-  "Nhạc Phú Quang có màu và tiết tấu dễ bị giống nhau, nghe một album rất dễ một màu. Mình giữ đúng lời, tôn trọng cao độ và trường độ, nhưng chọn một cách hát không phụ thuộc vào khuôn phép".

 

Tuấn Hiệp là một trường hợp khá thú vị trong giới nghệ sĩ. Từng đoạt giải Nhì Tiếng hát truyền hình 2002, giọng hát trầm, có độ dày, hơi gai góc, phong sương, cách hát tự sự của anh nhanh chóng tìm được đất diễn. Anh bắt đầu nghiệp diễn của mình bằng việc đầu quân cho Tổng cục chính trị và hát nhạc tiền chiến, nhạc đỏ suốt nhiều năm. Có một lần Hiệp "lộ diện" trong thị trường âm nhạc, đó là khi anh ra chung album với Tùng Dương và Lệ Quyên – album “Mắt biếc” suốt 7 năm qua là đĩa nhạc bán chạy nhất của dihavina.

{keywords}
Tuấn Hiệp trong album hát tình khúc Phú Quang

Nhưng Hiệp nhanh chóng biến mất trên thị trường bởi công việc níu chân anh ở đoàn. Sự nghiệp của Tuấn Hiệp chỉ thực sự sáng trở lại và cất cánh cách đây khoảng 2 năm, khi anh ra ngoài hoạt động tự do, ra album Đoàn Chuẩn, Từ Linh được chú ý, và một hiệu ứng nhỏ đến từ bài báo gây bão của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 năm 2013. Khi nhận xét một loạt tên tuổi ca sĩ đang ăn khách, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng cũng nhắc đến Tuấn Hiệp như là một trong những giọng ca mà ông yêu thích ngoài Bắc. Lúc đó ông nói Tuấn Hiệp đang chạy theo nhạc vàng và bị mất chất. Nhưng có vẻ như Hiệp đã lựa chọn để trở lại với dòng nhạc lãng mạn trữ tình.

Hơn một năm trở lại đây, anh bắt đầu chú trọng đến những ca khúc tác giả. Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Đoàn Chuẩn, Từ Linh ...  - những tác giả có một lượng khán giả ổn định và yêu thích nhạc của họ. Đó là một lựa chọn tương đối an toàn nhưng có điểm khó. Điểm khó là làm sao cho mình bật lên, khác biệt trong số không ít những ca sĩ tên tuổi như Tấn Minh, Hà Trần, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh.....

"Có quá nhiều tên tuổi nổi tiếng đã hát nhạc Phú Quang. Hiệp nói đùa với chú Phú Quang là Hiệp phá nhạc của chú" - Tuấn Hiệp cười, hiện rõ lúm đồng tiền trên má khi nói về album acoustic mới nhất của mình - "Hà Nội run run heo may". Đây là một tập hợp 10 tình khúc Phú Quang với phong vị về Hà Nội, hầu hết là quen thuộc nhưng cũng có những bài lạ hơn như "Thế rồi", "Chiều đông Matxcova". Hiệp hát tự do, thủ thỉ tâm tình, với tiếng đàn điểm xuyết của guitarist Tuấn Khang.

Giới trong nghề nói Phú Quang vốn là một nhạc sĩ có tiêu chuẩn riêng của mình. Ông có mặc định riêng về việc ca khúc của ông nên được hát thế nào, được hòa âm phối khí ra sao, chính vì vậy nó tạo ra những giới hạn nhất định cho người hát. Tuấn Hiệp lựa chọn cách làm nhạc Phú Quang âm thầm, không cho nhạc sĩ nghe trước các ca khúc thu âm, để anh có thể bộc lộ cá tính riêng qua những bài hát Phú Quang mà anh yêu thích. "Rất may là sau đó chú Quang đã đồng ý!", Hiệp hồ hởi.

{keywords}
Nhạc sĩ Phú Quang có tiêu chuẩn hòa âm phối khí riêng các ca khúc của mình

Cách làm acoustic và thu mộc cũng đang trở lại như một trào lưu, bắt nguồn từ giới nghe nhạc hi-end, đòi hỏi một chất lượng âm thanh tốt và đào thải sự giả tạo của âm nhạc điện tử. "Mình chọn cách hát nhạc Phú Quang theo phong cách acoustic để tạo ra một không gian gần gũi, như việc người nghe có thể ngồi cùng người hát trong một căn phòng. Toàn bộ các ca khúc được thu live trực tiếp với nhạc cụ mộc.

Khi hát mình cũng có thay đổi tiết tấu và phá cách đi. Nhạc Phú Quang có màu và tiết tấu dễ bị giống nhau, nghe một album rất dễ một màu. Mình giữ đúng lời, tôn trọng cao độ và trường độ, nhưng chọn một cách hát không phụ thuộc vào khuôn phép. Có thể đang slow mình chuyển sang rumba nhẹ. Thực ra đó là việc ra khỏi các tiêu chuẩn riêng của người nhạc sĩ để thực hiện các bản phối mộc theo cách cảm của mình".

Trong album "Hà Nội run run heo may", ngoài "Thế rồi" và "Chiều đông Matxcova", Tuấn Hiệp đã lựa chọn một danh sách những ca khúc cực kì quen thuộc: "Em ơi Hà Nội phố", "Một dại khờ một tôi", "Nỗi nhớ mùa đông", "Mơ về nơi xa lắm", "Lãng đãng chiều đông Hà Nội", "Hà Nội ngày trở về"... Chúng nhắm tới những người Hà Nội xa quê, những người ở độ tuổi trung niên luôn hoài niệm về một Hà Nội mùa đông với những câu hát đã thuộc nằm lòng.

Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ,

tôi vội vã trở về lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen,

dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ.

Tôi bồi hồi, khi chạm bóng cửa ô,

như ngày xưa, mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ.

Ôi nỗi nhớ, muôn đời vẫn thế,

như dòng sông Hồng còn đỏ mãi trong tôi.

Hồ Hương Giang