-Những bức tượng gốm không chỉ thể hiện khát vọng hướng tới Chân - Thiện - Mỹ mà còn phản ảnh niềm tin tâm linh, tôn giáo của người Việt.
Nhằm giúp khách tham quan có thêm hiểu biết về nghệ thuật điêu khắc tượng gốm cổ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa tổ chức trưng bày chuyên đề Tượng gốm cổ Việt Nam. Trưng bày giới thiệu khoảng 70 hiện vật theo 3 chủ đề: Tượng gốm hiện thực; Tượng gốm tôn giáo, tín ngưỡng; Tượng gốm trang trí kiến trúc.
Trong nghệ thuật tượng gốm cổ Việt Nam, tượng gốm hiện thực ngày càng trở nên phổ biến vì đây là những sản phẩm mỹ thuật thực dụng phục vụ nhu cầu trang trí, hưởng thụ cái đẹp trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng cư dân.
Đây cũng là sưu tập hiện diện đầy đủ nhất các chất liệu gốm như đất nung, sành, gốm xốp và gốm men, không những phong phú về loại hình sử dụng mà còn đa dạng về đề tài thể hiện như con người, các loài chim, thú, vật nuôi… gần gũi với đời sống con người.
Tượng gốm cổ Việt Nam phục vụ tôn giáo tín ngưỡng chủ yếu gồm tượng Phật giáo và tượng các vị Thần linh trong tín ngưỡng dân gian. Tượng Phật giáo khá đa dạng nhưng xuất hiện nhiều hơn cả là tượng Đức Phật, Quan Âm và các vị tăng già, tổ Phật… được làm để thờ trong các Bảo tháp, động Phật hoặc đáp ứng nhu cầu tu hành tại gia và việc thờ phụng mang tính chất cá nhân.
Tượng gốm trang trí kiến trúc chủ yếu là tượng các linh vật như rồng, lân, nghê, xi vẫn… được gắn trên bờ nóc, bờ quyết, tàu đao quật thuộc bộ mái hoặc tam quan, trụ cổng các công trình kiến trúc cung đình, tôn giáo tín ngưỡng và dân sinh cổ như cung điện, chùa, đình, đền, miếu, lăng mộ, nhà thờ họ, cầu ngói, cổng làng… Mỗi linh vật mang một ý nghĩa biểu tượng khác nhau, đồng thời là những hình tượng thể hiện tinh thần của các công trình kiến trúc cổ.
T.Lê