“Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu có thể do vị trí địa-chính trị, giao thoa văn hóa hoặc cũng có thể do ta sinh cơ lập địa ở cạnh một đế chế nhiều tham vọng chăng, mà trong suốt chiều dài lịch sử không mấy khi chúng ta được sống trong bình yên” – GS Vũ Minh Giang.

LTS: Nhìn lại những thành công chúng ta đạt được sau 30 năm Đổi Mới, không khó để thấy bài học về sức mạnh đồng thuận, nắm bắt và tận dụng thời cơ từ cuộc Cách mạng tháng Tám vẫn còn soi rọi đến ngày hôm nay.

Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia cuộc tọa đàm Việt Nam sau 30 năm Đổi Mới: GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQG, Hà Nội và GS Trần Ngọc Vương, Giảng viên khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Nhà báo Lan Anh: Thưa các vị, nhìn lại chặng đường 30 năm Đổi Mới, và 70 năm lập quốc các ông có những suy nghĩ như thế nào?

GS Vũ Minh Giang: Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, ngày tuyên bố trước quốc dân đồng bào và tòan thế giới việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Đã có rất nhiều bài viết phân tích và bình luận về sự kiện này.Tuy nhiên, tôi thấy có hai điều cần được làm rõ nhấn và mạnh thêm.

Thứ nhất, việc giành được chính quyền ở Thủ đô vào ngày 19 tháng 8 năm 1945 không chỉ là thành công rực rỡ của một cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam, mà còn là thành quả của sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập dân tộc kéo dài suốt gần một thế kỷ, là dấu mốc chấm dứt thời kỳ đất nước là thuộc địa của chủ nghĩa tực dân, bị xóa tên trên bản đồ thế giới.

Nhưng về một phương diện khác, mặc dù có ý nghĩa vô cùng trọng đại, đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một quá trình đầy hy sinh gian khổ để có thể thu giang sơn về một mối và có được trọn vẹn chủ quyền quốc gia.

Thứ hai, ý nghĩa vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Tám còn là sự cáo chung cho chế quân chủ đã ngự trị hàng nghìn năm, mà trong giai đoạn mạt kỳ, triều đại phong kiến cuối cùng đã mất hết sinh khí, trở thành nhân tố cản trở sự phát triển của đất nước, thậm chí đầu hàng chủ nghĩa thực dân, phản bội lại lợi ích dân tộc.

Nhờ thành quả cách mạng, công bằng xã hội được thực thi, mọi tầng lớp xã hội, trong đó những người yếu thế như phụ nữ, các tầng lớp nhân dân lao động… đã được ngẩng mặt lên hưởng những quyền tự do dân chủ. Điều mà trước cách mạng họ nằm mơ cũng không thể có được.

{keywords}
GS Vũ Minh Giang: :Chúng ta chỉ ước muốn một cuộc sống bình dị trong độc lập nhưng cũng rất khó khăn". Ảnh: Phạm Hải

GS Trần Ngọc Vương: Với vai trò là một nhà nghiên cứu, tôi nhìn nhận sự kiện này có một vài điểm khác lạ.

Nó lạ ở chỗ, thông thường với quán tính lịch sử truyền thống của dân tộc ta, việc lập nên các triều đại lớn ngoại trừ một số trường hợp cá biệt bằng con đường chính kiến của cung đình, còn lại những triều đại vẻ vang nhất thường được lập nên sau một quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc bằng biện pháp chiến tranh và bạo lực, và việc giải quyết các vấn đề lớn của xã hội cũng bằng con đường vũ trang.

Thế nhưng, cuộc cách mạng này yếu tố bạo lực lại đóng vai trò rất nhỏ, chỉ mang tính chất hỗ trợ, còn yếu tố chính góp phần hình thành nên nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa bằng con đường hòa bình.

Để hình thành lên chế độ mới bằng con đường đó, tôi đánh giá cao thiên tài chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối diện với tất cả những áp lực, khó khăn, hạn chế của nhà nước quân chủ chuyên chế ngày xưa, rồi chủ nghĩa phát xít Nhật…để thiết lập một nhà nước kiểu mới, có cấu trúc xã hội mới không bằng con đường bạo lực, chỉ có một con người xuất sắc mới làm được điều như thế.

Trong suy nghĩ của tôi với bối cảnh đó, nếu chính quyền của nhà nước quân chủ chuyên chế đứng đầu là vua Bảo Đại lúc bấy giờ sử dụng lực lượng vũ trang chống lại quyết liệt, rồi chưa kể thế lực chính trị khác trong chính phủ Trần Trọng Kim, họ đang có chính quyền trong tay quyết tâm chống phá thì cũng rất khó để thành lập nên chế độ nhà nước mới.

Nhưng như lịch sử đã thấy, có rất nhiều người trong chính phủ của nhóm Trần Trọng Kim đã ngả theo và họ dần trở thành những yếu nhân của chính quyền mới. Vua Bảo Đại cũng vui vẻ nhận lời trở thành cố vấn của nhà nước kiểu mới. Trong chiếu thoái vị của vua Bảo Đại đã tuyên ngôn rằng: “Tôi thà làm công dân của một nước tự do còn hơn làm vua của một nước nô lệ”.

Rõ ràng họ là những người đặt lợi ích của việc ra đời một nhà nước độc lập lên trên lợi ích cá nhân. Vì vậy, tôi xin nhấn mạnh yếu tố quan trọng đóng góp trong việc thiết lập nhà nước kiểu mới đó là sự đồng thuận các lực lượng dân tộc và của cả xã hội bấy giờ, lòng yêu nước của tất cả các lực lượng hội tụ thành sức mạnh để giải phóng dân tộc bằng con đường hòa bình.

Một điểm khác tôi muốn nói đến đây là mô hình nhà nước đầu tiên không chỉ ở Đông Nam Á mà gần như là của Châu Á. Ta đã tranh thủ được thắng lợi của giới đồng minh, đánh đổ phát xít, từ đó lập nên thể chế mới sớm nhất trong khu vực. Nhà nước Trung Quốc kiểu mới tận năm 1949 mới thành lập, Ấn Độ sau đó cũng vài ba năm (1947) mới độc lập từ thực dân Anh…

{keywords}
GS Trần Ngọc Vương:"Nếu chúng ta quên đi điều đó mà vẫn cứ nghĩ có độc lập rồi thì thật là tai họa". Ảnh: Phạm Hải

Tất nhiên, con đường để hoàn thiện mô hình nhà nước kiểu mới này còn nhiều gập ghềnh và gian truân. Nhưng nó đã phản ánh độ nhạy bén của những người ra quyết định chính trị đúng lúc và quyết tâm thực hiện đầy tính sáng tạo.

Nhà báo Lan Anh: Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng khai sinh nền dân chủ, với các tiêu ngữ rất rõ ràng: Độc lập - tự do - Hạnh phúc, các vị chia sẻ thế nào về tầm quan trọng của những mục tiêu này trong quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc?

GS Vũ Minh Giang: Mục tiêu đầu tiên của cuộc cách mạng đặt ra là phải giành được độc lập.

Việt Nam là một đất nước có tiến trình lịch sử rất đặc biệt, không giống như những nước khác trên thế giới. Chúng ta chỉ ước muốn có một cuộc sống bình dị trong độc lập nhưng cũng rất khó khăn.

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu có thể do vị trí địa-chính trị, giao thoa văn hóa hoặc cũng có thể do ta sinh cơ lập địa ở cạnh một đế chế nhiều tham vọng chăng, mà trong suốt chiều dài lịch sử không mấy khi chúng ta được sống trong bình yên.

Vừa lập quốc chưa được bao lâu thì nước ta đã rơi vào ách nô lệ (thời kì Bắc Thuộc) kéo dài tới 11 thế kỉ. Sau khi được sống trong độc lập chưa đầy bốn thế kỷ, chúng ta phải chịu đựng 20 năm Minh thuộc với những chính sách cai trị, đàn áp còn dã man tàn bạo hơn thời Bắc thuộc. Và tiếp đó lại là 60 năm Pháp thuộc…Vì vậy, với mỗi người dân Việt Nam, độc lập dân tộc không chỉ vô cùng cao quý mà còn rất thiêng liêng.

Sau khi giành lại được chính quyền về tay mình vào năm 1945, chúng ta còn phải mất hơn 30 năm nữa để tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Mãi đến năm 1975 đất nước mới thực sự được độc lập, thống nhất một cách trọn vẹn. Nhưng rồi sau đó chúng ta cũng nào có được yên, vẫn còn chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, rồi bây giờ là vấn đề chủ quyền biển Đông.

Vì thế, khi nhìn lại quá khứ và hiện tại, ta thấy rằng tình thế đất nước luôn khiến chúng ta phải gồng mình lên để giữ gìn độc lập.

  {keywords}

"Để hình thành lên chế độ mới bằng con đường hòa bình, tôi đánh giá cao thiên tài chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Ảnh tư liệu

Giá trị của độc lập rất cao quý và đặt lên hàng đầu đối với dân tộc Việt Nam.Đến hôm nay, để giữ gìn sao cho trọn vẹn hai chữ thiêng liêng này, quả là rất nhiều khó khăn và thách thức.

Tất nhiên, ta cũng đang từng bước thực hiện các mục tiêu tiếp theo là tự do và hạnh phúc.

Hồ Chí Minh còn một tuyên ngôn khác cũng đáng để hậu thế chúng ta suy ngẫm, “Nếu một đất  nước độc lập mà dân không được hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Có nghĩa rằng, độc lập mà dân được hạnh phúc, được tự do mới là cái đích chúng ta hướng tới.

Nhìn vào thực tế sẽ thấy, để đạt được ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chúng ta còn nhiều điều phải suy nghĩ, còn nhiều điều phải làm.

GS Trần Ngọc Vương: Tôi cũng đồng ý với anh Vũ Minh Giang, để thực hiện được tôn chỉ độc lập, tự do, hạnh phúc thì chúng ta đã phải trả giá rất đắt trong quá khứ. Lịch sử đã cho thấy, dân tộc sẵn sàng hi sinh chiến đấu để giành lấy độc lập dân tộc. Đó là truyền thống, còn là sức mạnh vĩ đại của dân tộc khiến các thế lực muốn phản bội lại lợi ích dân tộc đều phải lo sợ.

Cho đến hôm nay, vấn đề độc lập dân tộc vẫn còn phải tiếp tục, nghĩa là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và gìn giữ độc lập vẫn nên triển khai một cách quyết liệt. Bởi vì sẽ còn rất gian nan.

Cho nên nếu chúng ta quên đi đều đó, mà vẫn cứ nghĩ rằng chúng ta đã có độc lập rồi thì thật là tai hoạ.

Đã có rất nhiều các cuộc tổng kết về lịch sử nhưng theo tôi, dường như thiếu vắng một vấn đề rất lớn đó là tổng kết đánh giá các tác động và di hại của những cuộc chiến tranh, không chỉ đối với một gia đình, một thể chế mà đối với toàn bộ xã hội Việt Nam.

Chiến tranh không chỉ chuyện bom đạn, mà nó đã làm xô lệch toàn bộ những sáng kiến về kiến tạo xã hội, về những đường lối hay quyết sách đúng đắn.

Còn tiếp kì 2...

Ảnh: Phạm Hải

Quay video: Xuân Quý

Dựng video: Huy Phúc

Mời xem thêm các bài: