-Dù con đường đến với văn học không được xuôi chèo mát mái nhưng 2 cha con nhà văn Nguyễn Vinh Tú và Nguyễn Vinh Huỳnh luôn chọn một ngày trời đẹp để cùng ra mắt 'đứa con tinh thần' thai nghén từ lâu của mình.
Có mặt tại quán cà phê ngập tràn cây xanh trên đường Phạm Ngũ Lão (Hà Nội), nhiều người xúc động khi một ông cụ đã ngoài 80 vẻ ngoài rất chân chất, nụ cười hiền hậu, tai phải dùng máy trợ thính, dáng đi có vẻ không được khỏe lắm nhưng khi nói về văn chương, mắt ông sáng ngời. Ông có thể nói liên tục nếu không ai ngắt lời. Đó chính là nhà văn Nguyễn Vinh Tú, người mà cách đây 3 năm cũng đã cho ra đời 2 tác phẩm "Khuất một vầng trăng", "Vết chân chim" được giới văn học đánh giá cao.
Nhà văn Nguyễn Vinh Tú |
Sinh năm 1929, trên quê hương Nam Đàn, Nghệ An, nhà văn Nguyễn Vinh Tú thuộc thế hệ vàng của văn học cách mạng với các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Minh Châu, Từ Bích Hoàng, Xuân Sách. Ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp và là cây bút của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Do điều kiện chiến tranh bị thương tật, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên con đường văn học của nhà văn Nguyễn Vinh Tú không xuôi chèo mát mái. Thế nhưng, trong ông tình yêu văn học luôn cháy bỏng ông miệt mài sáng tác dù tuổi rất cao.
Ở tuổi 87, cùng với con trai là nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, 2 cha con quê hương xứ Nghệ cùng nhau ra mắt 2 tác phẩm "Ách giữa đàng" và "NG". Đây có thể coi như cuộc giao lưu giữa 2 thế hệ nhà văn trong và sau kháng chiến.
Nhà văn Nguyễn Vinh Tú bảo để cho ra đời tác phẩm này là cả một chặng đường 'khổ ải' bởi căn bệnh tiêu hóa đã hành hạ ông suốt 50 năm qua. Cứ không viết thì thôi, ngồi viết là cơn đau bụng dữ dội lại kéo tới. "Có thể hơi thô nhưng tôi chia sẻ thật, trong suốt nhiều năm qua, những chỗ nào tôi từng đặt chân thì những chỗ đó tôi vẫn còn nhớ như in cái nhà vệ sinh nằm ở đâu", nhà văn thật thà chia sẻ.
Theo nhà văn Trịnh Tố Long: "Đọc Ách giữa đàng, tôi nhận ra ngay cái ách của cụ bạn già chân chất mà dí dỏm, nặng tình đời, chẳng khác nào mũi kim châm cứu chữa bệnh cứu người của lão đại ca GS Nguyễn Tài Thu".
Cũng nhận xét về tác phẩm, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng tác phẩm "Ách giữa đàng" là một cuốn tiểu thuyết của 1 người đàn ông đã quá lớn tuổi. Ông lại bị thiệt thòi nhiều. "Tôi thật khâm phục một người đàn ông không thể nghe rõ những gì đang diễn ra xung quanh mình, không thể nghe rõ những đối thoại hàng ngày, những âm thanh của cuộc sống mà lại viết miệt mài, mà lại đời đến thế. Không dùng nhiều thủ pháp nhưng những câu chuyện trong tác phẩm khiến người đọc cảm thấy không bị bịa. Tính bi hài của cuộc sống được nhà văn truyền tải một cách cuốn hút", nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thì cho rằng đã từ lâu ông chán đọc tiểu thuyết vì nó bị bịa một cách sống sượng, đọc được 5, 6 trang là bỏ, không thể 'tiêu hóa' thêm được nữa. Nhưng khi đọc tiểu thuyết "Ách giữa đàng", nhà văn Nguyễn Vinh Tú đã biết khai thác cuộc sống trên cơ sở sự thật để làm chất liệu cho tác phẩm của mình đời hơn. "Hệ nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Vinh Tú được xây dựng với hình ảnh thiện ra thiện, ác ra ác, trong khi sự thật ngoài đời thì thiện ác lẫn lộn. Viết tiểu thuyết là hiện thức giống đời thực nhưng không được thiếu sự bay bổng, khái quát, đất chính là sự hư cấu", nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ đầy ân tình.
Bìa sách tác phẩm của 2 cha con |
Còn về tác phẩm “NG” của nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, cái tên tác phẩm gây tò mò không nhỏ đối với người đọc. Đây là tập truyện ngắn thứ 3 của Nguyễn Vinh Huỳnh, tác giả hay khai thác mảng đề tài thuộc giới trẻ với những khát vọng làm giàu, đổi đời, bươn chải trong sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường.
Với 'NG' bạn đọc có thể gặp những tình huống ấy trên các báo viết, báo mạng với giọng văn rất chợ búa, lái lóng nhưng lại không hề đánh đố mà đậm chất đời thường. Vấn đề là những tình huống, những mẩu tin, những mảng ghép hỗn độn trong cuộc sống được tác giả dựng lại thành truyện, có nhân vật, có đối thoại, có lớp lang đàng hoàng. Người đọc bị cuốn vào và say sưa, hồi hộp theo dõi, không biết kết cục sẽ ra sao. Đó là nhờ kĩ thuật, nhờ năng lực của người viết. Có thể nói trong truyện ngắn, chi tiết sống động là một trong những yếu tố quan trọng để gây hứng thú hấp dẫn và ràng buộc người đọc.
Toàn bộ các tác phẩm trong “NG” mang đậm tính hề. Đây là một yếu tố đang thiếu vắng trong tác phẩm văn học đương đại Việt Nam. Các ngôn từ, chi tiết tới các tình tiết và ý truyện đã mang tính hài sâu sắc. Nhiều kết truyện thoạt nom có vẻ như rất đỗi bình thường nhưng ngẫm nội dung cả truyện mới thấy hề, hề vô cùng tận.
T.Lê