- Câu hỏi đặt ra là cơ chế nào đảm bảo cho câu chuyện đầu tư từng ấy nghìn tỉ thì người dân không thể không đến xem các trưng bày của bảo tàng, bảo tàng hấp dẫn đến độ công chúng phải lũ lượt xếp hàng vào bảo tàng?

  GS Nguyễn Văn Huy. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Để khép lại loạt bài về dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia mới (BTLSQG) gây sự chú ý đặc biệt của dư luận những ngày qua, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn GS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học (BTDTH), thành viên Hội đồng Khoa học dự án BTLSQG.


Chưa nhìn thấy tương lai BTLSQG có đông khách không

Mô hình tòa nhà chính của BTLSQG mới

- Câu hỏi quan trọng nhất mà chưa ai đặt ra là nếu xây bảo tàng đã hợp lý rồi thì số tiền như vậy có hợp lý hay không? Vậy quan điểm của Giáo sư thế nào?

- Theo tôi nhu cầu xây dựng BTLSQG là một nhu cầu có thực và chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng BTLSQG là đúng. Vấn đề quan trọng là xây dựng nó như thế nào để giá của bảo tàng có thể chấp nhận được, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, quy mô dân số của chúng ta. Nếu bảo giá của một bảo tàng như vậy đắt hay rẻ, giá có hợp lý hay không lúc này thì khó nói. Cần phải thẩm định để tính đúng và tính đủ cho công trình văn hóa quan trọng này.

Đồng thời, xây bảo tàng mới phải đảm bảo được sự hấp dẫn, thu hút được đông đảo khách thăm quan tức là phải dự báo được số lượng khách sẽ đến thăm bảo tàng trong 5 năm đầu và ít nhất 5 năm tiếp theo. Dự báo phải được lập trên những căn cứ khoa học nhất định. Khách đến thăm bảo tàng là thước đo tính hiệu quả của bảo tàng, hiệu quả của sự đầu tư. Không nhìn thấy hiệu quả này thì khó thuyết phục được quy mô đầu tư có hợp lý hay không.

Câu hỏi đặt ra là cơ chế nào đảm bảo cho câu chuyện đầu tư từng ấy nghìn tỉ thì người dân không thể không đến xem các trưng bày của bảo tàng được, cơ chế nào đảm bảo bảo tàng hấp dẫn đến độ công chúng phải lũ lượt xếp hàng chờ đợi được vào bảo tàng. Tức là ngay từ bây giờ đã đòi hỏi bảo tàng phải có tính đột phá về nội dung để thu hút được khách.

Sự đột phá về quan niệm và cách làm bảo tàng ấy ở đâu? Chúng ta chưa nghĩ đến một con số tham vọng như nhiều bảo tàng ở Mỹ hay ở Anh, Pháp mỗi năm đã vượt lên trên 5 triệu khách thăm quan, có bảo tàng có 7-8 triệu người tới xem như các bảo tàng nghệ thuật Louvre (Paris), Tate (London), Metropolitan (New York). Chúng ta chưa nhìn thấy tương lai BTLSQG của chúng ta có đông khách không?

Liên quan đến vấn đề trên còn có một vấn đề quan trọng khác là bảo tàng này sẽ đi theo con đường nào? Hiện nay phần lớn các nước trên thế giới đi con đường thành lập Bảo tàng quốc gia (BTQG) chứ không tổ chức BTLSQG. Tưởng là 1 nhưng đây lại là 2 câu chuyện cực kỳ khác nhau. BTQG thì tầm bao quát rộng hơn, nhiều lĩnh vực đa dạng hơn, không bắt buộc tuân thủ trưng bày theo biên niên lịch sử.

Trên thế giới, đi tìm một BTLSQG trình bày lịch sử của nước mình từ điểm khởi thủy tận cùng đến thời đương đại cực khó. Hầu như không nước nào làm hết. Lý do cơ bản vì không có hiện vật. Nếu làm BTLSQG mà thời kỳ nào cũng phải trưng bày trong khi không có hiện vật để trưng bày thì sẽ dẫn đến nhàm chán, đơn điệu, nặng về tuyên truyền.

Chưa thấy những tư duy đột phá từ đề cương trưng bày

Ý tưởng làm khu tưởng niệm được cho là không rõ ràng mà lại ngốn nhiều tiền.

- Là thành viên HĐ Khoa học của dự án xây dựng BTLSQG, ông thấy nội dung dự án này thế nào?

- Tôi chưa nhìn thấy những tư duy đột phá từ đề cương trưng bày để tạo ra được một bảo tàng thực sự mới, thực sự hấp dẫn. Tôi thấy nó vẫn được trình bày như 1 đề cương trong SGK, tức là sách sử nói sao, SGK nói sao thì tổ chức trưng bày như thế. Suy nghĩ về trưng bày vẫn không căn cứ vào hiện vật mà bảo tàng có. Tôi thấy vấn đề quan trọng là phải đưa ra được cơ chế nào để đảm bảo bảo tàng tương lai sẽ hấp dẫn người xem. Tư duy làm bảo tàng hiện nay không khác mấy so với những bảo tàng trước đây. Và nếu không vượt qua được cách làm bảo tàng cũ thì bảo tàng mới này khó mà thu hút được đông đảo khách như ước muốn.

Tại sao BTDTH lôi kéo nhiều người Hà Nội đến với bảo tàng thế, tới nửa triệu người 1 năm. Và tại sao cuộc trưng bày Hà Nội thời bao cấp khi đóng cửa thì nhiều người nuối tiếc? Tại sao vào dịp Trung thu, Tết nguyên đán hay những dịp trưng bày chuyên đề đặc biệt ở BTDTH vẫn thu hút đông đảo người xem? Do vậy không thể nói bảo tàng ở ta không hấp dẫn. Một bảo tàng có những trưng bày tốt, có các hoạt động đáp ứng được nhu cầu công chúng sẽ lôi kéo được người xem.

Đừng nói dân trí của mình thấp, dân ta chưa có nhu cầu thăm bảo tàng hay bảo tàng còn là chuyện “xa xỉ” bởi đã có những triển lãm rất đông người xem. Trưng bày Báu vật Hoàng cung hoặc triển lãm Bản đồ cổ Việt Nam mới đây ở BTLSQG rất đông khách. Điều đó cho thấy nếu thỏa mãn được nhu cầu của công chúng thì chắc chắc bảo tàng sẽ thu hút được công chúng. Chuẩn bị nội dung cho bảo tàng tương lai như thế nào cho hấp dẫn là điều quan trọng nhất.

Lộ trình xây dựng nội dung không chạy theo được lộ trình kiến trúc

Bảo tàng Quai Brandly ở Paris khi hoàn thành phần xây dựng thì cũng hoàn tất việc trưng bày nội dung.

- Có thể thấy "căn bệnh" của chúng ta là cứ xây tòa nhà trước rồi vài năm sau mới xây dựng nội dung trưng bày chính. Chuyện này đã xảy ra ở các bảo tàng, trừ Bảo tàng Hồ Chí Minh và BTDTH. Trong khi quy trình chuẩn là xây dựng công trình bảo tàng xong thì cũng phải hoàn tất trưng bày nội dung như bảo tàng Quai Brandly ở Pháp hay Bảo tàng văn minh cổ Ai Cập. Mà điều này thì chưa nhìn thấy ở BTLSQG. Dường như những người tham gia xây dựng dự án chưa rút được kinh nghiệm từ việc làm những bảo tàng trước, như ông PGĐ của BTLSQG nói thì cần ít nhất 2 năm nữa mới xong phần trưng bày nội dung?

- Xây tòa nhà và xây dựng nội dung trưng bày phải chạy song song với nhau. Như BTDTH, vôi vữa hôm trước hôm sau khô là trưng bày luôn. Tòa nhà trưng bày về Đông Nam Á của BTDTH đang xây chưa xong phần thô nhưng về nội dung trưng bày và thiết kế trưng bày đã được hoàn thành từ năm 2011, chỉ chờ khi nào được cấp đủ vốn cho hoàn thiện tòa nhà và vốn cho trưng bày là thi công trưng bày ngay.

Một ví dụ khác về Bảo tàng Quai Baindly của Pháp, 10 năm trước khi khánh thành bảo tàng người ta đã xây dựng được toàn bộ tiến độ từng quý, từng năm. Họ có 1 giai đoạn tiền chuẩn bị, xây các quan niệm thiết lập nội dung cho bảo tàng này thế nào để tử đó họ có thể nhìn thấy bảo tàng tương lai.

Hoặc như Bảo tàng Văn minh cổ Ai Cập, 10 năm trước khi tuyển lựa phương án kiến trúc thì họ đã xong toàn bộ quan niệm, tức là họ đã hoạch định xong 1 bảo tàng tương lai sẽ phải thế nào rồi. Thậm chí họ còn phát hành cả một cuốn sách về đề bài thiết kế bảo tàng gồm toàn bộ ý tưởng, quan niệm trưng bày, hoạt động của bảo tàng sẽ ra đời sau đó 10 năm.

Vấn đề là phải xây dựng cho được và kiên quyết thực hiện một lộ trình song song. Còn hiện nay với BTLSQG, lộ trình xây dựng nội dung không chạy theo được lộ trình kiến trúc. Công ty thiết kế của Nhật cũng không thể triển khai thiết kế chi tiết được vì không có nội dung cụ thể. Phải giải quyết bằng được các khó khăn về cơ chế để thúc đẩy nội dung lên.

Bảo tàng Văn minh cổ Ai Cập sắp mở cửa đã có phương án trưng bày nội dung cách đây 10 năm, khi bảo tàng còn chưa xây dựng.

- Tính cấp thiết của công trình đã xác định được rồi, con số đã được đưa ra nhưng mọi người sẽ không tiếc tiền nếu công trình đó hiệu quả, thưa Giáo sư?

-
Chính xác là vậy. Nếu đảm bảo được công trình như Bảo tàng ở Singapore là 1 năm có 1 triệu khách thì việc đầu tư vào bảo tàng là xứng đáng. Số tiền bỏ ra không quan trọng (tất nhiên là sau khi tính đúng và tính đủ), cơ chế nào để đảm bảo nó sẽ thu hút được đông đảo khách, đó mới quan trọng. Đó là tính đến hiệu quả của đầu tư, hiệu quả của văn hóa.

Tính đúng và tính đủ thì mới ra được chuyện đắt hay rẻ

- Cuối cùng, xin hỏi lại Giáo sư hai câu: Nhu cầu xây dựng BTQG có hay không và số tiền 11.000 tỉ là đắt hay rẻ?

- Nhu cầu xây dựng BTQG chắc chắn là có. Đó là tầm nhìn văn hóa. Và quan trọng là tính đúng và tính đủ thì mới ra được chuyện đắt hay rẻ. Chuyện tính đúng tính đủ liên quan đến câu chuyện diện tích sẽ định làm bao nhiêu là hợp lý. Ví dụ như đại sảnh tiếp đón bây giờ người ta đưa ra diện tích dự kiến là 1500m2, tôi cho đó là diện tích quá lớn, là quá nhiều.

Phải xem xét lại công năng ở đó có cần đến 1500 m2 hay không, chưa có luận giải nào về điều đó. Phải dự kiến bảo tàng tương lai của ta sẽ đón bao nhiêu khách trong 1 năm. Hoạt động khai trương bảo tàng chỉ có 1 lần, còn hoạt động khai trương triển lãm chuyên đề (3-6 tháng) thì dự kiến có bao nhiêu người dự thì sẽ tính được diện tích.

Tôi đi nhiều bảo tàng ở các nước nhưng chưa thấy ở đâu có đại sảnh lại lớn đến như vậy. Người Trung Quốc có 1,6 tỷ dân nghe nói đại sảnh và bảo tàng của họ lớn lắm, chúng ta không nên so sánh và chạy theo họ. Chưa có bảo tàng nào trên thế giới có diện tích không gian khám phá, sáng tạo lên tới hơn 3000m2. Các phòng phục chế, thí nghiệm cũng toàn 1500-2000m2 mà có những luận chứng cụ thể. Tôi cho đó là quá nhiều. Hoặc như ý tưởng làm khu tưởng niệm cũng không rõ ràng mà lại ngốn nhiều tiền.

Quai Brandl, bảo tàng hiện đại bậc nhất nằm ở thủ đô Paris chỉ có kinh phí lên tới 400 triệu USD, tức là chưa bằng kinh phí xây dựng dự kiến của BTLSQG mới của Việt Nam.

Khi hoàn thành, tổng kinh phí BTLSQG có thể lên tới 1 tỉ USD (22.000 tỉ đồng - nếu tính phần nội dung bằng phần xây dựng). Trong khi đó BT Quai Brandly của Pháp, bảo tàng hiện đại bậc nhất nằm giữa thủ đô Paris có chi phí là 230 triệu Euro (tức là chừng 400 triệu USD). Kinh phí dành cho BT Văn minh cổ Ai Cập là 550 triệu USD còn BT Tin tức (Mỹ) chỉ dừng lại ở 450 triệu USD...

Hạnh Phương