa nói, vấn đề chúng ta đang vướng nằm ở con người. Liệu rằng, trong cơ chế hiện nay, chúng ta có cách gì để cải thiện, tháo gỡ cản trở này?

Ông Phạm Viết Muôn: Chúng ta mong muốn, chúng ta quyết tâm cải thiện nhưng không dễ. Vấn đề nhân sự, vấn đề phân công nhiệm vụ ở ta luôn có tính kế thừa. Chính các đồng chí đang được giao nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp hiện nay cũng là kế thừa và đang kế thừa di sản của các thế hệ trước bàn giao lại.

{keywords}

Ảnh: Lê Anh Dũng

Bản thân những con người đó, từ nhỏ đã được tôi luyện trong môi trường như vậy, lớn lên, trưởng thành trong môi trường như vậy và có nhiều thứ đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, và bản năng của họ và vào tập tính của họ rồi.

Có lẽ, ở ta hệ thống kiểm tra, giám sát còn nhiều hơn nhiều nước khác ấy chứ. Chúng ta có tổ chức chính trị xã hội... nhưng vẫn còn nhiều cái sai, cái chưa đúng vẫn tồn tại dai dẳng tại nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Ngay cả việc xử lý trách nhiệm cũng có nhiều điều đáng nói. Tiếc rằng, lâu nay chúng ta đã không xử lý theo kết quả và người trước mắc sai lầm, người sau lại tiếp tục vướng phải đúng những sai phạm đó của lãnh đạo doanh nghiệp.

Bởi vậy, trong một xã hội đang thay đổi hiện nay, nếu chúng ta không có con người thực sự tâm huyết, dám làm và dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình thì khó.

Nhà báo Thu Hà: Vì sao lại như vậy?

Ông Phạm Viết Muôn: Cách xử lý trách nhiệm của chúng ta vẫn là xử theo nguyên nhân chứ không theo kết quả. Trong cơ chế của ta, xử lý theo nguyên nhân tức là không xử được ai cả, không ai bị xử cả.

Ví dụ, ở nước ngoài, nếu có vụ tàu đắm thì chính ông Bộ trưởng Bộ Giao thông phải chịu trách nhiệm, và thường là mất chức; Hay như vụ sập hầm mỏ thì chính Tổng giám đốc tập đoàn đó phải bị xử lý.

Đấy là do khác ở ta, các nước luôn xử lý theo kết quả công việc. Bởi vậy những người kế nhiệm luôn phải hiểu vì sao người đi trước bị miễn nhiệm để tránh vấp phải vết xe đổ. Người kế nhiệm luôn phải biết phân tích tại sao ông đi trước lại bị cách chức, lại bị đi tù và để tồn tại, họ phải biết cách khắc phục và làm tốt hơn.

Tôi cho rằng, chúng ta không thiếu người tài, và cũng đừng nghĩ người tài chỉ có trong một nhóm nào đó. Vấn đề của chúng ta là phải làm sao lôi cuốn họ, mở cơ hội, tạo động lực cho họ tham gia, góp lời vào các việc chung. Biết là như vậy, nhưng khó lắm, việc này cũng cần phải có thời gian.

Nhà báo Thu Hà: Ngoài vấn đề về con người cụ thể, về cơ chế xử lý trách nhiệm, theo ông còn những vấn đề nào khác cần phải tháo gỡ để nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sớm hoành thành?

Ông Phạm Viết Muôn: Có 3 điều nếu khắc phục được thì chúng ta sẽ thành công, chúng ta sẽ đi nhanh.

Thứ nhất, về tư tưởng: phải khẳng định rằng cho đến tận bây giờ, sắp hết nửa năm 2015 rồi vẫn còn một bộ phận thậm chí không ít một số đồng chí vẫn còn có tư tưởng chưa thông suốt về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong kinh tế nhà nước và trong nền kinh tế xã hội.

Thứ hai, về nhận thức: mặc dù ai cũng nói là đồng tình, ai cũng nói là quán triệt, ai cũng nói là sâu sắc nhưng trong hành động thì chính từ cái tư tưởng cục bộ như tôi đã nói ở trên  đã khiến cho hành động chưa được quyết liệt, chưa được thể hiện bằng những biện pháp cụ thể, bằng những cách làm cụ thể.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Mặc dù chúng ta đã chuyển sang mô hình kinh tế thị trường nhưng có những cái chúng ta vẫn còn lúng túng lắm. Ví dụ việc định giá: xác định giá trị doanh nghiệp rất quan trọng khi chúng ta đưa ra cổ phần. Lâu nay chúng ta định giá rất cứng nhắc, chỉ nghĩ đến lợi ích của ta mà chưa quan tâm đến thị trường họ nhìn nhận hàng của ta thế nào, họ quan tâm ra sao. 

Hãy hình dung các bà nội trợ, hàng ngày đi ra chợ cóc mua mớ rau, con cá. Sau khi trả giá, nếu cả hai bên ưng và hợp lý thì kẻ mua, người bán đều vui. Hay như việc vào siêu thị mua đồ. Thường thì trong siêu thị giá niêm yết đúng giá bán, không cò kè, mặc cả, ưng thì mua, không ưng thì thôi. Hôm nay không ai mua, có thể ngày mai có người khác mua. Thậm chí nếu để một thời gian  không có ai mua thì người ta có hể hạ giá. Nhưng có những mặt hàng người ta không bao giờ hạ giá, họ sẽ hủy để giữ giá trị của sản phẩm.

Nhưng ở ta, việc định giá doanh nghiệp lại quá cứng nhắc. Ví dụ như việc xác định giá trị thế là nào cũng không được thấp hơn sổ sách như tôi đã đề cập chẳng hạn.

Ừ thì trong cơ chế của ta, chưa xử lý được vụ xác định giá trị theo sổ sách nhưng ít nhất, để người mua có hứng thú, thì món hàng được mang ra giới thiệu cũng nên để cho người mua người ta có cơ hội đấu giá chứ. Chẳng ai đi mua hàng với giá cao hơn giá thị trường cả. Ta lần nào mang hàng ra bán, nếu bị trả giá thấp hơn lại coi là không thành công và không bán. Cứ nằng nặc đòi phải bằng hoặc cao hơn giá thị trường giao dịch. Phi lý như thế ai người ta mua. Làm sao tìm được người mua.

Đó còn chưa kể đến chuyện mặc dù chúng ta đã giảm phần vốn sở hữu của nhà nước nhiều lắm rồi, nhưng việc nhiều doanh nghiệp được rao bán vẫn còn giữ tỷ lệ vốn nhất định cao hơn nhiều so với thị trường giao dịch.

Vướng mắc này suy cho cùng chính là ở chỗ tư tưởng của chúng ta là chưa thực sự mang tính thị trường, chúng ta vẫn chưa thực sự hòa nhập với kinh tế thị trường.

Thứ ba, là về công tác cán bộ. Không thể phủ nhận, nhiều cán bộ của ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, các yêu cầu về văn hóa tư tưởng, xã hội… thế cho nên khi trực tiếp phải xử lý, giải quyết các việc cụ thể thì thường không hiệu quả.

Đây là điều chúng ta đã nói nhiều, đã nói mãi rồi. Cái gì sai, hỏng chúng ta cứ đổ cho là tại cơ chế. Nhưng cơ chế chính là do con người, do chính chúng ta đẻ ra, viết ra để chúng ta áp dụng.

Nếu như tư tưởng của chúng ta vẫn chưa thoát, vẫn luẩn quẩn thì chúng ta vẫn chưa ra khỏi được cái vòng kim cô do chính chúng ta tạo ra.

Cho nên để công cuộc cổ phần hóa thành công thì chẳng có cách gì ngoài việc phải có quyết tâm chính trị rất cao, hành động đúng theo cái quy luật của thị trường. Có như vậy chúng ta mới thành công được.

Còn tiếp

Tuần Việt Nam

Ảnh: Lê Anh Dũng
Quay video: Xuân Quí
Dựng video: Huy Phúc

Xem Tọa đàm 30 năm đổi mới: Nhìn từ quốc sách giáo dục

Kì 1: Các sếp giáo dục cũng "lên bờ xuống ruộng"

Kì 2: Giáo dục thụ động sẽ biến con người thành nô bộc

Kì 3: Chìm trong bệnh thành tích, muốn minh bạch cũng khó