- "Tôi nghĩ trong lúc này, không chỉ riêng tôi, và không chỉ vì trách nhiệm, mà tất cả các văn-nghệ sĩ đều muốn thông qua các tác phẩm để thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào và chủ quyền dân tộc..." - Từ nước Đức xa xôi, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ.

- Trước những cam go thử thách hiện tại đang diễn ra trên biển Đông, khi phía Trung Quốc luôn nói ngọt nhưng hành động không ngọt ngào, trên nhiều diễn đàn mạng đang dấy lên những làn sóng phản đối, đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và cả văn hóa Trung Quốc, theo chị, thái độ đó đã đúng chưa? Là công dân Việt, chúng ta nên ứng xử như thế nào trước tình thế này?

Tôi nghĩ làn sóng phản đối, tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của Trung Quốc trong thời điểm này là những hành động thể hiện tình yêu nước – những hành động hết sức cần thiết. Không chỉ cộng đồng Việt Nam, mà cộng đồng quốc tế, bao gồm các nước như Phillipines, Mỹ, Singapore… cũng đã lên tiếng trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai với chiếc áo dài có chữ của thư pháp gia Trịnh Tuấn

Là một đất nước yêu chuộng hòa bình, chúng ta không mong muốn chiến sự xảy ra, nhưng bằng những biện pháp ôn hòa như biểu tình phản đối, tẩy chay hàng hóa, dịch vụ Trung Quốc, chúng ta đang thể hiện cho Trung Quốc thấy là chúng ta không dễ bị bắt nạt. Bản thân tôi cũng đã có dự định đi du lịch Trung Quốc trong tháng 7 năm nay, tuy nhiên tôi đã quyết định hủy chuyến du lịch này vì những hành động gây hấn của họ. Thị trường Việt Nam đang tràn ngập hàng Trung Quốc và Trung Quốc đang thu được lợi nhuận đáng kể trong việc xuất khẩu sang Việt Nam. Nếu tất cả mọi người Việt Nam đồng loạt tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc, tôi nghĩ đó sẽ là một thông điệp mạnh mẽ đối với chính quyền Trung Quốc.

Trong những ngày qua, tôi rất xúc động khi thấy hình ảnh những cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt ở Hà Nội, Sài Gòn, Tokyo, Paris…. Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết dân tộc của chúng ta đang được thể hiện rõ. Tôi tin rằng rất nhiều người Việt Nam, dù trong nước hay ở nước ngoài, đang hướng về tổ quốc và có những hành động thiết thực để thể hiện lòng yêu nước của mình.

- Hành động cắt cáp tàu Việt Nam của phía Trung Quốc đã khiến nhà văn, nghệ sĩ đương đại Lê Anh Hoài đau đáu chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa trong buổi trình diễn nghệ thuật đương đại Cut, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có bài thơ Tổ quốc, nhìn từ biển, chị có bài thơ nào có những chiêm nghiệm tương tự? Hoặc chị nhìn thấy tình yêu đất nước của các bạn bè văn chương thể hiện nơi đâu?

Các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị hơn khi chúng mang hơi thở của thời đại, phản ánh được tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ cũng như của công chúng. Tôi rất tiếc chưa được chứng kiến buổi biểu diễn nhiều ý nghĩa của nhà văn, nghệ sĩ Lê Anh Hoài, tuy nhiên những bài thơ như Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Đảo bão của Nguyễn Trọng Tạo đã đem đến cho tôi sự xúc động sâu sắc.

Bìa cuốn "Từ Tuyết đến Mặt trời" (Ký) - Trong tác phẩm mới nhất, Nguyễn Phan Quế Mai viết về văn hóa các nước qua các chuyến đi để rồi luôn quay về với văn hóa Việt.

Tôi nghĩ các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam ai cũng đau đáu muốn làm một điều gì đó để giữ gìn bình yên, gìn giữ chủ quyền cho Tổ quốc lúc này. Tôi cũng vừa hoàn thành bài thơ mang tên “Tổ quốc gọi tên“. Tôi muốn nhấn mạnh thông điệp Hòa bình trong bài thơ này. Chúng ta là một đất nước yêu chuộng hòa bình, nhưng chúng ta cũng sẵn sàng đứng lên để bảo vệ chủ quyềnTổ quốc.

- Có những ca sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ tuy đi ra nước ngoài sinh sống nhưng vẫn luôn chuyển tải tinh thần dân tộc vào tác phẩm nghệ thuật, cũng có những nghệ sĩ tuy ở ngay trong nước mà lại đánh mất lòng tự hào Việt Nam, điển hình là việc diễn viên-người đẹp Phụ nữ thế kỷ 21 Lã Thanh Huyền mặc xường xám đi dự hội nghị quốc tế, bị hơn năm mươi ngàn độc giả lên án dữ dội, đòi trả lại danh hiệu Phụ nữ Thế kỷ 21. Là một nhà thơ từng chu du qua rất nhiều nước trên thế giới, chị nghĩ sao về trách nhiệm của văn-nghệ sĩ trước vận mệnh lớn lao của dân tộc?

Tôi nghĩ Lã Thanh Huyền đã sơ suất khi mặc xường xám, chứ không nghĩ cô ấy đánh mất lòng tự hào dân tộc. Sơ suất ấy là bài học đắt giá cho Lã Thanh Huyền, cũng là bài học cho chính bản thân tôi. Tôi nhắc nhở mình nên cẩn trọng hơn trong cách ăn mặc khi tham gia các sự kiện quốc tế, mặc dù hầu như trong các sự kiện ấy, tôi chỉ mặc áo dài. Tôi thích mặc áo dài, không chỉ vì tôi tự hào được khoác lên mình truyền thống của Việt Nam, mà tôi thấy áo dài đẹp, sang trọng và rất hợp với tính cách của tôi.

Nguyễn Phan Quế Mai trình diễn thơ cùng một nghệ sĩ nước ngoài trong ngày Thơ Việt Nam

Tôi nghĩ trong lúc này, không chỉ riêng tôi, và không chỉ vì trách nhiệm, mà tất cả các văn-nghệ sĩ đều muốn thông qua các tác phẩm để thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào và chủ quyền dân tộc. Tôi cũng hy vọng sẽ có cơ hội cùng các văn-nghệ sĩ sẻ chia với những người lính, những người dân đang ngày đêm canh giữ biển đảo. Tôi biết ơn sự vất vả, sự hy sinh của họ. Tôi cũng mong tranh chấp trên biển Đông sớm được giải quyết trong hòa bình, vì như nhà thơ Nguyễn Duy có viết: Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại!

Hòa Bình (thực hiện)

VietNamNet xin giới thiệu bài thơ mới của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai:


TỔ QUỐC GỌI TÊN

 

Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình

Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá

Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả

Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây

 

Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi

Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ

Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã

Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông

 

Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình

Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc

Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước

Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau

 

Sóng chẳng còn bình yên dẫn lối những con tàu

Sóng quặn đỏ máu những người đã mất

Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc

Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”

 

Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng

Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố

 

Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa

Tôi lắng nghe

     Tổ quốc

         gọi tên mình

 

N.P.Q.M