- Lê Cát Trọng Lý đã khép lại chuyến du ca "bán xuyên Việt" của mình bằng một nhà hát kín khán giả tối 24/9 tại thành phố Đà Nẵng nơi chôn nhau cắt rốn của cô.


Chuyến du ca của Lê Cát Trọng Lý phải dừng lại ở Đà Nẵng rốt cuộc lại làm nên điều thú vị. Ngoài yếu tố tình cảm, khi đây là thành phố quê hương của Lý với những khán giả đi xem cô hát trong trạng thái đón một người thân lâu ngày trở về, còn là yếu tố kỹ thuật với một điểm diễn đẹp, rộng lớn, âm thanh ánh sáng đạt tiêu chuẩn cao.


Trong bối cảnh và không gian "địa lợi nhân hòa", du ca "Vui" của Lê Cát Trọng Lý đã có cái kết trọn vẹn, nếu không nói là đẹp như mơ. Sự hòa quyện của nhiều thành tố, màn trình diễn hết mình của Lý và ban nhạc, chất lượng kỹ thuật của chương trình, sự đón nhận nhiệt thành của khán giả, đã làm nên một màn kết đáng nhớ cho tour "Vui".

Như đã xảy ra trong các đêm diễn trước tại TP.HCM và Quy Nhơn, khán giả Đà Nẵng tiếp tục không ngớt vỗ tay yêu cầu Lê Cát Trọng Lý hát thêm ngoài danh mục bài hát của đêm diễn. Thậm chí, sau khi Lý đã đáp ứng yêu cầu bằng ca khúc "Chênh vênh", người xem lại hào hứng bắt cô hát tiếp một bài nữa mà cô nhạc sĩ còn chưa kịp đặt tên!


Những ngày mưa dầm dề của miền Trung trước đêm diễn không làm vơi bớt số khán giả của "Vui" một người nào. 1.400 chỗ của nhà hát Trưng Vương được lấp kín, kể cả ở những ghế xa trên lầu, trước khi đêm diễn mở màn 15 phút. Những khán giả ngồi trên lầu rốt cuộc lại mãn nhãn nhất dù rằng đi nghe Lý chứ không phải để xem Lý, khi có góc nhìn bao quát toàn bộ sân khấu với hàng chữ L - C - T - L được thắp sáng lung linh bằng những ngọn nến.

Lê Cát Trọng Lý đã "gây mê" người nghe từ từ bằng những câu chuyện lạ kỳ của mình với "Trời ơi", "Ghen", "Nhanh nhanh quá", "Con đường lạ"... Có lúc Lý đưa người nghe vào câu chuyện cổ tích với "Con đường Santiego" cô mới sáng tác phỏng theo câu chuyện "Nhà giả kim" kể câu chuyện cậu bé tỉnh dậy thấy kho báu đúng như trong giấc mơ của mình. Có lúc khán giả nín thở với "Con đường độc đạo" nỉ non, với những chia sẻ đời thường giản dị, xen chút ngô nghê của Lý.












Đêm diễn kết thúc với "Bài ca Tây Tạng" rộn rịp, mê hoặc với ca từ quyện tiếng trống tiếng đàn làm khán giả ngẩn ra không nhận biết "Vui" đã hạ màn từ khi nào. Chuyến du ca qua một nửa đất nước của Lê Cát Trọng Lý đến đây cũng dừng lại, trong ánh sáng, âm thanh, không gian và con người, đẹp như giấc mơ.  

Long Hà - Ảnh: Maika