- Liên quan đến vấn đề tác quyền show Khánh Ly, ngày 27/8, Bộ VH-TT&DL đã có buổi làm việc với hai bên là công ty Đồng Dao và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả (VCPMC). Theo đó, hai bên đã thỏa thuận mức giá 250 triệu đồng tiền tác quyền show Khánh Ly ở Hà Nội và Đà Nẵng.
Sau cuộc họp kín giữa các bên, ông Vũ Xuân Thành - thanh tra Bộ VH-TT&DL đã có những chia sẻ với truyền thông. Ông cho biết công ty Đồng Dao phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN tổ chức 2 đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng nhưng họ đã gặp vướng mắc trong quá trình thỏa thuận về quyền tác giả với VCPMC.
"Lúc đầu do cách tính chưa hiểu nhau, Đồng Dao nói doanh thu sau khi trừ chi phí, VCPMC nói doanh thu là doanh thu. Hai bên chưa thống nhất, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu Thanh tra Bộ chủ trì cuộc họp giữa hai bên, mục đích làm trung gian hòa giải nhằm thực hiện nghiêm luật sở hữu trí tuệ. Nhưng điều quan trọng hơn là để 2 bên hiểu nhau.
Ca sĩ Khánh Ly và Khánh Hà trong show tại Hà Nội ngày 2/8. |
"Thanh tra Bộ đã chủ trì để 2 bên nói hết lẽ, thống nhất với nhau. Kết quả cuối cùng là bên Đồng Dao đã chấp nhận mức 250 triệu cho 2 chương trình. Hai bên đã ký hợp đồng trước sự chứng kiến của Thanh tra Bộ trên tinh thần hai bên đều vui vẻ. Thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ trả tác quyền trong một tuần kể từ ngày ký hợp đồng hôm nay" - ông Xuân Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, về nguyên tắc trong quyền tác giả và quyền liên quan là tự nguyện, nhưng nếu không hiểu nhau thì Thanh tra Bộ phải đứng ra chủ trì. Ở các nước trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ khởi kiện ra tòa. Lẽ ra việc tiền bản quyền của show Khánh Ly nên để tòa án đứng ra phân xử. Nhưng với chức năng quản lý, Bộ để hai bên thỏa thuận hành chính với nhau trên tinh thần không áp đặt. Còn cách tính về cơ bản theo Nghị định 61, hai bên có thỏa thuận giảm đi một chút.
Trước đó, phần tác quyền show Khánh Ly tại Hà Nội được VCPMC và công ty Đồng Dao thỏa thuận tạm tính là 170 triệu đồng cho chương trình ở Hà Nội, còn ở Đà Nẵng thì chưa thỏa thuận. Sự việc trở nên ầm ĩ gây nhiều ý kiến trái chiều khi nhạc sĩ Phó Đức Phương đích thân bay vào Đà Nẵng để tiếp tục đòi công ty Đồng Dao thực hiện tiền tác quyền khi show diễn Khánh Ly tại thành phố này đang diễn ra.
Hình ảnh nhạc sĩ Phó Đức Phương và đại diện công ty Đồng Dao tranh luận về tiền tác quyền show Khánh Ly tại TP. Đà Nẵng. |
Vậy là sự việc ồn ào liên quan đến vấn đề tác quyền đã khép lại, nhưng cách hành xử của nhạc sĩ Phó Đức Phương với công ty biểu diễn được ví như là đi đòi đòi nợ thuê, ý kiến của ông ra sao?
Ông Vũ Xuân Thành: Vấn đề đó chúng tôi cũng nhắc nhạc sĩ Phó Đức Phương rồi. Cũng thông cảm cho ông ấy, cực chẳng đã, đặc biệt là với một nhạc sĩ có tên tuổi. Ông Phương cũng là người có tiếng tắm chứ không phải không nhưng quả thực ông ấy cũng phải say sưa với nghề này.
Nhiều ý kiến của người trong cuộc nghi ngờ sự chưa minh bạch của VCPMC, thu một đằng trả một nẻo?
Ông Vũ Xuân Thành: Cái đấy là việc thuộc về nội bộ. Nhưng tôi được biết cơ quan cảnh sát điều tra đã vào cuộc kiểm tra thu chi của VCPMC và công bố minh bạch. Về nguyên tắc VCPMC hưởng từ 15-20% phí dịch vụ, còn lại cho tác giả qua phần mềm. Mà tiền bản quyền thì không phải ai cũng được hưởng bình quân như nhau. Không thể so sánh nhạc Trịnh Công Sơn với các nhạc sĩ khác, vì vấn đề là sáng tác của các nhạc sĩ khác có được dùng nhiều như nhạc Trịnh hay không. Thế nên mới có chuyện có nhạc sĩ được trả tác quyền hàng trăm triệu, có người chỉ vài triệu.
Có ý kiến cho rằng nên có thêm trung tâm tác quyền khác, ý kiến của Bộ VH-TT&DL ra sao?
Ông Vũ Xuân Thành: Về phía Bộ không khuyến khích chuyện đó, nhưng về quyền để thành lập các trung tâm như thế thì cứ theo quy định của Luật mà làm. Các trung tâm độc lập theo luật thôi. Nếu đơn vị nào đó có đủ sức, đủ uy tín và có khách hàng ủy quyền thì cứ thành lập. Quy trình thành lập thì có hẳn Nghị định 45 hướng dẫn rồi. Làm đề án gửi Bộ VH-TT&DL thẩm định về mặt nội dung, Bộ Nội vụ cấp phép, thuế theo quy định chung của pháp luật.
Bộ VH-TT&DL có biện pháp nào nào để tránh những lùm xùm tương tự?
Ông Vũ Xuân Thành: Theo luật sở hữu trí tuệ, phần về quyền tác giả và quyền liên quan là đầy đủ rồi. Khi hai bên không thỏa thuận được thì cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ VH-TT&DL đứng ra hòa giải để 2 bên gặp nhau giải quyết, chủ yếu là phân tích luật lệ, phân tích phải trái để họ đến với nhau, tự thỏa thuận với nhau. Còn không thỏa thuận được thì Bộ kiến nghị khởi kiện ra tòa.
Sơn Hà (ghi)