- Người đàn bà của Kramskoy nhìn tôi đăm đăm như muốn hỏi “có vừa ý không?”…
Vô tình đón được “mỹ nhân”
Trong thời buổi “loạn lạc” này, khi sự hỗn loạn trên thị trường tranh giả đã lên đến cao độ, rất khó cho bạn để tìm kiếm được một vài bức tranh chép ưng ý.
Vào một buổi tối năm 2003, trong lúc đang đi cùng với một người bạn trên đường, bất chợt mắt tôi bắt gặp bức họa Người đàn bà xa lạ của họa sĩ người Nga Kramskoy trong một phòng tranh bên đường. Trời xui đất khiến thế nào mà trái tim tôi như co thắt. Kramskoy là một tác giả khá xa lạ với người Việt, còn Người đàn bà xa lạ gần như là tác phẩm duy nhất của ông mà giới chép tranh nước ta hạ cố đụng cọ vào. Nhưng đó lại là một tác phẩm có bề dày lịch sử sống động từ cả thế kỷ qua.
Bức tranh chép vô tình tìm được là bức duy nhất mà tôi ưng ý cho đến nay. Người chép, một họa sĩ đã hơn sáu chục tuổi, không có cái thói khoa trương hay PR của những người chép tranh nghiệp dư. Thoạt nhìn đã thấy ông ta là con người của nghệ thuật, miễn cưỡng phải chép tranh trong cái thế giới mà muốn sinh tồn thì phải biết sinh nhai này.
Người đàn bà của Kramskoy nhìn tôi đăm đăm như muốn hỏi “có vừa ý không?”. Vừa ý, vừa ý lắm chứ - tôi bật kêu trong lòng. Từ dáng vẻ mềm mại, đôi mắt kiêu bạc của người phụ nữ, nền trời xám lạnh của Saint Peterbourg…, tất cả như hòa quyện làm một. Linh cảm mách bảo tôi là đây chính là một bức tranh chép đạt. Cái đạt ở đây không phải chỉ là chép giống, mà còn có hồn.
Bức "Người đàn bà xa lạ" của họa sĩ người Nga Kramskoy
"Người đàn bà xa lạ" đã trở thành hình tượng của vẻ quý phái và sự tao nhã thượng lưu. Người phụ nữ ấy ngồi trong chiếc xe hở mui đi ngang qua cầu Anichkov, nhô cao lên trên thành phố sương mù trắng lạnh như một nữ hoàng... Trang phục của người phụ nữ này - chiếc mũ "Fransisk" với những chiếc lông chim nhẹ nhàng trang nhã, đôi găng tay Thụy điển làm từ loại da thuộc mỏng nhất, áo khoác "Skobelev" với lông thú và những dải lụa xanh, vòng đeo tay vàng - tất cả là những chi tiết thời trang của bộ trang phục phụ nữ những năm 1880, những chi tiết để tạo ra sự thanh lịch quý phái. Nhưng điều đó không có nghĩa là người phụ nữ này thuộc tầng lớp thượng lưu, có lẽ còn là ngược lại… (T.X.Nam)
Không kèo nài gì nữa, tôi móc hết tiền trong túi, vừa đủ cái giá mà nghệ nhân đưa ra là 800.000 đồng. Xét ra, cái giá đó là khá cao so với mặt bằng giá chung của tranh chép lúc ấy giờ. Nhưng đã chơi nghệ thuật thì còn kể gì. Có vẻ như lão nghệ nhân còn hơi nuối tiếc khi phải bán đi một tác phẩm hài lòng của ông. Nhưng dù sao sau đó, giữa tôi và người nghệ sĩ già đó đã hình thành mối quan hệ tâm đầu ý hợp về nghệ thuật thông qua bức tranh chép Người đàn bà xa lạ của ông.
8 năm sau khi tìm được bức Người đàn bà xa lạ, tôi đã dạo qua nhiều tiệm chép tranh nhưng không hề tìm thấy một bức tranh cùng chủ đề nào được chép đạt như thế. Rõ là người đi tìm tranh còn phải có sự may mắn riêng của mình, còn nếu không thì mất rất nhiều thời gian, anh ta cũng không thể tìm được một bức tranh ưng ý.
Cũng 8 năm sau khi tìm ra bức Người đàn bà xa lạ, tôi bước chân vào một tiệm chép tranh ở đường Trần Phú, quận 5, TP.HCM. Chỉ tò mò đôi chút khi cũng thấy bức tranh nổi tiếng của Kramskoy nằm chình ình trong đó. Nhưng ánh mắt của người đàn bà này sao mà… xa lạ quá. Bàn tay lại chẳng thon thả chút nào. Vầng trán không còn sự thanh tú. Biểu tượng của vẻ quý phái, tao nhã, thượng lưu đã bị thay vào bằng sự thô kệch, quê mùa. Phía trên đầu người đàn bà, cái nền xám lạnh lẽo của đô thành đã được thay thế bằng ráng màu đỏ chói, khiến cho khuôn mặt người đàn trở nên chua ngoa, dữ dằn.
Chỉ 500.000 đồng. Lạy Chúa! Thấy tôi kinh hãi nhìn bức tranh, cậu chàng chép tranh lanh như cáo hỏi tôi muốn tranh chép thế nào. Thì đương nhiên không phải là tranh chợ như cái thứ mà tôi vừa thấy, mà phải là giống ít ra đến 70% kia. Dễ thôi, ở đây bọn em cỡ nào cũng chép được hết. 70% là cái gì, 100% còn được nữa cơ. Nhưng còn hồn vía tranh thì thế nào? Hồn ấy à… Hơi khó, nhưng công chép cũng phải cao hơn. Thôi em lấy anh một triệu hai cho xứng đáng một bức hoàn hảo.
Nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa - danh họa Leonardo da Vinci
Hiển nhiên, nếu là người xa lạ với giới chép tranh, bạn sẽ bị rơi vào tình huống năm trăm ngàn đồng hay một triệu hai sẽ không có sự khác biệt nào và vẫn chỉ nhận được một bức tranh chép làng nhàng, vừa giống vừa không giống, hay cứ cho là giống đi chăng nữa thì cũng khó mà cảm nhận được cái thần của nó so với nguyên mẫu.
Giới trọc phú và tranh “siêu thực”
Xã hội càng thịnh vượng, lớp người giàu có càng hiện ra nhiều. Nhiều tiền không biết để làm gì, họ chuyển sang cái thú chơi tranh. Nói là chơi tranh cho sang chứ thực ra chỉ là phô bày tranh, cũng như phô bày của cải của họ. Nhưng phô bày của cải thì dễ, cũng giống như bày bán vàng, kim cương ở các tiệm. Còn khoa trương nghệ thuật làm sao để thiên hạ tấm tắc khen hay mới thật là chuyện khó.
Với khiếu thẩm mỹ “có hạn”, họ thường chọn những bức tranh khổ lớn, hay còn được gọi là hoành tráng, màu sắc rực rỡ, tuyệt đối không u tối, được chép lại từ bản mẫu hay bản gốc của họa sĩ có tên tuổi.
Đó là khi dân trọc phú còn biết đến những cái tên như David, Leonard de Vinci hay Levitan… Bất kể cái tên nào, đặt trước hay đứng sau đều không quan trọng về thứ tự lịch sử, miễn là cái tác phẩm hoành tráng dễ bài trí trong nhà. Còn nếu không biết tên tuổi ai thì cứ mặc nhiên mà lựa chọn cái gì dễ nhìn, dễ bắt mắt, hợp với một góc nào đó trong phòng khách hay ngay cả trong toilet của họ.
Cũng có trọc phú tỏ ra có khiếu thẩm mỹ hơn khi cố ý chọn dòng tranh trừu tượng. Càng khó hiểu càng tốt. Họ tự mẩm, những người bạn lắm của cùng giới với họ cũng chẳng hơn gì, cho xem tranh như đàn gảy tai trâu. Nhưng thế lại hóa hay. Không biết thì còn gật gù, chứ biết rồi có khi lại lắc đầu nguây nguẩy mà chê bai này nọ.
Nhẹ nhàng hơn trừu tượng là dòng ấn tượng của Monet hay Manet… Dòng tranh này được khá nhiều gallery khai thác vì có màu sắc tươi sáng và do đó có tính “phong thủy” hơn, lại tập hợp các tên tuổi lẫy lừng của Pháp và không quá khó hiểu. Tuy nhiên để thưởng ngoạn, cũng cần gia cố một ít kiến thức và động não chứ không phải giống như tranh hiện thực nhìn đâu thấy đó.
Không thể có được một bức tranh chép cho đàng hoàng nếu bạn chỉ lang thang hú họa tại các phố tranh Nguyễn Văn Trỗi, Trần Phú, Bùi Viện, Đề Thám… (TP.HCM). Dân họa sĩ chính gốc không mấy khi phơi mặt ra ở đó, một phần vì không có thời gian, phần muốn giữ tiếng không bị xem là kẻ buôn thần bán thánh. Ở đó, bạn chỉ gặp các chủ gallery và thợ chép hạng xoàng, những người giỏi PR hơn là phát ra ngôn ngữ nghệ thuật.
Sự biến đổi tùy tiện của màu sắc, chi tiết trong tranh chép là cực kỳ phổ biến
Những khách hàng ngây thơ thường được chủ gallery thuyết phục về uy tín của tiệm chép tranh, nhất là khi họ đưa cho khách xem một catalogue toàn những bức tranh mà theo họ đã được chép hết sức cẩn thận và tỉ mỉ. Nhìn vào tập catalogue choáng lộn, bạn sẽ không thể phân biệt được đó là bản mẫu được chụp lại hay là những bức tranh chép thành công.
Hoặc chủ tiệm tranh cũng thường PR về chuyện khách hàng này khách hàng nọ là người nước ngoài đã đến tiệm đặt chép số lượng lớn để mang về châu Âu hay đi châu Á. Tất nhiên trong thực tế đã có khá nhiều khách nước ngoài, nhưng phần lớn trong số đó là Tây ba lô. Những khách này phát hiện ra giá chép tranh ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 – 1/20 giá chép ở châu Âu, nên đã dụng tâm đặt một số bức tranh chép mang về nước bán lại để trang trải lộ phí cho những chuyến du lịch.
Nếu bị thuyết phục qua một động tác PR đơn giản như thế, bạn cũng sẽ trở thành con mồi béo bở của gallery và có thể mất hàng chục triệu đồng để đổi lấy những bức tranh “siêu thực”.
Viết Lê Quân
Bài tiếp theo: Làm thế nào để có bức tranh chép vừa ý?