- Chúng ta còn chưa có những bức tranh toàn cảnh, vẽ nên một hình ảnh Việt Nam mang tính chỉnh thể, có con người và những số phận đan kết vào nhau trong một không gian lớn…

Trao đổi về chủ đề trách nhiệm của văn nghệ sĩ với đất nước, VietNamNet mời tới tòa soạn hai khách mời: Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa và nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng (bên trái), nhà báo Hòa Bình (giữa) và NPBVH Nguyễn Hòa (phải) tại tòa soạn VietNamNet

Công chúng ngày nay đòi hỏi ở nghệ thuật rất nhiều

NB Hòa Bình: Thưa nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, theo anh, vì sao chúng ta luôn thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật lớn, phản ánh được lịch sử dân tộc Việt, và đặc biệt là ghi lại hình ảnh Việt Nam đương đại?

NPBVH Nguyễn Hòa: Tác phẩm lớn lúc nào cũng là khát vọng đối với người yêu văn học nghệ thuật, không chỉ ở nước ta mà ở tầm nhân loại nói chung. Nhưng để có tác phẩm lớn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Chúng ta cứ nói đi nói lại mãi về “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, về “Thời xa vắng” của Lê Lựu, về “Mẫn và tôi” của Phan Tứ… Đó là những thành tựu từ cuộc chiến tranh. Giai đoạn hiện đại, thật ra thì cũng có một số tác phẩm nổi trội nhưng cũng chỉ là vài nhân vật, vài tình huống, như những mảnh vỡ, chứ chưa có những bức tranh toàn cảnh, vẽ nên một hình ảnh Việt Nam mang tính chỉnh thể, có con người và những số phận đan kết vào nhau trong một không gian lớn.

Đương nhiên yếu tố đầu tiên phải nhìn lại là tài năng của người nghệ sĩ, những trăn trở, tìm tòi, sự dấn thân đã đến đâu? Và sáng tạo có vượt qua được những định kiến hay không? Tác phẩm ra đời có được đến với công chúng rộng rãi hay không? Bạn bè đồng nghiệp, giới chuyên môn đánh giá thế nào?

Bất cứ trường hợp nào công chúng cũng tham gia vào sự thành bại của tác phẩm. Công chúng hôm nay phải nói rằng phân tầng rất phức tạp. Một công chúng gần như thuần nhất trong những năm tháng trước đây đã khác rồi.

Trong các thời kỳ trước những tác phẩm được hâm mộ chủ yếu do ít hình thức nghệ thuật và giải trí, tính quảng bá tuyên truyền cũng không cao. Hồi đó, muốn nghe hát chỉ có mấy cái đài, muốn đọc báo chỉ có một số báo, một số nhà xuất bản. Một đầu sách in ra có thể đạt hạng vạn bản.

Do sự phát triển hệ thống thông tin, do tiếp xúc văn hóa, giao lưu về nghệ thuật với thế giới rồi sở thích, tuổi tác, nghề nghiệp... dẫn đến xã hội đã thay đổi rất nhiều. Tất cả những điều đó tổng hợp đẩy đến hoàn cảnh khác hẳn, cho nên sự ra đời của tác phẩm đỉnh cao đòi hỏi sự khắt khe hơn trước rất nhiều.

NPBVH Nguyễn Hòa

Công chúng ngày nay đủ hiểu biết để đòi hỏi ở nghệ thuật rất nhiều chứ không chỉ đơn thuần thưởng thức. Và đặc biệt, sự thay đổi thói quen về nghệ thuật, những quan niệm mới về nghệ thuật xuất hiện. Không như trước đây chúng ta chỉ có một số quan niệm thường thường dùng để quy chiếu vào tác phẩm. Ngày nay phức tạp hơn nhiều.

Ví dụ trong văn học chủ nghĩa hậu hiện đại chi phối công chúng đọc theo kiểu đó, sinh ra những tác phẩm nằm ở chiều nghĩa người bình thường không thể hiểu hết được. Tác phẩm âm nhạc cũng thế. Đối với mỹ thuật cũng vậy, chúng ta đang quen xem một bức tranh vẽ càng giống càng tốt, thậm chí đi vào triển lãm nghệ thuật tạo hình cứ bảo sao chả giống gì cả; nhưng những cái gọi là “không giống” bây giờ rất nhiều. Sân khấu nay cũng khác, nghệ thuật biểu diễn thuần túy, cổ điển chưa chắc thỏa mãn được công chúng.

Chúng ta đang đứng trước một hoàn cảnh lịch sử, cảnh quan xã hội hoàn toàn khác hẳn với thời kỳ trước, không chỉ người nghệ sĩ, mà cả xã hội đã chuẩn bị tâm thế để đón nhận và hòa nhập với những thách thức mới chưa? Cho nên, tác phẩm đỉnh cao có thể nói là hiện tồn ở dạng khát vọng.

Đừng thỏa mãn tâm lý dễ dãi

NB Hòa Bình: Thưa nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, anh chia sẻ thế nào về những nhận định của NPBVH Nguyễn Hòa? Và, với tư cách một nghệ sĩ sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, anh nhận định vì sao chúng ta thiếu những tác phẩm lớn?

NS Trần Mạnh Hùng: Đúng là giai đoạn gần đây những tác phẩm lớn về hình thức, cấu trúc và cả nội dung trong âm nhạc và VHNT nói chung ở VN là thiếu. Không phải không có mà là nó không còn đặc sắc, đa dạng như trước đây nữa.

Tác phẩm lớn đương nhiên đòi hỏi trình độ người sáng tạo phải rất cao. Nhưng có một thực tế xã hội là những tác phẩm lớn cả về cấu trúc, hình thức lẫn nội dung, thường thì khán giả không muốn nghe/xem/đọc.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

Có thể ví dụ luôn về tác phẩm lớn, như thanh xướng kịch “Dời đô” – một tác phẩm mới của nhạc sĩ Doãn Nho chẳng hạn. Chưa nói đến tinh thần, sức mạnh của ngòi bút mà nói đến sức khỏe về mặt vật lý, thể chất nếu không phải là thanh niên thì không thể làm được. Tôi không bao giờ nghĩ qua độ tuổi 40, 50 mà con người ta có thể làm được tác phẩm đồ sộ như thế. Thực sự rất mệt, rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Đó thực sự là một sự hy sinh cho nghệ thuật. Nhưng “Dời đô” đâu có cơ hội được biểu diễn? Công chúng có biết đến tác phẩm hoành tráng này không? Câu trả lời đương nhiên là không.

Khán giả bây giờ chỉ thích nghe/xem/đọc những gì dễ dãi. VHNT bây giờ có cảm giác chỉ là phương tiện để giải trí. Giải trí mà nó to lớn quá thì mất nhiều thời gian lắm, như quyển tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chẳng hạn, nhìn qua đã thấy là đọc không biết bao giờ hết thì độc giả… ớn lắm. Bản nhạc cũng thế, nhiều khi chúng tôi viết dài 3,4 chương đã khó biểu diễn, đừng nói là những vở thanh xướng kịch hoành tráng như “Dời đô”, nếu chỉ 5-6 phút như ca khúc thì đơn giản hơn rất nhiều.

Mọi người nói nhiều, lên án nhiều các “thảm họa âm nhạc”, nhưng chính những thảm họa ấy lại có số lượng người nghe nhiều nhất. Vì nó thỏa mãn tâm lý dễ dãi. Ngịch lý xã hội là thế. Hơn nữa, sự lên ngôi của truyền thông cũng vô tình tạo ra thói hám danh trong giới văn nghệ sĩ.

Các phương tiện truyền thông rất ít khi cổ vũ, định hướng cho khán giả, độc giả đến những giá trị văn hóa đỉnh cao, không dành giờ vàng, trang đẹp cho các tác phẩm lớn. Có giải Cống Hiến thì lại dành cho ca khúc, chưa trao giải thính phòng. Chỉ hướng tới tính giải trí dành cho một nhóm bạn trẻ thì đấy đã nên gọi là cống hiến chưa?

Các tác phẩm lớn đã khó viết ra, nhưng để dàn dựng lại còn rất tốn kém tiền của và công sức. Người thưởng thức tác phẩm lớn cũng đòi hỏi phải có trái tim lớn, đôi tai lớn để cảm nhận.

Thách thức lớn luôn đi kèm cơ hội lớn

NB Hòa Bình: Hoàn cảnh xã hội mới với nhiều thách thức thật ra lại chính là một trong những cơ hội lớn lao để khẳng định tài năng và lòng yêu đất nước. Vì mỗi con người chỉ được sinh ra trong một thời đoạn nhất định. Và, chắc chắn là thời đoạn nào cũng có những thách thức của nó. Người bình thường cũng có thể khẳng định lòng yêu nước của mình, văn nghệ sĩ là tinh hoa của nhân loại lại càng có trách nhiệm phải cất lên tiếng nói đại diện cho xã hội chứ không thể đổ lỗi cho những khó khăn?


NPBVH Nguyễn Hòa: Chủ nghĩa yêu nước đã xuyên suốt chiều dài lịch sử, nổi trội trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Chính chúng ta đã được hun đúc tinh thần yêu nước cho đến tận hôm nay. Đi qua các cuộc chiến tranh thế kỷ 20 này, chúng ta được đặt trên nền tảng tinh thần yêu nước của cha ông và kế thừa mạnh mẽ điều đó.

Tôi cho rằng lòng tự tôn dân tộc đã trở thành máu thịt của người Việt, tiếp nối liên tục trong tiến trình lịch sử. Cái gọi là tình yêu nước đã nằm trong tâm khảm mỗi người. Khi đất nước lâm nguy, tinh thần yêu nước lập tức trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong cuộc chiến tranh, các bạn tôi hi sinh ở chiến trường quá nhiều, những người còn lại cũng đa phần bị thương ở chân, tay, mắt…

Thời bình, yêu nước không phải là cái gì to tát cả, chỉ là làm tốt công việc của cá nhân mình, hoàn thành trách nhiệm với bản thân mình, gia đình mình, góp phần cho một đời sống lành mạnh.

Nhưng, đúng là không thể chủ quan, lơ là, mà cần suy nghĩ sâu hơn, rộng hơn về lòng yêu nước và tư duy về bảo vệ tổ quốc. Khái niệm bảo vệ tổ quốc của chúng ta hôm nay không chỉ là bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ vùng biển, bảo vệ chủ quyền đất nước mà phải nhìn rộng ra ở nhiều lĩnh vực: cần bảo vệ cả kinh tế, văn hóa, ngoại giao…

Chúng ta chỉ có thể bảo vệ tổ quốc khi có một cơ thể khoẻ mạnh, một nền kinh tế mạnh, một nội lực văn hoá mạnh. Nếu hỏng những cái đó, xin lỗi, chúng ta sẽ mất nước ngay tại đây chứ không phải về mặt địa lý. Nếu bị xâm lấn về văn hoá, bị biến đổi đi, một ngày nào đó chúng ta lại cắt đi văn hoá truyền thống của cha anh để thay vào đó một giá trị văn hoá khác thì chúng ta có còn là chúng ta không.

Trước đây tôi cũng là một người lính cầm súng ra chiến trường. Hôm nay trong lĩnh vực của mình, mình lại yêu nước theo kiểu khác. Tôi nghĩ, với văn nghệ sĩ, không có gì chơi mà ra việc, lao động nghệ thuật là lao động vất vả, không hề đơn giản. Không có chuyện chơi mà ra tác phẩm, dù ở bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào.

Trong một khoảnh khắc anh loé ra một ý gì đó nhưng đó là kết quả của sự trải nghiệm chứ không phải tự nhiên nó sinh ra được. Kể cả âm nhạc, sân khấu, điện ảnh hay văn học đều phải trăn trở hết mình, dám dấn thân vào cuộc sống một cách thực sự mới có tác phẩm giá trị nghệ thuật cao.


Chúng ta hãy nhìn vào tinh thần yêu nước của mỗi người Việt Nam trên bất kể một lĩnh vực nào. Một cô giáo vùng cao lủi thủi giữa rừng xanh núi đỏ với đám học trò, bữa ăn không đủ nhưng vẫn miệt mài mang lại cái chữ cho các em. Đó là lòng yêu nước, nếu không có nghị lực và sự kiên trì thì sẽ không làm được điều đó. Tôi tin rằng những cô nàng quần xanh áo đỏ ở đô thị hôm nay không ai dám làm việc đó. Chúng ta có hàng vạn những người như thế đang ở những vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Vậy thì hãy sáng tác về họ chứ không chỉ chăm chăm thỏa mãn thị hiếu dễ dãi, nhu cầu nổi danh hoặc biến nghệ thuật thành phương tiện kiếm tiền.

Khi khái niệm bảo vệ tổ quốc đã được mở rộng thì sự tiếp cận nó trong văn học nghệ thuật cũng phải được mở rộng. Không có gì là to tát cả, ngay những điều bé nhỏ nhất trong cuộc sống cũng trở thành những điều vĩ đại trong nghệ thuật nếu chúng ta có tài năng và tâm huyết với nó.

Ban Văn hóa (thực hiện)

>>Bài tiếp theo: Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử