- Đánh đồng các giá trị thẩm mỹ, làm lẫn lộn giữa các khái niệm, dẫn đến sự thiếu hiểu biết của công chúng và tình trạng bão hòa nghệ thuật đang là nỗi đau xót cho cả ngành mỹ thuật Việt Nam.
Làm thế nào để có bức tranh chép tử tế?
Tranh chép: thay đổi cả “da” lẫn “lông”
Tranh chép không có tội
Bát nháo, phẫn uất vì tranh chép
Buôn giấy vệ sinh rồi buôn tranh chép
Kinh hoàng tranh chép giá bèo
Chơi tranh: Tiền + Tri thức
Người Việt quen coi các giá trị văn hóa là phải cho không, tặng tranh, tặng sách, tặng đĩa nhạc… chứ ít người có tư duy là cần phải bỏ đồng tiền ra mua. Tại sao không nghĩ rằng người nghệ sĩ lao tâm khổ tứ như thế nào mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật? Và giá trị kinh tế khó có thể tách rời khỏi giá trị thẩm mỹ của tác phẩm.
“Có câu chuyện thật mà như đùa - Họa sĩ Đào Hải Phong tâm sự - Hồi tôi chưa nổi tiếng lắm, có một ông đến xin tôi bức tranh để chuẩn bị treo trong ngôi nhà mới. Hôm ông ấy mời tôi đến ăn cỗ mừng tân gia, tôi thấy tranh mình được bà chị gái ông ta đem lót mâm cỗ. Sau bao nhiêu năm, một hôm ông ấy gọi điện cho tôi, rối rít hỏi làm khung ở chỗ nào thì đẹp, để đi làm một cái khung về treo tranh chứ nghe nói bây giờ tranh Đào Hải Phong đắt kinh khủng…”
Tranh Đào Hải Phong |
Nói đến chuyện đắt rẻ, dư luận lúc nào cũng cho rằng giá tranh của các họa sĩ Việt Nam đang ở… trên trời. Sự thật có phải như thế không?
Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Tranh Việt chỉ đắt đối với người không hiểu tranh, chứ đối với thế giới thì quá rẻ mạt. Người Việt hiện đại còn xấu tính và nông cạn nữa, họ khó có thể bỏ ra vài chục ngàn USD để mua một bức tranh nhưng sẵn sàng tung vài ngàn USD để khoác lên mình một bộ cánh hàng hiệu, một chiếc túi hoặc đôi giày hàng hiệu.
Chỉ cần so sánh với các nước khác trong khu vực, ngay cả những nước chưa phải là quốc gia nghệ thuật thì giá tranh Việt chỉ ở mức trung bình. Tôi và Thành Chương từng đứng trước bức tranh của một họa sĩ Hàn Quốc được mua với giá 89.000 USD, và ông ta còn nhiều bức khác đắt hơn nữa. Mặc dù tác giả này chưa phải là một tên tuổi lớn trong làng mỹ thuật thế giới nhưng ông ta đã chiếm được cảm tình của chính những người dân Hàn Quốc. Và ông ta sống được với tiền bán tranh không hề rẻ”.
Mạng bán đấu giá Sotheby' s là một trong những trang web bán đấu giá tranh trực tuyến toàn cầu sôi động nhất hành tinh. Và, trên đó, nhiều bức tranh như "Những con ngựa chiến" của họa sĩ người Indonesia gốc Hoa - Lee Man Fong được bán với giá hơn 1 triệu USD (năm 2010), cho dù đây chưa phải là một tác giả có sức ảnh hưởng đến tầm cỡ khắp thế giới.
Mỹ thuật không phải là bóng đá nên không thể thỏa mãn tất cả mọi người. Công chúng số đông có thể xem tranh nhưng để sở hữu một bức tranh, bắt buộc phải hội tụ đủ hai yếu tố: Tiền và tri thức. Không có ai chơi tranh mà không phải trí thức, và nghèo thì rất khó để có thể sưu tập tranh. Vì thế, giá tranh cao là chuyện đương nhiên.
Đa phần công chúng Việt không lý giải được tại sao tranh của họa sĩ Thành Chương lại đắt thế |
Về khía cạnh con người mà nói thì họa sĩ nào chả muốn bán tranh giá cao, nhưng thật ra thì họa sĩ không tự định giá được tranh mình mà chính là thị trường đánh giá tác phẩm.
“Hồi tôi mới vẽ, những bức tranh đầu tiên tôi gửi ở galerry chỉ có giá 30 USD – họa sĩ Đào Hải Phong cho biết - Để có thể tiến tới chỗ dám đề giá tranh 30.000 USD là cả một đời hoạt động nghệ thuật. Trước hết, phải tạo được cho mình thành một tác giả thật sự, với một số rất đông công chúng, khi đó, thị trường tự định giá tranh của tác giả và đẩy nó lên đến chừng nào có thể. Tôi có thể khẳng định tới 70% là thị trường đẩy giá tranh của họa sĩ lên, chỉ có 30% còn lại do chính người nghệ sĩ quyết định. Ví dụ, ông muốn bán 1 triệu USD nhưng chẳng ai trả giá đó, công chúng bảo tranh của ông chỉ đáng giá 1.000 USD thôi thì đành chịu chứ. Giá trị thật của bức tranh là tổng hòa giữa giá trị thương mại và nghệ thuật. Cũng là tranh của Picasso nhưng hồi những năm 1942 chỉ bán có 4.200 USD/bức chứ đâu phải hàng trăm ngàn USD cũng không mua nổi như bây giờ. Người chơi tranh không những có tiền mà còn phải có tri thức nữa, nhất định sẽ nhận ra cái gì là gốc của vấn đề. Không thể nhầm lẫn được, vàng thật dứt khoát phải khác với vàng mã”.
Bi kịch mang tên gallery
Để thị trường mỹ thuật hoạt động được, vai trò của các chủ gallery thực sự rất quan trọng. Nhưng, bi kịch là rất nhiều trong số họ “chuyển ngạch” từ chỗ buôn giấy vệ sinh, buôn vật liệu hóa phẩm, buôn gỗ… và đa phần trong số họ chỉ coi trọng lời lãi. Rất ít chủ gallery thực sự biết mình đang sở hữu những gì, tác phẩm đó có đáng quý hay không và giá trị kinh tế của nó đến đâu thì hợp lý.
Họa sĩ Lê Thiết Cương |
Chính sự hỗn độn này đã đánh đồng các giá trị, tạo điều kiện cho tranh nhái, tranh giả, tranh rác đứng vào cùng hàng ngũ với tác phẩm thật sự, khiến công chúng hoa mắt và vốn dĩ đã không được đào tạo thì càng dễ lẫn lộn hơn.
Số chủ gallery có nền móng từ các đời ông đời cha, hoặc chịu tìm tòi, học hỏi, đủ trình độ tìm ra các tác giả mới là cực ít. Và một số hiếm hoi chấp nhận coi gallery là “cuộc chơi” chứ không phải chỗ kiếm tiền – nơi họ và các họa sĩ thật sự có thể giao dịch, triển lãm, giới thiệu tác phẩm và là đầu mối trung chuyển tranh thật tới người mua.
Đa phần các gallery chụp giật tới mức sẵn sàng thuê cả đội thợ chép giá bèo, hàng ngày đẻ ra những sản phẩm “ăn cắp”, “ăn cướp”, “hút máu” các họa sĩ khác, ngay khi họ còn sống sờ sờ.
Nhiều họa sĩ kể rằng họ đi vào gallery, thấy người ta chép tranh mình và đương nhiên cũng nhận ra tác giả, nhưng đành đi ra, vì kể cả biết rõ là thế thì họa sĩ làm gì được người ta?
Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) là nơi có hàng ngàn khách du lịch từ khắp thế giới viếng thăm mỗi ngày, đáng tiếc lại là nơi tồn tại rõ nhất tình trạng này. Chỉ mấy kilomet vuông phố cổ Hội An có tới hàng trăm gallery, thực chất phải gọi là cửa hàng chép tranh, dọc đường Trần Phú, quanh khu Chùa Cầu... Và các họa sĩ đi vào rồi lại bất lực đi ra, lặng yên nhìn người ta ăn cắp chất xám của mình.
Họa sĩ Đào Hải Phong kể có người chuyên chép tranh ở Hàng Trống (Hà Nội) gọi điện cho anh, bảo em từng chép nhiều tranh của anh rồi, nhưng lần này thì xin anh cho em một bức, vì khách đòi tranh thật.
Họa sĩ Đào Hải Phong trong xưởng vẽ |
Họa sĩ Văn Thơ từng có lần quá bức xúc lao vào rạch nát một bức tranh của gallery ở Hà Nội, vì họ cứ ngang nhiên chép tranh ông, mặc dù chủ cửa hàng đã cam kết không làm như thế nữa. Cuộc “ẩu đả” cuối cùng được đưa về giải quyết dân sự, yêu cầu chủ cửa hàng xin lỗi. Và, tất nhiên, kiểu giải quyết như thế chẳng đi đến đâu.
Những sản phẩm hàng chợ, kém phẩm chất vẫn cứ đang ngày ngày chuyển đi khắp nơi, theo những ông bà “tây ba lô” ra cả thế giới, khiến những người có con mắt thật sự thì nghi ngờ về một nền mỹ thuật kém cỏi, còn giới họa sĩ trong nước thì lắc đầu ngán ngẩm trước tình trạng loạn không thể kiểm soát.
Muốn làm sạch thị trường mỹ thuật, phải mạnh dạn đừng treo tranh xấu, đừng môi giới bán tranh rác, tranh nhảm, tranh chép bừa bãi chỉ để kiếm lời. Nhưng, ai, cơ quan nào sẽ kiểm soát và xử lý tình trạng trên?
Hòa Bình
>>Bài tiếp theo: Phải đánh mạnh vào tâm thức nghệ thuật Việt