Chuỗi các vụ tấn công khủng bố tại Paris tối qua, ước tính đã cướp đi mạng sống của gần 140 người, là viễn cảnh thảm kịch mà các cơ quan tình báo và an ninh phương Tây đã cảnh báo trong suốt nhiều năm qua.
Khủng bố tại Paris: Có khi chỉ vì tiền?
Pháp và Châu Âu sẽ ra sao sau vụ khủng bố
Vì sao một lần nữa, lại là Pháp?
Khủng bố tại Paris: Mức độ mới về tàn bạo và tinh vi
Kể từ khi một nhóm thánh chiến Hồi Giáo tiến hành một vụ tấn công kéo dài 4 ngày theo phong cách biệt kích tại Mumbai cách đây 8 năm làm 166 người chết, đã có khá nhiều âm mưu tấn công tương tự bị phát hiện hoặc bị dự báo nhầm. Nhưng giống như IRA (tổ chức khủng bố Quân đội Cộng hòa Ai-len) đã từng cảnh báo đầy nham hiểm: “Các người lần nào cũng phải may mắn, còn chúng ta chỉ cần may mắn một lần”.
Điều rõ ràng đã làm cho châu Âu ngày càng dễ bị tổn thương mạnh mẽ trước những vụ tấn công như vậy là cuộc nội chiến đang tiếp diễn tại Syria và sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (IS) cùng với sức hút đối với những chiến binh thánh chiến tiềm tàng mạnh mẽ hơn hẳn so với al-Qaeda. Trong khi cái gọi là “lực lượng nòng cốt” của al-Qaeda ẩn náu trong những bộ lạc cư trú trên hoang mạc Pakistan đang ngày càng tàn lụi trước những vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, thì IS lại càng ngày càng mạnh mẽ. Bằng sự hoành hành trên khắp lãnh thổ Iraq trong mùa hè vừa qua, bằng tham vọng thiết lập một nhà nước Hồi Giáo caliphate, và bằng việc khai thác các phương tiện truyền thông xã hội một cách khéo léo nhằm quảng bá những chiến tích và sự tàn bạo của tổ chức, IS đã cực đoan hóa, tuyển mộ và huấn luyện hàng ngàn tín đồ Hồi Giáo trẻ tuổi đến từ châu Âu, một phần không nhỏ trong số đó là từ Pháp.
Những chiến binh được chiêu mộ này có thể đi tới những thành lũy của IS ở Raqqa, Syria một cách rất đơn giản nhờ đi máy bay sang Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó tiếp tục bằng đường bộ, song họ còn có thể trở về quê hương một cách đơn giản hơn rất nhiều. Các cơ quan an ninh và cảnh sát đã rất cố gắng giám sát những người này và khởi tố nếu có bằng chứng. Nhưng người ta đã ước tính rằng có ít nhất một nửa số chiến binh thánh chiến đã đến Syria trong vòng bốn năm qua đã trở lại sau khi được huấn luyện trở nên cứng rắn, tàn bạo và được gài vào những mạng lưới hỗ trợ [của lực lượng thánh chiến] rất tinh vi. Tại Anh và Pháp, hiện có thể có khoảng 400 – 500 người như vậy.
Ngoài số này ra, còn có một số lượng không rõ những cá nhân đã bị cực đoan hóa vốn chưa từng đi khỏi quê nhà, nhưng đã tiếp xúc với dòng chảy không ngừng những lời tuyên truyền về thánh chiến trên các phương tiện truyền thông xã hội và đã bị thuyết phục tiến hành những vụ tấn công “đơn thương độc mã”. Mặc dù Ayoub El-Khazzani, một người trẻ tuổi đã lên kế hoạch giết hại hàng loạt hành khách trên một đoàn tàu ở Bỉ vào tháng 8 vừa qua mang quốc tịch Ma-rốc, song hắn hoàn toàn có khả năng là một người địa phương bị cực đoan hóa theo kiểu đó. Những kẻ tấn công đơn thương độc mã được coi là một vấn đề hết sức gay gắt đối với các cơ quan an ninh bởi tính khó dự đoán trước của chúng và bởi việc giám sát những kẻ có khả năng gây ra những vụ tấn công như vậy là bất khả thi.
Cho đến giờ, danh tính của tám kẻ tấn công trong những vụ thảm sát tối qua chưa được công khai trước công chúng, nhưng xét đến sự phối hợp cẩn thận và hiệu quả một cách kinh khủng của vụ tấn công này, có thể gần như chắc chắn rằng chúng đã được huấn luyện tại một trại huấn luyện của IS ở Syria hoặc những trại tương tự ở nơi khác, chẳng hạn như ở Yemen nơi mà al-Qaeda vẫn còn hoạt động mạnh. (Đó cũng là nơi những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo tại Paris hồi tháng 1 được huấn luyện). Cũng có thể gần như chắc chắn rằng chúng đã có đồng phạm để hỗ trợ và trang bị cho chúng.
Điều đáng lo ngại nhất đối với chính quyền là việc làm thế nào một âm mưu phức tạp như vậy có thể hình thành mà họ lại chẳng biết được mấy thông tin về nó. Mặc dù trong những tuần gần đây đã có nhiều lo ngại về việc có thể sẽ có một vụ tấn công như thế, song điều đó là chẳng có gì mới – những báo động an ninh kiểu như vậy xuất hiện rất thường xuyên, và thường đều là báo động giả.
Nếu như những báo cáo ban đầu là đúng, rằng các cơ quan giám sát của phương Tây đã không thể nghe thấy “cuộc trò chuyện” thường xuất hiện trước một vụ tấn công lớn (trước vụ tấn công máy bay Metrojet của Nga cách đây hai tuần, người ta đã ghi nhận được những “cuộc trò chuyện” như thế), thì đó sẽ là điều rất đáng báo động. Việc lên kế hoạch vụ tấn công đêm qua chắc chắn đã phải diễn ra trong nhiều tuần lễ và có sự tham gia của nhiều thủ phạm hơn là 8 kẻ tấn công trực tiếp. (Những giả thuyết cho rằng vụ tấn công này được tiến hành để trả đũa cho việc vào ngày 12/11, một máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt được đao phủ Mohammed Emwazi, nổi tiếng với cái tên “Jihadi John” [“John Thánh chiến”] đều chỉ là suy đoán).
Người ta cũng đang ngày càng lo ngại rằng những công nghệ mã hóa kỹ lưỡng mà các công ty công nghệ thường tích hợp vào trong điện thoại thông minh và các ứng dụng trò chuyện để bảo vệ sự riêng tư của người dùng là một “món quà” cho những kẻ khủng bố muốn “ẩn mình” khi lên kế hoạch một vụ tấn công. Ở cả Pháp và Anh, các cơ quan an ninh đang sử dụng những công nghệ mới để nghe trộm các đối tượng bị tình nghi, nhưng dù có những công nghệ đó thì họ vẫn bị tụt hậu đằng sau trong cuộc chạy đua vũ trang công nghệ với khủng bố.
Vẫn còn là quá sớm để nói xem liệu vụ tấn công này, được coi là vụ khủng bố đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ vụ đánh bom tàu điện ở Madrid năm 2004, sẽ có những hậu quả gì. Nhưng chắc chắn vụ tấn công này sẽ làm dấy lên mạnh mẽ tâm lý khủng hoảng về những đường biên giới của châu Âu, với đường biên giới ngoại vi (ngăn cách châu Âu với bên ngoài) thì đầy lỗ hổng còn đường biên giới nội bộ (giữa các nước châu Âu với nhau) thì gần như không tồn tại (ít nhất là đối với các nước tham gia Hiệp định Schengen). Hoàn toàn dễ hiểu khi nhiều người lo sợ rằng trong số hàng loạt người tị nạn tràn vào châu Âu từ Syria còn có những chiến binh thiện chiến có ý định gây chuyện ngay khi có cơ hội. Vụ tấn công cũng sẽ làm gia tăng cảm giác bất an về những “kẻ thù từ bên trong” vốn chống đối cả những tập quán văn hóa của phương Tây lẫn những chính sách đối ngoại mà họ cho là “chống lại Hồi Giáo”. Những chương trình chống cực đoan hóa – mà gần như quốc gia châu Âu nào có tỉ lệ dân cư theo Hồi Giáo đáng kể cũng có – thể hiện hảo ý, song chúng có hiệu quả hay không thì vẫn còn mơ hồ. Khắp châu Âu có rất nhiều chính trị gia dân túy, và họ vô cùng sẵn lòng lợi dụng hậu quả của vụ tấn công tối qua.
Một vấn đề lớn hơn là châu Âu có thể làm gì để giảm khả năng những vụ tấn công như vậy tiếp tục tái diễn, và nếu có thì là gì. Một nỗ lực phối hợp chặt chẽ hơn nhằm kết thúc cuộc chiến ở Syria và tiêu diệt IS có thể giúp làm giảm dòng người tị nạn đổ vào châu Âu, song ít có khả năng loại bỏ hoàn toàn được mối đe dọa. Quả thật, IS có thể sẽ tập trung hơn nữa vào việc mang cuộc chiến đến với “những kẻ thù ở xa”.
Một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu chính là sự sẵn có dễ dàng của vũ khí tự động ở châu Âu (mặc dù may mắn là không phải ở Anh, vì nước này có luật kiểm soát vũ khí rất nghiêm ngặt) và sự vận chuyển chúng từ quốc gia này sang quốc gia khác. Nếu những vụ tấn công khủng bố trên quy mô lớn bắt đầu diễn ra ở gần như bất kỳ nơi nào có đông người tụ tập, từ sân vận động cho đến ga tàu hỏa hay trung tâm giải trí hoặc sự kiện chính trị, thì liệu điều đó có nghĩa là phải áp dụng mô hình theo dõi và kiểm soát an ninh kiểu Israel trên khắp các thành phố ở châu Âu hay không? Điều này về chính trị là bất khả thi và về kinh tế sẽ là một thảm họa, một dấu hiện rõ ràng nhất cho thấy là những kẻ khủng bố đã chiến thắng.
Rất nhiều điều sẽ phải phụ thuộc vào quy mô và thời gian của thảm kịch tiếp theo. Cuộc sống có thể dễ dàng trở lại bình thường. Còn nếu các cơ quan an ninh châu Âu, trước đây vốn đã làm rất tốt việc bảo vệ người dân của mình nhưng giờ lại không thể ngăn những vụ tấn công như thế này khỏi diễn ra một cách thường xuyên, thì người ta khó có thể mà “bình tĩnh và tiếp tục” (“keep calm and carry on”) cuộc sống của mình được.
Theo Nghiencuuquocte.net