- Rời giảng đường
ĐH tôi trở về quê hương, may mắn hơn bạn bè cùng trang
lứa có một công việc ổn định, đúng ngành và gần nhà. Cuộc sống sẽ bình lặng như
thế nếu tôi không nhận quyết định điều động công tác tại một huyện xa nhất tỉnh
trong một thời gian ngắn... đó là những trải nghiệm của bạn
đọc Tú Anh.
TIN LIÊN QUAN
Yêu nước - nói thật vẫn chưa đủ!
Yêu nước - đôi lời của người tuổi 50
Đừng để 'yêu nước' ngủ quên trong ích kỷ
Yêu nước bằng tinh thần vô ngã
Người giàu Trung Quốc không yêu nước?
Với một cô gái chưa bao giờ xa nhà như tôi có lẽ đó không phải điều gì dễ chịu cho lắm nhưng qua thời khắc “bối rối” nhất tôi xách ba lô nhận quyết định và coi đó như một chuyến du lịch mạo hiểm đầu đời.
Tôi may mắn khi có cô bạn thời sinh viên đồng hành những ngày đầu tiên đến
nhận công tác tại đây. Con đuờng chúng tôi lên với đồng bào thật hiểm trở, cô
bạn người miền xuôi lần đầu tiên đặt chân lên đây có chút sợ hãi với địa hình-
một bên tả li âm vực sâu thăm thẳm, bên tả li dương vách núi dựng đứng, chiếc xe
oằn mình leo dốc, những khúc cua nghẹt thở.
|
Nguồn ảnh: Tuần Việt Nam |
Quả thật, nó không dành cho những người yếu tim. Anh lái xe giới thiệu với hai chúng tôi - Cua chữ M, đoạn cua gần như hiểm trở nhất. Nếu không phải lái quen và lâu năm thì rất khó xử lý. Cô bạn hóm hỉnh dành cho anh xế một lời khen đúng lúc, anh cũng đáp lại chúng tôi một câu pha chút hóm hỉnh “Yêu đường hơn yêu bà xã”.
Vài câu chuyện về đất, người và nghề làm cho chúng tôi có cảm giác đường ngắn hơn và quên hết mệt mỏi. Trải rộng tầm mắt, lòng nguời cũng như ấm hơn bởi những cánh hoa đào, hoa mận, hoa mơ vẫn đương khoe sắc, tết đã qua hơn tháng nhưng dường như nơi đây xuân mới bắt đầu, chúng tôi như bị hút hồn bởi những cánh đồng cải dầu vàng rực rỡ.
Ngày ra mắt tôi thật sự vui trong sự đón nhận của mọi nguời, đối với một huyện địa đầu của Tổ quốc thì khát khao cán bộ lên công tác giống như khát nước đầu nguồn vậy. Tình cảm đó làm tôi xoá đi những lo lắng trước khi đặt chân đến nơi này.
Tôi và cô bạn tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần để khám phá vài địa điểm quanh đây. Anh cán bộ tư pháp huyện đưa chúng tôi lên đỉnh Mã Pì Lèng, từ trung tâm huyện mất khoảng 10 phút đi xe máy chúng tôi đã có mặt tại đây. Những gì chúng tôi cảm nhận và chỉ có thể thốt lên lúc này là phong cảnh quá hùng vĩ, hẻm vực Tu Sản sâu 700-800m, nhìn từ trên dòng Nho Quế như một dải lụa xanh mềm, uốn lượn, xa xa thấp thoáng mái nhà của đồng bào với những làn khói chiều như làm lòng người ấm hơn trong cái lạnh như cắt da, cắt thịt. “Đến cao nguyên đá chưa đến đây coi như chưa phải đến”, giờ chúng tôi mới cảm nhận hết câu nói đó. Cô bạn tôi chăm chú ghi lại những con số rất đáng nhớ trên tấm bia ghi lại lịch sử con đường Hạnh phúc- tên con đường qua đỉnh Mã Pì Lèng.
Không thể ngạc nhiên hơn đuợc nữa- sức sống ở mảnh đất này quá mãnh liệt, dốc đứng gần như 90độ mà đồng bào vẫn cặm cụi, không bỏ sót chút đất trống nào tra từng hạt ngô, giữa lưng chừng dốc ấy cảnh và người như chan hoà vào nhau, chính chúng tôi cũng không tả được cảm xúc lúc đó, chỉ chợt nhớ một câu “Sống là chiến đấu” và trong khó khăn nơi đây đồng bào đang oằn mình trên những nương ngô lưng chừng núi để mưu sinh từng ngày.
Tôi đặt chân đến xã gần như khó khăn nhất của Huyện cùng đoàn công tác- Nậm Ban, cái tên nghe thật nhẹ nhàng, ấm áp. Anh cộng tác viên giúp tôi phải rất khó khăn mới hoàn thành nhiệm vụ đưa tôi đến xã an toàn.
Nơi đây không có sóng, đường đến xã vẫn còn ngổn ngang chưa hoàn thành, quả thật ngoài sức tưởng tượng của tôi nhưng đồng bào ở đây vẫn ngày ngày bám trụ.
Tôi được giới thiệu rượu Nậm Ban, được coi là đặc sản vì nó được cất từ men lá của đồng bào, uống một lần nhớ cả đời. Cái chất men lá không thể lẫn đâu được, hoà với rượu chúng tôi như say cả đất và người nơi đây.
Sẽ nhớ mãi một Nậm Ban như thế nhưng điều trăn trở nhất khi chúng tôi trở về là cuộc sống của bà con nơi đây, một lời hứa với đồng chí bí thư xã- chúng tôi sẽ quay lại Nậm Ban vào một dịp gần nhất.
Nhắc tới Mèo Vạc không thể không nhắc tới Chợ tình Khau Vai, cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân tới Chợ tình, truyền thuyết kể rằng Chợ này một năm chỉ họp một lần vào ngày 27/3(Âm lịch), dành cho những ai yêu nhau mà không đến được với nhau. Nơi dừng chân đầu tiên khi đến Chợ, chúng tôi vào thắp hương miếu Ông, miếu Bà. Một nén hương để tỏ lòng tôn kính và cũng là để nhớ lại truyền thuyết xưa. Anh hướng dẫn viên nguời địa phương dẫn tôi đi nghe đồng bào hát đối. Dù không hiểu ngôn ngữ nhưng nhìn ánh mắt họ dành cho nhau, tôi cũng phần nào cảm nhận đuợc tình cảm mà bấy lâu họ giữ trong lòng để duy nhất đêm nay được thể hiện.
Cứ thế họ hát thâu đêm, dập dìu từng đôi như không hẹn mà hẹn. Ngay trên quê hương mình đến hôm nay tôi mới thấy hết những nét đẹp văn hoá không lẫn đuợc vào đâu. Tôi có chút tiếc nuối rời Chợ khi còn chưa thấy hết cảnh tàn chợ vì thời tiết không ủng hộ lắm nhưng vẫn hy vọng sẽ còn nhiều điều thú vị hơn ở Chợ tình năm sau.
Trở về sau Chợ tình, chúng tôi quay lại với nhip sống thường ngày nơi đây, ý nghĩa hơn khi đồng bào đang rất háo hức với kỳ bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân nhiệm kì này vì đồng bào coi đó là ngày hội, thể hiện quyền, nghĩa vụ. Mong muốn lớn nhất của đồng bào là no cái bụng, ấm cái thân, xoá đi cái nghèo đói nơi biên cương Tổ quốc.
Tôi đã đến và cảm nhận, ngày trở về có lẽ điều tôi nhớ nhất ở mảnh đất này là những con nguời với sức sống thật mãnh liệt. Tôi chợt nhớ đã nghe “Chiều đông Mèo Vạc” và trong tôi đã có một “ Chiều đông Mèo Vạc” như thế “Sống trong đá chết nằm trong đá, vẫn anh hùng vượt khó đi lên”./.
-
Bạn đọc Tú Anh
Chia sẻ câu chuyện của bạn về chủ đề này theo email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn. |