- Đạo diễn Đỗ Khánh Toàn cho rằng cơ chế vận động hiện nay của điện ảnh khu vực nhà nước đang có vấn đề.

Gặp người ngồi "ghế nóng" của Cục Điện ảnh
Bệnh của điện ảnh là không có tài
NSƯT Đỗ Khánh Toàn cho rằng công tác quản lý có vấn đề.
- Sau vụ thất thoát một khoản tiền lớn ở Cục Điện ảnh, các nghệ sĩ vừa có cuộc gặp để bàn cách chấn hưng điện ảnh VN. Ông nhìn nhận thực trạng điện ảnh VN thế nào và theo ông, cần làm gì trước hết để gỡ rối?

- Tôi nói luôn là thực trạng điện ảnh VN hiện nay rất khó khăn bởi vì chúng ta đã có cơ chế thị trường hơn 20 năm nhưng điện ảnh thì lại chưa đi vào cơ chế đó. Bởi chúng ta quen bao cấp rồi, có bình sữa sẵn đó rồi nên khi đi vào nền cơ chế thị trường mình phải tự đi kiếm ăn, tự nuôi sống mình thì mới phát triển được. Muốn điện ảnh phát triển, dứt khoát không còn con đường nào khác là phải cổ phần hóa, cổ phần hóa triệt để chứ không phải lưng chừng như bây giờ. Điện ảnh trước sau cũng vẫn phải cổ phần hóa. Cổ phần hóa cũng giống như một cặp vợ chồng mới khi đi ra ở riêng thì được bố mẹ cho một khoản vốn để làm ăn và tự nuôi sống mình. Tuy nhiên, điện ảnh hiện nay lại không có tiền nên nhà nước cũng nên cấp cho nó một khoản vốn nào đó. Tôi nghĩ điều này nhà nước nên nghiên cứu và hỗ trợ.

Bóng đá mà không lôi được khán giả đến sân thì coi như bóng đá chết. Điện ảnh cũng thế, phim làm ra mà không có người xem, không có khán giả đến thì điện ảnh cũng chết. Mấy năm vừa rồi tại sao điện ảnh không có khán giả đến rạp không phải do truyền hình mà vấn đề là do nó yếu kém. Những người làm điện ảnh không nhận ra, cứ ngộ nhận mình là mình làm thế đã hay rồi. Anh làm hay là một chuyện, hay theo cách nghĩ của anh, đánh giá của ngành anh, còn nó có hay với khán giả không, có kéo được khán giả đến rạp không? Cách quản lý ngành điện ảnh hiện nay vẫn theo cơ chế bao cấp, vẫn đặt việc chỉ tay nên tôi thấy những người làm điện ảnh hiện nay không có sự năng động, tất cả đều trông chờ vào nhà nước. Nhà nước rót bao nhiêu làm bấy nhiêu chứ không ai nghĩ ra kế gì để vượt lên chính mình và phát triển. Do vậy rất cần có một cơ chế mới, những con người mới.

- Như ông đã nói, đang có sự không gặp nhau giữa những người trực tiếp làm nghề với các cơ quan quản lý. Nghệ sĩ phải tự tìm phim mà làm, tiền nhà nước rót cho các hãng phim thì có khi để đầu tư vào những thứ máy móc đắt tiền rồi đắp chiếu. Tiền rõ ràng vẫn được Nhà nước cấp cho ngành điện ảnh nhưng lại không đến với những người trực tiếp làm phim?

- Cơ chế hiện nay đang có vấn đề. Như hãng phim Tài liệu khoa học TW của chúng tôi mỗi năm làm hơn một chục phim. Nhà nước cho tiền, kịch bản nhà nước duyệt, làm xong coi như người quản lý - là giám đốc hãng phim không có trách nhiệm gì với bộ phim cả. Phim duyệt xong là thôi, họ không biết sản phẩm của hãng đi đến đâu, được tuyên truyền thế nào, bộ phim có giá trị xã hội đến đâu. Tôi nghĩ, nếu làm điện ảnh kiểu ấy thì nên giải tán đi thì tốt hơn. Cơ chế quản lý của  hãng phim Tài liệu khoa học TW đến nay vẫn vậy, đa phần các nghệ sĩ phải tự đi kiếm sống. Khi còn làm ở đây mỗi năm tôi nhận một phim, ngoài ra tôi phải đi nhận phim của những Bộ, Ngành khác nên mỗi năm làm ít nhất 5-7 phim. Các nghệ sĩ không có một hệ thống thông tin, những người lãnh đạo của chúng ta không có thông tin, không tiếp cận với thị trường, với doanh nghiệp và hiểu được nhu cầu phát triển của đời sống, nhu cầu phát triển của điện ảnh.

- Vấn đề đặt ra là với cơ chế có vấn đề đã tồn tại từ rất lâu như vậy mà các nghệ sĩ lại không lên tiếng? Họ hoàn toàn có thể đến gặp trực tiếp các cơ quan lãnh đạo để bày tỏ ý kiến trực tiếp hay chí ít là có động thái làm đơn kiến nghị chung giống như nhiều nghệ sĩ vừa làm liên quan đến việc thất thoát tiền ở Cục điện ảnh để gây sự chú ý?

- Tôi nghĩ mọi người cũng không muốn tự nhiên viết ra một cái đơn vì có khi cũng chẳng thành cái gì cả. Việc góp ý với lãnh đạo, khuyên giải cũng nhiều, kể cả với Cục điện ảnh như việc đầu tư máy quay tốc độ cao mà có ai dùng đâu, chi phí cả chục tỉ bỏ đấy. Trong khi vào những năm 2003-2004 số tiền ấy có thể làm được mấy chục phim tài liệu. Hãng phim Tài liệu khoa học TW cũng đã đầu tư xây dựng một trường quay đồ sộ nhưng thử hỏi đã có bộ phim khoa học nào sử dụng trường quay đó chưa? Đầu tư cả trăm tỉ đồng mà 5-6 năm nay chưa có bộ phim tài liệu khoa học nào quay ở đó. Nhà nước đầu tư lớn như thế mà hãng không sử dụng gì cả, toàn cho các đài truyền hình thuê làm gameshow. Tôi thấy việc đó không đúng trong khi đời sống vật chất của cán bộ công nhân viên ở đó còn đang rất khó khăn.


Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL (phải) trong buổi tiếp xúc với các nghệ sĩ ngày 25/9 tại HN.
- Được biết một bộ phim tài liệu của ông trước đây là "80 năm Đảng cộng sản VN" dù đã được duyệt kịch bản nhưng không được Cục Điện ảnh rót tiền cho làm trong khi lại mới xảy ra chuyện Cục Điện ảnh để thất thoát hàng chục tỉ đồng. Nghe tin này ông thấy thế nào?

- Tôi rất sốc! Các cơ quan khác đều làm phim truyền thống của họ cả, riêng Đảng cộng sản VN lại có ít phim làm về mình trong khi đã làm được rất nhiều việc trong đó có khởi xướng cho sự nghiệp đổi mới. Do vậy chúng tôi đã viết một kịch bản dài 10 tập về 80 năm Đảng cộng sản VN. Đạo diễn Hồ Chí Phổ với tôi viết xong kịch bản vào tháng 11 năm 2008. Ban Tư tưởng đã có công văn giao việc này cho Bộ VHTTDL thực hiện cùng Cục Điện ảnh. Bộ sau đó giao cho Cục Điện ảnh trực tiếp làm việc với chúng tôi. Là tác giả, chúng tôi lên xin tiền làm phim, các anh ấy nói bây giờ mà làm cái phim này thì hết cả ngân sách của ngành điện ảnh. Lúc đó chúng tôi chỉ xin 2 tỉ để làm 10 tập phim vì cứ tính mỗi tập chỉ độ 200 triệu.

Hồi đó ông Lại Văn Sinh, ông Lê Ngọc Minh còn đang đương chức và các ông ấy biết việc này. Đạo diễn Hồ Chí Phổ và tôi đã lên gặp ông Lê Ngọc Minh tới hai lần. Ông ấy nói nếu xin tiền cho cả tập kịch bản thế này thì khó duyệt nên yêu cầu chúng tôi viết lại để duyệt từng lập. Sau đó không lâu tôi có gửi kịch bản "Người cộng sản đầu tiên" lên Cục nhưng không nhận được bất cứ thông tin gì, không góp ý, không gì cả. Đạo diễn Hồ Chí Phổ cũng từng nói với tôi ý định đi kiện ông Cục phó lúc đó là Lê Ngọc Minh nhưng tôi thật thà nghĩ rằng chắc là Cục không có tiền thật nên thôi. Tôi rất buồn và nghĩ rằng hay tại mình nghỉ hưu rồi nên họ không đoái hoài gì nữa hay thực sự tài chính khó khăn, tiền không có thật nên đã bỏ qua chuyện này.

Quay lại chuyện thất thoát 42 tỉ, gần đây tôi mới biết rằng vào thời điểm chúng tôi xin tiền làm dự án phim này Cục điện ảnh đang có nhiều tiền trong khi số tiền chi cho bộ phim 80 năm Đảng cộng sản VN thì Cục Điện ảnh lờ đi và không có ý kiến gì phản hồi gì. Nay Đảng cộng sản VN đã hơn 81 tuổi mà kịch bản của tôi vẫn nằm đó. 

- Cục Điện ảnh vừa có lãnh đạo mới, lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng vừa tiếp xúc với các nghệ sĩ để lấy ý kiến, ông có hy vọng sắp tới có sự đổi mới nào đó ở ngành điện ảnh không?

- Tôi nghĩ lãnh đạo thực sự có muốn nghe anh em nghệ sĩ có ý kiến đóng góp hay không. Nếu lãnh đạo ngành thực sự lắng nghe thì sẽ khác chứ không thể rập khuôn như cách làm điện ảnh những năm vừa rồi. 

Hạnh Phương
Ảnh Nguyễn Hoàng