Bài học quý báu nhất sau 30 năm đổi mới mà chúng ta đúc kết được là bài học nhận biết đúng mình. Không đánh mất mình, phát huy cho đúng mình hoá ra lại là điều cơ yếu giúp chúng ta biết khơi dậy những nguồn lực còn tiềm ẩn bên trong.
Những ngày thu lịch sử 2015 này, 90 triệu người Việt Nam đang sống trong một cảm xúc đặc biệt: 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam. Đó là cuộc đổi đời sâu sắc và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc ta, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, đưa đất nước ta từ chỗ bị xóa tên trên bản đồ thế giới trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Hiện tượng kỳ thú của lịch sử
Phải trải qua cuộc hành trình đầy gian nan, máu lửa suốt thế kỷ XX và 15 năm đầu thế kỷ XXI, Việt Nam mới có được vận hội chưa từng có như ngày nay. Con tàu đất nước đã phải vật lộn trong thời cuộc đầy dông bão mới đến được vùng biển sáng hôm nay. Những bàn tay, khối óc Việt Nam đang dựng lên chân dung Việt Nam mới ngày càng sống động, rạng rỡ trong thế giới còn chao đảo trong kỷ nguyên biến động.
Nhiều học giả cho rằng Việt Nam là một hiện tượng kỳ thú của lịch sử thế giới. Đây là một trong những nơi hội tụ những mâu thuẫn lớn của thời đại, nơi diễn ra những cuộc chiến khốc liệt rất khác lạ giữa những đối thủ rất không cân sức. Vào lúc Việt Nam bắt đầu những cuộc đụng đầu lịch sử với những kẻ xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần, không mấy ai dám tin là Việt Nam sẽ thắng.
Đến khi Việt Nam thắng, người ta lại khó giải đáp được theo logic thông thường câu hỏi lớn: Vì sao những kẻ xâm lược hùng mạnh đó lại thua ở Việt Nam? Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế coi đó là những cuộc “vượt cạn” trong chiến tranh đặc sắc bậc nhất của một dân tộc ẩn chứa trong mình những sức mạnh lạ kỳ.
Sau chiến tranh lạnh Đông – Tây, thế cuộc một lần nữa đặt Việt Nam vào một trong những trung tâm nhạy cảm nhất của đời sống quốc tế. Khi hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ trong một cú sốc lịch sử vô tiền khoáng hậu, không ít người đã tiên đoán rằng chế độ cộng sản ở đất nước vừa bị chiến tranh tàn phá nặng nề, lại bị bao vây cấm vận này sẽ không trụ lại được lâu.
Hai mươi lăm năm qua là cuộc thử thách sống còn đối với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Đó thực sự là cuộc “vượt cạn” trong thời bình. Chúng ta không những không sụp đổ mà còn tạo dựng được thế và lực mới cho đất nước trong một thế giới đã và đang đổi thay sâu sắc dưới tác động của cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu rất quyết liệt.
Từ chỗ thường xuyên thiếu đói, long đong chạy ăn, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cách đây ba năm, Việt Nam thoát khỏi nhóm các nước nghèo, bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình.
Tính đến tháng 8/2015, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185/193 thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước; có quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước; có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Có thể nói, chưa bao giờ thế và lực của đất nước lại đột khởi, vững chắc như ngày nay.
Không phải Việt Nam đi ra thế giới mới có hội nhập, mà Việt Nam đang trở thành một địa chỉ sống động và hấp dẫn của hội nhập quốc tế. Có ưu thế về nguồn lao động, tài nguyên, vị trí địa lý, Việt Nam có khả năng thu hút FDI. Đến nay, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã lên tới 260 tỷ USD.
Trên thực tế, đóng góp của khu vực đầu tư FDI vào nền kinh tế nước ta những năm qua khá rõ ràng, trong đó, giá trị xuất khẩu khu vực FDI năm 2014 đạt 93,98 tỷ USD chiếm 62,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, khu vực FDI cũng tạo ra hàng triệu việc làm mỗi năm, riêng năm 2013 tạo ra khoảng 3,2 triệu việc làm. Kinh nghiệm của những nước đi sau cho thấy, nếu có chính sách thu hút vốn đầu tư đúng đắn, họ có thể tận hưởng những thành quả to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp, khoa học – công nghệ và sẽ rút ngắn được quá trình công nghiệp hoá.
Mấy năm qua, do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, và sự bất ổn về chính trị - xã hội tại một số nước, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Đông Nam Á bị nghẽn lại, khiến nguyên thủ một quốc gia láng giềng với nước ta phải thất vọng mà kêu lên: “Các nhà đầu tư nước ngoài giống như những con gà cứ cục tác hoài mà chẳng chịu đẻ trứng”. Từ một cách nhìn tổng thể về tình hình quốc tế, càng thấy rõ hơn những thành tựu năm 2014 và những vấn đề trên con đường phát triển của đất nước ta trong những năm tới.
Trong lúc thế giới bất ổn nghiêm trọng vì chiến tranh và xung đột, nhiều quốc gia rơi vào những cơn binh lửa thì Việt Nam được coi là “xứ sở của bình yên”. Một quốc gia, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nền kinh tế còn trong quá trình chuyển đổi, luật pháp chưa hoàn chỉnh, lại từng phải chịu đựng mấy cuộc chiến tranh lớn, nay được đánh giá là nơi đầu tư an toàn nhất châu Á thì quả là một điều rất đáng khích lệ.
Môi trường đầu tư tốt, trước hết là một môi trường có sự ổn định cao về chính trị – xã hội. Báo chí Nhật Bản đã từng đánh giá sự ổn định chính trị và bình yên xã hội là một trong 7 lợi thế cơ bản của thị trường Việt Nam.
Chúng ta đang sống trong những ngày kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9. Ảnh: Zing |
Bài toán hội nhập – tự chủ và nguy cơ tụt hậu
Kinh tế, trước hết và thông thường, là một trận đấu về lợi ích. Chiều sâu của nhận thức về lợi ích sẽ dẫn dắt các nhà đầu tư đi tìm lời giải về một thị trường nhiều thách đố.
Chúng ta biết đất nước mình vừa rất giàu tiềm năng, đồng thời lại vẫn đang thiếu nhiều điều cốt yếu, cấp bách nhất là trình độ quản lý còn rất non kém, hệ thống công quyền thiếu hiệu năng, cơ sở hạ tầng lạc hậu, hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh. Nhiều quốc gia đã chịu thất bại đau đớn trong việc vay vốn ODA, do không lựa chọn được công nghệ thích hợp, dốc vốn đầu tư vào các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế thấp, không tìm được thị trường tiêu thụ hàng hoá, không thu hồi được vốn để trả nợ.
Không ít nhà nghiên cứu kinh tế khẳng định, chơi được với thị trường Mỹ là Việt Nam có đủ khả năng để chơi với bất cứ thị trường nào khác. Cố nhiên, cần thiết phải giữ mức độ cân bằng trong quan hệ thương mại với tất cả các bạn hàng chứ không nên dựa quá nhiều vào bất cứ thị trường nào. Nhập siêu quá cao với Trung Quốc đang là vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Chưa bao giờ vấn đề hội nhập – tự chủ lại đặt ra nóng bỏng như bây giờ. Thiết nghĩ, bài học quý báu nhất sau 30 năm đổi mới mà chúng ta đúc kết được là bài học nhận biết đúng mình. Không đánh mất mình, phát huy cho đúng mình hoá ra lại là điều cơ yếu giúp chúng ta biết khơi dậy những nguồn lực còn tiềm ẩn bên trong.
Từ biển ASEAN, chúng ta đã bắt đầu vươn ra đại dương. Chín năm trước, nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu bước hội nhập lớn vào đời sống quốc tế. Bây giờ, Việt Nam đang chuẩn bị tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với mức độ cam kết mở rộng thị trường toàn diện hơn, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)... Theo dự báo của các chuyên gia, sẽ có một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong thời gian tới để tận dụng cơ hội mở cửa thị trường.
Thật đáng suy ngẫm, khi một số nhà đầu tư nước ngoài có quan niệm rằng tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam cần được hiểu theo một khía cạnh khác: Đây là một miếng đất hoang mới được khai phá và họ được làm việc với một đối tác còn quá non nớt về kinh tế thị trường. Hơn nữa trong bộ máy công quyền Việt Nam, tệ tham nhũng, thói trục lợi, ăn chặn bằng mọi cách không những không cản trở mà lại tạo ra những khe hở lý tưởng để họ kiếm lợi được nhiều hơn. Chỉ vì một món tiền lót tay, những kẻ thoái hoá này có thể nhắm mắt ký hợp đồng gây thiệt hại lớn cho đất nước.
Không thiếu trường hợp, người ta bỏ ra hàng triệu USD để mua về một lô hàng kém phẩm chất, thậm chí thuộc loại phế thải, đặt đất nước trước nguy cơ bị biến thành “một bãi rác công nghệ” của bên ngoài. Ông cha ta ngày xưa có câu rất chí lý rằng: “Một mặt người bằng mười mặt ruộng”. Có vốn đầu tư, nhưng nếu chúng ta không có một đội ngũ cán bộ đủ các điều kiện cần thiết cho thời kỳ CNH - HĐH, thì không những vẫn mãi tụt hậu, mà đất nước sẽ phải hứng chịu một chứng bệnh mới: Con nợ truyền kiếp của các nước giàu!
Nhiều năm nay, chúng ta đã tự cảnh báo về nguy cơ tụt hậu. Tốc độ tăng trưởng 5,8% năm 2014 là đáng khích lệ. Nhưng ta tăng thì các nước khác cũng tăng. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD. Con số này gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ bằng với nước Malaysia năm 1998, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010. Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.
GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam chỉ bằng 3/5 của Indonesia, bằng 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/4 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore. Nếu GDP chỉ tăng khoảng 5% thì đến năm 2035 mới bằng 75% của Thái Lan hiện nay.
Con cá hay cần câu?
Chín năm trong ngôi nhà toàn cầu WTO là quãng thời gian cần thiết để đánh giá quá trình hội nhập lâu dài của Việt Nam, để nhận ra đâu là hướng đi phù hợp mà rút ra bài học kinh nghiệm bổ ích.
Hội nhập mở ra những cơ hội lớn, thúc đẩy tự do hoá thị trường, mở cửa cơ chế thông thoáng hơn và nguồn lực phân bố hiệu quả hơn. Những gì đạt được 9 năm qua là rất quan trọng, song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Bắt đầu lộ diện nhiều thách thức mà trước đây ta chỉ mới cảm nhận theo kiểu dự báo. Đã thấy rõ hơn những "nút thắt cổ chai" trong tiến trình phát triển ở nước ta: Cơ sở hạ tầng rất yếu; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; tệ quan liêu, tham nhũng còn rất nặng; còn thiếu nhất quán về chính sách...
Nông dân bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá; công nhân có thể bị đẩy ra khỏi nhà máy, công ty trong quá trình cổ phần hoá đang là vấn đề xã hội không thể xem thường. Việt Nam là một trong những nước nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất thế giới, nên dễ bị tổn thương trước khả năng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và các dòng vốn không thể dự đoán của các thị trường mới nổi lên.
Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: Zing.vn |
Từ mấy năm trước, các chuyên gia cho rằng, chúng ta đang tập sự cách chơi của một thị trường văn minh hiện đại, tập sự cách chơi của nền kinh tế hội nhập. Vậy nên còn tồn tại những “vênh váo” ở khâu tổ chức và thực hiện. Đến bây giờ, còn không ít doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng theo một cách chơi với tầm nhìn dài hạn. Họ ra sức lợi dụng những “méo mó” của thị trường, nhất là trong lĩnh vực tài chính và bất động sản, để đầu cơ. Họ thiên về chơi ngắn “ăn xổi” để thu lợi nhanh chóng, trong khi sân chơi WTO, rồi sân chơi TPP đòi hỏi phải có cách chơi bài bản hơn. Việc cởi bỏ các nút thắt thời kỳ hội nhập WTO ở các lĩnh vực thể chế và chính sách, phải được xuyên suốt bằng nguyên tắc thị trường và cạnh tranh, coi trọng cải cách.
Đừng ảo tưởng WTO, TPP sẽ cho ta mọi thứ, cũng như đừng bi quan nghĩ rằng nó là tác nhân gây ra các hậu quả. Không nên đặt cho nó vị thế quá mức, dẫn đến chúng ta hoặc là quá ảo tưởng hoặc là quá thất vọng. Chín năm chèo lái, bươn chải trên đại dương toàn cầu càng cho thấy rõ hơn WTO không phải cần câu, cũng chẳng phải con cá. Đây là ngư trường mênh mông có những luật lệ khắt khe mà con tàu kinh tế sức vóc còn nhỏ của ta phải phải tuân thủ và biết thích nghi. Những mẻ lưới đầu mùa chưa lớn, chưa đủ khích lệ ta mạnh dạn tiếp tục giong buồm ra biển lớn.
Hội nhập không phải mục tiêu cuối cùng mà Việt Nam quyết theo đuổi bằng mọi giá. Nó chỉ là phương tiện bên cạnh nhiều phương tiện khác để phát triển, mà nội lực là quyết định. WTO và rồi đây là TPP là cỗ xe thiết kế không có số lùi, tốc độ hội nhập chỉ ngày càng tăng lên, không cho phép ai chần chừ hay thoái lui. Toàn thể hệ thống và bộ máy của chúng ta cần được nâng cấp lên trình độ mới.
Rõ ràng, thế ta đang lên nhưng lực ta còn chưa đủ mạnh. Dù đã thuộc vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình, nhưng nước ta còn ở mức trung bình thấp. Nguồn của cải vật chất chưa lấy gì làm dư dật của ta còn phải dành dụm để lo giải quyết bao nhiêu vấn đề xã hội, cho củng cố an ninh quốc phòng trước nhưng nguy cơ, thách thức mới.
Tạo thế - xử thế, tạo lực - dụng lực
Lịch sử Việt Nam trong 85 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một cuộc trường chinh gian lao mà chói sáng vì những giá trị cao đẹp nhất: Hoà bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Ở mọi thời điểm dồn nén lịch sử, chúng ta luôn phải giải bài toán: Tạo thế - xử thế; tạo lực - dụng lực.
Thế Việt Nam là thế đạp bằng chông gai đi tới! Đó là thế của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến, có truyền thống yêu nước nồng nàn, biết hy sinh vì nghĩa lớn, biết đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Đó là thế của một dân tộc đã lập nên những chiến công hiển hách đánh bại những kẻ xâm lược mạnh gấp nhiều lần. Đó là thế của một đất nước tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, hướng ra biển Đông mênh mông, tài nguyên phong phú, đất đai màu mỡ... Trong thế đó, ẩn chứa nguồn lực sung mãn, mà nguồn lực quý báu nhất, quyết định nhất là con người Việt Nam cần cù, thông minh, quả cảm, năng động, giàu lòng nhân ái...
Thế nước của ta là thế nước của một quốc gia nằm ở điểm hội tụ của những nền văn minh lớn, của những luồng giao lưu quan trọng, của những mối quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm nhất. Vận hội là đây, thử thách cũng là đây.
Bài toán thế - lực trong thời bình và trong kỷ nguyên toàn cầu hóa có nhiều nét khác biệt so với thời chiến tranh. Đây là lúc chúng ta phải biết phát huy thế nước vừa mở ra trong hội nhập để tăng thêm những nguồn lực cần thiết cho đất nước. Nằm ở vùng xung yếu và vô cùng nhạy cảm của cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu, Việt Nam phải luôn luôn tìm cách xử lý phù hợp nhất các mối quan hệ quốc tế, các tầng lợi ích đan xen, nhất là giữa các nước lớn.
Trong năm 2015 này, Việt Nam đã triển khai nhịp nhàng các hướng quan hệ đối ngoại nhằm tạo cho đất nước một môi trường hòa bình, hợp tác vừa rộng mở vừa có chiều sâu, trong đó đáng chú ý nhất là các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tới các cường quốc. Từ trong chiến tranh cho đến thời bình hôm nay, việc giải bài toán chiến lược quan trọng bậc nhất, đó là quan hệ Việt – Trung và quan hệ Việt – Mỹ luôn luôn thử thách bản lĩnh, trí tuệ và sự năng cảm của người Việt Nam ta.
Chính vì thế mà trong mấy tháng qua, dư luận rộng rãi theo dõi với mối quan tâm đặc biệt chuyến thăm Trung Quốc và chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thành công nổi bật của hai chuyến thăm quan trọng này đã góp phần tăng cường một cách mạnh mẽ vị thế của Việt Nam, xác lập tư thế chiến lược của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là trong quan hệ với các nước lớn. Cảnh tượng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đàm luận với Tổng thống Barack Obama tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng đã khẳng định tính chính danh và vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ bệ phóng 70 năm đất nước độc lập, 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm đổi mới, sức đột khởi Việt Nam ngày nay được bồi đắp, nâng cánh từ thế nước đang lên./.
Hồ Quang Lợi
Xem toàn bộ mạch bài Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9:
|