LTS: Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9 và cũng là bảy thập kỷ ngoại giao Việt Nam, Tuần Việt Nam phỏng vấn Đại sứ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, hiện là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế xung quanh những vấn đề ngoại giao của Việt Nam. Xin giới thiệu phần 2 bài viết.
>> Xem lại Bài 1: Bài học từ việc Việt Nam ‘chọn bạn’ cực đoan
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường |
Từ “ý thức hệ” chuyến sang “lợi ích”
Trong bối cảnh bị bao vấy cấm vận những năm 1980-90, đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam được hình thành và triển khai như thế nào?
Những chủ trương lớn về đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam bắt đầu hình thành từ Đại hội VI (1986), và Nghị quyết 13 (1988) của Bộ Chính trị là cơ sở để phát triển và nâng cao đường lối đối ngoại của ta thành đường lối độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ như ngày nay.
Trên cơ sở những thành tựu đổi mới, Đại hội VII của Đảng (1991) đã tiến thêm một bước là "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".
Sự hoàn thiện đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa thể hiện trong nghị quyết của Đại hội X (2006). Vừa rồi với việc ta ký kết FTA với EU và căn bản hoàn thành thương lượng TPP với Mỹ, chủ trương đối ngoại đã vượt lên một tầm cao mới.
Từ sau năm 1990, Việt Nam trong chính sách ngoại giao mới đã bắt đầu chơi với các đối thủ hoặc cựu thù như ASEAN và Mỹ. Việt Nam cũng bình thường hóa quan hệ với nước vừa là bạn vừa là kẻ thù với mình là Trung Quốc. Tức là ngoại giao Việt Nam dường như đã thoát khỏi ý thức hệ. Ông có thể giải thích cụ thế hơn về thay đổi này được không?
Gia nhập ASEAN, là thành viên tích cực của đại gia đình Đông Nam Á, là một bước tiến vượt bậc của ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại. Nó mở ra một trang mới để Việt Nam thiết kế một nền hòa bình ổn định và tăng tư thế Việt Nam trên trường quốc tế và trong quan hệ với các nước lớn. |
Lord Palmerston, Thủ tướng nước Anh cuối thế kỷ 19, từng nói: Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có những lợi ích vĩnh viễn. Năm 1986, ông Goocbachev phát biểu tại Nghị viện Anh, nhắc lại câu nói đó. Lúc đó tôi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, rất ngạc nhiên, và thực tế cho thấy, chính sách đối ngoại của Liên Xô đã bắt đầu quá trình phi ý thức hệ.
Nước nào cũng lấy lợi ích quốc gia làm trọng. Nhưng nhiều khi các nước lớn dùng ý thức hệ như một thủ đoạn chính trị và ngọn cờ tập hợp lực lượng mà thôi.
Ngoại giao ta theo phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “Làm bạn với các nước dân chủ, không gây thù oán với một ai”.
Giai đoạn đặc thù
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam vừa có hòa bình, nhưng vừa có nguy cơ xung đột ở biển đảo. Ngoại giao Việt Nam phải làm những gì?
Đây là một giai đoạn tương đối đặc thù. Phải nói rằng vấn đề Biển Đông không phải là toàn bộ chính sách đối ngoại của Việt Nam, mà là một phần quan trọng liên quan đến việc giữ vững và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tính theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, cũng như Luật Biển của Việt Nam, nước ta có 1 triệu km2, và Việt Nam phải thâm canh trên từng km2 ấy, vì vậy phải bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của mình trên Biển Đông.
Trong quan hệ với Trung Quốc, phương châm của ta là vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Biển Đông là câu chuyện lâu dài. Ta cần xử lý nó một cách bình tĩnh, kiên trì và có nguyên tắc. Không để đối phương dùng vấn đề Biển Đông làm rối loạn chiến lược phát triển và bàn cờ ngoại giao của ta.
Trong chuyện Biển Đông liệu Việt Nam có thể huy động sự ủng hộ của quốc tế giống như trong kháng chiến chống Mỹ được không?
Vấn đề Biển Đông đã quốc tế hóa. Đây là vấn đề vừa liên quan đến các bên trong khu vực Biển Đông, vừa liên quan đến các nước ngoài khu vực. Vừa là vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta, vừa liên quan đến tự do hàng hải, an ninh và an toàn các con đường biển quốc tế. Vừa liên quan chủ quyền quốc gia của các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, vừa liên quan đến luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Luật biển 1982.
Cơ sở để tập hợp lực lượng quốc tế, tranh thủ dư luận quốc tế hiện nay là nêu cao ngọn cờ tôn trọng luật pháp quốc tế. Mâu thuẫn chủ yếu hiện nay trong vấn đề Biển Đông là giữa một bên là Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông với các bên khác giữ nguyên trạng và ổn định tình hình Biển Đông. Mỹ và Nhật Bản hiện tại đã xác định tự do hàng hải, an ninh và an toàn của các con đường biển ngang qua Biển Đông thuộc “lợi ích quốc gia” của các nước này.
Liên minh châu Âu (EU) chẳng hạn, họ ủng hộ việc giải quyết vấn đề Biển Đông về mặt nguyên tắc, tức là bảo đảm tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình… Đối với Nhật Bản, Hoa Đông và Biển Đông liên quan đến nhau, vì qua Biển Đông có con đường hàng hải đến Hoa Đông tới Nhật Bản. Còn đối với Mỹ, nếu để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông thì Mỹ sẽ bị đẩy ra khỏi Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
"Vấn đề Biển Đông đã quốc tế hóa. Đây là vấn đề vừa liên quan đến các bên trong khu vực Biển Đông, vừa liên quan đến các nước ngoài khu vực". Ảnh: Lê Anh Dũng |
Câu chuyện Nga, Trung và Mỹ trước những năm 1990 và bây giờ khác nhau như thế nào đối với Việt Nam?
Trước đây khi còn Liên Xô, nước Mỹ nghiêng về phía Trung Quốc, chơi con bài Trung Quốc để chống chọi với Liên Xô. Trung Quốc cũng dùng Mỹ để đối trọng và kiềm chế Liên Xô và qua đó tranh thủ sự hỗ trợ của phương Tây triển khai bốn hiện đại hóa. Nhật Bản đổ nhiều tiền của ODA vào Trung Quốc. Từ năm 1972 đến 1975 thì “tam giác” này có liên quan trực tiếp Việt Nam.
Sau này chỉ liên quan gián tiếp. Khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, nước Nga không còn đóng vai trò đáng kể cả. Cuộc chơi hiện nay là cuộc chơi giữa Mỹ và Trung Quốc, Nga đóng vai trò là đối tác chiến lược với Trung Quốc.
Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam, có thể nói Mỹ - Trung - Nga, nhưng bây giờ chỉ có thể nói Mỹ - Trung, và nếu cần có thể thêm Nhật Bản nữa.
Đối với Việt Nam, Nga không có quyền lợi sát sườn ở khu vực này. Và sự quan tâm của Nga với khu vực này cũng yếu đi.
Bây giờ ta phải xử lý quan hệ với Mỹ và Trung Quốc khi hai nước này đang cạnh tranh chiến lược gay gắt ở châu Á-Thái Bình Dương. Ta phải phát huy các đòn bẩy chính trị, an ninh, ngoại giao sao cho tối ưu hóa lợi ích quốc gia. Nga vẫn là đối tác chiến lược của ta về kinh tế; vẫn cần thúc đẩy để Nga phát huy vai trò tích cực ở Đông Nam Á và với ASEAN, hạn chế việc Trung Quốc lôi kéo Nga ủng hộ các việc làm ở Biển Đông dù dưới hình thức cùng Trung Quốc kiềm chế Mỹ ở khu vực này.
"Dĩ bất biến ứng vạn biến"
Trong ngoại giao người ta hay nhắc đến câu nói của Hồ Chí Minh dặn dò cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi sang Pháp là “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Nguyên tắc đó còn có giá trị trong ngoại giao hiện nay nữa hay không?
Câu nói đó là một phương châm xử thế thuộc triết lý phương Đông, các nhà Nho học Việt Nam rất hiểu điều này. Ở thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946, để cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước, tính bất biến là giữ vững độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng – đó là nguyên tắc tối cao, từ đó mà linh hoạt về sách lược, thiên biến vạn hóa trong xử lý các mối quan hệ đối ngoại.
Ngày nay nó vẫn là một trong các phương châm xử thế quan trọng đối với hoạt động đối ngoại nhưng với các nội hàm mới.
Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngoại giao Việt Nam?
Hồ Chí Minh! Ngoại giao Việt Nam trong 70 năm qua là ngoại giao trong thời đại Hồ Chí Minh.
Bên cạnh, ngoại giao hiện đại của Việt Nam còn có rất nhiều nhân vật xuất sắc: Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Thị Bình và một số vị khác.
Một nhà ngoại giao có tài mà tôi đặc biệt muốn nhắc tới là ông Nguyễn Cơ Thạch. Ông có đóng góp nổi bật trên hai lĩnh vực: Thúc đẩy nghiên cứu chiến lược và xây dựng ngành ngoại giao.
Ông nghĩ gì về ngoại giao Việt Nam giai đoạn tiếp theo? Điều gì đáng lưu ý nhất?
Tôi thấy có ba điểm đáng lưu ý:
Một là, ngoại giao của nước ta đang vận hành thuận theo xu hướng thời đại và phù hợp với lợi ích quốc gia. Nền ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành, phát triển toàn diện, chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhiều nhà quan sát ngoại giao đều thừa nhận và khâm phục bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam.
Hai là, các nhà ngoại giao ta hiên nay được đào tạo tốt, mạnh về chuyên môn, nhưng còn yếu về tư duy chiến lược. Một nhà ngoại giao giỏi là có trình độ chuyên môn cao, thành thạo về nghiệp vụ, nhưng còn cần có tư duy chiến lược.
Ba là, nước Việt Nam ta có vị trí địa-chiến lược rất độc đáo, vì vậy mà 70 năm qua, đất nước ta chịu nhiều chiến tranh, xung đột và cọ xát chiến lược giữa các nước lớn.
Nếu nói ngắn gọn về một nhu cầu bức thiết nhất của ngoại giao Việt Nam giai đoạn tới, thì gọn mấy chữ: nâng cao năng lực nghiên cứu chiến lược và dự báo chiến lược!
Xin cám ơn ông.
Hoàng Ngọc
Xem toàn bộ mạch bài Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9:
|