Đối với Lâm Vinh Hải, Mỹ Tâm là một trong ba người ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như cuộc đời của anh.
Lâm Vinh Hải hiện là một trong những dancer sáng giá ở thành phố Hồ Chí Minh. Quán quân của So you think you can dance 2012 đã có cơ hội hợp tác với rất nhiều tên tuổi lớn trong làng âm nhạc Việt Nam, thậm chí anh còn được báo giới ưu ái gọi là “người tình” của Mỹ Tâm sau nhiều sản phẩm hợp tác giữa hai bên.
Không quen biết, không có người giới thiệu, Lâm Vinh Hải đến với Mỹ Tâm bằng chính tài năng của mình. Những động tác vũ đạo đẹp mắt là “vũ khí” duy nhất khiến chàng trai trẻ giành được sự chú ý của “Họa mi tóc nâu”.
Nhớ lại thời điểm đó, anh chia sẻ: “Năm 2008, khi chị Mỹ Tâm tổ chức buổi tuyển chọn dancer cho liveshow Sóng Đa Tần, tôi có tham gia và may mắn được chọn. Đó là thời điểm đánh dấu việc tôi chính thức bước vào con đường nhảy múa chuyện nghiệp.Cũng như tất cả các dancer khác được chọn, chúng tôi được công ty MTE đầu tư và đạo tạo rất chuyên nghiệp. Chị Tâm đã thuê hẳn hai vũ sư từ Hàn Quốc về dựng bài và dạy cho Hải cũng như mọi người trong suốt 6 tháng. Trong thời gian đó, chị Tâm cũng tham gia tập luyện cùng mọi người luôn.
Đối với tôi, chị Tâm hơn cả một người nghệ sĩ , chị là người tôi rất biết ơn, tôn trọng và iu quý. Có thể nói, chị là người đặt những viên đá đầu tiên trong sự nghiệp của tôi. Trong suốt quá trình tôi bắt đầu sự nghiệp và có những thành công hôm nay, chị Tâm luôn dìu dắt Hải, cho tôi những lời khuyên đúng đắn. Làm việc với Mỹ Tâm, chị chưa bao giờ cho tôi cảm giác mình chỉ là dancer minh hoạ và cảm thấy mình rất được tôn trọng. Không quá khi nói rằng chị Tâm là 1 trong 3 người có sự ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp cũng như cuộc đời tôi”.
Cũng như những dancer khác, để chạm đến được thành công đầu tiên trong nghề, chàng trai 25 tuổi đã phải trải qua không ít khó khăn để theo đuổi niềm đam mê. Không được sự ủng hộ của những người trong gia đình, cộng thêm những vất vả trong quá trình luyện tập đôi khi cũng khiến Lâm Vinh Hải cảm thấy yếu lòng.
Nhưng ý nghĩ từ bỏ chỉ thoáng qua như một cơn gió. Nghe tiếng nhạc là chàng trai trẻ lại muốn được phiêu, thấy sàn tập là anh lại muốn đổ mồ hôi với từng bước nhảy.
“Tôi không được học nhảy múa hay tiếp xúc với nhóm múa sớm. Gia đình cũng không có truyền thống nghệ thuật. Khi học cấp ba, tôi hay đến nhà thi đấu Phan Đình Phùng để chơi. Ở đó bấy giờ có rất nhiều nhóm Hiphop đang tập luyện. Nhìn họ nhảy, tôi thấy rất hứng thú nên đã đứng ở ngoài tập theo. Nhìn thấy tôi học lỏm, anh nhóm trưởng của vũ đoàn T&A lúc ấy đã rủ tôi vào nhóm tập cùng. Vậy là tôi bắt đầu nhảy múa từ đó.
Cơ duyên đến vô tình là thế nhưng con đường tôi đi cũng găp không ít khó khăn. Đầu tiên là việc gia đình không cho phép và ủng hộ. Vì tôi đang học lớp 12 nên gia đình sợ ảnh hưởng việc học hành. Thêm nữa là điều kiện kinh tế của gia đình không cho phép. Mẹ tôi luôn nghĩ rằng gia đình không có đủ điều kiện để tôi theo nghề.
Cũng vì thế nên mỗi ngày, sau 12h, khi học xong ở trường, tôi lại đạp xe đến tiệm bán cá cảnh để kiếm thêm thu nhập. Tôi làm từ 1h trưa đến chiều, công việc chính là lau chùi hồ kiếng.
Kết thúc công việc, tôi mới đi tập nhảy, tối về lại vùi đầu vào sách vở. Thật sự quãng thời gian đó rất mệt nhưng tôi thấy vui lắm. Cuộc sống đơn giản lúc đó, tôi sẽ không bao giờ quên”, anh cười.
Khó khăn thứ hai của Lâm Vinh Hải là việc phải làm quen với những đau đớn trong quá trình luyện tập: “Để trở thành một vũ công chuyên nghiệp, bạn phải chấp nhận và hiểu rõ mình có thể bị chấn thương bất cứ lúc nào. Những lần bầm tím tay chân, trật tay, trật chân với tôi không kể hết.
Nặng nhất có lẽ là chấn thương ở lưng. Hiện tại, tôi vẫn đang điều trị thoát vị đĩa đệm ở lưng nhưng do công việc nhiều quá nên không thể dứt ra được. Bây giờ, nếu tập nhiều hoặc tập nặng, tôi đều bị đau.
Cũng có những lúc khó khăn thật sự làm tôi rất mệt mỏi, áp lực. Đôi lần tôi cũng nghĩ đế việc chuyển qua nghề khác, nhưng suy nghĩ đó chỉ thoáng qua vài giây thôi. Chỉ cần nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, tôi lại ý thức rằng mình không thể bỏ nhảy được. Nó giống như hơi thở vậy. Nếu bạn không thở thì có sống được không?”.
Xem nhảy là hơi thở, là lẽ sống nhưng ban đầu, Lâm Vinh Hải hầu như diễn không công. "Tôi đến với nhảy không phải để kiếm tiền, chỉ thấy thích thì nhảy thôi. Tôi thường xuyên biểu diễn mà không có lương, hoặc có chỉ là 20 ngàn đến 50 ngàn đồng.
Thật sự là số tiền kiếm được trong một lần nhảy không đủ để đổ xăng, nhưng may mắn lúc đó tôi lại đi xe đạp (cười) lại không phải là người hay đi chơi, đi diễn xong là về nhà ăn cơm nên chưa bao giờ vì lý do kiếm được ít tiền mà nghĩ sẽ chuyển sang nghề khác. Đối với tôi lúc đó, được lên sân khấu là mừng lắm rồi”.
Hiện tại, sau nhiều năm miệt mài, Lâm Vinh Hải đã có thể sống bằng nghề nhưng thay vào đó, anh lại phải đối mặt những cạm bẫy trong giới giải trí: “Trước khi tham gia So you think you can dance, tôi không hề biết đến hai từ cạm bẫy thế nhưng sau khi trở thành quán quân, mọi việc đã khác đi.
Tôi đã gặp nhiều việc khó nói và khó xử, thậm chí có người còn nhắn tin cho tôi những lời rất khiếm nhã. Những lần như thế tôi chỉ biết im lặng và làm ngơ. Chuyện đó không phải riêng tôi mà bất kỳ ai cũng gặp phải nhưng quan trọng bản thân mình thế nào thôi. Nếu mình vững lòng, ngay thẳng và sống đơn giản thì sẽ không có gì”.
Live to Laugh - Lâm Vinh Hải [Official] - Một trong những sản phẩm âm nhạc riêng của Lâm Vinh Hải.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Nếu ở nước ngoài, nhảy được xem là một nghề có vị trí và mang lại những khoảng thu nhập không nhỏ thì ở Việt Nam, những dancer vẫn phải chịu cảnh không có phòng thay đồ và biểu diễn trên những sân khấu nhỏ, chưa được đầu tư đúng mức.
Thế nhưng đối với Lâm Vinh Hải hay bất cứ một vũ công đam mê chân chính nào, việc được đứng trên sân khấu đúng nghĩa và được khán giả tôn trọng, thừa nhận tài năng quan trọng hơn đứng trên sân khấu quy mô và hoành tráng.
“Nhảy múa ở Việt Nam vẫn đang phát triển và học hỏi, thế nên không thể so sánh với Mỹ hay thế giới được. Nếu so sánh, hãy so sánh Việt Nam năm 2014 với 2013, mọi người có thể thấy nhảy múa được quan tâm hơn, được tôn trọng hơn. Đó là tín hiệu đáng mừng.
Ngoài ra, ở nước ngoài , để được tham gia một chương trình, dancer phải casting qua rất nhiều vòng, rất gian nan, chịu rất nhiều thất bại trước đó. Những người được chọn là người tốt nhất và phù hợp nhất. Chính vì vậy, việc họ được chăm sóc từ A dến Z là đương nhiên.
Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn tất cả mọi người sẽ có cái nhìn khách quan, trung thực và đúng đắn hơn về nghề vũ công. Nhảy múa là một nghệ thuật và vũ công cũng là một nghệ sĩ.
Họ đã phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức ra tập luyện, đổ mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu. Tất cả chỉ vì đam mê với nhảy múa. Với nghệ thuật, bạn đừng đánh giá bằng mắt, hãy cảm nhận bằng trái tim. Họ - chúng tôi – những vũ công xứng đáng được tôn trọng”, Lâm Vinh Hải chia sẻ.
Theo Đại lộ