- Những đợt gió lạnh buốt và từng đợt tuyết bắt đầu tấn công Gobi. Họ phải ra khỏi đó trước khi bị sa mạc nhấn chìm...

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN

Kho báu vô giá của đời người
Tình yêu của một người lãng du kì lạ

Người tài và GDP hạnh phúc

Nhật kí làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ

Mạc Ngôn: “Giải Nobel của tôi gây tranh cãi”

Chiến trường nhan sắc

Nhà báo sừng sỏ và thiên tài chính trị


Những câu chuyện trong cuốn sách dưới đây nói về những con người mà, vì nhiều lý do khác nhau, đã đánh liều sinh mạng của mình để bước vào những vùng đất lạnh lẽo, khô cằn nhất trên thế giới. Đó có thể là một cuộc thám hiểm, một cuộc phiêu lưu, hay một bước tiến lớn lao của loài người.

Chúng xảy ra vào khoảng đầu thế kỉ 20, khi thế giới bước vào cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật và cả những khám phá trên mọi bề mặt địa cầu. Cũng ở thời điểm này, thế giới trở thành nơi vừa nguy hiểm vừa kì bí. Chiến tranh nổ ra ở khắp nơi, người ta tranh giành nhau không chỉ là các thuộc địa, các phát minh, sức mạnh và vũ khí... , mà còn là những bước chân đầu tiên chinh phục địa cực hay sa mạc thăm thẳm không dấu chân người.

Và không ít nhà thám hiểm đã bỏ mạng dưới lưỡi hái tử thần, vì lòng can đảm vô bờ, vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt đến không tưởng và cả vì những bất cẩn đáng buồn. Họ ngã xuống, để lại những ghi chép quý giá về vùng đất mới, những mẫu vật quý hiếm thu thập được, những bằng cớ về lịch sử hàng triệu năm về trước...để lại bước chân mình lưu dấu một hành trình vĩ đại ....



* Những trích đoạn dưới đây nằm trong bộ sách "Những cuộc phiêu lưu vĩ đại" (phần Vượt qua sa mạc và Thám hiểm địa cực) (nhóm tác giả Anh Quốc) - do NXB Kim Đồng phát hành.
Chúng là những phần đẹp đẽ nhất, thơ mộng nhất của chuyến đi, trước khi đoàn thủy thủ dũng cảm hay “kẻ du mục thuần khiết” đối mặt với số phận nghiệt ngã đang chờ...

Vượt qua sa mạc

Sa mạc Gobi tiềm ẩn đầy nguy hiểm, nhất là vào thời đó. Hoang sơ, khắc nghiệt và có địa hình hết sức phức tạp, nó ẩn chứa đầy những hố bẫy đối với các xe địa hình, thường bị lún tới tận trục xe trong cát hoặc đất mềm. Sa mạc này gồm có những vùng bằng phẳng rộng lớn bằng sỏi mịn, những nơi mấp mô hiểm trở hay những vỉa đất lởm chởm sỏi đá, bên cạnh những đụn cát dài. Khí hậu ở đây cũng thay đổi thất thường đến hoang dại, nhiệt độ có thể giảm xuống rất sâu dưới mức đóng băng, cùng đủ loại bão nổi lên không báo trước, hú hét độc địa và tàn phá mọi thứ trên đường đi của chúng.

Đoàn xe địa hình phụ thuộc rất nhiều vào đoàn lạc đà, là đoàn vận chuyển nhiên liệu, dầu máy và phụ tùng cho chúng, nhưng ngay cả với lũ lạc đà, sống sót trên sa mạc cũng không dễ chút nào. Nơi đây thường không có nhiều đồ ăn cho chúng, và khi không có thức ăn chúng sẽ xuống sức rất nhanh dưới gánh thồ nặng.

Nhưng trên hết, cả lũ lạc đà lẫn đoàn xe đều phải đối mặt với mối đe dọa từ bọn cướp. Tình hình chính trị ở cả Trung Quốc lẫn Mông Cổ đều không yên ổn. Với nội chiến nổ ra liên miên, số lượng các băng cướp ngày càng tăng, đôi khi còn liên kết với nhau thành những đoàn cướp bóc tàn ác, man rợ gồm hàng ngàn tên. Chúng cướp bóc mọi thứ có giá trị đi ngang qua Gobi và giết chóc không thương tiếc. Đoàn của Andrews phải luôn luôn cảnh giác, tất cả đều mang theo súng lục và súng trường. 

Hình ảnh từ sa mạc

Thế nhưng khi mùa thám hiểm đầu tiên chính thức bắt đầu, các nhà khoa học nhanh chóng quên hết hiểm nguy. Có quá nhiều loài động vật trong sa mạc cho họ ghi chép. Cả đội quan sát từng đàn lừa hoang lớn tự do diễu qua. Các nhà khoa học đã biết về sự tồn tại của chúng, nhưng chưa bao giờ có dịp quan sát chúng ở khoảng cách gần. Andrews bắn vài con làm mẫu, và ghi chép chi tiết về cách hành xử của chúng. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là họ đã bắt đầu tìm thấy hóa thạch của những loài sinh vật cổ xưa: cá, cóc, côn trùng, loài gặm nhấm và những loài thú có vú nhỏ khác, đã tuyệt chủng từ lâu.

Nhưng còn người tiền sử thì sao? Chẳng có gì. Họ không hề tìm được một hóa thạch giống người nào. Thay vào đó, họ tìm thấy một thứ khác - một thứ không ngờ tới. Khủng long. Và không phải là một loài khủng long tầm thường đã được biết tới, mà là một loài mới, chưa từng thấy bao giờ. Một trong những hóa thạch đầu tiên nhô lên từ lớp đất đá xói mòn là một loài sinh vật kì lạ từ Kỉ Phấn Trắng (từ 135 đến 65 triệu năm trước), với cái mỏ như mỏ vẹt. Họ gọi nó là Psittacosaurus mongoliensis, nghĩa là “thằn lằn giống vẹt từ Mông Cổ”.

Khung xương “Thằn lằn giống vẹt từ Mông Cổ” được các nhà khoa học phục chế sau này

Cả đội rất phấn khích. Họ không còn phải lo lắng về việc sẽ trắng tay trở về từ sa mạc nữa. Họ làm việc miệt mài, không mệt mỏi để khai thác hết những phát hiện của mình. Nhưng, đến tháng Chín, nhiệt độ bắt đầu giảm và Gobi trở nên càng nguy hiểm hơn bao giờ hết. Họ phải rời khỏi đó và quay lại vào mùa xuân. Mùa thám hiểm đầu tiên đã kết thúc - hay đó là điều họ nghĩ…

Trong khi tìm con đường chạy lên phía bắc dẫn tới thủ đô Mông Cổ, Urga , cả đoàn bị lạc trong một vùng rộng lớn của sa mạc, một vùng tưởng như trải dài vô tận. Trong suốt ba ngày họ lùng tìm dấu hiệu của sự sống hay những manh mối chỉ cho họ biết đường phải đi. Cuối cùng, họ phát hiện được một khóm lều của người du mục Mông Cổ, được gọi là yurt. Andrews lái xe đến đó để xin giúp đỡ, trong khi những người khác ở ngoài chờ tin tức. Trong khi chờ đợi, nhiếp ảnh gia của đoàn, Shackleford, ra khỏi xe để duỗi chân. Có một vỉa đá hình thù kì lạ ở gần đó và anh tha thẩn bước đến xem.

Điều anh tìm thấy thật đáng kinh ngạc. Trước mặt anh là một lòng chảo khổng lồ với những vách sa thạch đầy ấn tượng, được nhiều năm xói mòn chạm khắc nên những hình dạng kì thú. “Đó có vẻ là những tòa thành trung cổ với chóp nhọn và tháp canh, ánh lên màu gạch đỏ trong ánh sáng buổi tối, những cổng vào đồ sộ, những bức tường và thành lũy…” Andrews viết lại.

Đây là một phát hiện đáng kinh ngạc. Nhưng quan trọng hơn cả, nằm khơi khơi trên bề mặt đá là những hóa thạch. Hàng trăm hóa thạch. Vô cùng phấn khích, đoàn thám hiểm cắm trại ngay lập tức và bắt tay vào khám phá. Theo như lời Andrews, đó là “một thiên đường của cổ sinh vật học”. Họ đặt tên cho điểm đó là “Flaming Cliff” (Vách Lửa). 

“Flaming Cliff” (Vách Lửa) như ta biết ngày nay

Các nhà khoa học vội vã thu thập mọi thứ họ có thể. Trong số các di tích họ tìm được có một mảnh vỏ trứng hóa thạch - có lẽ của một loài chim cổ để lại? Nhưng họ đang chạy đua với thời gian. Chẳng mấy chốc họ sẽ phải dứt mình ra khỏi nơi đó và tiếp tục lên đường trở về thủ đô theo sự dẫn đường của người địa phương. Những đợt gió lạnh buốt và từng đợt tuyết bắt đầu tấn công Gobi. Họ phải ra khỏi đó trước khi bị sa mạc nhấn chìm.

Khu vực Mông Cổ (phía nam sa mạc Gobi) vào mùa đông

*

 “Tôi chỉ là một kẻ lập dị mộng mơ, ước ao được sống một cuộc đời tự do du mục, tách xa khỏi thế giới văn minh…”, Isabelle Eberhardt đã viết như vậy vào tháng Sáu năm 1901, khiến cho cuộc đời cô tưởng chừng vô cùng đơn giản và lãng mạn, nhưng sự thật lại không hề lãng mạn và càng không đơn giản chút nào.

Cô đã sống cả một đời kì lạ và chật vật, đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi của cuộc sống dưới ánh mặt trời nghiệt ngã của sa mạc Sahara. Cô đã phá vỡ mọi luật lệ mà phụ nữ thời cô phải tuân theo. Cô đã gây sốc dữ dội cho một số người và truyền cảm hứng cho hàng ngàn người khác. Sau khi chết, cô được mệnh danh là “Amazon của Sahara”, hay với một số người, là “kẻ du mục thuần khiết”. 

Một bộ phim năm 1991về Isabelle Eberhardt - “Amazon của Sahara” hay là “kẻ du mục thuần khiết”. 

Isabelle sinh ra ở Thụy Sĩ vào tháng Hai năm 1877. Mẹ cô là một người Nga tha hương đã bỏ chồng, một vị tướng Nga, vào năm 1871. Bà không bao giờ cho Isabelle biết cha cô là ai, và cho cô theo họ thời con gái của mình - Eberhardt. 

Cha cô có lẽ chính là người gia sư của gia đình, Alexander Trophimowsky, một người đàn ông lạ lùng, nghiêm khắc, có ảnh hưởng lớn đến tuổi thơ của Isabelle. Họ sống trong một ngôi biệt thự rộng lớn ở ngoại ô Geneva, nơi rất thiếu thốn tiện nghi. Trophimowsky không chịu gửi Isabelle cùng các anh chị em của cô đến trường học, hoặc cho phép họ bước chân ra khỏi khuôn viên của biệt thự, vì vậy họ bị cách li khỏi thế giới bên ngoài. Tất cả đều nói tiếng Pháp và tiếng Nga, và Trophimowsky còn dạy Isabelle tiếng Đức, Latin, Ý, một chút tiếng Anh, cùng cả tiếng Ả Rập.

Trong môi trường sống dị thường ấy, Isabelle trở thành một cô bé mộng mơ hay lang thang một mình quanh biệt thự. Cô đọc nhiều sách và bắt đầu có hứng thú với đạo Hồi từ khi còn khá trẻ. Cô sống trong một thế giới tưởng tượng và quen với việc tự tạo ra những con người khác cho mình. Trophimowsky khuyến khích cô ăn mặc như con trai, với mái tóc cắt ngắn. Cô là ai? Cha cô là ai? Cô không bao giờ biết rõ…

Suốt những tháng ngày đó, cô nung nấu mong muốn bỏ trốn. Nơi cô ước ao được đến là Bắc Phi và sa mạc Sahara. Cuối cùng cô cũng thuyết phục được mẹ đi chu du cùng mình. Họ khởi hành vào tháng Năm năm 1897 đến Bône (nay là Annaba), ở phía bắc Algeria.

Chính ở nơi này Isabelle bắt đầu tạo ra con người “sa mạc” của mình. Cô ăn mặc như một người đàn ông trẻ, tự xưng là Si Mahmoud Saadi, và giới thiệu mình là một học giả người Tunisia nghiên cứu về kinh Koran (kinh thánh của đạo Hồi). Trong lốt cải trang này, cô có thể tự do trà trộn vào giữa những người dân ở Bône, và nhanh chóng học tiếng Ả Rập Algeria qua đối thoại của mọi người ngoài phố. Cô cảm thấy hoàn toàn an tâm như đang ở nhà.

Nhưng giấc mơ của cô không thể kéo dài. Mẹ Isabelle qua đời ở Bône, và Isabelle buộc phải quay về Geneva. Trong vòng một năm, người gia sư già Trophimowsky cũng chết, để lại cho cô một khoản tiền nhỏ. Giờ đây Isabelle đã có thể làm theo ý mình. Khi nỗi đau buồn qua đi, cô nhận ra rằng mình đã được tự do trở lại với Bắc Phi thân yêu.

Cô khởi hành đến Tunis vào tháng Sáu năm 1899. Tại đây, cô trở thành Si Mahmoud Saadi một lần nữa, và lên kế hoạch thực hiện ước mơ lớn nhất của đời mình - đến sa mạc.

*

Thám hiểm địa cực

Trong khi tàu Endurance giong buồm về phía nam, thủy thủ đoàn tha hồ chiêm ngưỡng quang cảnh tuyệt đẹp của Nam Cực tại thời điểm ôn hòa và rực rỡ nhất. Khi con tàu mở đường qua mặt biển đóng băng một phần, họ vượt qua những tảng băng trôi khổng lồ phát sáng, bị gió và sóng mài thành những tác phẩm điêu khắc sừng sững tuyệt mĩ. Ánh sáng ban ngày chiếu liên tục của mùa hè bắc cực thường trải những tia sáng hồng lộng lẫy lên những khối băng trôi nổi. 


Hình ảnh Bắc Cực quang

Con tàu dập dềnh giữa những đàn sinh vật sống động. Lũ cá voi khổng lồ, đôi khi dài gấp đôi chiều dài con tàu, thường bơi qua, lỗ khí phun ra từng cột nước lớn. Trong khi hải âu lượn vòng phía trên, lũ hải cẩu nằm tắm nắng lười biếng trên những tảng băng nổi ngẩng cái đầu ngái ngủ và nhìn họ đi qua. Khi không còn thấy bóng hải cẩu, thì đến lượt chim cánh cụt (con mồi chính của lũ hải cẩu) lật đật trượt qua mặt băng, kêu lên ồn ã khi con tàu đi qua. Cảnh tượng đẹp nhất chính là hiện tượng mưa băng kì lạ, khi hơi ẩm trong không khí đóng băng thành những tinh thể và nhẹ nhàng rơi xuống trong một màn sáng lấp lánh như phép màu. 


Vùng biển Arctic tại Greenland, Đan Mạch

Vân Sam