- Các nhà làm phim, nhà phê bình cùng nhau chẩn đoán và kê đơn cho những căn bệnh kinh niên của điện ảnh Việt bên thềm giải thưởng Cánh diều vàng.
Bỏ qua một bên những vấn đề của chuyện hậu trường làm phim, giới điện ảnh gặp nhau trong khuôn khổ hội thảo “Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống” sáng 12/3 tại TP.HCM, muốn bàn kỹ hơn về nội dung hiện thực mà những bộ phim Việt trình bày cho khán giả hôm nay.
Vấn đề cũ và có phần lý luận, nhưng lại chưa bao giờ hết tính thời sự bởi khán giả vẫn cứ mãi kêu ca khi thiện ý bỏ tiền mua vé ủng hộ phim Việt của họ thường bị đáp trả bằng sự bực bội hoặc cười xòa vì câu chuyện ngớ ngẩn, vô lý hoặc hời hợt trên phim. Có thể tạm đúc kết một số “căn bệnh kinh niên” của điện ảnh Việt sau đây:
Bệnh hời hợt
Căn bệnh này phổ biến ở những phim giải trí do các hãng phim tư nhân sản xuất với mục tiêu “ăn khách” được đặt lên trên hết. Nhà phê bình Ngô Phương Lan đưa ra nhận xét về dòng phim này: Cái gọi là cuộc sống mô tả trong phim chỉ làm nền cho câu chuyện hoặc ly kỳ hoặc mùi mẫn của những cô cậu độ tuổi “teen”, nó xa lạ với hiện thực cuộc sống từ tình huống cho đến nhân vật. Tuy nhiên, không chỉ dòng phim giải trí, ngay cả những bộ phim nghệ thuật do nhà nước đầu tư cũng bị phàn nàn là “phản ánh hiện tượng nhiều hơn là đi vào bản chất cuộc sống, thiếu sự sâu sắc và chưa đạt đến tầm triết lý cuộc sống để người xem phải chiêm nghiệm và nhớ mãi”.
Cảnh trong phim "Cô dâu đại chiến"
Bệnh giáo điều
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn kể, cách đây vài ba năm, ông có dịp xem một tạp chí chuyên đề về điện ảnh châu Á do người bạn làm bên Lãnh sự quán Pháp giới thiệu. Họ trình bày khá rõ về nền điện ảnh từng nước. Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm 3 – 4 trang, có nước một trang hoặc nửa trang. Nhưng không thấy có điện ảnh Việt Nam. “Với vẻ ngượng ngùng, anh bạn Pháp chỉ vào dòng chữ cuối của trang cuối có ghi: Biết nói gì về điện ảnh Việt Nam và CHDCND Triều Tiên? Đó là những nền điện ảnh mang nặng tính tuyên truyền”, ông nói.
Theo đạo diễn Trăng nơi đáy giếng, hẳn là tạp chí nọ đã có một đánh giá phiến diện hoặc do không nắm rõ thông tin, nhưng dù sao những người làm phim cũng nên nhìn lại. Phải chăng các vấn đề xã hội được đề cập trên phim một cách giáo điều, khô cứng theo một công thức quy định; nhìn hiện thực cuộc sống qua một khung cửa mở sẵn với một màng lọc nhạy cảm,… ép người xem phải tin vào điều bộ phim muốn nói.
Bệnh “tình, tiền, tù, tội”
Một khía cạnh khác khiến nhiều bộ phim làm khán giả ngán ngẩm, có cảm giác như “xem phần đầu đã biết trước kết thúc” là thái độ: Phải có “tình, tiền, tù, tội” thì phim mới mang hơi thở cuộc sống, mới thuyết phục. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn mô tả: “Một lô một lốc những xung đột kịch tính tình, tiền, tù, tội cứ nhao nhao đòi vào chuyện. Rồi đủ thứ tai nạn, thiên tai bão lụt, cháy nhà, ung thư, điên loạn chỉ chờ người làm phim bí một cái là nhảy vào”.
"Cô dâu đại chiến" - một trong những phim "xa lạ với cuộc sống"
Theo ông, những nhà làm phim cần phải biết nâng niu tầm quan trọng của “cái thường ngày”. Đừng nhượng bộ thêm mắm dặm muối tạo thành những tình huống hoàn cảnh chuyên biệt tách nhân vật ra khỏi cuộc sống bình dị. Đừng nên dễ dãi đưa vào những sự kiện có tính thời sự làm phá vỡ thế cân bằng của cuộc sống nhân vật. Phải làm sao để mảng đời hiện ra trong phim chỉ như là một nhát cắt của cuộc sống hàng ngày. Người xem có cảm giác như câu chuyện bắt đầu và kết thúc ở đâu cũng được trong chuỗi ngày sống của nhân vật, và tin là hiện thực được trình bày là cuộc sống thực. Trên thực tế, nhiều bộ phim để lại những cảnh đáng nhớ là nhờ chi tiết bình dị như cậu con trai nhảy xuống sông vớt chậu cây sống đời mà người cha ném đi trong Cánh đồng bất tận; ông giáo làng đang lợp nhà nghe tiếng gà mái cục tác liền reo lên mừng rỡ, tuột xuống lấy trứng trong Thung lũng hoang vắng…
Liêu Đông