- Phim truyền hình Việt hiện nay giống như một cơ thể ốm yếu, biết nguyên nhân gây bệnh nhưng lại khó tìm ra thuốc để chữa tận gốc.

TIN LIÊN QUAN:

Vì sao phim nhí nhố vẫn leo được vào "giờ vàng"?
Khi phim Việt bị người xem bóc mẽ
Không đủ quảng cáo, phim đừng mơ lên sóng

Phim dở, người trong cuộc có hay?

Khán giả "phát điên" vì phim Việt

Phim TH: Vết thương cũ trên cơ thể bệnh tật

Quyền Linh: sợ phim Việt chẳng còn dám diễn

Rùng hết cả mình vì phim Việt

Nhức mắt với quảng cáo trong phim Việt
Phim Việt mất giá


Vì đâu nên nỗi?


Phim "Blog nàng dâu" dù thu nhiều quảng cáo nhưng đạo diễn không được hưởng.


Nhiều phim nhưng lại có quá ít phim hay. Diễn viên nhiều nhưng toàn dân tay ngang. Kịch bản yếu. Diễn xuất nhạt. Số tập phim ra lò mỗi năm tăng lên gấp cả chục lần so với vài năm trước trong khi nguồn lực chỉ có vậy. Thời gian dành cho mỗi tập phim ngày càng được rút ngắn với tốc độ chóng mặt: 1 ngày/tập. Phim được đầu tư lớn ngày càng ít. Phim tử tế lại càng ít hơn vì phim hay, phim dở đều bị coi là cá mè một lứa. Không còn khái niệm phim hay, chỉ còn khái niệm phim ăn khách.

Thước đo cho thành công của mỗi bộ phim không phải là giải thưởng hay những lời khen của khán giả hay sự tán tụng trên mặt báo mà là bộ phim đó thu được bao nhiêu tiền từ quảng cáo. Chưa bao giờ phim truyền hình lại rớt giá thê thảm như hiện nay. Khán giả la ó, thậm chí đòi nhà đài dừng phát sóng những bộ phim quá nhảm nhí mà đơn cử là bộ phim đang ngự trên giờ vàng VTV1, "Xin thề anh nói thật". Nhiều người đặt dấu hỏi vì sao những bộ phim không ra gì vẫn được duyệt lên sóng và vai trò của nhà đài ở đâu khi cho khán giả thưởng thức những món ăn nhạt miệng như vậy?


Sức ép từ doanh thu quảng cáo khiến cho người ta có thể lờ đi chất lượng của một bộ phim và bỏ ngoài tai mọi lời chỉ trích bởi thêm một lời khen cũng chẳng nghĩa lý gì nếu như phim của họ không câu được quảng cáo. Khán giả thì bực mình vì phim đã dở thì chớ lại còn chốc chốc bị cắt ngang bởi vài ba spot quảng cáo. Đó là chưa kể các sản phẩm được nhà sản xuất cài cắm rất thô thiển và khiên cưỡng vào các tình huống trong phim làm cho người xem tức mắt.


Cũng do nhu cầu sản xuất phim quá lớn trong khi lượng diễn viên chuyên nghiệp không nhiều nên các nhà sản xuất đành phải lấy diễn viên tay ngang. Vậy là người mẫu, MC, Hoa hậu... nhanh chóng trở thành diễn viên. Người đóng được thì ít, đóng dở thì nhiều. Nhưng nhiều nhà sản xuất, nhiều ông đạo diễn lại chẳng cần họ đóng tốt mà chỉ cần họ có tên có tuổi, có thân hình nóng bỏng là đủ để câu khách và bán quảng cáo. Thậm chí một cô bán quần áo ngoài chợ cũng có thể trở thành diễn viên trong nháy mắt. Ai cũng có thể trở thành diễn viên. Những vai diễn thảm hoạ trên màn ảnh ngày càng xuất hiện nhiều.


Một nguyên nhân nữa khiến nhiều đạo diễn bất mãn là dù phim của mình có được nhiều quảng cáo thì họ cũng không được hưởng thêm đồng nào ngoài tiền thù lao được trả cho mỗi tập phim. Làm phim hay không được thưởng, làm phim dở thì họ là người đầu tiên bị khán giả mắng. Chính vì không có một cơ chế khuyến khích thoả đáng nên càng ngày càng có ít đạo diễn dám thử sức với những đề tài khó và sự đầu tư cho mỗi bộ phim cũng vì thế ít hơn.


Đầu tư ít nhất, doanh thu cao nhất


30 tập cuối cùng của phim "Huyền sử Thiên Đô" chưa biết khi nào mới quay tiếp.


Có một thực tế là những bộ phim truyền hình được đầu tư lớn ngày càng ít. Những phim có đề tài gai góc ngày càng hiếm. Lý do là làm những bộ phim này vừa nhiều áp lực lại còn dễ bị lỗ. Chẳng thà làm mấy bộ phim giải trí câu khách còn hơn, chi phí thấp, ít bị soi mói lại dễ kiếm quảng cáo. Vậy là phim tử tế càng ngày càng ít đi, nhường chỗ cho những bộ phim chiếu cũng được, không chiếu cũng chẳng chết ai. Bài toán đặt ra là số tiền đầu tư cho mỗi tập phim phải thấp nhất có thể và doanh thu phải cao nhất có thể.


"Phim giải trí đầu tư khoảng 180-200 triệu/tập, mỗi lần phát sóng có thể thu 500 triệu đến 1 tỉ đồng doanh thu từ quảng cáo nên đảm bảo kiểu gì cũng lãi. Nhưng nếu phim đầu tư quá đà (ví dụ như 400 triệu/tập với Bí thư tỉnh uỷ, 1 tỉ đồng/tập với Huyền sử Thiên đô) thì nắm chắc phần lỗ. Do vậy những phim đứng đắn cũng không có đất sống. Điển hình nhất, một bộ phim không hay lắm là Về đất Thăng Long do công ty Đất Việt sản xuất. Theo tôi biết thì họ đầu tư cỡ 370 triệu/tập, tức là so với mặt bằng 180triệu/tập là nó hơn gấp đôi rồi. Dù họ cũng là một công ty quảng cáo nhưng khi phát sóng rồi chính họ cũng chết ngắc vì chuẩn ăn chia của họ chỉ là 180 triệu/tập", NBK Nguyễn Mạnh Tuấn phân tích.


Từ thực tế này, nhiều nhà đầu tư dù có mạnh tay đến mấy cũng không dám làm phim đến cùng vì sợ lỗ. Theo một nguồn tin của VietNamNet, bộ phim Huyền sử Thiên đô dù đã làm xong 42 tập nhưng nhà đài chỉ cho chiếu 20 tập. "Nếu cho chiếu cả 42 tập thì họ vẫn sẽ lỗ nhưng cái lỗ đó vẫn có thể chịu đựng được vì nếu phim có chất lượng tốt thì càng chiếu về sau càng có nhiều quảng cáo và doanh thu này sẽ bù lại chi phí sản xuất nhưng cũng sẽ không có lãi. Làm 40 tập mà chỉ cho chiếu 20 tập thì bạn biết là nhà đầu tư lỗ đến thế nào nên đương nhiên là 30 tập còn lại họ sẽ không dám sản xuất nữa", một thành viên đoàn làm phim cho hay.


Được biết, dù đoàn làm phim Huyền sử Thiên đô đã lên kế hoạch thuê trường quay Cổ Loa để làm tiếp phần 2 của phim từ tháng 4 vừa qua nhưng cuối cùng đành phải dừng lại vì chưa có cửa phát sóng. Trường hợp của Huyền sử Thiên đô khiến nhiều nhà sản xuất không dám mạo hiểm. "Khán giả, báo chí, thậm chí cả thế giới này đều mong chất lượng phim truyền hình cao mà muốn vậy thì phải có đầu tư cỡ lớn nhưng nếu đầu tư cỡ lớn thì không phát sóng được. Vậy thì ai dám làm nữa? Thực tế cho thấy những phim đầu tư cao hơn chuẩn và có thể có lợi nhuận thì các nhà đầu tư chỉ có lỗ, kể cả nhà nước. Do vậy sẽ rơi vào tình trạng người ta sẽ không thiên về dòng phim có chất lượng cao nữa mà chỉ làm phim chất lượng thấp thôi", nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn nói thêm.


Xem ra, để giải quyết tận gốc bài toán chất lượng của phim truyền hình không đơn giản. Trong lúc chờ đợi một phép màu, khán giả dường như chỉ có hai lựa chọn: hoặc là chịu ấm ức mà xem phim, hoặc là tìm gấp cái điều khiển tivi mà chuyển sang kênh khác. VietNamNet rất mong tiếp tục nhận được những phản hồi của khán giả và người trong cuộc để sớm tìm ra thuốc chữa cho phim truyền hình Việt.


Hạnh Phương