- Vừa trở về từ cuộc thi Đông Nam Á Concerto lần 4 tổ chức tại Indonesia, nghệ sĩ Bùi Công Duy đã "bị" hỏi rằng có buồn không vì "trượt" xét duyệt danh hiệu NSƯT năm nay. Cười rất tươi, Bùi Công Duy nói: "Tôi rất bình thản, không sao cả".

Tôi luôn cống hiến bằng lương tâm mình

Nghệ sĩ Bùi Công Duy bảo được sự động viên của bạn bè anh đã làm hồ sơ xin xét danh hiệu NSƯT từ đầu năm, trong danh mục các giải thưởng phải liệt kê anh còn cắt bớt giải thưởng mà mình đã đoạt được cho đỡ dài  Anh cũng bảo chính anh đã hai lần vinh dự được Thủ tướng chính phủ gửi tặng bằng khen.

"Cái quan trọng đối với tôi là phải luôn cống hiến bằng lương tâm của mình. Vì vậy, tôi hi vọng những người xét tặng danh hiệu hay giải thưởng nhà nước cũng nên làm bằng lương tâm của họ" - nghệ sĩ violon Bùi Công Duy trải lòng.

Bùi Công Duy nói rằng việc xét giải thưởng năm nay, với cá nhân anh, được cũng tốt không có cũng không sao bởi anh quan niệm giá trị thật không nằm ở giải thưởng. Trên thực tế, có những người từng được phong danh hiệu này danh hiệu nọ nhưng cũng chẳng được mấy người biết đến, đóng góp ít ỏi.

"Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới họ cũng chẳng có danh hiệu. Nhưng điều mà họ làm cho nhân loại thật đáng nể phục. Như chú Đặng Thái Sơn người ta hay gọi là nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chứ mấy người gọi danh hiệu của chú đâu".

Có hai học sinh đoạt giải quốc tế

Về nước tham gia giảng dạy được 4 năm, hiện Bùi Công Duy đang dạy 9 học sinh ở Học viện âm nhạc quốc gia. Anh bảo có những thí sinh thầy giáo khác từ chối dậy nhưng khi chuyển qua lớp của anh đã có sự tiến bộ lột xác như trường hợp của Cẩm Ly, Lê Minh Trường.

Bùi Công Duy thú nhận thời gian đầu khi về Việt Nam anh chưa quen lắm mới môi trường giải dạy vì ở bên nước ngoài người ta làm việc rất nguyên tắc nhưng nếu nguyên tắc quá ở Việt Nam e rằng không hiệu quả.

Bùi Công Duy khoe tháng 7 vừa qua có 2 học sinh: Linh Uyên (16 tuổi) tham cuộc thi quốc tế đàn dây lần 1 mang tên Mozart ở Thái Lan và Trịnh Đan Nhi (10 tuổi) ở cuộc thi quốc tế Concerto Đông Nam Á lần 4 cho piano và violin ở Indonesia và đều đoạt giải nhì.

Theo anh, trước mỗi cuộc thi quốc tế, các học sinh đều phải học số lượng bài lớn và đỏi hỏi phải có bản lĩnh sân khấu ổn định và độ quyết tâm cao. Chi phí cho việc đi thi chủ yếu do gia đình các em tự lo mặc dù có được nhà trường khuyến cáo rằng nếu đi thi về mà được giải thưởng sẽ được hỗ trợ kinh phí.

Đi thi quốc tế nhiều khi phải có "chiến thuật"

Bùi Công Duy bảo điều anh lo lắng nhất và phải luôn củng cố cho các học viên của mình trước một cuộc thi quốc tế là vấn đề tâm lý. Anh nói: "Qua cọ xát, tôi thấy đi thi là phải có chiến thuật. Nhiều khi học viên đi xem thấy bạn thi trước đánh nhanh quá bị ảnh hưởng, cuốn vào đầu đến lúc mình thi cố làm theo như vậy dẫn đến việc "gẫy" tác phẩm".


Bùi Công Duy và học trò Trịnh Đan Nhi ở Indonesia

Theo anh, việc đào tạo trẻ em ở bộ môn violon cũng khác người lớn. Người lớn đánh hỏng là khó sửa vì tay cứng. Trẻ con vừa dạy vừa dỗ. Có em bộ lộ tài năng sớm nhưng có em mất một thời gian mới lộ ra năng khiếu vậy nên điều quan trọng trong tư cách của người thầy là phải kiên trì và truyền nghề bằng một cái tâm trong sáng.

Hỏi Bùi Công Duy rằng anh có định dựa vào những mối quan hệ và kinh nghiệm riêng để giúp các học viên có cơ hội sang nước ngoài nhiều hơn để cọ xát với các cuộc thi cũng như học tập? Bùi Công Duy bảo rất sẵn sàng nhưng đòi hỏi các học sinh phải giỏi tiếng Anh và trên 18 tuổi.

"Tôi mong ở Việt Nam có nhiều chương trình hòa nhạc hơn, giống như "Điều còn mãi" do báo VietNamNet tổ chức, để những nghệ sĩ như tôi được dịp thể hiện khả năng chơi đàn, gắn bó và tâm huyết. Hơn thế, đó còn là cơ hội để các học trò, các thế hệ sau tôi học hỏi những kinh nghiệm cho riêng mình" - Bùi Công Duy trải lòng.

Sơn Hà
Ảnh: Nguyễn Á - C.D

TIN LIÊN QUAN: