- Đúng vào dịp khai hội Xuân Yên Tử 2014, dự kiến lượng khách năm nay sẽ tăng gấp đôi năm ngoái, giá vé cáp treo cũng theo đà tăng 15%. Theo đó, giá vé khứ hồi 2 tuyến là 280.000 đồng, vé 1 chiếu là 150.000 đồng/lượt/người lớn; trẻ em 100.000 đồng/lượt.

 

Biết được thông tin này, nhiều phật tử chia sẻ, họ không được vui khi về Yên Tử. Nhiều người thắc mắc về việc Cty Tùng Lâm tăng giá vé. Bởi, trong lúc, kinh tế khó khăn thế mà DN không chia sẻ với người dân. “Với chúng tôi, đi lễ Yên Tử đầu năm không chỉ là hái lộc du Xuân mà còn là hướng về cõi tâm linh, cầu Phật hoàng gia hộ cho bà con một năm mới an lành. Mỗi năm chúng tôi về với cụ Phật hoàng 2 lần, đầu Xuân khai hội và ngày Giỗ Cụ 1/11 AL”, chị Hoàng Ngọc Anh, phố Định Công, Hoàng Mai nói.

Còn nhóm Đạo tràng ở Cầu Giấy (Hà Nội) mỗi dịp Tết, có khoảng 50 phật tử về Yên Tử, năm nay riêng tiền vé đi cáp treo đã lên tới khoảng gần 15 triệu đồng, tăng hơn 1,5 triệu đồng so với năm ngoái. Một số tiền không nhỏ so với đồng lương của cán bộ về hưu. “Năm nay, chúng tôi háo hức về Yên Tử vừa đi lễ đầu năm vừa để được chiêm bái pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên An Kỳ Sinh rất kỳ vĩ, vừa đi lễ để cầu cho một năm mới hạnh phúc bình an. Đúng thời điểm này, DN lại tăng vé cáp treo, không hiểu làm sao nữa?”, bác Nguyễn Nam Vinh, Trung Kính, Cầu Giấy chia sẻ.

{keywords} 

Lượng khách về Yên Tử đông, việc tăng giá vé đồng nghĩa với việc doanh thu được tăng lên rất nhiều.

Theo tìm hiểu của PV, hệ thống cáp treo Yên tử do Cty Tùng Lâm đưa vào khai thác hơn 10 năm nay. Đây là hệ thống cáp hiện đại, công nghệ tiên tiến của Pháp và Hàn Quốc, đáp ứng tiêu chí an toàn, tiện lợi cho du khách. Trước đây, sau nhiều lần tăng giá vé, du khách phải chấp nhận với lý do mà Cty đưa ra là công trình mới đưa vào sử dụng nên phải thu hồi vốn. Thế nhưng, sau hơn 10 năm thì quá trình khấu hao của cáp đã hết thời hạn. Đáng lẽ Cty phải chia sẻ lợi nhuận với du khách, đằng này lại tiếp tục tăng.

Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, lượng du khách tăng đột biến trong vài năm gần đây, nhất là năm 2013, đã có gần 2,1 triệu lượt khách đến Yên Tử nhân với 250.000 đồng/khách, thì số tiền mà Cty thu về là trên 500 tỷ đồng. Chưa kể, Cty tổ chức các khu chợ Xuân, ki ốt, nhà hàng, nhà nghỉ... cho thuê biển quảng cáo với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào như: xăng, dầu... không tăng, giá điện được ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa. Cty còn được hưởng các ưu đãi Nghị quyết 11 của Chính phủ về giản, giãn các loại thuế. Vì vậy, việc tăng giá vé cáp treo trong thời điểm kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân đang rất vất vả đã phải oằn lưng chịu nhiều khoản chi tiêu cho dịp Tết, mà nay muốn được về chốn thiêng Yên Tử phải tính toán, cân nhắc, khiến cho việc hành hương không được toại tâm, toại ý.

Thử tính, một gia đình quê từ Nam Định gồm 4 người hành hương về Yên Tử phải mất gần 500.000 tiền vé xe, cộng thêm gần 1,2 triệu đồng vé cáp treo, ăn uống, tiền lễ... Tiết kiệm họ cũng phải chi gần 2 triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ, đối với gia đình nông dân nghèo, thậm chí cả gia đình viên chức.

Lý giải cho việc tăng giá vé, ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc Cty Tùng Lâm cho biết do nhiều năm qua phải chịu lỗ, cộng thêm với chi phí nhân công phục vụ cho hệ thống cáp và vệ sinh khu vực Yên Tử cao nên Cty đành phải tăng giá vé. Và, giá vé này cũng đã được thông qua các cấp chính quyền của TP Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh.

Năm nay, dự kiến lượng khách đến với Yên Tử tăng gấp đôi so với năm ngoái, khoảng gần 4 triệu lượt do có thêm công trình bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhiều người dân muốn được tận mắt chiêm bái. Theo đó, số tiền Cty thu về tăng hơn so với năm ngoái hàng trăm tỷ đồng.

Đại diện Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh cho rằng tăng giá vé là việc của DN, nhà sư không có quyền can thiệp. Nhưng trên thế giới, chỉ có ở Việt Nam mới có Phật hoàng Trần Nhân Tông, vừa là Vua, vừa là Phật. Đây là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt, nên hàng năm các phật tử bằng đồng tiền công đức của mình để góp phần bồi đắp xây dựng Yên Tử xứng tầm Kinh đô Phật giáo.

Mới đây nhất là công trình Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa toàn dân. “Vẫn biết rằng, DN kinh doanh yếu tố đầu tiên là phải có lợi nhuận nhưng kinh doanh trên đất Phật thì phải thấm nhuần triết lý của nhà Phật luôn đem lại lợi lạc cho chúng sinh”, Đại diện Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh nói.

Bài, ảnh: T.V