- Sau 7 năm nội chiến và can thiệp, không những Syria không thể tái lập được sự hòa hợp dân tộc và thống nhất quốc gia mà nguy cơ tình trạng phụ thuộc vào bên ngoài ngày càng trở nên trầm trọng. Trước khi quy kết trách nhiệm của sự hỗn loạn tại đây cho các thế lực bên ngoài, có thể khẳng định rằng sai lầm chiến lược của chính phủ al-Assad đã khiến quốc gia này khó thoát ra khỏi khủng hoảng dài hạn.
Xem lại kỳ 1: Những sai lầm tính toán địa chính trị của Bashar al-Assad
Syria – sự lựa chọn liên minh trong bối cảnh địa chính trị khu vực và toàn cầu
Cho tới trước khi nổ ra nội chiến và can thiệp nước ngoài năm 2011, Syria vẫn đóng vai trò là một thế lực khu vực với thái độ chống Israel và Iraq, cũng như can thiệp và chiếm đóng Lebanon trong một thời gian dài, từ 1976 đến 2005.
Trước khi quy kết trách nhiệm của sự hỗn loạn tại đây cho các thế lực bên ngoài, có thể khẳng định rằng sai lầm chiến lược của chính phủ al-Assad đã khiến quốc gia này khó thoát ra khỏi khủng hoảng dài hạn. |
Trong suốt thời kì độc lập, với hầu hết thời gian do đảng Ba’ath cầm quyền dưới lãnh đạo của gia đình al-Assad và các tướng lĩnh quân đội, Syria có sự lựa chọn quan hệ quốc tế rõ ràng: liên minh, gây ảnh hưởng và chống lại các quốc gia thù địch. Các lựa chọn như cân bằng quan hệ quốc tế hay không can dự vào xung đột của các nước khác dường như không được đảng Ba’ath cầm quyền, vốn do gia đình al-Assad và giới quân sự chi phối, tính đến.
Chống Israel và Iraq: Syria được độc lập hoàn toàn năm 1946 sau khi chế độ bảo hộ của Pháp chấm dứt năm 1943. Ngay sau đó, Syria đã tham gia ngay vào tiến trình định hình chính trị khu vực Trung Cận Đông và Tây Nam Á. Đầu tiên là cuộc chiến với Israel năm 1948 với thất bại thuộc về Syria và liên minh Arab (Lebanon, Syria, Ai Cập, Arab Saudi và Iraq).
Không phải nhà nước Hồi giáo cực đoan Daesch hay IS (tên viết tắt của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria) mới là nhóm khởi xướng sự thống nhất giữa các quốc gia Hồi giáo khu vực này mà trước đó, trong giai đoạn 1958 – 1971, giới quân sự cầm quyền ở Syria đã cùng Ai Cập thiết lập Liên hiệp cộng hòa Arab nhằm hướng tới một liên hiệp Arab rộng lớn hơn. Đảng cầm quyền Ba’ath, đảng với ý thức hệ kết hợp dân tộc chủ nghĩa Arab, tinh thần đoàn kết rộng rãi khối Arab, là nguồn gốc thúc đẩy sự hợp nhất này.
Đáng chú ý là đảng Ba’ath được thành lập ở Syria vào 1947 và nhanh chóng phát triển các nhánh tại các quốc gia khác, cho dù chỉ nắm quyền được ở Syria và Iraq. Năm 1966, sau khi nhánh quân sự của đảng này ở Syria làm đảo chính lật đổ nhánh dân sự thì đảng Ba’ath tại Syria và Iraq cũng tách ra tuy vẫn giữ cùng tên. Trong khu vực, Syria giữ thái độ thù địch với Iraq và Israel. Vì thế Iran, tuy không phải là quốc gia Arab, vẫn là đồng minh chiến lược của Syria. Trong chiến tranh Iran – Iraq, Syria là quốc gia Arab duy nhất ủng hộ Iran chống Iraq.
Can dự vào Lebanon: Syria luôn coi quốc gia láng giềng Lebanon là nước nằm trong khu vực ảnh hưởng của mình. Từ 1975 đến 1990, Syria can dự vào cuộc nội chiến giữa phe Hồi giáo thân Liên Xô và phe Thiên chúa giáo nắm quyền thân phương Tây. Cùng với Iran, Syria hỗ trợ và huấn luyện lực lượng Hezbollah. Sau khi nội chiến chấm dứt, Syria tiếp tục chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Lebanon cho đến khi rút quân vào 2005.
Liên minh với Liên Xô (và Liên bang Nga sau này): Syria thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô năm 1944. Bối cảnh chiến tranh lạnh và thái độ cảnh giác, thù địch với phương Tây là các lí do để Syria gần hơn với Liên Xô.
Về phía Liên Xô, khu vực Tiểu Á – Trung Cận Đông là khu vực chiến lược do đây được coi là vùng đệm an ninh của Liên Xô trước đây và Nga sau này. Do ở vĩ độ cao nên các hạm đội phía Bắc bị hạn chế hoạt động trong mùa đông do mặt biển đóng băng.
Tuyến đường và đặc biệt là việc có quân cảng ở vùng biển nóng giúp Nga có thể vươn ra toàn cầu, bỏ qua thế bị bao vây trên bộ từ biên giới với châu Âu hay các khu vực biển Baltic và biển Nhật Bản vốn bị khống chế bởi các quốc gia mạnh. Tuyến đường biển qua Biển Đen vào Địa Trung Hải để ra các đại dương, do đó đóng vai trò tối quan trọng đối với Nga và trước đây là Liên Xô trong việc kiểm soát an ninh, vượt qua sự bao vây của châu Âu và NATO từ phía Tây, Nhật và Mĩ ở phía Đông, hạn chế bởi châu Á lục địa từ phía Nam.
Với những lí do đó, Liên Xô năm 1971 đã mở căn cứ hải quân ở cảng Tartus của Syria và năm 1980 kí Hiệp ước hữu nghị và tương trợ, một dạng hiệp ước đồng minh với Syria.
Ngoài cảng Tartus, Nga còn căn cứ không quân Khmeimim tại Latakia. Các căn cứ này trước hết là để phục vụ mục đích chiến lược của Nga. Các hoạt động hỗ trợ chính quyền Al-Assad từ các căn cứ này không phải là mục đích chính của các căn cứ này mà chỉ xuất hiện khi Syria trở thành khu vực cạnh tranh chiến lược giữa Nga và phương Tây trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Trung Cận Đông và tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng Daesch (IS hay ISIL).
Việc Syrie liên minh với Liên Xô, tiếp tục mối quan hệ này với Nga hiện nay với sự cho phép nước này đóng các căn cứ quân sự có thể coi là một tính toán an ninh chiến lược của nhà cầm quyền Syria. Lựa chọn Liên Xô, một cường quốc hàng đầu thế giới, quốc gia duy nhất có khả năng cạnh tranh ngang ngửa về quân sự với Mĩ, tưởng như đã giúp Syria an toàn hơn, mạnh hơn và có vị thế hơn trong khu vực.
Tuy nhiên, sự suy sụp của Liên Xô, cũng như thế đối đầu trong đối ngoại của Nga hiện nay với châu Âu và Mĩ khiến Syria cũng khó tránh khỏi bị cuốn vào thế cạnh tranh này, khi mối liên hệ đồng minh Syria – Nga còn thể hiện qua sự hiện diện của các căn cứ và sự can thiệp của Nga trên đất Syria.
Bất ổn, xung đột nội bộ và yếu kém của chính quyền Syria là ngòi nổ dẫn đến can thiệp nước ngoài
Syria là một quốc gia có chủ quyền và một chính phủ hợp hiến. Vì vậy, trong điều kiện thông thường, các quốc gia bên ngoài không có quyền và không thể can thiệp một cách chính danh.
Từ sau khi Hafez al-Assad mất và con trai là Bashar al-Assad lên nắm quyền, trong bối cảnh Mùa xuân Arab, Syria bắt đầu chìm vào xung đột và nội chiến giữa một bên là chính quyền al-Assad với một bên là tập hợp các phong trào chống đối bị đàn áp. Lực lượng vũ trang chống đối được tạo thành do sự kết hợp giữa các sĩ quan thuộc quân đội chính phủ đào ngũ với các nhóm nổi dậy mong muốn lật đổ Bashar al-Assad.
Syria là một quốc gia có chủ quyền và một chính phủ hợp hiến. Vì vậy, trong điều kiện thông thường, các quốc gia bên ngoài không có quyền và không thể can thiệp một cách chính danh. |
Xung đột vũ trang bắt đầu nổ ra vào 2011 và đến tháng 3/2013, lực lượng nổi dậy chiếm được Raqqa, thành phố đầu tiên quân chính phủ bị mất vào tay lực lượng nổi dậy. Sau đó quân đội chính phủ tổ chức lại và tổ chức phản công.Tháng 8/2013, chính phủ al-Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhưng không có can thiệp quốc tế, ngoại trừ việc Liên hiệp quốc ra nghị quyết 2118 buộc Syria hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học.
Cuối 2013, nhân tố mới xuất hiện làm thay đổi hẳn cục diện chiến trường theo hướng quốc tế hóa: nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Việc lực lượng IS bắt đầu kiểm soát lãnh thổ Syria khiến Mĩ bắt đầu can thiệp tại Syria vào tháng 9/2014. Đến 2015, được sự yêu cầu của chính phủ Syria, Nga bắt đầu chính thức can thiệp tại đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mĩ và đồng minh ngày càng xấu đi sau sự kiện Nga sát nhập Crimea và các rắc rối tại Ukraina, các hoạt động can thiệp của các cường quốc tại Syria có xu hướng trái ngược nhau, thậm chí xung đột nhau.
Một khi Syria suy yếu, các đối thủ của nước này đều tận dụng thời cơ gia tăng ảnh hưởng và giải quyết các lợi ích quốc gia riêng. Từ các đối thủ ở mức độ toàn cầu như Nga, Mĩ và đồng minh (dẫn đầu là Anh, Pháp), tới các thế lực khu vực như Israel, Iran, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kì, tất cả đều có mục tiêu riêng dẫn đến sự hỗn loạn và phức tạp trên đất Syria.
Xung đột Nga – Mĩ và đồng minh: Căng thẳng giữa Nga với Mĩ và đồng minh trên đất Syrialà xung đột lớn nhất, chi phối nhất. Nếu như mục tiêu công bố của Nga là bảo vệ nhà nước do al-Assad đứng đầu và chống IS thì chắc chắn mục tiêu không tuyên bố là bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia dựa trên các căn cứ quân sự đóng tại đây. Nếu chính phủ al-Assad không còn thì Nga cũng khó có thể giữ được các căn cứ này.
Rõ ràng là Syria không giống như Crimea nên đảm bảo duy nhất cho các căn cứ này là sự tồn tại của chính quyền al-Assad. Để bảo vệ được chính quyền al-Assad, Nga và quân đội chính phủ Syriacần phải dẹp được các nhóm quân nổi dậy cũng như sự chiếm đóng của IS. Không những thế, quân đội chính phủ Syria còn cần phải đủ khả năng đối đầu với sự xâm nhập của Thổ Nhĩ Kì và Israel. Vấn đề là nhiều nhóm nổi dậy như lực lượng Syria tự do (FSA), lực lượng người Kurd hay các quốc gia can thiệp như Thổ Nhĩ Kì và Israel là các đồng minh của Mĩ.
Về phía Mĩ và đồng minh, mục tiêu chính thống là loại bỏ nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và hạn chế các hành động quân sự ngoài khuôn khổ thông thường (ở đây là vũ khí hóa học) của quân đội al-Assad. Ngoài các lí do chống lại các hành động quân sự vượt khuôn khổ cho phép và lí do nhân đạo, Mĩ và đồng minh không có cơ sở nào để can thiệp trực tiếp tại Syria, ngoài trường hợp các nhóm nổi dậy thiết lập được chính phủ đối lập và kêu gọi Mĩ và đồng minh tham gia, tương tự như trường hợp chính phủ al-Assad kêu gọi Nga tham gia can thiệp.
Tuy nhiên, khó khăn ở đây là các nhóm nổi dậy có thực lực yếu và nhóm có khả năng tương đối tốt là các lực lượng người Kurd lại đang bị một đồng minh khác của Mĩ và NATO là Thổ Nhĩ Kì tấn công do lo ngại một viễn cảnh người Kurd tuyên bố xây dựng một nhà nước độc lập. Có thể dự đoán rằng chừng nào các nhóm nổi dậy chưa thống nhất, hoặc chưa có một lực lượng nào có năng lực vượt trội, đủ để lãnh đạo Syria, thì lúc đó Mĩ và đồng minh còn chưa can thiệp trực tiếp nhằm tránh một viễn cảnh sa lầy như đã xảy ra trong quá khứ ở Afghanistan và Iraq.
Các thế lực khu vực: Các thế lực khu vực đã từng trong thế đối đầu với Syria trước đây nay gia tăng hoạt động tại nước này nhằm bảo vệ các lợi ích của chính họ. Việc các thế lực chỉ quan tâm đến lợi ích và sự sống còn của mình khiến chiến trường trở nên phức tạp.
Thổ Nhĩ Kì: trước làn sóng người tị nạn từ Syria, Thổ Nhĩ Kì trở thành nơi tập trung đông người tị nạn nhất. Đối với lực lượng IS, Thổ Nhĩ Kì giữ thái độ 2 mặt, một mặt chống lại như là một thành viên của NATO, một mặt ngầm duy trì hợp tác (có những cáo buộc Thổ Nhĩ Kì duy trì trao đổi dầu thô và các nhu yếu phẩm với IS).
Tại Syria, lực lượng người Kurd là một trong những lực lượng được tổ chức tốt nhất để chống lại IS và chống lại chính phủ al-Assad nhưng đây cũng là mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kì. Nếu một nhà nước Kurd độc lập ra đời thì một bộ phận người Kurd sinh sống tại Thổ Nhĩ Kì sẽ li khai và nhập vào lãnh thổ Kurd tại Syria, Iraq. Vì không thể chấp nhận điều này mà Thổ Nhĩ Kì đã điều quân ra biên giới trấn áp các lực lượng người Kurd.
Ở mức độ lớn hơn, Thổ Nhĩ Kì do thất vọng với châu Âu và Mĩ đã chỉ trích sự độc tài của mình đã quay ra hợp tác với Nga, mặc dù trước đó nước này đã bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga ở khu vực giáp ranh biên giới của nước này và Syria.
Việc Thổ Nhĩ Kì tấn công người Kurd, vốn được Mĩ và châu Âu ủng hộ, và nghiêm trọng hơn, Thổ Nhĩ Kì là một thành viên của NATO quay ra hợp tác với Nga đã đặt ra vấn đề rất khó giải quyết đối với châu Âu và Mĩ, khi mà Thổ Nhĩ Kì còn là nơi tiếp nhận người tị nạn Syria lớn nhất, tránh cho châu Âu một làn sóng nhập cư ồ ạt và không thể kiểm soát.
Iran: với lực lượng Hezbollah và mối quan hệ đồng minh truyền thống, Iran hỗ trợ tổng tống al-Assad. Thông qua việc này, Iran cũng duy trì được sức ép lên Israel. Sau các trừng phạt và cô lập quốc tế vì chương trình hạt nhân, Syria là nơi Iran duy trì ảnh hưởng cũng như để đàm phán với Mĩ và phương Tây.
Arab Saudi : Là quốc gia Arab lớn nhất đối đầu với Iran, Arab Saudi cắt quan hệ ngoại giao với Syria từ 2012. Hiện nay nước này vẫn tài trợ vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Syria.
Israel: lo ngại sự hiện diện của Iran và Hezbollah, cũng như trước thái độ thù địch trước đây từ Syria, Israel đã tiến hành nhiều cuộc tấn công không tuyên bố như các cuộc tấn công vào căn cứ không quân Tiyas nhằm tiêu diệt các tay súng Iran cũng như các phương tiện như máy bay không người lái.
Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS/Daesch và các lực lượng khủng bố cực đoan: dù bị quân đội chính phủ, các lực lượng nổi dậy và các lực lượng can thiệp như Nga, Mĩ và đồng minh tấn công, IS và các lực lượng khủng bố cực đoan vẫn chưa có xu hướng mất hẳn tại Syria. Một khi các lực lượng này còn tồn tại thì tình hình bất ổn tại Syria còn kéo dài.
Cuộc chiến ở Syria và những hình thái phức tạp cao độ
Cuộc chiến ở Syria đã mang những hình thái phức tạp cao độ. Từ một cuộc nội chiến giữa chính quyền và các lực lượng nổi dậy, Syria đã dần trở thành chiến trường giữa các cường quốc, thế lực khu vực và cả các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Sự lựa chọn sử dụng vũ lực đàn áp các lực lượng nổi dậy và kêu gọi đồng minh bên ngoài là Nga can thiệp đã khiến Syria trở thành nơi cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp giữa các thế lực khác nhau.
Nếu như trước sự xâm lấn từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, chính phủ al-Assad đã hòa hoãn với các lực lượng nổi dậy để tập trung lực lượng bảo vệ lãnh thổ, ngăn chặn IS thì có lẽ kịch bản xung đột Syria đã khác rất nhiều. Có lẽ chính các tính toán chính trị và quân sự nhằm bảo vệ sự cầm quyền của al-Assad và đảng Ba’ath đã khiến Syria chìm vào khủng hoảng và trở thành nơi can thiệp của các lực lượng quốc tế.
Sau 7 năm nội chiến và can thiệp, không những Syria không thể tái lập được sự hòa hợp dân tộc và thống nhất quốc gia mà nguy cơ tình trạng phụ thuộc vào bên ngoài ngày càng trở nên trầm trọng. Phương Tây không còn đặt nặng vấn đề Barsha al-Assad phải ra đi vì chưa có giải pháp thay thế nào có khả năng nhưng một giải pháp chính trị và quân sự tổng thể ở Syria là không hề rõ ràng vào lúc này. Vì thế, trước khi quy kết trách nhiệm của sự hỗn loạn tại đây cho các thế lực bên ngoài, có thể khẳng định rằng sai lầm chiến lược của chính phủ al-Assad đã khiến quốc gia này chìm vào khủng hoảng dài hạn.
Trần Bình, từ Paris
Tấn công Syria: “Hòn bấc ném đi hòn chì ném lại"
Ra lệnh một, hay hai cuộc tấn công chống các lực lượng của Tổng thống Assad, ông Trump sẽ chẳng thể thay đổi được cán cân quyền lực tại Syria.
Tấn công Syria: Tên lửa bắn đi, lấy gì hàn gắn?
Kế hoạch tấn công Syria lần này sẽ không chỉ nhắm vào ông Assad mà có lẽ chính là nhằm vào Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Nếu đúng vậy, thế giới sẽ có những biến động rất lớn.
“Bàn cờ Syria” luôn được các đại cường xáo bài chia lại?
Ông Putin hiện vừa phải đương đầu với các thực tế phức tạp ở Trung Đông nói chung, vừa phải duy trì hình ảnh là kẻ mạnh trong cách ứng xử với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyện Syria, nếu buông Nga sẽ trắng tay
Syria có vị trí địa-chính trị đặc biệt quan trọng. Vị trí nóng bỏng này là nơi Nga không thể bỏ, vì nếu buông sẽ là thảm họa, chính quyền Assad sụp đổ cũng là thảm họa, người Nga sẽ trắng tay.
Số phận Assad quyết định tương lai xung đột Syria
Phần lớn thế giới đều đồng ý rằng Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) phải bị tiêu diệt. Nhưng đạt được điều đó bằng cách nào và liệu loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad có giúp thúc đẩy hay cản trở tiến trình này?
Tương lai cho Syria đã được quyết định?
Rất có thể Mỹ sẽ hợp tác cùng Đại hội đồng với những cam kết hòa bình và bền vững cho vấn đề Syria. Đâu là giải pháp thật sự hiệu quả cho tương lai Syria?
Syria: Mỹ ra 'đòn gió' để đánh chớp nhoáng?
Phải chăng đây là "đòn gió" của Tổng thống Barack Obama? Hay sự trì hoãn này đang báo hiệu một cuộc chiến "chớp nhoáng" trong thời gian tới?
Syria: Can thiệp nhân đạo hay học thuyết trách nhiệm?
Cơ sở pháp lý duy nhất cho bất kỳ hành vi can thiệp quân sự nào vào Syria là một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc.
Can thiệp quân sự vào Syria: Cơ sở pháp lý nào?
Dù thế nào đi nữa, luật pháp quốc tế không cho phép sử dụng các biện pháp vũ lực để đáp trả một hành vi vi phạm nghĩa vụ quốc tế.
Ủng hộ Mỹ tấn công Syria: Nước cờ khôn ngoan của Pháp
Tại sao sau một thập kỷ, người Pháp lại quyết định đứng về phía Mỹ trong một cuộc tấn công quân sự vào Trung Đông?