- Nguyễn Hữu Bá trong "Cát trọc đầu" khiến người đọc phải rùng mình về cách mà anh ta dùng chiến tranh và phụ nữ làm bàn đạp tiến thân.
TIN BÀI KHÁC
Nhà văn dị ứng với truyền hình
Murakami xa lánh truyền thông và rất nhạy cảm
Anh hề viết văn của Việt Nam
Doãn Dũng - người xẻ gỗ "Cây đời"
Không có nhiều nhà văn lấy nhân vật phản diện làm nhân vật chính cho cuốn tiểu thuyết của mình, nhưng Nguyễn Quang Vinh lại chọn cách thể hiện ấy. Chính vì thế ông tạo được nét đặc sắc cho "Cát trọc đầu" khi đi sâu mô tả một nhân vật với những mánh khóe luồn lách đến kinh người.
Tác giả phá vỡ cái mô tuýp thông thường về một anh hùng đối diện với một kẻ hèn nhát. Chưa một kẻ cơ hội nào được trao cho nhiều thứ như Bá. Bá được mô tả là "đẹp trai lồng lộng", nhiều tài lẻ, tài ăn nói và có sức cuốn hút ghê người. Và không có người anh hùng nào đủ tỉnh táo để ngăn chặn con đường tiến thân của hắn.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh |
- Ông đã xây dựng nhân vật Nguyễn Hữu Bá như thế nào, bằng quan sát thực tế hay có kèm cả trí tưởng tượng?
Với nhà văn, nhân vật như “cao” của cuộc sống. Nhà văn cắt cuộc sống, nấu thành cao. Nghĩa là muốn có một nhân vật điển hình, nó phải là sự quy tụ, chiết suất của nhiều hạng người cùng tông, cùng cánh. Nó phải được đầu tư công phu, bật ra những chi tiết điển hình, về lối sống, câu nói, dáng vóc. Đọc là không quên được.
Nguyễn Hữu Bá là một nhân vật ở phía cái xấu, nhưng lại là trung tâm của tiểu thuyết như là một kẻ thù khác, một chiến tuyến khác về đạo đức, nhân cách. Các nhân vật còn lại đều xoay lông lốc bên nó. Cái ác cái thiện trong cuộc đời luôn đồng hành nhau, giằng co nhau, đấu tranh với nhau, và đôi khi cái ác đang lấn lướt cái thiện.
Nhân vật Hữu Bá thành công vì nó đã trở thành điển hình cho một loại người nham hiểm, cơ hội, ranh ma, chuyên nghiệp trong hành vi xấu, ăn cướp, chà đạp, láu lỉnh. Loại người này nhiều lắm, rất nhiều, lúc công khai, lúc lén lút, nhưng nhiều. Người đọc đôi khi muốn hét lên với nhân vật này, căm thù, khinh ghét nhân vật này. Tôi nghĩ, thế là nhà văn thành công.
Nhân vật phản diện này được ông cho rất nhiều ưu ái về ngoại hình, sức hấp dẫn, lại còn tài “báo cáo” nữa chứ! Có vẻ như quá nhiều?
- Quá nhiều nhưng không phải nhờ nhà văn mà chính là nó.
Anh ta không có điểm yếu nào sao? Nếu một người như Bá sống trong thời bình, không bị thử thách bởi chiến tranh, thì sẽ là mẫu người như thế nào?
- Nó đầy điểm yếu, nhưng che giấu kín đáo, che giấu sự sợ hãi, hèn nhát của mình bằng mánh lới và những âm mưu ma quái. Nó giỏi tìm cách chóng chế, tìm cách ngụy biện, tìm cách làm nhòa đi cái yếu của mình để lừa lọc mọi người, với nhiều hành vi, thái độ, cư xử, không biết hổ thẹn.
Trong thời bình, hiện nay chẳng hạn, loại người như Bá rất nhiều, vô ơn bạc nghĩa, chà đạp nhân phẩm người khác, phản bội bè bạn, phản bội nhân dân, khoác cái vỏ của một người có vẻ tận trung với nước nhưng kỳ thực là lợi dụng cơ chế, lợi dụng niềm tin để thăng tiến, để vơ vét. Kỳ lạ là loại người này vẫn đang sống, chúng câu kết với nhau để tồn tại. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải cảnh giác, vạch mặt.
Cùng anh trai Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quanh Vinh cũng đi theo con đường văn chương và đều nổi danh. |
Nụ, Kim Anh... đều là những cô gái vừa có trí thức, vừa có tâm hồn hướng thiện. Tại sao họ vẫn không có khả năng cưỡng lại sức quyến rũ của Bá và thuận theo rất nhiều ý đồ của anh ta? Ông lý giải điều này ra sao?
- Đúng thế, các cô gái thanh niên xung phong của chúng ta có tâm hồn rất đẹp, có nhận thức, có ý chí. Họ có thể san đường phá bom, ngang nhiên trước mưa bom bão đạn, nhưng trời ơi, họ cũng là những cô gái lớn lên trong giai đoạn thiếu thốn tình yêu, tình cảm. Nên đôi khi cái khát vọng yêu làm cho các cô dễ tha thứ cho Bá, dễ bao dung, và dễ…tặc lưỡi. Chuyện đó không có gì lớn, rất đời, rất thực… Người tốt bao giờ cũng vô tư, hồn nhiên, trong sáng. Đôi khi sự trong trắng ấy dễ bị dẫn dụ, lôi kéo bởi những âm mưu và sự trí trá của loại đàn ông như Bá.
Đã có kẻ hèn, vậy người anh hùng trong tiểu thuyết là ai?
- Là nhân dân, là các cô gái thanh niên xung phong, là tấm lòng của người cha người mẹ hậu phương. Vượt qua tất cả, họ mãi mãi chói lọi cùng dân tộc. Kẻ hèn có, như Bá, nhưng không thể chà đạp sự chói lọi.
Người anh hùng có thể đối phó với kẻ hèn, kẻ cơ hội không?
- Cái phẩm chất cao quý nhất của người lương thiện là tiếp tục lương thiện. Để tiêu diệt cái ác, thì sự lương thiện là vũ khí, lòng bao dung là vũ khí, tinh thần đoàn kết là vũ khí - từng ngày một bào mòn, triệt tiêu cái ác. Chúng ta chiến đấu để tiêu diệt cái ác chứ không phải là đối phó. Đối phó tức là mặc nhiên thua nó, né nó. Phải chiến đấu, phải khôn khéo như nó thì mới tiêu diệt được nó. Khi cần, phải quyết liệt với nó. Không thể nửa vời trong cuộc chiến thiện ác này được.
Cuốn sách này, ông muốn tập trung khắc họa chân dung của một nhân vật kiểu Nguyễn Hữu Bá hay sự khốc liệt của chiến tranh? Hay cả hai?
- Cả hai. Con người ta phải luôn chiến đấu với hai kẻ thù: kẻ thù xâm lược và kẻ thù về sự tha hóa nhân cách, tiêu cực và đốn mạt. Cuộc chiến đó dai dẳng, quyết liệt, chưa chắc phân rõ thắng bại ngay lập tức, nó bắt buộc chúng ta phải kiên nhẫn, phải tỉnh táo…Kẻ thù về đạo đức còn dai dẳng, khó thắng hơn nhiều, nên càng phải cảnh giác.
Xin cảm ơn nhà văn!
Hồ Hương Giang