- Với doanh thu đạt khoảng 3,32 triệu USD (tương đương 67,7 tỉ đồng), phim hài "Tèo em" được cho là giữ kỷ lục ăn khách nhất rạp Việt, theo báo Mỹ Hollywood Reporter.

Mức doanh thu nói trên vừa đủ để "Tèo em" vượt mặt bộ phim ngoại thu được nhiều tiền vé nhất - "Iron Man 3", với doanh thu khoảng 3,24 triệu USD (66,1 tỉ đồng) tại phòng vé VN. Tuy nhiên, con số mà tờ báo Mỹ đưa ra có nhiều chênh lệch so với con số doanh thu hơn 80 tỉ đồng mà bộ phim tiết lộ tại VN.

{keywords}
"Tèo em", bộ phim hài không được lòng báo chí, nhưng được lòng khán giả.

Kỷ lục sau xô kỷ lục trước

Thống kê của Hollywood Reporter được họ đưa ra trong bài viết gần đây nêu cái nhìn tổng quan về thị trường phim ảnh ở Đông Nam Á, với nhiều triển vọng lớn về tăng trưởng, và là lý do để Hollywood sẽ có thêm nhiều dự án phim bấm máy tại khu vực này.

Nhìn qua tên của các phim được nêu, có thể hiểu thống kê của tờ báo Mỹ về thị trường điện ảnh các nước Đông Nam Á dừng lại ở thời điểm cuối năm ngoái. Riêng tại Việt Nam, thống kê này chưa xét tới những bộ phim vừa lập kỷ lục mới cho phòng vé từ đầu năm tới nay, như "Quả tim máu" (hơn 70 tỉ đồng sau 3 tuần công chiếu) hay "Người nhện siêu đẳng 2" (hơn 26 tỉ đồng sau trong 3 ngày công chiếu đầu tiên).

Cả 4 "bom tấn" nói trên đều có thời gian ra mắt từ tháng 5/2013 đến tháng 5/2014. Điều này phần nào minh chứng cho sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường điện ảnh Việt Nam trong vòng một năm qua, riêng ở khía cạnh doanh thu phòng vé. Các kỷ lục doanh thu được dự báo sẽ liên tục bị xô ngã, bởi phim sau thường có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn phim trước nhờ số rạp chiếu theo mô hình phức hợp nhiều phòng chiếu đang phát triển nhanh ở các thành phố lớn, thúc đẩy nhu cầu giải trí bằng phim ảnh ngày một gia tăng.

Khi điện ảnh không phải ổ bánh mì

{keywords}
Người nhện siêu đẳng 2, phim mở màn mùa phim hè 2014 với doanh thu 1,3 triệu USD trong cuối tuần công chiếu đầu tiên.

Một lý do khác ít được quan tâm là giá vé xem phim đang âm thầm gia tăng mỗi ngày. Tại một cụm rạp do tập đoàn CJ Hàn Quốc mua lại ở Hà Nội, giá cho một tấm vé có những điều kiện thuận lợi (phim bom tấn 3D Atmos có suất chiếu sau 18h vào cuối tuần) hiện đã chạm mức 200.000 đồng (10 USD), tức cao hơn mức giá vé trung bình 7.96 USD (khoảng 160.000 đồng, theo Boxofficemojo) của Mỹ từ đầu năm tới nay. Dù thu nhập bình quân đầu người của Mỹ cao gấp 26 lần Việt Nam.

Đây là điểm khác biệt khiến một khán giả Mỹ khi móc tiền mua vé xem phim sẽ có cảm giác giống người Việt Nam mua một ổ bánh mì. Nhưng với khán giả Việt Nam, những người ít có thói quen đi xem phim một mình, một lần đi xem phim có thể được quy đổi bằng tháng lương cơ bản. 

Thế nên, dễ hiểu vì sao tại VN, một nhà phát hành phim vì bức xúc với tình hình, tự bỏ tiền túi làm chương trình "điện ảnh ổ bánh mì", tận dụng hệ thống rạp chiếu do Nhà nước quản lý, để cung cấp phim có giá vé rẻ bằng ổ bánh mì cho khán giả. 

Các báo cáo về tình hình hưởng thụ phim ảnh trong nước của Cục và Hội điện ảnh Việt Nam hiện chưa thấy có con số giá vé trung bình này, trong lúc Hiệp hội các nhà phát hành phim và chiếu bóng vẫn đang xúc tiến thành lập.

So với các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan và Malaysia, một điểm khác biệt quan trọng gây khó khăn cho việc đánh giá thị trường điện ảnh Việt Nam, đó là tính thiếu công khai, minh bạch trong doanh thu phòng vé, dẫn đến chưa thể có một bảng xếp hạng doanh thu. 

Theo một nhà phát hành, việc này có thể có lý do ở các khoản thuế doanh nghiệp, cũng như có lợi trong việc thương thảo hợp đồng phát hành với các phim độc lập, các phim ngoài Hollywood. Tuy nhiên, khó mà "qua mặt" các nhà phát hành lớn ở kinh đô điện ảnh bởi các rạp muốn chiếu phim của họ đều phải lắp đặt hệ thống chung, ghi nhận các lệnh bán và xuất vé.

Minh Chánh