- Bất cứ bối cảnh xã hội nào cũng có khó khăn, thách thức. Cần nhìn thẳng vào sự thật, xem ta đang ở đâu, ta là ai để có thể trau dồi, học hỏi, bồi đắp rồi mới yên tâm, vững chãi mà đi tới...

TIN LIÊN QUAN:

Cảm xúc không chân thực thì chỉ có những tác phẩm rỗng

NB Hoà Bình: Thưa nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, anh nghĩ gì về lòng tự trọng dân tộc trong mỗi con người nói chung và trong văn nghệ sĩ nói riêng? Đặc biệt, trong lĩnh vực âm nhạc giao hưởng thính phòng thì liên quan nhiều đến văn hoá phương Tây, vậy làm thế nào để các nhạc sĩ có thể đẩy mạnh cái gọi là lòng tự trọng dân tộc trong quá trình sáng tác của mình?

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Đúng là không thể để nước đến chân mới nhảy. Một người yêu nước, yêu dân tộc, yêu truyền thống văn hoá dù ở vị trí nào, làm gì, nếu làm tốt công việc của họ là đã hoàn thành công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sự tự cường của chúng ta mà kém thì đúng là chúng ta sẽ thất bại ngay khoảnh khắc đó. Không phải đợi đến lúc có sự xâm lấn về địa lý chúng ta mới kêu gọi tinh thần dân tộc, tinh thần yêu quê hương đất nước và lòng yêu nước không chỉ thể hiện ở việc cầm súng đấu tranh bảo vệ đất nước.

Còn về việc  đẩy mạnh cái gọi là lòng tự trọng dân tộc trong quá trình sáng tác, thì một dẫn chứng hùng hồn là chính bài Quốc ca Việt Nam đã được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác dựa trên điệu duyệt binh của người châu Âu, nhưng mở đầu là điệu ngũ cung truyền thống Việt Nam.

Mỗi khi chúng ta hát Quốc ca thì tinh thần tự hào dân tộc và ý chí kiên cường lại trỗi dậy một cách sấm sét, mãnh liệt. Như vậy, có thể khẳng định rằng yếu tố phương tiện sáng tác không có ảnh hưởng hay cản trở gì trong việc sáng tạo.

Điểm quan trọng nhất đối với một tác phẩm nghệ thuật, theo tôi, là phải gây ra được cảm xúc. Trong chiến tranh, âm nhạc đi vào thực tiễn rất mạnh nhờ uy lực gây cảm xúc.

Bất kể tác phẩm âm nhạc, văn học hay nhiếp ảnh, điện ảnh… đều cần phải lột tả được cảm xúc chân thực của tác giả và của xã hội. Cần tẩy chay những kiểu tác phẩm mang tính chất hô khẩu hiệu suông, mang tính minh họa, hay nói một cách khác là thiếu hẳn cảm xúc.

Nhảm, dung tục vì thiếu tự trọng

NB Hòa Bình: Người nghe nhạc thích hát nhạc thị trường, ca sĩ thích xài nhạc thị trường, nhạc sĩ cũng viết nhạc thị trường, phải chăng điều đó thể hiện rõ ràng sự thiếu tự trọng trong làng sáng tác?


NS Trần Mạnh Hùng: Đúng là các ca sĩ chỉ thích hát tình ca, suốt ngày chỉ yêu, yêu, yêu. Chẳng lẽ 24h chỉ nghĩ về yêu thôi. Đố ai mà yêu được cả 24h? Chỉ yêu được một phần thời gian trong số đó thôi chứ. Những lúc còn lại, phải nghĩ về những điều khác nữa chứ. Vậy tại sao các nhạc sĩ không đưa những điều đó vào tác phẩm?

Hay là kiểu nhạc sĩ này chưa thành tài đã thành tai họa? Chưa nổi danh đã nổi tai tiếng? Sáng tác chỉ vì nhu cầu kiếm tiền hay kiếm danh, không đầu tư chiều sâu kiến thức, không trung thực với cảm xúc của mình thì tác phẩm sẽ bị rỗng, không thuyết phục được người nghe, còn mình thì lãng phí thì giờ vô ích với những tác phẩm nhạt nhẽo kinh hoàng, thậm chí làm “điếc tai” người nghe.

Kiểu nhạc sĩ này rõ ràng là thiếu tự trọng nghề nghiệp. Cũng không nên gọi họ là nhạc sĩ.

NPBVH Nguyễn Hoà: Sáng tác trong văn học nghệ thuật ở VN lâu nay quen chạy theo đề tài. Ý tưởng là ngẫu nhiên còn đề tài là cụ thể. Khi có thói quen chạy theo đề tài mà đề tài đó lại câu khách kể cả trong âm nhạc, văn học, sân khấu, điện ảnh cũng vậy, lúc đó người ta sẽ không quan tâm đến yếu tố cảm xúc, miễn sao đáp ứng được đề tài đang "hot". Như thế thì sẽ chẳng bao giờ có tác phẩm hay, chỉ là những câu chuyện đọc một lần rồi quên, những bài hát vô vị, rỗng tuếch.

Thực ra các loại hình nghệ thuật hiện đại ở VN đều được du nhập từ phương Tây. Nhưng chúng ta phải vừa tiếp thu tinh hoa nghệ thuật phương Tây vừa kế thừa tinh hoa văn hoá của cha ông truyền lại cùng tâm thế chủ động của người sáng tác để cho ra đời những tác phẩm riêng. Còn nếu không, anh chỉ là người mô phỏng.

Điều chúng ta cần là phải tiếp thu những gì tinh tuý nhất nhưng cũng phải cộng hưởng những gì tinh tuý nhất của chúng ta. Muốn chắt lọc được tinh tuý thì phải lao vào, dấn thân vào, như người thợ mò ngọc trai dưới biển sâu, đổ máu mắt máu mũi, có khi là đổi cả sinh mệnh mới tìm được những viên ngọc sáng. Hời hợt, chểnh mảng, chơi bời cưỡi ngựa xem hoa làm sao mà có được. Những bài hát được tổ chức dễ dãi, ca từ luôm nhuôm, tục tĩu, những tác phẩm văn chương, điện ảnh, sân khấu có đề từ “mộng mơ” như “Chiều Đà Lạt…”, “Đêm Tam Đảo…”, “Sương Sa Pa…”, toàn những chỗ sang trọng, liếc qua là biết tác phẩm là được “đẻ” ra từ tuần lễ tiêu chuẩn đi hội trại sáng tác mà chủ yếu là ăn chơi hưởng lạc thì làm sao có sức sống được...

NPBVH Nguyễn Hòa
Cứ nhắm mắt đưa chân đi dự những trại sáng tác kiểu đó, nhận thù lao thị trường, nhắm mắt ẩy bừa ra đời những tác phẩm nhảm, cũng là thiếu tự trọng một cách nghiêm trọng.

Nếu không học, không đọc, không chịu suy nghĩ, chúng ta sẽ không bao giờ có tác phẩm hay được đâu. Kể cả việc ca hát, vốn dĩ là xuất phát từ khả năng trời phú, nhưng nếu người ca sĩ không chịu học hành, dùi mài, rèn giũa mà chỉ ưa chạy show, bán năng khiếu lấy tiền, chắc chắn sớm nở tối tàn, tiền nhiều đến mấy cũng chả được coi trọng.

Một số người cứ thích bao biện rằng văn chương/âm nhạc/nghệ thuật đối với tôi chỉ là cuộc chơi. Chơi gì mà chơi. Sáng tạo nghệ thuật là sự trải nghiệm khổ đau nhưng vinh quang, sẽ không bao giờ có chỗ cho những người chỉ… đến chơi.

Đau đầu vì nội lực văn hóa yếu

NB Hòa Bình: Sự hỗ trợ từ các đoàn thể, hội nghề là rất tốt nhưng phải đi vào thực chất. Tất cả các quốc gia muốn nghệ thuật phát triển đều có những quỹ hỗ trợ nghệ thuật, nhưng là hỗ trợ cho sáng tạo thực sự, không phải kiểu ban phát/tranh giành. Chia bôi “tiêu chuẩn” sáng tạo chỉ càng chứng tỏ nghệ thuật là một món hàng không hơn không kém. Trong khi, những điều nghệ sĩ cần được hỗ trợ thì lại vô cùng thiếu vắng từ các cơ quan chức năng?

NS Trần Mạnh Hùng: Cách đây hai năm, tôi có nghe một tuyên bố của ông Lê Ngọc Cường – nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn – rằng nhà nước sẵn sàng đầu tư cho những tác phẩm lớn mỗi tác phẩm lên tới cả tỉ đồng. Nghe thế, tôi thấy mừng quá, nhưng hiện giờ chả thấy ai nhắc lại chuyện đó.

Đồng nghiệp của tôi, những nhạc sĩ trẻ thế hệ đi sau đã thành lập các dự án hỗ trợ hướng dẫn nghe nhạc và hòa nhạc miễn phí tại trường học để bồi đắp thẩm mỹ âm nhạc cho người Việt trẻ thì bị chính các trường từ chối.

NPBVH Nguyễn Hòa: Tư duy bao cấp vẫn còn hiện diện đâu đó trong tâm thức một lứa rất đông người Việt. Họ không chịu nghĩ xa cho tương lai con em và đất nước mà cho rằng không làm thì vẫn chừng ấy lương, thêm việc có được tăng lương đâu, và sẵn sàng từ ngoảnh mặt làm ngơ trước những hoạt động cộng đồng.

Tư duy bao cấp ấy cũng thể hiện trong cách nghĩ là có thể cào bằng cho mỗi tác phẩm một lượng tiền hỗ trợ giống nhau. Hiện nay, các lãnh đạo ngành văn hóa có vẻ làm quản lý hành chính nhiều hơn là làm văn hóa. Trong khi đó, lãnh đạo ngành văn hóa cần phải/nên là một chuyên gia về văn hóa.

Tôi cho rằng một phần do chúng ta ngay từ khi mở cửa đã không quan tâm đến nội lực văn hóa khiến cho bây giờ chúng ta phải chịu quá nhiều sự tấn công mạnh mẽ từ nước ngoài.

Một cuốn sách thời hiện đại nếu không xuất bản được trong nước thì các bạn trẻ sẽ tự dịch và đưa lên mạng cho cả thế giới xem. Một đĩa nhạc, một ca sĩ không cho biểu diễn và phát hành ở VN thì khi lên mạng giới trẻ cũng đều có thể xem được.



Chúng ta chưa chuẩn bị được tâm thế và chưa tính được nội lực văn hóa của chúng ta khi bước ra giao lưu với thế giới, để đối đầu với không gian lớn, sức mạnh lớn là toàn cầu  nên chúng ta đã bị vấp váp.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là sợ hãi, bàn lùi. Cần nhìn thẳng vào sự thật, xem ta đang ở đâu, ta là ai để có thể trau dồi, học hỏi, bồi đắp rồi mới yên tâm, vững chãi mà đi tới.

Nếu không dấn thân, sẽ là con số không tròn trĩnh

NB Hòa Bình: Điều cần thiết trước hết, là phải xác định rõ ràng xem ta là ai? Ta đang ở đâu trong thế giới?

Ns Trần Mạnh Hùng: Hãy nhìn lại về nền âm nhạc của ta, và nhìn ra thế giới để xem văn học nghệ thuật của họ đang ở tầm cỡ nào. Ngay một sân chơi ca nhạc của châu Á như MTV, mà hầu hết các nước trong châu Á như Singapore, Hongkong, Nhật bản, Thái lan, Phillipin… họ đều có mặt. Chỉ mỗi Việt nam, Lào, Campuchia là không.

Có một câu chuyện rất buồn liên quan đến mấy cậu học trò người Lào của tôi. Bảo các cậu ấy ra Tràng Tiền mua mấy cuốn sách về nhạc của Việt Nam về đọc để tuần sau đến thảo luận, vậy mà các cậu ấy không mua. Hỏi vì sao, thì có một cậu bé nhất, “dũng cảm” nhất đứng lên nói với tôi: “Thưa thầy, cách nghe nhạc của người Việt và người Lào khác nhau ạ”.  Đây là một trong những kỷ niệm buồn nhất trong mười mấy năm đi dạy của tôi.

Sự thật nó là như thế và chúng ta nên hiểu chúng ta đang đứng ở đâu chứ đừng vỗ về nhau, chúng ta còn mong manh và bé nhỏ lắm.

NPBVH Nguyễn Hòa: Tất cả các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng ở Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố ngoại sinh và nội sinh, các nhà thơ mới cũng đã kết hợp được hai yếu tố đó mới tạo ra trào lưu mới cho thơ ca Việt Nam.



Quay trở lại với vấn đề chúng ta đang bàn, là trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước giai đoạn mới của đất nước, là cần phải dấn thân thực sự vào đời sống bão tố, thác ghềnh, và sản sinh ra những tác phẩm mang tầm vóc lịch sử, phản ánh được hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam.

Tôi hy vọng sự chuyển dịch tiếp theo của lịch sử đất nước, thế hệ trí thức Việt trẻ sẽ từ bỏ được lối tư duy chộp giật, ngắn hạn, thị trường để hướng tới tầm tư tưởng cho tương lai của nền nghệ thuật Việt. Bởi vì thực ra thì ngay trong bối cảnh hiện tại, đã nhìn thấy những tia hy vọng lóe lên về điều đó, như trên đã nói, rằng vẫn đang có rất nhiều người trẻ sẵn sàng cống hiến cho mục tiêu lâu dài, họ là những mảnh ghép rất tốt, chỉ là chưa xuất hiện những tác phẩm đồ sộ đỉnh cao mà thôi.

NS Trần Mạnh Hùng: Gần đây, có những bạn nghệ sĩ trẻ đến nhờ tôi thẩm định và tham gia sản xuất những clip đặc biệt mà khi tung ra sẽ khơi dậy lòng yêu Tổ quốc tột đỉnh, có thể hiệu triệu được nhiều triệu người cùng chung lòng yêu nước, bày tỏ tinh thần dân tộc.

Các bạn trẻ ấy vẫn có những say đắm riêng, thú vui mới, trò chơi mới với đặc thù thế hệ của họ, nhưng phải nói rằng họ rất có ý thức và lòng tự trọng dân tộc.

Tôi vẫn tin vào các thế hệ trẻ. Và tôi tin những người sáng tạo nghệ thuật hiểu rằng họ sinh là để làm cho cuộc đời này đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Nghệ thuật đích thực phải được xây dựng trên cơ sở học vấn. Danh nghệ sĩ phải được xã hội phải tôn trọng chứ không phải là để ruồng bỏ.

Tọa đàm về trách nhiệm của văn nghệ sĩ với đất nước đã làm dấy lên một cuộc tranh luận nóng bỏng trong làng văn nghệ Việt Nam, đặc biệt là những văn nghệ sĩ thực thụ - những người luôn đau đáu với thiên chức chuyển tải, đúc kết tinh túy dân tộc vào tác phẩm nghệ thuật. VietNamNet sẽ tiếp tục chuyển tới bạn đọc các cuộc trao đổi khác trong những bài tiếp theo về chủ đề này.

Ban Văn hóa (thực hiện)